Nhiều năm gần đây, Di Linh đang nỗ lực phát triển phong trào thể thao quần chúng ở các xã, thị trấn trong huyện; hằng năm, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện đưa các giải thể thao cấp huyện về tổ chức tại các cụm xã để người dân trong vùng đến xem và cổ động đội nhà.
Nhiều năm gần đây, Di Linh đang nỗ lực phát triển phong trào thể thao quần chúng ở các xã, thị trấn trong huyện; hằng năm, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện đưa các giải thể thao cấp huyện về tổ chức tại các cụm xã để người dân trong vùng đến xem và cổ động đội nhà.
|
Các VĐV chạy trên đôi chân trần của Di Linh luôn chiếm các vị trí cao nhất tại giải Việt dã tỉnh trong nhiều năm nay. Ảnh: V.Trọng |
Khuyến khích xã tổ chức giải thể thao
Di Linh hiện có 18 xã, 1 thị trấn trên địa bàn, là một địa phương có phong trào thể thao quần chúng khá phát triển hiện nay tại Lâm Đồng. Đặc biệt, môn bóng đá nam phát triển rất mạnh trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gần đây có thêm bóng đá nữ; cùng đó là việt dã và võ thuật.
Trong bóng đá, bên cạnh các sân đất ở các thôn xã, gần đây, Di Linh phát triển bóng đá sân cỏ nhân tạo rất mạnh. Toàn huyện đến thời điểm này đã có 17 sân bóng đá cỏ nhân tạo được người dân xây dựng theo chủ trương xã hội hóa rải khá đều trên địa bàn. Hầu hết các sân đều có các câu lạc bộ (CLB) Bóng đá hoạt động, thường xuyên tổ chức các giải nội bộ, tổ chức thi đấu giao lưu với các CLB khác trong và ngoài huyện. Trong năm vừa qua, Trung tâm Văn hóa Thể thao (VHTT) huyện đã hoàn tất việc xây dựng sân cỏ nhân tạo 11 người tại huyện để tổ chức các giải bóng đá cấp huyện tại đây.
Trong môn việt dã, Di Linh hiện có một CLB tại xã Gia Hiệp. Với sự điều hành của huấn luyện viên Phan Hoàng Điệp, CLB này trong hơn 10 năm nay liên tục đào tạo ra các VĐV việt dã tài năng cho tỉnh, trong năm 2016 các thành viên của CLB này giành hầu hết các vị trí cao tại giải việt dã vô địch tỉnh.
Trong võ thuật, mạnh nhất tại huyện là bộ môn Taekwondo với trên 250 võ sinh tập luyện thường xuyên tại 5 địa điểm, chủ yếu trong lứa tuổi học sinh và thanh niên; CLB định kỳ tổ chức thi nâng đai cho võ sinh. Riêng Vovinam có 1 CLB hoạt động rất mạnh tại xã Hòa Ninh với khoảng 150 võ sinh tham gia.
Bên cạnh đó, Di Linh còn có các CLB thể dục thể hình, cầu lông, quần vợt, dưỡng sinh hoạt động khá đều.
Trong năm 2016, Trung tâm VHTT huyện đã tổ chức cấp huyện giải bóng đá nam, bóng chuyền nam, giải quần vợt; phối hợp với Hội Phụ nữ huyện tổ chức giải bóng chuyền nữ; phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức giải bóng đá mini sân cỏ nhân tạo 5 người; tổ chức giải bóng đá các lứa tuổi thanh thiếu niên trong hè.
Cùng với giải cấp huyện rất nhiều xã trong huyện cũng phối hợp với Trung tâm huyện tổ chức các giải thể thao cấp xã. Trong năm 2016, Trung tâm đã phối hợp với xã Đinh Trang Hòa tổ chức giải cờ tướng; hỗ trợ chuyên môn cho xã Tân Lâm tổ chức giải bóng đá mini và giải bóng chuyền nam; giúp xã Đinh Lạc và xã Hòa Trung tổ chức giải bóng đá mini; giúp xã Gung Ré tổ chức giải bóng chuyền nam và xã Sơn Điền tổ chức giải bóng đá 11 người.
