Hầu hết các môn võ đang phát triển trong nước đến nay ít nhiều đã có mặt tại Lâm Ðồng; võ thuật lâu nay góp phần không nhỏ đưa phong trào TDTT Lâm Ðồng phát triển.
Hầu hết các môn võ đang phát triển trong nước đến nay ít nhiều đã có mặt tại Lâm Ðồng; võ thuật lâu nay góp phần không nhỏ đưa phong trào TDTT Lâm Ðồng phát triển.
|
Một lớp võ trong vùng sâu Đam Rông. Ảnh: V. Trọng |
Ðưa võ đến vùng sâu
Hiện Lâm Đồng có 9 liên đoàn và hội võ thuật gồm Liên đoàn Võ thuật cổ truyền, Liên đoàn Karatedo, Liên đoàn Taekwondo, Liên đoàn Vovianam, các Hội Judo, Aikido, Pencak Silak, Boxing và Kickboxing, gần đây có thêm bộ môn Muoay Thái nhưng chưa thành lập hội.
Nổi bật nhất hiện nay là Liên đoàn Võ cổ truyền Lâm Đồng với 50 võ đường trong tỉnh, trên 50 võ sư cùng khoảng 100 huấn luyện viên (HLV), (mỗi võ đường thường có 1 - 2 HLV phụ tá) đang hoạt động, khoảng 2.500 môn sinh tập luyện hằng ngày. Hiện các võ đường của Võ cổ truyền đã có mặt ở 12/12 huyện, thành trong tỉnh, kể cả ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Không chỉ có phong trào tốt, Võ cổ truyền còn có một đội tuyển cấp tỉnh thi đấu rất tốt tại các giải quốc gia hằng năm. Thực chất, môn võ này đang mang về rất nhiều huy chương từ các giải khu vực và trong nước về cho Lâm Đồng và đang nằm trong nhóm 5 đội dẫn đầu trong nước vài năm gần đây.
Điều đáng nói, từ Võ cổ truyền, rất nhiều môn võ khác cũng có cơ hội phát triển. Hay nói cách khác, các võ sinh của Võ cổ truyền cũng có thể thi đấu cho các bộ môn có chút ít liên quan gần với mình như Boxing, Kickboxing, Pencak Silat và cả Muay Thái. Trong thực tế, hầu hết VĐV các môn này thi đấu trong đội tuyển tỉnh của các bộ môn này đều xuất thân từ Võ cổ truyền.
Hai liên đoàn khác cũng có hoạt động khá mạnh trong tỉnh hiện nay là Liên đoàn Karatedo và Liên đoàn Taekwondo. Cũng giống như Võ cổ truyền, 2 liên đoàn này có phong trào rất mạnh trong trường học, phát triển đến tận các huyện vùng sâu. Karatedo hiện có khoảng hơn nghìn môn sinh; Taekwondo nhiều hơn với khoảng 1.200 môn sinh tập luyện tại 26 CLB ở 11 huyện, thành trong tỉnh (trừ huyện Cát Tiên chưa có).
Theo Liên đoàn Taekwondo, trong gần 1 năm nay từ khi được nâng từ hội lên liên đoàn, hoạt động bộ môn này đã ngày càng quy củ và bài bản hơn, Liên đoàn Taekwondo hằng năm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn cho HLV bộ môn mình, tổ chức thi nâng đẳng cho môn sinh, phối hợp tỉnh tổ chức giải cấp tỉnh hằng năm. Đội tuyển Taekwondo trẻ của Lâm Đồng thi đấu rất tốt tại giải khu vực và quốc gia hàng năm những năm gần đây.
Trong khi đó, các môn còn lại như Judo, Aikido... phát triển không mạnh lắm, chủ yếu ở Đà Lạt. Với bộ môn Judo (Nhu đạo), do đặc thù cần có một nhà tập với thảm đấu nên môn này khó phát triển rộng đến các huyện dù Lâm Đồng đang có một đội ngũ võ sư, HLV rất trình độ và nhiều kinh nghiệm. Những năm gần đây, Judo trẻ Lâm Đồng cũng giành nhiều huy chương từ các giải trẻ trong nước.
Đáng tiếc nhất là bộ môn Vovinam, Lâm Đồng đã từng có một đội tuyển Vovinam rất mạnh nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Nhưng suốt một thời gian dài Liên đoàn này hầu như hoạt động cầm chừng, đến nay dù cố khôi phục lại phong trào nhưng rất khó trở lại vị thế như trước.
Ðể võ thuật phát triển mạnh hơn
Khó nhất hiện nay trong võ thuật chính là việc nâng cao chất lượng phong trào và trình độ chuyên môn cho HLV lẫn VĐV trong các đội tuyển tỉnh.
Theo Võ sư Trương Văn Bảo - nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Lâm Đồng, hiện là Phó Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, hầu hết các võ sư HLV hiện nay đều là người dạy võ theo kiểu “bán chuyên nghiệp”, có người là nông dân ngày ngày lo chuyện rẫy vườn mưu sinh, có người là công chức, viên chức bận rộn công việc cơ quan cả ngày, ít thời gian dành cho võ thuật, ít có điều kiện giao lưu, tập huấn nâng cao trình độ để bắt kịp sự phát triển của võ thuật hiện đại.
Cùng đó, các liên đoàn, các hội chuyên môn do phải tự túc trong mọi hoạt động của mình nên cũng khó có điều kiện về tài chính cũng như cơ sở vật chất để nâng cao trình độ chuyên môn cho các VĐV bộ môn mình được chọn vào đội tuyển tỉnh thi đấu giải quốc gia. Để đạt huy chương từ các giải quốc gia hiện nay không hề dễ dàng chút nào khi rất nhiều tỉnh, thành trong nước đang đầu tư rất mạnh cho đội tuyển của họ.
Chính vì vậy, vai trò hỗ trợ của ngành Thể thao tỉnh, theo Võ sư Bảo là rất quan trọng. Bên cạnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho HLV, tổ chức các giải cấp tỉnh cho các bộ môn, ngành Thể thao tỉnh cũng cần giúp đỡ, tạo điều kiện cho các liên đoàn, hội võ thuật hoạt động, mở rộng và phát triển phong trào trong tỉnh. “Phong trào phát triển càng rộng, càng đông võ sinh thì giải cấp tỉnh càng nhiều VĐV thi đấu, tỉnh có điều kiện tuyển được VĐV giỏi vào đội tuyển tỉnh thi đấu giải quốc gia hằng năm. Bộ môn nào cũng cần các tuyến, có lực lượng kế thừa để phát triển bộ môn về lâu về dài” - ông nói.
Còn theo Võ sư Nguyễn Đăng Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Lâm Đồng, tỉnh bên cạnh việc tạo cơ chế để các liên đoàn phát triển, cần hỗ trợ giúp đỡ các liên đoàn, hội võ thuật phát triển trong học đường đặc biệt là các trường học vùng sâu, vùng xa.
VIẾT TRỌNG