Như thông lệ, trong đầu năm mới, Austalian Open - giải Úc mở rộng, một trong 4 giải lớn của làng quần vợt thế giới lại khởi tranh tại thành phố Melbourne. Giải năm nay bắt đầu từ 16/1 và kéo dài đến 29/1.
Như thông lệ, trong đầu năm mới, Austalian Open - giải Úc mở rộng, một trong 4 giải lớn của làng quần vợt thế giới lại khởi tranh tại thành phố Melbourne. Giải năm nay bắt đầu từ 16/1 và kéo dài đến 29/1.
|
Djokovic có bảo vệ thành công chức vô địch trong năm nay? (Ảnh: Getty). |
Những ngày hè sôi động
Tôi đến thăm Melbourne lần đầu năm 2003, cách đây đã 14 năm, khi giải Australian Open nổi tiếng đang diễn ra.
Trong khi các quốc gia ở Bán cầu bắc trong đó có Việt Nam đang là mùa đông thì nước Úc vốn ở Bán cầu nam đang là mùa hè. Mùa hè các trường học tạm đóng cửa nghỉ hè, cũng dài gần 3 tháng như ở Việt Nam. Hè rảnh rỗi nên bạn tôi cũng là du học sinh Việt đang học tại một đại học ở Melbourne rủ tôi xuống chơi.
Từ Sydney xuống đến Melbourne chừng gần 900 km, tôi chọn mua vé tàu lửa xuyên Úc để có dịp ngắm phong cảnh nông thôn nước Úc và cũng một phần vì được mua vé giảm giá. Ngày đó bang New South Wales, nơi có thành phố Sydney có chính sách giảm giá vé cho du học sinh quốc tế (những ai nhận được học bổng của Chính phủ Úc); không chỉ giảm giá cho tàu lửa mà còn cho cả xe buýt đi lại hằng ngày.
Nhưng chuyện ngắm phong cảnh bất thành vì thời điểm đó tàu lửa nối hai thành phố lớn của Úc này chỉ có tàu đêm. Tôi lên tàu tại ga Trung tâm Sydney chừng hơn 8 giờ tối, chọn ngồi gần cửa sổ ngắm phố phường loáng thoáng ánh điện qua cửa kính, nói chuyện phiếm với một gia đình người Úc ở Cains đang đi du lịch ngồi kề rồi chợp mắt lúc nào không hay, sáng là đến Melbourne.
So với Sydney nhộn nhịp và vội vã, Melbourne có vẻ thanh bình hơn dù thành phố này cũng đông người không kém với chừng 4 triệu dân. Đây là một thành phố rất đẹp, hiện đại với các cao ốc trong khu trung tâm giống Sydney, những tòa nhà cổ kính chạy dọc theo những con phố lớn cùng các khu ngoại ô rộng mênh mông.
Nếu Sydney được coi là trung tâm tài chính, thương mại của Úc thì Melbourne có thể coi là thành phố của văn hóa - nghệ thuật, thể thao của xứ chuột túi này. Tại đây, có rất nhiều đại học nổi tiếng mà du học sinh Việt rất thích qua đây, có một cộng đồng người Việt khá lớn, có một khu chợ mà ở đó rất nhiều người Việt buôn bán. Thành phố này cũng là nơi diễn ra các giải đấu thể thao quốc tế lớn của nước Úc, bên cạnh Australian Open còn có đường đua Công thức 1, có trường đua ngựa lớn nhất nước Úc…
Mùa hè nhưng so với Sydney nóng nực thì Melbourne có vẻ mát hơn. Những ngày tôi xuống đây trời khá mát, nhiệt độ chừng 24 - 25 độ C, giống như Đà Lạt ban ngày, ban đêm lạnh hơn chút ít, tuy nhiên cũng như Sydney, thành phố này nhiệt độ thay đổi khá nhanh theo ngày, có ngày lên trên 30 độ C, trời rất nóng.
Ấn tượng nhất cho tôi trong những ngày ở đây khi Australia Open đang diễn ra là thành phố như lên cơn sốt. Đi đâu cũng thấy cờ và các tấm biển, áp phích quảng cáo về giải, từ các bến xe bus đến tàu điện, quảng trường, nhà ga… đều có các ngăn để sẵn các tờ rơi được in ấn rất đẹp với khuôn mặt các tay vợt nổi tiếng thế giới và lịch thi đấu mời chào. Vì giải diễn ra cả ngày, bắt đầu từ buổi sáng và kéo dài đến tận nửa đêm, nên trong vòng 2 tuần này, tôi có cảm giác thành phố này như không ngủ, đặc biệt là khu vực quanh Công viên Melbourne - nơi diễn ra các trận đấu, hầu như hệ thống nhà hàng, hàng quán đều mở cửa phục vụ cả đêm.
