Trong hơn 10 năm gần đây, Di Linh nổi lên như một địa phương hàng đầu trong phong trào việt dã của Lâm Ðồng khi VÐV của họ luôn dẫn đầu giải việt dã toàn tỉnh hằng năm.
Trong hơn 10 năm gần đây, Di Linh nổi lên như một địa phương hàng đầu trong phong trào việt dã của Lâm Ðồng khi VÐV của họ luôn dẫn đầu giải việt dã toàn tỉnh hằng năm.
|
HLV Phan Hoàng Điệp (hàng sau, thứ ba từ bên trái sang) cùng các thành viên trong CLB Điền kinh Gia Hiệp - Di Linh |
Bí quyết nào?
Đó là vào năm 2003, khi lần đầu tiên vận động viên (VĐV) kiêm huấn luyện viên (HLV) Phan Hoàng Điệp của đơn vị Di Linh đưa đến giải việt dã toàn tỉnh một lứa VĐV chạy trên “chân đất” làm kinh ngạc cả giải đấu này khi thâu tóm gần hết số huy chương của giải, từ nội dung nam tuyển, nữ tuyển đến các giải nam trẻ, nữ trẻ. Từ đó đến nay, Di Linh năm nào hầu như cũng thống trị trên đường chạy của tỉnh mỗi khi giải diễn ra.
Giải việt dã toàn tỉnh năm nay cũng thế. Diễn ra trong cuối tháng 11 tại Đà Lạt vừa qua, các VĐV của đơn vị Di Linh hầu như áp đảo trong các nội dung thi đấu, giành gần hết số huy chương mà Ban tổ chức trao cho VĐV.
Trong nội dung cá nhân nam tuyển 10 km (chạy 2 vòng quanh hồ Xuân Hương), VĐV về nhất là Đinh Hoàng Phúc mặc dù chạy cho đơn vị Đà Lạt (vì đang nằm trong đội tuyển Lâm Đồng tập trung tại Đà Lạt nên thi đấu cho thành phố Đà Lạt) nhưng cũng là VĐV xuất thân từ Di Linh được tập trung lên đội tuyển điền kinh tỉnh. VĐV Đoàn Ngọc Hoàng về thứ ba với Huy chương Đồng trong nội dung nam tuyển này cũng là người Di Linh.
Trong nội dung cá nhân nữ tuyển, trong khi giải nhất được trao cho VĐV Nguyễn Thị Hoài - Đà Lạt, vốn là thành viên của đội tuyển trẻ Lâm Đồng đang tập huấn tại Đà Nẵng, thì cả 2 giải nhì và ba đều thuộc về VĐV của Di Linh là Huỳnh Thị Trà My và Đặng Thị Thu Trang. Trong nội dung nữ trẻ, cả 3 vị trí dẫn đầu với 3 tấm Huy chương Vàng, Bạc, Đồng đều thuộc về Di Linh với các VĐV Hà Thị Mộng Linh, Nguyễn Thúy Nghi và Đào Thị Linh Nhi.
Điều đáng nói, các VĐV Di Linh đoạt giải năm nay hầu hết đều còn rất trẻ. “Đây là lớp VĐV trẻ thay thế cho các anh chị đã lớn tuổi trước đó”- HLV Phan Hoàng Điệp cho biết. Di Linh năm nay đưa đến giải gần 20 VĐV, tất cả đều là học sinh của Trường Trung học cơ sở Gia Hiệp và Trung học phổ thông Nguyễn Viết Xuân đóng chân trên địa bàn xã Gia Hiệp - Di Linh.
Ham thích chạy bộ từ nhỏ, từng là VĐV trong đội tuyển điền kinh Lâm Đồng nhiều năm, Phan Hoàng Điệp khi giã từ đường chạy quốc gia về nhà ở Gia Hiệp làm cà phê (nhà anh có hơn 3 ha cà phê), anh đã truyền niềm đam mê thể thao của mình cho các trẻ em trong vùng. Cứ mỗi buổi chiều khi rảnh công việc anh lại mang giày cùng các em nhỏ trong vùng chạy bộ trên các con đường trong xã, hình thành một CLB Việt dã ở Gia Hiệp. Mỗi khi có giải của huyện hay giải tỉnh nhóm của anh lại trổ tài, Gia Hiệp dần trở thành vùng đất việt dã của Di Linh. Từ một nhà nông, Phan Hoàng Điệp lại trở thành HLV nghiệp dư trong suốt 13 năm nay.
