Thể thao - nhất là bóng đá mang lại rất nhiều cảm xúc cho người xem. Có người đã gắn bó với đội bóng mình yêu thích rất lâu năm, hầu như cả đời, dù lên hạng hay xuống hạng thì với họ tình yêu này vẫn còn mãi.
Thể thao - nhất là bóng đá mang lại rất nhiều cảm xúc cho người xem. Có người đã gắn bó với đội bóng mình yêu thích rất lâu năm, hầu như cả đời, dù lên hạng hay xuống hạng thì với họ tình yêu này vẫn còn mãi.
|
Một biển người chào đón đội mới lên hạng Brighton & Hove Albion Ảnh: VnExpress |
Niềm vui lên hạng
Khi gõ vào Google dòng chữ Brighton & Hove Albion, chưa đầy một giây sau lập tức trang mạng xuất hiện khoảng 1,2 triệu kết quả! Điều gì đã làm cho dòng chữ này có kết quả nhiều đến như thế? Đơn giản vì đó là tên một đội bóng - một đội bóng hạng nhất của nước Anh vừa chính thức giành vé lên chơi giải ngoại hạng mùa đến.
Cũng như tôi rất nhiều người trên thế giới yêu thích giải Ngoại hạng Anh lúc này cũng muốn biết chút ít về đội bóng “không tên tuổi” này. Nhưng không, đó không hề là một đội bóng vô danh tiểu tốt mà Brighton là một đội chuyên nghiệp có bề dày lịch sử không thua kém gì nhiều so với nhiều đội bóng tại xứ sở sương mù.
Thành lập năm 1901, Brighton & Hove Albion với biệt danh là những chú chim mòng biển (Seagulls) này có bản doanh tại thành phố Brighton & Hove ở phía đông Sussex, đông nam nước Anh. Đây là thành phố nhỏ, thanh bình bên bờ biển với du lịch nghỉ dưỡng là chính, dân số trên 270 nghìn người, hơn Đà Lạt một chút.
Tại đây, đội bóng này có một sân vận động 30.750 chỗ ngồi mang tên Falmer, được một hãng lớn của Mỹ là American Express tài trợ xây dựng nên còn gọi sân này là sân Cộng đồng Amex - viết tắt từ tên gọi của Cty trên.
Trong lịch sử của mình, Brighton hay các chú mòng biển này toàn lặn ngụp ở các giải hạng dưới của Anh, thành tích tốt nhất của họ là từng lên chơi ở giải hạng nhất Anh một thời gian, từng vào chung kết cúp FA năm 1983 nhưng thua trước Manchester United trong trận đá lại.
Kết thúc mùa giải năm nay Albion đã làm nên điều thần kỳ khi đứng nhì giải hạng nhất, chỉ thua Newcastle United đúng 1 điểm để chính thức giành chiếc vé trực tiếp thứ hai lên chơi giải ngoại hạng, sau Newcastle. 4 đội từ vị trí thứ ba đến thứ sáu trong giải hạng nhất này sau Brighton phải đấu lại với nhau để tranh tấm vé vớt duy nhất còn lại.
Không nói hết niềm vui của đội bóng lẫn của những người dân yêu bóng đá tại thành phố biển này khi chứng kiến đội bóng con cưng của họ lên lại giải cao nhất nước Anh. Trong cuộc diễu hành kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ quanh thành phố nhỏ này trong tuần qua hằng nghìn người dân nơi đây đã mặc áo xanh biển - màu truyền thống của đội, tràn ra đường vẫy cờ đi theo đoàn xe, một quang cảnh tưng bừng hiếm có của thành phố này. Trong đoàn diễu hành đó không chỉ lớp trẻ, thanh niên yêu bóng đá mà có cả trẻ em, người lớn tuổi - những người mà niềm vui của họ mỗi buổi chiều cuối tuần là đến sân vận động khi đội nhà thi đấu để gặp mặt, tán gẫu với bạn bè, thưởng thức các pha bóng đẹp, cổ vũ cho các cầu thủ mình yêu thích.
