Bất chấp mưa gió và lạnh, hầu hết các VÐV khuyết tật đều hào hứng so tài với nhau trên đường đua sũng nước tại Hội thao Người khuyết tật Ðà Lạt tổ chức trong đầu tháng 11 vừa qua. Tất cả đều mong ước được như là một con người bình thường, được chơi thể thao và tận hưởng niềm vui từ thể thao mang lại.
Bất chấp mưa gió và lạnh, hầu hết các VÐV khuyết tật đều hào hứng so tài với nhau trên đường đua sũng nước tại Hội thao Người khuyết tật Ðà Lạt tổ chức trong đầu tháng 11 vừa qua. Tất cả đều mong ước được như là một con người bình thường, được chơi thể thao và tận hưởng niềm vui từ thể thao mang lại.
|
Thi xe lắc tại Hội thao Người khuyết tật Đà Lạt. Ảnh: V. Trọng |
Cầm tấm huy chương trong tay với nụ cười rạng rỡ, chị Hoàng Thị Quế, 43 tuổi vẫn còn chút ngạc nhiên là sao mình lại giành được huy chương.
Đó là tấm Huy chương Đồng trong nội dung xe lăn mà chị - một người khuyết tật lâu nay như cột chặt đời mình với vườn rau ở phường 5 - Đà Lạt không bao giờ nghĩ đến. Chị bị sốt bại liệt từ nhỏ, khi lành bệnh hai chân teo lại. Mặc cảm với cuộc đời về thân phận, chị lâu nay chỉ quẩn quanh trong nhà và vườn, rất ngại gặp người lạ. Chị không muốn thấy cặp mắt thương hại của người đời nhìn chị.
Duyên số rồi cũng đến với chị dù muộn. Chị lập gia đình, có 2 đứa con xinh xắn. Một người quen đã nhiều lần vận động chị gia nhập Hội Người khuyết tật thành phố, chị ngần ngừ mãi rồi mới điền vào lá đơn chỉ cách đây vài tháng.
Và mọi thứ đã thay đổi rất nhanh: “Hội như ngôi nhà mới của tôi” - chị Quế phấn khởi. Ở đó chị được gặp những người đồng cảnh ngộ mình, “Nói chuyện gì với họ cũng thấy dễ hơn”. Đây là lần đầu tiên trong đời chị được tham dự một giải thể thao. “Các anh chị trong hội cứ bảo tôi thi đi, vui lắm, thế là phải cố chạy vì mọi người, mà giải vui thật” - chị sôi nổi.
Với anh Ngô Văn Tâm, 42 tuổi, người phường 2 - Đà Lạt, đây đã là lần thứ hai anh tham dự giải thể thao cho người khuyết tật. Năm ngoái, anh dự giải tỉnh, giành được Huy chương Đồng trong nội dung xe lắc và Huy chương Bạc trong xe lăn. Còn năm nay, anh giành Huy chương Vàng xe lăn.
“Tôi nóng lòng mong chờ giải thành phố này diễn ra, được gặp nhiều người, được thi đấu thể thao ai mà không vui?” - anh Tâm phân trần. Lớn lên với đôi chân bị liệt, anh Tâm cho biết đã phải làm rất nhiều nghề để tự thân kiếm sống, từ làm cây cảnh đến sửa xe máy. “Hoàn cảnh vậy thì phải chịu vậy, phải cố hết sức trong khả năng của mình thôi” - anh mộc mạc.
Theo anh Tâm, người khuyết tật lâu nay chịu nhiều thiệt thòi lắm, chẳng có nhiều việc làm phù hợp cho người khuyết tật trong xã hội và cũng không thể dễ dàng tìm được việc làm nên nhiều người phụ thuộc gia đình, rất mặc cảm. Ra đường thì nhiều con đường chẳng có vỉa hè, người khuyết tật trên xe lăn, xe lắc phải nhào xuống lòng đường tranh đi với xe máy, ô tô rất nguy hiểm nên nhiều người hầu như chẳng muốn ra đường. Hoạt động cộng đồng dành cho người khuyết tật cũng rất ít, hầu như chẳng có gì; họ như bị lạc lõng, như người thừa trong xã hội.
