Đó là Câu lạc bộ Dưỡng sinh của xã Tân Châu - Di Linh, trong nhiều năm nay đại diện cho huyện đi thi đấu và giành rất nhiều huy chương từ các giải dưỡng sinh quốc gia.
Đó là Câu lạc bộ Dưỡng sinh của xã Tân Châu - Di Linh, trong nhiều năm nay đại diện cho huyện đi thi đấu và giành rất nhiều huy chương từ các giải dưỡng sinh quốc gia.
|
CLB Dưỡng sinh Tân Châu - Di Linh. Ảnh: V.T |
Một câu chuyện về sức khỏe
Khi nói chuyện với nhiều thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Dưỡng sinh Tân Châu, tất cả những câu chuyện kể đó dường như đều xoay quanh một chủ đề quan trọng của đời người: sức khỏe. Thậm chí có những câu chuyện như mang một chút mầu nhiệm của cuộc sống từ dưỡng sinh.
Như câu chuyện của bà Đặng Thị Vạn là một ví dụ. Người thôn 5, xã Tân Châu - Di Linh, năm nay bà 60 tuổi, trông rất khỏe mạnh, yêu đời, hoạt bát, là thành viên tích cực của CLB. Nhưng không ai biết rằng cách đây 6 năm bà tưởng như đã phải nằm liệt một chỗ. Một ngày đi làm về, bà thấy choáng váng, gia đình sau đó đưa bà đến bệnh viện, từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh đều đưa ra một chẩn đoán: bà bị u não.
Đó là một thời gian đầy ám ảnh trong đời, khi bà phải chiến đấu với cuộc giải phẫu, với bệnh tật. Trong những ngày dài dưỡng bệnh u ám đó, mọi người rủ bà thử đến với dưỡng sinh, với CLB dưỡng sinh của xã, như để cho bà vui, để đám đông cười nói cho bà vơi nỗi ưu tư về bệnh tật. Và bà tập thử, rồi tập thật, và bà khỏe lại. 6 năm rồi từ ngày bà đến với dưỡng sinh dường như đã là một cuộc đời khác, một cơ hội khác trong cuộc đời của bà, để mỗi ngày bà đều thấy vui với cuộc sống mới, vui với gia đình, người thân, với bạn bè, với dưỡng sinh, không bệnh tật, không thuốc men ám ảnh.
Một câu chuyện khác cũng như vậy. Đó là trường hợp của bà Lưu Thị Mùi, cũng người thôn 5, Tân Châu, thành viên của CLB. Bà Mùi bị thoái hóa cột sống phải điều trị thuốc thang rất lâu trước khi đi mổ. Sau giải phẫu, bà nằm liền một chỗ 3 tháng, bất động trên giường, sau đó là một quãng dài 3 năm không thể làm gì, mọi thứ phải trông chờ vào người thân chăm sóc, giúp đỡ.
Rồi bà Mùi cũng thử đi tập dưỡng sinh theo mọi người; mới đầu bà tập động tác nhẹ, đơn giản, dần nâng lên phức tạp. Đến lớp tập bà bảo tinh thần như phấn chấn hẳn lên, bà vui vì chân tay của mình đang dần trở lại như xưa, nghĩa là bà có thể uốn dẻo như ngày chưa giải phẫu. Dưỡng sinh đang làm bà khỏe lại, bà lại làm được công việc nhà. Đến nay đã hơn 5 năm bà không thấy bệnh tật cũ trở lại “Bây giờ khỏe lắm, đi đâu dù có xa cũng được rồi” - bà cười thật tươi.
Rất nhiều thành viên khác trong đội cũng vậy, cũng thấy sức khỏe mình nâng lên rất nhiều từ khi làm quen với dưỡng sinh. “Lớn tuổi rồi, đâu còn như trước, sức khỏe giảm sút, ai ai cũng phải đau bệnh chuyện này chuyện kia. Nhưng từ khi đi tập dưỡng sinh với đội tôi hầu như chẳng thấy đau yếu gì” - bà Hoàng Thị Can, 59 tuổi cho biết. Còn theo bà Lâm Thị Hạnh, 54 tuổi, từ khi tập dưỡng sinh đến giờ, chừng 5 - 6 năm nay bà bảo chẳng hề tốn viên thuốc nào.
