Những môn thể thao "lạ" tại Ðại hội Thể thao bãi biển châu Á

09:10, 06/10/2016

"Cũ người mới ta", có nhiều môn thể thao xuất hiện tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần 5 ở Đà Nẵng lần này có vẻ còn rất "lạ" với người Việt.

“Cũ người mới ta”, có nhiều môn thể thao xuất hiện tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần 5 ở Đà Nẵng lần này có vẻ còn rất “lạ” với người Việt.
 
Đây là lần thứ 5 Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG) diễn ra và lần đầu tiên Việt Nam đăng cai giải thể thao qui mô cấp châu lục này. Trong hơn 12 ngày (từ 24/9 đến 5/10/2016) ABG - 2016 có 14 môn thi đấu với 22 phân môn, dự kiến có khoảng 3.000 VĐV cùng rất đông quan chức của 42 đoàn thể thao đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đến Đà Nẵng tranh 172 bộ huy chương.  
 
Như tên gọi của đại hội, tất cả những môn thi đấu trên đều được diễn ra trên bãi biển. Hầu hết những môn thể thao này có những môn khá quen thuộc với người Việt như bơi, bóng đá bãi biển, điền kinh, thể hình, đua thuyền, đá cầu bãi biển…; có những môn dù mới du nhập vào Việt Nam gần đây nhưng cũng khá phổ biến như bóng gỗ, bi sắt… Tuy nhiên cũng có những môn nghe “mới toanh” với người Việt dù đã hiện diện rất lâu trên thế giới, chẳng hạn như Kabaddi, Kurash, Sambo…
 
Thi đấu Kabaddi tại ABG - 5 Đà Nẵng
Thi đấu Kabaddi tại ABG - 5 Đà Nẵng
Kabaddi - trò chơi của người Ấn
 
Là một trò chơi dân gian phổ biến - một môn thể thao đối kháng của người Ấn cổ, Kabaddi có rất nhiều biến thể, nhiều cách chơi ở đất nước rộng lớn này với các cách chơi tương đối khác biệt tùy từng vùng. Không chỉ đóng khung tại Ấn mà Kabaddi còn lan sang nhiều quốc gia chung quanh Ấn như Bangladesh (thật ra quốc gia này từng là một phần của Ấn Độ được tách ra), tại đảo quốc Maldives. Thậm chí tại Bangladesh môn chơi này (với tên gọi là Hadudu) còn được xem là môn thể thao quốc gia; riêng tại Ấn Độ ít nhất có 7 bang coi đây là môn thể thao chính của bang mình.
 
Để quảng bá môn chơi này đồng thời cũng thông qua đó quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước ra với thế giới, Ấn Độ đã giới thiệu Kabaddi tại Thế vận hội Berlin - Đức năm 1936. Hai năm sau năm 1938 Kabaddi được người Ấn đưa vào nội dung thi đấu tại Đại hội Thể thao Quốc gia nước này. Năm 1950, Liên đoàn Kabaddi toàn Ấn được thành lập và bắt đầu thống nhất lại điều lệ của môn chơi này, Năm 1972, giải đấu nghiệp dư Kabaddi Ấn cho nam bắt đầu khởi tranh.
 
Tuy nhiên, phải đến năm 1979, Kabaddi mới bắt đầu lan rộng ra khỏi khu vưc Nam Á. Sundar Ram - HLV Kabaddi nổi tiếng người Ấn đã đại diện cho Liên đoàn Kabaddi Nghiệp dư châu Á của Ấn Độ sang quảng bá tại Nhật Bản trong vòng 2 tháng. Năm 1980, giải vô địch Kabaddi châu Á được tổ chức với 5 quốc gia tham dự gồm Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Nhật Bản và Malaysia, năm đó Ấn Độ vô địch. Năm 1990, tại Á vận hội Bắc Kinh, môn thể thao này mới chính thức được đưa vào nội dung thi đấu với 7 quốc gia tham gia và cho đến nay, Kabaddi đã có mặt nhiều quốc gia trên thế giới.  
 
Tại Ấn Độ, có 4 hình thức chơi Kabaddi gồm Sanjeevani Kabaddi, Gaminee Kabaddi, Amar Kabaddi và Punjabi Kabaddi, tất cả được tổ chức bởi Liên đoàn Kabaddi Nghiệp dư Ấn, mỗi hình thức có luật chơi riêng, mang đậm dấu ấn văn hóa của từng vùng.
 