Chính vì vậy, việc Hội Người khuyết tật tỉnh năm ngoái phối hợp với ngành Thể thao tỉnh tổ chức giải thể thao người khuyết tật, năm nay, Đà Lạt cũng tổ chức giải cấp thành phố và sắp tới có giải cấp tỉnh trở lại, “đúng là một tin vui” với những người khuyết tật như anh Tâm. Đạt được huy chương ở giải theo anh Tâm đúng là vui, nhưng vui nhất là được gặp gỡ mọi người, được cùng thi đấu với nhau. “Lâu nay chỉ là khán giả ngồi xem mọi người thi đấu qua truyền hình nhiều rồi, nay mình được thi đấu thì phải tham dự chứ” - anh Tâm khẳng định.
Còn với ông Nguyễn Hữu Rỡ, 53 tuổi, người phường 7 - Đà Lạt, cũng bày tỏ niềm vui khi lần đầu tiên tham dự nhưng giành được đến 2 Huy chương Đồng trong đua xe lắc và xe lăn. “Trước đây, tôi là tài xế mà” - ông cười trong lúc chống đôi nạng gỗ về chỗ ngồi sau khi lên bục nhận huy chương.
Ông Rỡ cho biết, trước đây, ông vốn là một tài xế xe tải đường dài, nhiều năm “chinh chiến” trên con đường Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh trên các chuyến xe rau hằng ngày. Rồi một căn bệnh đã làm ông mất nghề tài xế - đó là căn bệnh “Gút” (Gout) quái ác, chữa đi chữa lại, ông phải mổ 11 lần tại các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh và lần cuối để cứu tính mạng, các bác sỹ phải tháo khớp háng một bên chân của ông.
Đó là giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc đời ông - ông Rỡ nhớ lại. Khi vết mổ lành ông chỉ biết cả ngày nằm dài trên giường, không muốn đi đâu, không muốn gặp ai. Một tổ chức đến tặng xe lăn cho ông và mời ông tham gia Hội Người khuyết tật; phải rất lâu sau đó ông mới đăng ký và rồi như chị Quế, ông tìm lại được niềm vui sống của mình.
“Tôi đã thay đổi hẳn, không còn buồn phiền. Tôi thấy vẫn còn rất nhiều người có hoàn cảnh như mình hoặc tệ hơn mình nhưng họ luôn vươn lên, tôi học được nhiều điều ở họ” - ông Rỡ kể. Ông ở nhà nay làm hộp giấy đựng dâu tây cùng vợ. Ông đến cuộc thi với tinh thần thể thao thật sự, thắng thua không quan trọng, vui là được.
Theo ông Nguyễn Văn Đại, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Đà Lạt, toàn thành phố ước tính có khoảng trên 8.500 người khuuyết tật trong nhiều hình thức, hiện nay chỉ mới 266 người tham gia Hội.
“Chúng tôi có rất nhiều hoạt động cho hội viên, hầu như mỗi tháng đều có sinh hoạt, tổ chức văn nghệ gây quỹ, đến thăm và giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn bệnh tật trong hội, tổ chức giao lưu với hội bạn… Chúng tôi còn tham gia các phong trào thi đua của Hội tỉnh phát động, có Ban thường trực hội vận động gây quỹ giúp người trong hội…” - ông Đại cho biết.
Hội theo ông Đại, là một ngôi nhà chung cho người khuyết tật, đến đó mọi người sẽ thấy không khí sinh hoạt giống như một gia đình, nơi mọi người cùng quan tâm, chia sẻ, đồng cảm với nhau.
Với giải thể thao này, theo ông Đại, tinh thần mọi người rất cao, bất chấp mưa gió vẫn thi đấu. Họ mong mình được như một người bình thường, muốn khẳng định vẫn có thể làm được những điều như người bình thường cả trong thể thao nữa. Ông mong chính quyền tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn cho người khuyết tật, tạo cơ hội cho họ hòa nhập cộng đồng, trong đó có việc tổ chức các giải thể thao như thế này hằng năm.
VIẾT TRỌNG