Là huyện vùng sâu rất nhiều khó khăn, Đam Rông cần được đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất để tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Là huyện vùng sâu rất nhiều khó khăn, Đam Rông cần được đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất để tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn.
|
Thi trò chơi dân gian đẩy gậy tại Đam Rông. Ảnh: V. Trọng |
Thêm những công trình mới
Là huyện mới của Lâm Đồng nằm trong vùng sâu với địa hình cách trở, Đam Rông trong những năm gần đây đã từng bước xây dựng hệ thống cơ sở vật chất dành cho các hoạt động văn hóa - thể thao của mình.
Ngay trung tân huyện, sân vận động rộng 3,6 ha với tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng đưa vào sử dụng lâu nay đang được huyện sửa sang dần lại, xây hàng rào, trồng cỏ mặt sân. Về cơ bản, Đam Rông đã có thể tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao qui mô lớn ở đây “Chúng tôi cần thêm kinh phí để thêm một số hạng mục nơi đây, mở rộng thêm chỗ ngồi, hoàn thiện hệ thống thoát nước, làm thêm đường chạy tại sân” - ông Nguyễn Văn Quang - Phó Phòng Văn hóa Thông tin Đam Rông cho biết.
Trong năm vừa qua, Đam Rông đã đưa vào hoạt động Nhà Văn hóa Thanh thiếu niên huyện do Trung tâm Văn hóa Thể thao (VHTT) huyện quản lý. Với tổng kinh phí khoảng 18 tỷ đồng, Nhà Văn hóa này được xây dựng khá qui mô, có hệ thống phòng làm việc, phòng sinh hoạt nghiệp vụ cho Trung tâm, phía trước có sân bê tông có thể tổ chức các hoạt động thể thao như bóng chuyền, cầu lông.
Huyện cho biết trong năm 2017, Quân khu 7 đang xúc tiến kế hoạch giúp đỡ huyện nghèo Đam Rông xây dựng thêm một số hạng mục tại đây, cụ thể là xây một sân bóng đá mini và một sân quần vợt phía sau cùng một khu vui chơi cho thiếu nhi huyện, tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng. Khi hoàn tất, Trung tâm VHTT huyện sẽ có một hệ thống sân bãi khá hoàn chỉnh cho các bộ môn bóng đá mini, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông, bóng bàn…
Đam Rông hiện còn có một số sân bãi do các đơn vị trên địa bàn đầu tư như các sân quần vợt tại Huyện ủy và Điện lực huyện; có thêm 7 sân bóng đá cỏ nhân tạo do các đơn vị, tư nhân đầu tư gồm 1 sân tại Trường Dân tộc nội trú huyện, 1 sân tại Huyện đội, 1 sân tại Nhà thờ Đạ Tông, 2 sân do tư nhân đầu tư (sân đôi). Hầu như mỗi sân cỏ nhân tạo này đều có các CLB bóng đá và thu hút khá đông thanh niên, học sinh đến đây vui chơi tập luyện hằng ngày.
Với cấp xã, hiện Đam Rông có 4 trong tổng số 8 xã của huyện đã có sân vận động dù hầu hết đây là những sân đất; tất cả 8/8 xã đều có nhà văn hóa cấp xã, có thêm sân bóng chuyền phía trước để người dân trong xã có thể đến chơi thể thao mỗi ngày.
10 giải đấu cấp huyện trong năm nay
Theo ông Hồ Xuân Hướng, Giám đốc Trung tâm VHTT Đam Rông, dù kinh phí cho các hoạt động thể thao của huyện còn thấp - chừng khoảng 200 triệu đồng mỗi năm, nhưng Trung tâm vẫn cố gắng phối hợp với các đơn vị, đoàn thể trong huyện tổ chức càng nhiều càng tốt các hoạt động thể thao nhằm phát triển phong trào trên địa bàn.