“Chúng tôi luôn khuyến khích các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức các giải thể thao với các môn phổ biến nhiều người tập trên địa bàn để phát triển phong trào từ cơ sở. Huyện hằng năm cũng cố gắng đưa các giải thể thao cấp huyện đến các xã, thi đấu theo từng cụm xã để người dân đến xem, cổ vũ đội nhà. Trung tâm thường xuyên cử người đến hỗ trợ chuyên môn cho các xã khi tổ chức giải” - ông Trần Hùng Cường - Giám đốc Trung tâm VHTT huyện cho biết.
Nhiều hoạt động trong năm nay
Với chủ trương đưa thể thao về cơ sở nên trong năm 2017 này theo ông Cường, hầu hết các giải cấp huyện nếu được đều tổ chức thi đấu tại các cụm xã, chỉ các trận trong vòng chung kết mới đưa về sân huyện thi đấu.
Trong năm 2017 này, Di Linh sẽ tổ chức từ 8 - 10 giải cấp huyện trong các bộ môn bóng đá, bóng chuyền, việt dã, quần vợt; đồng thời cử VĐV tham gia một số giải tỉnh theo khả năng kinh phí có được.
Trong môn bóng đá, Di Linh sẽ tổ chức 3 giải lớn. Giải bóng đá 11 người sẽ diễn ra trong cuối tháng 3 sắp đến, dự kiến có khoảng 22 đội gồm 19 xã, thị trấn mỗi đơn vị cử một đội, 3 đội còn lại đến từ các doanh nghiệp và đơn vị tại huyện. Kế đến là giải bóng đá thanh thiếu niên nhi đồng 5 người trên sân cỏ nhân tạo trong dịp hè và giải bóng đá nữ 5 người trong tháng 10 cũng trên sân cỏ nhân tạo.
Trong môn bóng chuyền, cũng như những năm trước, Trung tâm cũng phối hợp với Huyện hội Phụ nữ tổ chức giải bóng chuyền nữ khá qui mô trong năm nay, mỗi xã, thị trấn trong huyện cử 1 đội. Còn giải bóng chuyền nam sẽ diễn ra trong dịp 2-9 như mọi năm.
Cùng đó, Trung tâm cũng sẽ phối hợp với các đơn vị đoàn thể tại huyện như Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi… để tổ chức các giải, hội thao...
“Bên cạnh kinh phí nhà nước giao, chúng tôi còn huy động từ nguồn xã hội hóa mỗi năm được khoảng 100 triệu đồng cho các hoạt động văn hóa - thể thao của huyện. Nhờ vận động được nên các giải thể thao được tổ chức bài bản hơn, tiền thưởng cũng có tăng lên đôi chút để vận động viên thi đấu tích cực hơn”- ông Cường cho biết.
Điểm thuận lợi là Trung tâm VHTT huyện Di Linh hiện đã được đầu tư một số hạng mục tại đây để phục vụ cho phong trào TDTT địa phương. Bên cạnh sân vận động với khán đài vừa được hoàn thiện trong năm 2016, Trung tâm còn có 2 sân cầu lông, 1 nhà bóng bàn với 4 bàn bóng. Vài năm gần đây, Di Linh trong dịp hè đã mở được các lớp năng khiếu bóng bàn, bóng đá trong lứa tuổi thiếu niên học sinh. Hiện Trung tâm đang đề nghị huyện trong lâu dài nên đầu tư thêm một nhà thi đấu đa năng tại đây.
Với thể thao cấp xã, cái khó nhất hiện nay theo ông Cường chính là kinh phí hoạt động cho xã rất ít, mỗi xã chỉ chừng trên 10 triệu đồng để tổ chức các hoạt động thể thao. Số tiền này theo ông Cường chỉ cần tổ chức 1 giải là hết nên dù nhiều xã có phong trào TDTT rất mạnh hiện nay như Tân Lâm, Tân Châu chẳng hạn cũng chẳng có thêm tiền để tổ chức giải. “Chúng tôi đang đề nghị huyện tăng thêm kinh phí hoạt động TDTT cho các xã, Trung tâm luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn khi các xã cần để phát triển phong trào cơ sở” - ông Cường khẳng định.
VIẾT TRỌNG