Không chỉ tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều giải thể thao cấp thành phố trong năm, Trung tâm Văn hóa Thể thao Đà Lạt còn là thành viên tích cực đi đầu tỉnh trong việc tham gia các giải thể thao cấp tỉnh hằng năm.
Không chỉ tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều giải thể thao cấp thành phố trong năm, Trung tâm Văn hóa Thể thao Đà Lạt còn là thành viên tích cực đi đầu tỉnh trong việc tham gia các giải thể thao cấp tỉnh hằng năm.
|
Hội thao người khuyết tật Đà Lạt được Trung tâm VHTT Đà Lạt tổ chức trong năm 2016. Ảnh: V. Trọng |
Khắc phục khó khăn
Nếu nói về khó khăn thì hiện nay 11 huyện, thành còn lại của Lâm Đồng không đơn vị nào khó khăn hơn Trung tâm Văn hóa Thể thao (VHTT) Đà Lạt.
Trong khi hầu hết các huyện, thành trong tỉnh đã từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất sân bãi thi đấu cho các trung tâm VHTT của địa phương mình để tổ chức các hoạt động trên địa bàn, như Lạc Dương chẳng hạn - huyện rất khó khăn của tỉnh cạnh Đà Lạt nay đã có nhà thi đấu vài mươi tỷ đồng, thì Trung tâm VHTT Đà Lạt trong suốt nhiều năm nay hầu như chẳng có gì. Không sân bãi, không nhà thi đấu, ngay cả chỗ làm việc cũng lang thang tạm bợ nhiều nơi trước khi đến chỗ làm việc mới tại Quảng trường Lâm Viên hiện nay.
Không có cơ sở vật chất nên muốn tổ chức các giải thể thao cấp thành phố, Trung tâm VHTT Đà Lạt rất bị động. Không chi tốn kém kinh phí nhà nước vào chuyện thuê mướn sân bãi, như bà Ngô Thị Bích - Giám đốc Trung tâm cho biết, còn rất khó lên lịch tổ chức các giải thể thao hằng năm. “Như muốn tổ chức giải quần vợt thành phố chẳng hạn, phải liên hệ trước với họ khá lâu để thuê sân nhưng đến nhiều lúc giờ chót cũng phải thay đổi vì họ có các hoạt động của họ”.
Là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng, là thành phố đặc thù về du lịch - nghỉ dưỡng, thích hợp cho các hoạt động văn hóa thể thao, Đà Lạt cần phát triển hệ thống sân bãi thể thao cho riêng mình, do đơn vị chức năng là Trung tâm VHTT Đà Lạt quản lý. Hệ thống sân bãi, nhà thi đấu nếu có không chỉ là nơi phục vụ cho người dân trên địa bàn, phục vụ các hoạt động văn hóa thể thao của thành phố mà còn là nơi tổ chức các cuộc thi đấu khi giải tỉnh diễn ra hoặc thành phố có thể dùng để đăng cai các giải quốc gia.
Lời biện hộ lâu nay cho tình cảnh này là “Đà Lạt rất khó về quỹ đất đai”. Nhiều người sẽ hỏi rằng “Làm sân bãi cho Trung tâm ở đâu?”. Xây ở đâu cũng là một câu chuyện nhưng vấn đề là thành phố có chịu bắt tay vào làm hay không?
Điều đáng nói nhất, dù khó khăn nhưng Trung tâm VHTT Đà Lạt lâu nay vẫn tổ chức rất tốt các hoạt động trong năm cho người dân trên địa bàn.
Như trong năm 2016 Đà Lạt đã tổ chức 7 giải thể thao phong trào với hằng nghìn VĐV tham gia thi đấu. Trong số này có những giải tổ chức rất qui mô với nhiều VĐV tham dự, nhiều nội dung thi đấu, kéo dài trong nhiều ngày như giải vô địch quần vợt toàn thành trong tháng 3, giải vô địch bóng bàn thành phố tháng 5, giải vô địch cờ tướng Đà Lạt cuối tháng 8, Hội thao người khuyết tật toàn thành 2016 trong tháng 11...