Như trong năm 2016 vừa qua, Đam Rông đã tổ chức 8 giải thể thao cấp huyện như giải bóng chuyền nam toàn huyện (với 16 đội tham dự), giải quần vợt hạng B toàn huyện (trên 20 VĐV thi đấu), giải việt dã truyền thống 26/3 (phối hợp với Huyện đoàn với trên 200 VĐV tham gia tại xã Đạ Tông); giải bóng chuyền nữ toàn huyện (phối hợp với Hội Phụ nữ huyện với 12 đội tham gia), giải bóng đá mini học sinh trong hè… Huyện còn cử 7 đoàn VĐV tham dự các giải tỉnh.
Trong các tháng đầu năm 2017, Đam Rông đã tổ chức được 3 giải thể thao lớn của huyện gồm giải bóng chuyền nam với 18 đội tham gia, giải bóng chuyền nữ dịp 8/3 với 12 đội thi đấu, giải việt dã toàn huyện dịp 26/3; tổ chức ngày chạy Olympic toàn dân trên toàn huyện.
Trung tâm VHTT huyện hằng năm còn hỗ trợ các xã trong huyện, các đơn vị, đoàn thể trên địa bàn tổ chức các hoạt động cho đơn vị mình.
Theo ông Hướng, phong trào thể thao mạnh nhất của Đam Rông hiện nay chính là bóng chuyền, cả bóng chuyền nam lẫn bóng chuyền nữ. Bóng chuyền phát triển cả ở các trường học, trong vùng có người Kinh sinh sống lẫn trong các thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều xã hiện nay có các đội bóng thôn, hằng năm xã tổ chức giải bóng chuyền các thôn thi đấu với nhau.
Trong năm 2017 này, theo ông Hướng, Trung tâm đã lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trong huyện như Huyện đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, ngành giáo dục…, vận động thêm nguồn xã hội hóa để tổ chức khoảng 10 giải thể thao cấp huyện.
Cũng nói thêm một chút về các hoạt động văn hóa - một điểm mạnh của Trung tâm VHTT Đam Rông hiện nay. Huyện có Đội Thông tin lưu động cùng Đội Chiếu phim lưu động đang hoạt động trong vùng sâu rất tốt, Thư viện huyện có gần 8 nghìn bản sách, hằng năm làm tốt việc luân chuyển sách đến các điểm Bưu điện Văn hóa xã ở các xã trong huyện.
Để phong trào thể thao Đam Rông đi lên
Cái khó nhất cho một huyện nghèo vùng sâu cực kỳ khó khăn như Đam Rông vẫn là chuyện cơ sở vật chất. Thiếu cơ sở, đặc biệt là các cơ sở phục vụ dân sinh trong đó có sân bãi thể thao là một nỗi lo của huyện.
Như ông Nguyễn Văn Quang cho biết, do đầu tư không đồng bộ, hầu như các nhà văn hóa xã hiện có tại huyện đều thiếu trang thiết bị âm thanh ánh sáng cùng dụng cụ phục vụ cho các hoạt động thể thao của cơ sở, phần lớn các nhà văn hóa hiện chỉ dùng cho hội họp là chính. “Huyện mới, nhiều khó khăn nên chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của tỉnh và của xã hội thêm nguồn lực đồng bộ hóa hệ thống thiết chế phục vụ phát triển văn hóa - thể thao cơ sở” - ông Quang mong muốn. Trước mắt, theo ông Quang, do đặc thù huyện vùng sâu mưa nhiều quanh năm nên Đam Rông đang rất cần đầu tư một nhà thi đấu để có thể tổ chức các hoạt động trong mùa mưa.
Còn theo ông Hồ Xuân Hướng, Trung tâm VHTT huyện đang đề nghị huyện trong thời gian đến cần chú ý tạo quỹ đất để các xã đến nay chưa có sân vận động có điều kiện đầu tư sân để phục vụ cho người dân địa phương, phát triển phong trào.
VIẾT TRỌNG