Loạt trận đầu tiên của giải Bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam V - League đã bắt đầu khởi tranh từ ngày 7/1/2017, mùa giải sẽ kéo dài cho đến tận tháng 10 năm nay. Liệu người xem sẽ trông chờ điều gì từ giải đấu bóng đá cao nhất nước này?
Loạt trận đầu tiên của giải Bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam V - League đã bắt đầu khởi tranh từ ngày 7/1/2017, mùa giải sẽ kéo dài cho đến tận tháng 10 năm nay. Liệu người xem sẽ trông chờ điều gì từ giải đấu bóng đá cao nhất nước này?
|
Cần loại bỏ những pha bóng bạo lực ra khỏi đời sống bóng đá Việt Nam (ảnh VFF) |
Những cái mới
Đây là năm thứ ba tính từ năm 2015, giải Bóng đá vô địch quốc gia (V - League) tiếp tục được mang tên của nhà tài trợ TOYOTA vốn là một hãng xe đến từ Nhật Bản.
V - League năm nay có sự tranh tài của 13 CLB trong nước gồm Hà Nội, Becamex Bình Dương, FLC Thanh Hóa, Hải Phòng, Hoàng Anh Gia Lai, Long An, Quảng Nam, Sài Gòn, Sanna Khánh Hòa BVN, SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, Than Quảng Ninh, XSKT Cần Thơ cùng 1 tân binh là CLB TP Hồ Chí Minh mới lên hạng.
V - League năm nay bắt đầu từ ngày 7/1 và kéo dài cho đến tận cuối tháng 10 với 26 vòng đấu, tổng cộng 182 trận. Sau khi V - League bắt đầu, trong tháng 2 đến giải Cúp Quốc gia cũng khởi tranh và kéo dài đến đầu tháng 11. Trong khi đó, giải hạng nhất cũng được bắt đầu từ tháng 1 nhưng kết thúc sớm hơn V-League, vào cuối tháng 7 còn giải hạng nhì (trong đó có đội hạng nhì Lâm Đồng) sẽ khởi tranh trong tháng 4 năm nay.
Theo Ban tổ chức, V-League năm nay không có trận đấu vớt (play-off) như năm trước mà thay vào đó trong 14 đội trên đội nào thấp điểm nhất sẽ xuống hạng, đồng thời đội vô địch giải hạng nhất sẽ được quyền thăng hạng trong mùa đến thế cho suất của đội vừa xuống hạng.
Cái mới trong mùa giải năm nay như Ban tổ chức cho biết là toàn bộ các trận đấu của giải đều được truyền hình trực tiếp thông qua nhiều kênh như VTV, VTC, Thể thao TV, Bóng đá TV. Các trận đấu hầu hết đều rơi vào cuối tuần, tạo thuận lợi cho những người yêu bóng đá nếu không có dịp đến sân thì có thể ngồi trước màn hình chọn trận để xem, hình ảnh khi phát qua hệ thống truyền hình đến khán giả theo Ban tổ chức sẽ có chất lượng “tốt nhất”.
Nhằm giảm thiểu vấn nạn bạo lực sân cỏ đang hoành hành, Ban Tổ chức năm nay loan báo sẽ cực kỳ nghiêm khắc với các hành vi phản thể thao trên sân. Cụ thể, cả Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - đơn vị điều hành V - League cam kết sẽ gia tăng án phạt kỷ luật với mức treo giò và chế tài rất nặng với các hành vi thô bạo, thiếu văn hóa của các cầu thủ trong trận đấu. Chẳng hạn, những hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của đối thủ trước đây chỉ bị phạt 10 - 15 triệu đồng nay sẽ được tăng lên từ 40 -50 triệu đồng; trong trường hợp gây ra chấn thương nặng cầu thủ vi phạm sẽ bị treo giò từ 3 đến 5 hoặc 8 trận, thậm chí lên đến 24 tháng.
Để nâng chất lượng điều hành các trận đấu, Ban tổ chức cũng chú ý đến vai trò của các trọng tài. Cùng với việc củng cố lại đội ngũ trọng tài, xem xét lại những ông vua sân cỏ “có vấn đề”, Ban tổ chức giải cũng kiểm tra năng lực đội ngũ trọng tài điều hành giải năm nay theo các tiêu chuẩn mới của Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) trước khi vào mùa giải, mục tiêu đưa ra là hạn chế đến mức thấp nhất những tiếng còi lạc nhịp.