Đặc biệt, các VĐV do anh huấn luyện khi tham dự giải cấp huyện hay tỉnh trong nhiều năm nay đều chạy trên đôi chân trần dù đường nhựa hay trên đường đất. Chính điều này đã làm VĐV của Di Linh trông rất khác biệt so với các VĐV còn lại trên đường chạy, trở thành một “thương hiệu” rất riêng cho việt dã Di Linh.
Tuy nhiên, theo anh Điệp, sở dĩ các VĐV do anh huấn luyện chạy trên chân trần là vì “không có tiền để mua giày chạy”. Mỗi đôi giày để chạy được và bền theo anh cũng có giá cả triệu đồng trong khi các em nhiều gia đình rất khó khăn, còn nếu mua giày vải thì cũng cả trăm nghìn nhưng chỉ chừng 1 tuần chạy là hỏng nên “tốt nhất cứ chạy trên chân trần. Tập sao thi đấu vậy, đến giải các VĐV cứ trên chân trần mà vào cuộc.
Vậy thì có bí quyết nào để Di Linh cứ luôn dẫn đầu giải việt dã của tỉnh trong suốt nhiều năm nay? Theo HLV Điệp, chẳng có bí quyết nào ở đây cả, đơn giản chỉ là tập luyện và tập luyện. CLB của anh hoạt động trên tinh thần tự nguyện, với các thành viên yêu thích thể thao, yêu thích đường chạy, chiều chiều tập hợp với nhau cùng chạy, quanh năm suốt tháng. Động lực chung cho cả CLB là được đi đây đi đó, được đi thi đấu. Khi là thành viên của CLB các thành viên sẽ có cơ hội tham dự giải tỉnh, giải chạy các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Thuận, Vũng Tàu, đôi lúc là giải leo núi. Về kinh phí, đi giải tỉnh được huyện hỗ trợ kinh phí (như năm nay được hỗ trợ 4 triệu đồng), có lúc cả CLB cùng đóng tiền vào, có lúc anh Điệp tự bỏ tiền túi… “Các em vào CLB được đi thi đấu, đi đây đi đó, tập luyện có sức khỏe, nhanh nhẹn nên gia đình rất tán thành và ủng hộ”- anh Điệp vui vẻ.
Ðể giải việt dã tỉnh đông vui hơn
Sự “thống trị” của việt dã Di Linh trong nhiều năm nay đã để lại những “hệ quả” tích cực lẫn “hạn chế” cho giải đấu này.
Trước nhất, cần khẳng định rằng Di Linh chính là điểm sáng của phong trào việt dã hiện nay của Lâm Đồng. Mô hình tập luyện thể thao tự nguyện với CLB Điền kinh Gia Hiệp của HLV Phan Hoàng Điệp chính là một điển hình, một kiểu mẫu xã hội hóa độc đáo của thể thao Lâm Đồng, được duy trì trong suốt một thời gian dài, tất cả đều trên cơ sở tự nguyện. CLB này đã mang đến một sức mạnh mới với chất lượng chuyên môn cao cho giải việt dã tỉnh hằng năm. CLB cũng chính là nơi phát hiện, tuyển chọn và cung cấp VĐV chính cho đội tuyển điền kinh Lâm Đồng trong nhiều năm nay, vấn đề là các VĐV này khi lên tuyển được bồi dưỡng nâng cao ra sao cho các giải đấu khu vực và quốc gia.
Nhưng cũng bởi Di Linh quá mạnh nên giải tỉnh ngày càng vắng. Như giải năm nay ngoài Di Linh chỉ có 2 đơn vị là Đà Lạt và Đạ Tẻh. Bên cạnh chuyện thiếu hụt kinh phí cuối năm, nhiều đơn vị thấy khó tranh huy chương được với Di Linh nên chẳng buồn cử đoàn dự . “Vắng quá thấy cũng buồn, nhưng biết làm sao được. Không tập luyện thì làm sao tranh được huy chương”- HLV Phan Hoàng Điệp nói.
Theo Trung tâm TDTT Lâm Đồng, dự kiến trong năm đến sẽ thêm nội dung chạy phong trào vào để giải đấu này đông vui hơn.
VIẾT TRỌNG