Niềm vui của những người thích đi
CLB Dưỡng sinh Tân Châu được thành lập năm 2010 khi phong trào tập dưỡng sinh cho người cao tuổi của huyện Di Linh lan đến đây. CLB hiện có 23 thành viên, chủ yếu là nữ ở thôn 5 của xã, nhưng trong đội cũng có nam, người lớn tuổi nhất trong CLB là ông Ân Tiến Vân, 76 tuổi; còn người trẻ nhất là bà Trần Thị Hoa cũng đã 53 tuổi.
Từ khi thành lập đến nay, dù nắng hay mưa, trừ dịp tết bận rộn còn ngày nào cũng như ngày nào CLB sinh hoạt đều đặn mỗi ngày 2 buổi tại hội trường UBND xã Tân Châu, buổi sáng từ 5 - 6 giờ, buổi tối từ 7-8 giờ.
Tân Châu vốn là một trong những xã chuyên canh cà phê lớn nhất huyện Di Linh nên hầu hết các thành viên của đội đều là nông dân, người trồng cà phê, chỉ bận rộn khi vào mùa thu hoạch. Và cũng do hầu hết đã lớn tuổi, gia đình con cái đã ổn định nên các thành viên của CLB dành nhiều thời gian cho dưỡng sinh, không chỉ tập để “sống vui sống khỏe” mà còn tập để hướng đến các cuộc thi, trước nhất là thi huyện, sau đến cấp tỉnh và rồi đến các giải khu vực và giải quốc gia.
Điểm thuận lợi nhất theo bà Lồng Sủi Kíu, 64 tuổi, người cũng ở thôn 5, Tân Châu, đội trưởng CLB Dưỡng sinh Tân Châu, tất cả các thành viên đều đam mê nên sẵn sàng bỏ tiền túi ra đóng góp cho các chuyến đi thi tự túc như thế, từ tiền thuê thầy ở TP Hồ Chí Minh về dạy, mang trang phục thi đấu, thuê xe chở cả đội đi về, thuê khách sạn để ở trong những ngày giải diễn ra, mỗi chuyến đi như thế tùy theo xa gần mỗi thành viên có đóng góp ít nhất cũng vài triệu đồng, có chuyến đi xa tốn đến cả chục triệu hoặc hơn, chưa kể thời gian bỏ công tập luyện cả tháng trước khi đi thi.
Từ năm 2010 đến nay theo bà Kíu, CLB đã đi thi đấu rất nhiều nơi, không chỉ là giải cấp tỉnh ở Đà Lạt mà còn các giải khu vực, giải toàn quốc từ TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Long an, Bình Dương, Tây Ninh… Còn huy chương, cúp thì như bà Kíu nhẩm tính, trung bình mỗi năm đội đi thi đấu 4 giải, năm nào cũng có huy chương; đến nay đã có trên 15 huy chương chủ yếu trong đó là huy chương vàng. Như giải miền Trung - Tây Nguyên mở rộng 2017 trong tháng 2 vừa qua tại Đà Lạt CLB đã giành đến 3 huy chương vàng. “Tháng 6 năm nay chúng tôi sẽ đi thi ở Cần Thơ” - bà Kíu cho biết.
Trong các cuộc thi đó, không chỉ tốn tiền túi khá nhiều cho mỗi thành viên nhất là những chuyến đi xa, mất thêm gần cả tháng trời cho tập luyện ráp nhạc, ráp đội hình nếu muốn giành được giải, có huy chương. Nhưng cái được nhất cho nhiều người trong đội chính là niềm vui. Như bà Diệp A Kíu, 73 tuổi, thành viên của CLB cho biết: “Mỗi chuyến đi như thế chúng tôi biết được rất nhiều thứ, làm quen được nhiều người, xem các đội trình diễn và học tập từ họ rất nhiều”. Còn bà Trần Thị Hoa, thành viên trẻ nhất của CLB: “Đi cho biết đây biết đó, từ trước giờ chỉ quanh quẩn ở nhà, ra vườn, đâu có cơ hội đi được nhiều đâu nên rất thích đi”.
Có phải vì niềm vui thích đi đó không mà cả CLB dưỡng sinh này dù cao tuổi nhưng trông vẫn còn rất trẻ.
VIẾT TRỌNG