Về phía các đội bóng, điểm mới trong năm nay là sự “lột xác” về cơ sở vật chất của rất nhiều sân bóng trong nước. Điển hình như SHB Đà Nẵng năm nay có sân vận động Hòa Xuân được xây mới rất khang trang, có mặt cỏ khá mướt. Trong trận thắng 1 - 0 của SHB Đà Nẵng trước Hoàng Anh Gia Lai ngày khai mạc 7/1, ước tính đã có khoảng 19 nghìn khán giả Đà Nẵng đến sân xem đội nhà thi đấu. Rất nhiều đội khác cũng đầu tư vào cơ sở sân bãi như Than Quảng Ninh với sân Cẩm Phả; Hải Phòng gần đây cũng được trao quyền quản lý sân Lạch Tray còn CLB Hà Nội quản lý sân Hàng Đẫy. Khi được giao quyền, các CLB này sẽ từng bước cải tạo nâng cấp, từ mặt cỏ, chỗ ngồi đến các công trình vệ sinh… nghĩa là làm mọi cách để thu hút được khán giả đến sân, tăng doanh thu cho CLB.
Ðiều trông chờ
Sẽ có khá nhiều điều có thể trông chờ và hy vọng trong mùa giải V - League mới năm nay.
Trước nhất, đó là sự trở lại của nhiều tên tuổi vốn là niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam lâu nay như Công Phượng, Tuấn Anh của Hoàng Anh Gia Lai. Sau một năm trên đất Nhật 2 cầu thủ này đang về đầu quân lại cho đội nhà, mang lại hy vọng mới cho người xem Gia Lai cũng như trong nước. Cùng đó là các khuôn mặt trẻ đã từng góp sức trong đội hình U19 Việt Nam giành vé dự U20 World Cup như Quang Hải, Minh Dĩ, Tiến Dũng… Họ sẽ được ra sân so tài tại giải đấu cao nhất của bóng đá quốc gia trong sự kỳ vọng của mọi người cho tương lai bóng đá Việt Nam.
Và mặc dù xu hướng sử dụng HLV nội ngày càng nhiều khi có đến 12 trong tổng số 14 CLB trên băng ghế chỉ đạo của họ là các HLV trong nước nhưng với 2 ông thầy ngoại còn lại là Alain Fiard của TP.HCM và Liupko Petrovic của FLC Thanh Hóa cũng rất đáng để xem.
Đặc biệt, HLV Liupko Petrovic, người Bosnia - Herzegovina vốn nổi tiếng thế giới khi từng dẫn dắt Sao đỏ Belgrade vô địch Cúp C1 châu Âu mùa bóng 1990 - 1991. Nay đã 69 tuổi, ông vẫn còn mang rất nhiều kỳ vọng cho đội bóng xứ Thanh. Trước khi đến Việt Nam, ông thầy ngoại này đã huấn luyện gần 20 đội bóng khác nhau trên thế giới, tại FLC Thanh Hóa, theo giới truyền thông trong nước, ông nhận một mức lương “khủng”, khoảng 200 triệu đồng/tháng.
Rất nhiều đội bóng trong mùa giải này cũng nhận được những nguồn tài trợ lớn cho mục tiêu nâng tầm của mình. Chẳng hạn như CLB Hà Nội, đội bóng này đã ký kết với tập đoàn SCG (Thái Lan) - nhà tài trợ của đương kim vô địch Thai League Muangthong United, một hợp đồng tài trợ trị giá hơn 1,5 triệu Mỹ kim cho tham vọng vô địch và vươn ra khu vực. Ngay cả nhà tài trợ Toyota qua sự “bật mí”của Ban tổ chức, số tiền tài trợ cho giải năm nay cũng lớn hơn các năm trước và đây là một điều kiện cơ bản để nâng chất lượng giải.
Thống kê của VFF cho thấy trong loạt trận đấu đầu tiên của vòng 1 V-League vừa qua, có những trận khán giả đến sân khá đông, tuy nhiên cũng có những trận chỉ chừng 1.500 người xem. Rõ ràng bên cạnh việc tuyên chiến với bạo lực sân cỏ, Ban tổ chức cũng cần tuyên chiến mạnh mẽ với các nghi vấn dàn xếp tỷ số trong giải nếu có. Khán giả cần có những trận đấu sạch, một giải đấu sạch, đủ sức tin tưởng để đưa họ quay lại sân cỏ.
GIA KHÁNH