Hùng kê quyền, Kim kê quyền, hay Hồng kê quyền, gọi nôm na là võ gà. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, tương truyền, bài quyền này do Nguyễn Lữ, em trai Nguyễn Huệ, sáng tạo nên. Nó là một hệ thống quyền thuật mô phỏng các động tác chiến đấu đầy biến ảo và dũng mãnh của loài gà chọi.
Hùng kê quyền, Kim kê quyền, hay Hồng kê quyền, gọi nôm na là võ gà. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, tương truyền, bài quyền này do Nguyễn Lữ, em trai Nguyễn Huệ, sáng tạo nên. Nó là một hệ thống quyền thuật mô phỏng các động tác chiến đấu đầy biến ảo và dũng mãnh của loài gà chọi.
|
Chuẩn võ sư Vũ Huy Hoàng đang biểu diễn một đòn thế trong bài Hùng kê quyền. Ảnh: Trịnh Chu |
Nay, chỉ cần vào google, gõ từ khóa “Hùng kê quyền” rồi enter, trong vòng 0,56 giây sẽ có khoảng 788.000 kết quả liên quan, từ hình ảnh minh họa cho đến bài thiệu và cả clip võ. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, môn võ từng là sở hữu của Đông Định vương Nguyễn Lữ đã có thời gian dài biến mất cùng sự sụp đổ của vương triều Tây Sơn, mặc cho môn võ ấy có một lịch sử lừng lẫy trong những lần chinh Nam dẹp Bắc của nghĩa quân Tây Sơn. Trên thực tế, Hùng kê quyền đã “biến mất” khỏi đời sống võ thuật trong khoảng thời gian 200 năm, từ năm 1789 (Tây Sơn đại thắng 29 vạn quân Thanh) đến năm 1989 (võ sư Ngô Bông biểu diễn bài Hùng kê quyền ở giải Võ cổ truyền toàn quốc được tổ chức tại Bình Định).
Võ sư Ngô Bông (1928 - 2011), người được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tặng biệt danh truyền nhân của Hùng kê quyền, sinh trong một gia đình có truyền thống võ học ở Quảng Ngãi. Theo lời các bậc danh sư kỳ cựu của làng võ cổ truyền Việt Nam kể, ông cố ngoại của Ngô Bông là một cao thủ võ học, lại am tường binh pháp. Thời anh em Nguyễn Huệ dựng cờ khởi nghĩa, ông cố ngoại của Ngô Bông là thuộc hạ tin cẩn của Đông Định vương Nguyễn Lữ. Trong những ngày tháng là một nghĩa quân nhà Tây Sơn, ông cố ngoại của Ngô Bông đã lĩnh giáo bài Hùng kê quyền từ Đông Định vương Nguyễn Lữ rồi sau đó truyền lại cho hậu bối.
Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về võ học như thế nên từ bé Ngô Bông được các ông cậu, cũng là những võ sư lừng danh, truyền dạy những tinh hoa võ học; trong đó, có bài Hùng kê quyền. Tuy nhiên, cậu bé Ngô Bông không thể “đi” trọn bài quyền ấy. Nhưng bù lại cậu có thể đọc trôi chảy bài thiệu từ đầu đến cuối. Chính nhờ bài thiệu này mà về sau Ngô Bông, cùng với sự giúp sức của võ sư Cưu Vàng (người Phú Yên, thầy dạy võ của Ngô Bông), chắp nối và xâu chuỗi thành một hệ thống quyền thuật để rồi năm 1989, nhân giải Võ cổ truyền toàn quốc tổ chức tại Bình Định, võ sư Ngô Bông đã biểu diễn bài Hùng kê quyền khiến giới võ thuật lúc bấy giờ hết sức ngạc nhiên và thán phục. Nhiều người trong số đó lờ mờ nhận ra một bài quyền mà mình có biết chút ít nhưng bảo “đi” trọn bài thì chả ai làm được như Ngô Bông.
Bốn năm sau, năm 1993, tại TP Hồ Chí Minh, các anh tài võ học khắp mọi miền đất nước lại tề tựu về đây dự giải Võ cổ truyền toàn quốc. Khác với lần tổ chức trước, lần này, Ban Tổ chức giải yêu cầu các võ sư đi bài quyền nào thì phải có xuất xứ kèm theo. Thế là bài Hùng kê quyền lại có dịp được trình diễn kèm theo bài thiệu:
“Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng/ Song túc tề phi trảo thượng xung/ Trấn ải kim thương như Bạch Hổ/ Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh Long/ Xuyên cung độc triểu tăng ư trác/ Hồi thủ đơn câu thọ tứ hung/ Thiểu, tẩu, vượt, trầm thiên sở tứ/ Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung”, nghĩa là
“Hai con gà chọi nhau để tranh hùng/ Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên/ Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng/ Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh/ Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu như mỏ gà (mổ thóc)/ Quay đầu móc đâm vào đầu kẻ địch/ Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho/ Mềm, cứng, mạnh, yếu tất cả đều trong bài quyền này”. Cũng trong lần ấy, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã chính thức công nhận võ sư Ngô Bông là truyền nhân của bài Hùng kê quyền.
Từ bài quyền và bài thiệu của võ sư Ngô Bông, các võ sư trong Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam thống nhất lấy đó làm quy chuẩn trong việc phổ biến Hùng kê quyền cho hậu thế.
Theo chuẩn võ sư Vũ Huy Hoàng, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng, Hùng kê quyền trong hệ thống võ thuật Việt Nam được chia thành các thế võ khác nhau, mô phỏng sự nhanh nhạy, mẫn tiệp của loài gà chọi. Trong từng thế võ, người luyện quyền thuật có thể bắt gặp các động tác vận động những thế đá khôn ngoan, bí hiểm và tinh thần quyết chiến không lui ở loài gà chọi. Tất nhiên, đó không phải là những động tác vận động đơn thuần mà là sự kết hợp chặt chẽ, có tiết tấu, nhịp điệu và liên hoàn các phần của tấn pháp, bộ pháp, thân pháp, thủ pháp, cước pháp...
Hùng kê quyền được xem là nghệ thuật dung hòa cái đẹp trong uy lực dụng võ. Ở trình độ cao, người luyện nhập hẳn vào hình tượng, chân ý, mật pháp, sống trong cái hồn của bài quyền và từ đó lĩnh hội cảnh giới huyền diệu của quyền thuật.
TRỊNH CHU