Đã đến lúc các địa phương và ở cấp tỉnh nên có và nên tổ chức lại giải bơi trong hè để phát triển phong trào bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Đã đến lúc các địa phương và ở cấp tỉnh nên có và nên tổ chức lại giải bơi trong hè để phát triển phong trào bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em.
|
Đông đảo người học bơi tại Hồ bơi Phù Đổng trong hè. Ảnh: Viết Trọng |
Hè đi học bơi
Mới hơn 8 giờ sáng nhưng Hồ bơi Phù Đổng - Đà Lạt đã nhộn nhịp với các học viên nhỏ tuổi được cha mẹ “hộ tống” đến học bơi trong hè.
Tay dắt cháu, tay cầm túi đồ bơi, ông Nguyễn Hồng - người Trại Mát - vùng ven Đà Lạt đang giúp đứa cháu trai nội 10 tuổi của mình chuẩn bị vào lớp học bơi cho đúng giờ: “Ngày hè mà, cháu theo các bạn đi học bơi, cha mẹ bận rộn đi làm vườn cả ngày nên tôi đưa cháu đi học bơi. Hè mà, cho con trẻ vận động chút, với lại học bơi rất có lợi, mai này có đến vùng sông nước cũng không sợ” - ông Hồng tươi cười.
Cũng như ông Hồng, trong buổi sáng này rất nhiều phụ huynh đưa con mình đến hồ bơi học bơi, đông nhất vẫn là các em trong lứa tuổi bậc tiểu học. Nhiều người đưa cả 2 con mình cùng đi bơi, đứa lớn kèm đứa nhỏ, khi con vào hồ bơi nhiều bậc cha mẹ đến phòng chờ có lắp kính nhìn vào bể bơi để quan sát con mình học hành ra sao. Thậm chí có người thấy chưa an tâm nên mua cả vé bơi cùng vào hồ bơi với con mình. “Cháu học bơi trong lớp cùng bạn ở trường tiểu học trong năm học nhưng chưa được thực hành nhiều, hè này tôi đưa cháu đi bơi cho cháu quen và nếu có lớp nâng cao thì cho cháu học thêm” - chị Nguyễn Thị Mai - người ở đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu học bơi ngày càng nhiều của các cô cậu nhóc bậc tiểu học này, trong 2 năm gần đây, Hồ bơi Phù Đổng đã xây thêm một bể bơi cho trẻ em bên cạnh một bể bơi khác cũng cho trẻ em được xây dựng trước đó nhưng nay đã bị quá tải: “Hai bể bơi này dành cho các em bắt đầu học bơi, bể được xây với mức nước từ 0,6 - 0,8 m, rất an toàn cho trẻ bậc tiểu học” - bà Trần Thị Tú Phương - Huấn luyện viên trưởng Hồ bơi Phù Đổng cho biết.
Hồ bơi Phù Đổng trong vài năm nay đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ của mình, lắp hệ thống năng lượng mặt trời cho toàn bộ mái để sưởi ấm nước trong hồ thay thế cho hệ thống đun nóng bằng than đá trước đây, nhờ hệ thống này đã nâng nhiệt độ nước trong hồ lên.
Là hồ bơi nước nóng mở cửa rộng rãi cho mọi người đến bơi quanh năm tại Đà Lạt, nhưng nhộn nhịp nhất ở đây vẫn là dịp hè. Theo bà Phương, những năm gần đây, mỗi ngày trong hè hồ bơi tiếp nhận khoảng 150 - 200 cháu đến học bơi, không kể lượng khách người lớn đến bơi hàng ngày. Mỗi khóa học bơi có học phí không rẻ: 1,2 triệu đồng, học liên tục trong 10 ngày và hầu hết các cháu sau khóa học đều bơi được, nhiều cháu còn tiếp tục học các khóa nâng cao. “Trung bình mỗi mùa hè chúng tôi dạy trên 300 cháu biết bơi” - bà Phương cho biết.