Đặc biệt, Trung tâm trong nhiều năm đã duy trì rất tốt phong trào bóng đá phường, xã tại Đà Lạt thông qua các giải bóng đá tổ chức định kỳ trong năm, đó là các giải dành cho học sinh trong hè và giải sân lớn 11 người trong dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, Trung tâm VHTT Đà Lạt còn phối hợp với nhiều đơn vị, ban, ngành trong thành phố để tổ chức các hoạt động TDTT hằng năm, như phối hợp với Thành Đoàn Đà Lạt tổ chức giải đua xe đạp nước dịp đầu năm mới; phối hợp với Phòng Giáo dục Đà Lạt tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố cho học sinh; phối hợp với Liên đoàn Lao động Đà Lạt tổ chức hội thao cho khối công nhân viên chức người lao động, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Đà Lạt tổ chức hội thao “Phụ nữ khỏe”.
Trong nhiều năm nay Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị ngoài tỉnh tổ chức các sự kiện thể thao lớn trên địa bàn như giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương mở rộng, giải xe đạp Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh trong chặng đua quanh hồ Xuân Hương hằng năm.
Thành viên tích cực của giải cấp tỉnh
Không chỉ là thành viên tích cực của các giải thể thao cấp tỉnh trong nhiều năm nay, sự có mặt của đơn vị Đà Lạt trong nhiều giải còn mang ý nghĩa “sống còn”. Hay nói cách khác rất nhiều giải tỉnh hiện nay hầu như chỉ có các đơn vị của Đà Lạt tham gia, các địa phương huyện, thành trong tỉnh còn lại rất ít khi có mặt. Như giải bóng bàn và giải cầu lông toàn tỉnh tổ chức trong năm chẳng hạn, nếu không có mặt Trung tâm VHTT Đà Lạt và các đơn vị trên địa bàn thành phố này thì các giải này khó mà thành công được.
Trong năm 2016, Trung tâm VHTT Đà Lạt đã cử VĐV tham gia 14 giải cấp tỉnh, nhiều nhất trong tổng số 12 huyện, thành của tỉnh.
Không chỉ tham dự cho có, ở hầu hết các giải khi có mặt, các VĐV Đà Lạt đều có thành tích rất tốt, như giải quần vợt toàn tỉnh đoàn VĐV Đà Lạt giành đến 14 huy chương (HC), trong đó có 4 vàng; giải cầu lông toàn tỉnh giành 9 HC; các giải trẻ võ cổ truyền, giải võ cổ truyền toàn tỉnh, Liên hoan gia đình thể thao, Hội thao người cao tuổi toàn tỉnh… đoàn Đà Lạt đều giành giải nhất toàn đoàn.
Điểm thuận lợi cho Đà Lạt là nhiều giải tỉnh tổ chức ngay tại Đà Lạt nên Trung tâm VHTT Đà Lạt dễ dàng cử người tham dự. Tuy nhiên, rất nhiều giải trong năm tổ chức ở các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lộc, Đạ Tẻh… dù xa, tốn kém kinh phí ăn ở đi lại nhưng Đà Lạt vẫn cử đoàn thi đấu.
Lý giải cho việc không tham dự giải tỉnh nhiều địa phương cho rằng do kinh phí hoạt động có hạn nên khó cử đoàn đi, nhất là các giải tổ chức trong dịp cuối năm. Với lý do này, nhiều huyện mỗi năm chỉ tham dự vài giải cấp tỉnh cho có lệ. Đã đến lúc ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cần lưu ý đến việc này và nên chăng cần qui định cụ thể để các địa phương đăng ký tham gia các giải tỉnh ngay từ đầu năm và việc tham dự giải tỉnh nên được đưa vào tiêu chí xếp loại thi đua trong năm để tránh cái cảnh giải tỉnh tổ chức nhưng chỉ lèo tèo vài địa phương có mặt như hiện nay.
Còn với Đà Lạt, theo bà Ngô Thị Bích, dù khó nhưng biết cách sắp xếp là được: “Chúng tôi cũng như các đơn vị bạn, kinh phí cấp cũng tính theo đầu người rất hạn hẹp, đơn vị còn mất tiền thuê mướn sân bãi, tuy nhiên vì phong trào chung của tỉnh nên Đà Lạt vẫn cử VĐV tham dự được”.
VIẾT TRỌNG