Và người, người ở đâu kéo đến đông nghìn nghịt, không chỉ là người Úc mà có rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là khách đến từ các quốc gia ở châu Âu, nơi mùa đông lạnh lẽo đang ngự trị. Rất nhiều du khách trong số này là những cổ động viên tích cực cho các tay vợt nước mình, nhưng cũng có không ít người đến Úc dịp này là để… tránh đông, họ thường đến Úc mùa này xem quần vợt kết hợp tắm biển - biển Úc rất sạch.
Cũng cần nên biết là giá vé vào cửa cho các trận đấu ở đây không hề rẻ chút nào. Trung bình mỗi vé vào xem các trận đấu như vậy trong vòng đầu từ 50 - 60 Úc kim, vào sâu hơn thì đắt hơn, có trận nếu là “trận đinh” với các danh thủ thì cao hơn nhiều, gấp đôi gấp 3 bình thường, còn xem các trận vòng bán kết hay chung kết thì cực đắt. Tuy nhiên, vé vào cửa cho trẻ em lại khá rẻ, chỉ chừng 5 Úc kim và ở đây trong chiều tối tôi thấy rất nhiều gia đình Úc mang cả nhà đến xem quần vợt, từ người già đến cả những em bé chỉ chừng vài tuổi đang bồng trên tay với giá vé trọn gói ưu đãi cho cả gia đình.
Giá vé đắt quá nên trong lần đó tôi cùng nhóm du học sinh Việt ở ngoài sân xem qua màn hình lớn. Trong sân đang thi đấu thì phía ngoài trong tổ hợp công viên Melbourne giải trí rộng mênh mông này cũng có rất nhiều hoạt động khác nhộn nhịp không kém, như các nhóm nhạc biểu diễn, các hoạt động giao lưu giữa các tay vợt với người hâm mộ...
Tiền thưởng kỷ lục
Nhưng Úc yêu thể thao như tôi biết không chỉ có Australian Open ở Melbourne mà còn có rất nhiều giải quần vợt lớn khác thu hút rất nhiều VÐV đến từ khắp nơi trên thế giới trong mùa hè.
Một trong những giải lớn nhằm khởi động cho Australian Open như thế chính là giải Brisbane International, diễn ra tại thành phố Brisbane của bang Queenland, thường vào cuối tháng 12 đầu tháng 1 hằng năm. Tại Perth, bang Tây Úc cũng có một giải đấu danh tiếng khác là Hopman Cup; tại Sydney thành phố tôi học tập cũng có giải APIA International diễn ra ở Công viên Olympic Sydney. Tại bang Nam Úc cũng có giải World Tennis Challenge ở Adelaide, còn ở Horbart trên đảo Tasmania có giải Horbart International và giải Burnie International.
Với 198 tay vợt từ khắp nơi trên thế giới tham dự, năm nay nước Úc đã tăng tiền thưởng cho giải đấu này lên mức kỷ lục với tổng cộng 50 triệu Úc kim, tăng 14% so với năm 2016, xếp thứ 2 về tiền thưởng trong 4 giải Grand Slam danh giá, chỉ sau Mỹ mở rộng.
Theo thông báo của Ban tổ chức, thay vì nhắm tới việc tăng tiền thưởng cho các tay vợt vô địch hay vào bán kết, chung kết như các năm trước, số tiền thưởng tăng lần này được dành để tặng cho các tay vợt thi đấu từ vòng loại và các vòng đấu đầu.
Cụ thể, các tay vợt vượt qua vòng loại để vào vòng chính sẽ được thưởng từ 20 nghìn lên 50 nghìn Úc kim. Vào vòng 2 mỗi tay vợt được nhận 80 nghìn (tăng 19%), vào đến vòng 3 nhận 130 nghìn (tăng 20%), vòng 4 nhận 220 nghìn (tăng 14%). Từ tứ kết đến chung kết tiền thưởng cũng tăng 9%; hai tay vợt vô địch đơn nam, nữ năm nay sẽ bỏ túi 3,7 triệu Úc kim.
VIẾT TRỌNG