Đặc biệt trong năm học vừa qua, Hồ bơi đã hợp tác với các trường học trên địa bàn Đà Lạt để bắt đầu dạy bơi cho học sinh, đó là Tiểu học Trưng Vương, Tiểu học Nguyễn Trãi, Trường Song ngữ Việt - Anh THT và Trường Hermann Gmeiner. Trong đó Trường Song ngữ THT cho học sinh bậc mẫu giáo mỗi tuần 1 buổi làm quen với nước, Trường Hermann Gmeiner cho học sinh bậc trung học cơ sở học bơi như hoạt động ngoại khóa, Tiểu học Nguyễn Trãi mới chỉ thử nghiệm một số học sinh, riêng Tiểu học Trưng Vương đã có 8 lớp của trường mỗi tuần học 1 buổi.
Theo bà Phương, việc hợp tác dạy bơi bước đầu đã tỏ ra rất hiệu quả “Các trường có các thầy, cô dạy thể dục tự dạy cho các em, Hồ bơi chỉ hỗ trợ HLV khi cần, học phí cũng như 1 vé bơi bình thường khoảng 60 nghìn đồng một buổi học.
40% trẻ từ độ tuổi tiểu học biết bơi
Trong cuối tháng 4/2017 vừa qua, UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn Đà Lạt.
Trọng tâm của kế hoạch này là phát triển phong trào tập luyện bơi cho trẻ em trong toàn thành phố với chỉ tiêu trong 3 năm đến tất cả các phường xã đều triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ, phấn đấu 40% trẻ trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết “kỹ năng an toàn trong môi trường nước”.
Nhiều giải pháp được Đà Lạt đưa ra, trong đó có việc tăng cường hỗ trợ việc dạy bơi, học bơi trong cộng đồng lẫn trong trường học, ưu tiên cho trẻ em con hộ nghèo, cận nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học bơi. Thành phố sẽ triển khai thí điểm phổ cập bơi cho trẻ em, xây dựng mô hình trẻ toàn phường biết bơi tại Phường 4 sau đó nhân rộng đến các phường, xã còn lại.
Đà Lạt cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tham mưu dành quỹ đất để vận động xã hội hóa đầu tư xây bể bơi, ưu tiên tại các khu vực gần trường học, khu vực đông dân cư; vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng bể bơi tại các xã, phường, trường học để tạo điều kiện cho học sinh học bơi; vận động các doanh nghiệp miễn giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, học sinh phổ thông và tạo điều kiện cho các trường học thực hiện chương trình dạy bơi cho học sinh.
Trong khi hệ thống hồ bơi đang phát triển rất nhanh hiện nay tại các địa phương trong tỉnh thì cái khó của Đà Lạt hiện nay chính là khí hậu lạnh. Bể bơi xây dựng ở đây để hoạt động được quanh năm, cần đầu tư hệ thống sưởi ấm nước như cách Hồ bơi Phù Đổng đang làm. Chính vì vậy, dù Đà Lạt hiện nay đã có một số điểm hồ bơi khác nhưng Hồ bơi Phù Đổng với cách làm rất chuyên nghiệp vẫn là nơi thu hút đông người nhất.
Điều đáng mừng là nhiều trường học Đà Lạt gần đây đã ý thức việc phòng chống đuối nước cho trẻ bằng cách tạo điều kiện cho học sinh của mình được học bơi, tiên phong nhất là Tiểu học Trưng Vương.
Để thực hiện được kế hoạch đã đề ra, Đà Lạt cần có thêm các trường học khác có giải pháp cụ thể để phát triển môn bơi trong trường mình. Và một điều quan trọng, với lượng học sinh học bơi đông đảo như hiện nay đã đến lúc Đà Lạt cần có một giải bơi cho mình trong mùa hè để phát triển phong trào. Với cấp tỉnh, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cũng nên duy trì lại giải cấp tỉnh cho bộ môn này vốn trước đây đã từng tổ chức được vài năm rồi ngưng.
Riêng bà Phương, đại diện cho Hồ bơi Phù Đổng cho biết, Hồ bơi sẵn sàng hỗ trợ cho một giải bơi như thế vì phong trào bơi chung của Đà Lạt và của cả Lâm Đồng.
VIẾT TRỌNG