Tuy nhiên, trong Kabaddi quốc tế thể lệ chơi đã được thống nhất lại với cách chơi khá đơn giản; mỗi đội có 7 người, thi đấu 2 hiệp, mỗi hiệp dài 20 phút, xen kẽ 5 phút nghỉ giữa hiệp trong khi 2 đội đổi sân. Lần lượt các đội cử người của mình sang phần sân đối phương và trong vòng 1 hơi thở (khoảng 30 giây) phải chạm được vào người 1 hay 2 đối thủ rồi chạy về sân mình. Nhiệm vụ của đội bạn là không cho đối thủ chạm vào mình và ngăn chặn đối thủ chạy về sân nhà bằng cách vật ngã. Tùy theo tình huống để tính điểm, đội nào nhiều điểm hơn sẽ thắng cuộc. Kabaddi có thể chơi trong nhà, ngoài trời hay ở bãi biển với những thay đổi nhỏ.
 
Những môn võ dân tộc 
 
Tương tự như cách làm của Ấn Độ trong Kabaddi, nhiều quốc gia cũng đưa các môn thể thao dân tộc của mình vào các đại hội thể thao khu vực hay châu lục với mục tiêu quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước của mình ra với bên ngoài, điển hình là các môn võ. 
 
Tại ABG 5 ở Đà Nẵng lần này trong danh sách môn thi đấu có đến 8 môn võ dân tộc của các quốc gia, trong đó, Việt Nam lần đầu tiên đưa môn võ cổ truyền vào, cùng với môn Vovinam đã có trước đó thành 2 môn, 6 môn còn lại gồm vật, Muay (Thái Lan), Pencak Silak (Indonesia), Ju- jitsu (Nhu thuật - Nhật) và đặc biệt là 2 môn võ Sambo (Nga) và Kurash (của Uzebekistan).
 
Trong khi các môn võ của các quốc gia trong vùng tương đối được nhiều người Việt biết đến như Muay Thái, Pencak Silat của Indonesia hoặc như Nhu thuật Ju - jitsu của Nhật truyền bá khá rộng rãi tại Việt Nam thì hai môn Sambo của Nga và Kurash của Uzebekistan lại tương đối ít phổ biến.
 
Sambo là một môn vật nổi tiếng của người Nga, tên của nó nghĩa là “tự vệ tay không”. Bắt nguồn từ môn đấu vật dân gian của người Nga, 2 HLV Nga là Vasili Oshchepkov và Viktor Spiridonov đã nâng bộ môn này lên thành môn võ hoàn chỉnh bằng cách kết hợp kỹ thuật của các môn võ tự vệ khác trên thế giới như Nhu đạo (Juđo), Nhu thuật (Ju-jitsu) của Nhật lẫn môn Kurash của người Trung Á. Sambo sau đó được quảng bá rộng rãi tại Nga, trong khoảng thập niên 1920, được huấn luyện trong quân đội Xô Viết một thời với cách chiến đấu rất hiệu quả. Ở Việt Nam, môn võ này chưa phổ biến nhiều.
 
Trong khi đó, Kurash của Uzebekistan cũng là một môn vật nổi tiếng không kém của của quốc gia này, tuy nhiên, đây là môn võ chung cho đông đảo cộng đồng người Trung Á, trong đó có Uzbekistan và cả Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng như vật cổ truyền Việt Nam, luật chơi của Kurash khá đơn giản nhưng có những đòn đánh rất hiệu quả. Đặc biệt, Kurash được phát triển thành một môn thể thao - tự vệ truyền thống kiểu cha truyền con nối, hằng năm có các lễ hội thi đấu trong các cộng đồng người giữa làng này với làng nọ như vật của Việt Nam. Dưới thời Liên bang Xô Viết, môn võ này được tổ chức thành các giải thi đấu lớn với sự tham gia của rất nhiều VĐV đến từ các quốc gia trong vùng Trung Á. Những năm gần đây, Kurash có giải vô địch thế giới với chủ yếu là VĐV trong vùng Trung Á.
 
GIA KHÁNH