Không vui sao được vì mùa tới “những chú mòng biển” này sẽ lột xác hoàn toàn, tất cả nhờ tiền từ giải ngoại hạng đổ vào. Một ước tính, với chiếc vé thăng hạng này, Albion có thể kiếm được trên 200 triệu đô la từ giải đấu này, không nhỏ cho đội bóng này có thể mua sắm thêm cầu thủ cho cuộc chiến trụ hạng sắp đến.
Còn với người dân Brighton & Hove, thay vì xem các trận đấu làng nhàng của giải hạng nhất như lâu nay, mùa đến họ sẽ thưởng thức các HLV cùng chân sút hàng đầu Anh và thế giới từ giải ngoại hạng kéo đến đây mỗi cuối tuần. Thành phố này sẽ được nhiều người biết đến hơn, sẽ tràn ngập cổ động viên từ khắp nước Anh đổ về đây cổ động cho đội bóng của họ và với một thành phố biển du lịch thì còn mong gì được hơn thế?
Gắn bó cả đời
Ngoại hạngAnh năm nay như thông lệ lại chứng kiến cuộc tiễn biệt 3 đội bóng xuống chơi hạng nhất, đó là Sunderland, Middlesbrough và Hull City. Trong số 3 đội này, Sunderland gần như đã cầm chắc suất rớt hạng từ nhiều vòng đấu trước, còn hai đội sau mãi đến gần các trận đấu chót mới quyết định.
Điều đáng nói là các đội bóng trên dù có rớt hạng thì nhiều trận đấu ở những vòng cuối này trên sân nhà vẫn có rất đông khán giả đến sân. Đó là những cổ động viên trung thành của đội, cùng gắn bó, vui buồn cùng đội, họ có buồn vì đội bóng xuống hạng nhưng không bỏ đội. Nhiều người vẫn lên đường theo các đội rớt hạng này đến sân khách trong các vòng đấu cuối, có người vừa khóc vừa vẫy khăn chào đón cầu thủ đội nhà, dù đội nhà chẳng ghi nổi bàn thắng nào thì họ vẫn cổ động. Với những cổ động viên trung thành này, dù đội thi đấu ở ngoại hạng hay hạng nhất thì họ vẫn đến sân, vẫn song hành cùng đội.
Bên cạnh các cổ động viên trung thành cũng có các cầu thủ trung thành, Newcastle United trong năm nay là một minh chứng. Đội bóng này đã không phải chứng kiến cảnh hàng loạt cầu thủ tranh nhau chạy thoát thân sang các đội ngoại hạng khác dù có kẻ đã ra đi. Ngay cả vị HLV danh tiếng của họ, Rafael Benitez, người Tây Ban Nha vốn được mời về đây để giải cứu Newcastle khỏi xuống hạng mùa năm ngoái khi đội xuống hạng đã chấp nhận ở lại một giải đấu chẳng danh giá gì để cùng các cầu thủ trung thành làm lại. Và họ đã làm được, chỉ cần đúng 1 năm đội bóng này đã trở lại Ngoại hạng Anh trong sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo cổ động viên trung thành.
Nhưng không chỉ ở trời Tây mà ngay tại Đà Lạt tôi cũng thấy rất nhiều những cổ động viên trung thành như thế. Họ gắn bó với bóng đá Lâm Đồng trong rất nhiều năm, hầu như cả đời, từ thời còn trẻ nay tóc đã pha sương. Dù là đội bóng đá “cơn lốc cao nguyên” ở đỉnh cao nhất của bóng đá Việt Nam hay lẹt đẹt ở giải hạng nhì như hiện nay thì họ vẫn đến sân. Cứ mỗi trận đấu trên sân Đà Lạt dù trời mưa tôi lại thấy họ bất chấp mưa gió lại đến sân, gặp tôi họ vẫn hỏi thăm năm nay đội bóng ra sao, có cầu thủ nào mới, chơi được được không, có lên lại hạng được không...
Vâng, chỉ có bóng đá mới làm được điều như vậy, mới có những người trung thành đến như vậy, dù Tây hay ta. Và tôi - một người viết thể thao - chỉ mong các đội bóng trong đó có Bóng đá Lâm Đồng nếu được hãy chơi vì những khán giả như vậy.
VIẾT TRỌNG