" Điên rồ", "giá trên trời"… đó là cách giới truyền thông gọi thị trường chuyển nhượng cầu thủ cho mùa bóng mới ở châu Âu vài năm gần đây, đặc biệt trong mùa chuyển nhượng năm nay.
“ Điên rồ”, “giá trên trời”… đó là cách giới truyền thông gọi thị trường chuyển nhượng cầu thủ cho mùa bóng mới ở châu Âu vài năm gần đây, đặc biệt trong mùa chuyển nhượng năm nay.
|
Kylian Mbappe - cái tên đang gây sốt trên thị trường chuyển nhượng. (ảnh ESPN) |
Mùa chuyển nhượng
Mùa chuyển nhượng cầu thủ là khoảng thời gian trong năm một câu lạc bộ bóng đá có thể chuyển cầu thủ khác về chơi cho đội bóng của mình. Việc chuyển nhượng này chỉ có thể coi là hoàn tất khi câu lạc bộ này chính thức đăng ký cầu thủ mới với liên đoàn bóng đá quốc gia theo những qui định rất chặt chẽ. Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) cũng có những qui định cụ thể về việc chuyển nhượng này để tránh tình trạng lộn xộn về đăng ký cầu thủ trong các giải đấu quốc gia và quốc tế. Hệ thống chuyển nhượng này đã được áp dụng tại các giải bóng đá châu Âu sau đó được FIFA coi là điều bắt buộc từ mùa giải 2002 - 2003.
Thông thường mỗi năm mùa chuyển nhượng châu Âu mở cửa 2 lần, một lần trong mùa hè và một lần trong mùa đông nên còn gọi là “kỳ chuyển nhượng mùa hè”, “kỳ chuyển nhượng mùa đông”. Các liên đoàn bóng đá quốc gia sẽ quyết định thời gian cho các kỳ chuyển nhượng này, trong đó kỳ chuyển nhượng chính trong mùa hè dài khoảng 12 tuần, còn kỳ chuyển nhượng mùa đông thường nằm giữa giải có thời gian ngắn hơn, chừng khoảng 4 tuần.
Các quốc gia khác nhau thường qui định thời gian kỳ chuyển nhượng khác nhau. Như tại Anh, chuyển nhượng mùa hè bắt đầu từ 9/6 và kéo dài đến 31/8; còn chuyển nhượng mùa đông dài đúng 1 tháng, từ ngày 1 - 31/1 hằng năm.
Trong khi đó, ở 4 quốc gia châu Âu khác có nền bóng đá lớn là Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha, ngày mở cửa cho kỳ chuyển nhượng mùa hè sớm hơn nước Anh chút ít, bắt đầu từ ngày 1/6 và cũng kéo dài đến 31/8, trong khi kỳ chuyển nhượng mùa đông dài hơn nước Anh 2 ngày, cũng bắt đầu từ 1/1nhưng đến 2/2 mới đóng cửa.
Tại Nga, chuyển nhượng mùa hè bắt đầu từ 17/6 đến 16/9, nhưng kỳ chuyển nhượng mùa đông có chậm hơn, từ 28/1 đến 28/2. Tại Úc, chuyển nhượng mùa hè từ 1/6 đến 31/7 (đúng hơn là mùa đông vì Úc nằm ở Nam Bán cầu, mùa này là mùa đông) còn chuyển nhượng mùa đông từ 14/1 đến 14/2. Tại Mỹ và Canada, kỳ mùa hè (đúng hơn là mùa đông và mùa xuân) từ 18/2 đến 12/5 còn kỳ giao dịch mùa đông từ 8/7 đến 6/8.
Những cái giá trên trời
Thị trường chuyển nhượng cầu thủ châu Âu vốn đã “điên rồ” lâu nay nhưng vài năm gần đây “bệnh điên” này có vẻ ngày càng trầm trọng hơn với toàn những cái giá trên trời.
Không chỉ các đại gia lắm tiền nhiều của của bóng đá châu Âu lâu nay như Real Madrid hay Barcelona của Tây Ban Nha, Bayern Munich của Đức hay Manchester United (MU) của Anh mỗi năm vung cả núi tiền để mua vài siêu sao về làm đẹp đội hình, mà gần đây rất nhiều đội bóng tầm tầm ở các giải đấu này cũng lao vào săn cầu thủ.
Như ở Tây Ban Nha, đội bóng tầm tầm Villarreal chẳng hạn đến nay đã vung 27,7 triệu Euro để mua hậu vệ Ruben Semedo của Sporting Lisbon (14 triệu Euro) và tiền đạo Enes Unal từ Manchester City 13,7 triệu Euro.
Còn Real Madrid không chỉ móc túi 45 triệu Euro để mua chân sút Vinicius Junior từ Câu lạc bộ bóng đá Flamengo của Brazil mà gần đây báo chí còn rộ lên tin đội bóng này chi ra một cái giá đúng là “trên trời” - trên 160 triệu bảng Anh - để đưa chân sút non chẹt Kylian Mbappe mới 18 tuổi của AS Monaco về chơi cho đội nhà. Manchester City của Anh cũng không thua kém khi nhào vào tranh mua. Nếu việc chuyển nhượng này diễn ra, dù về bất kỳ đội bóng nào Mbappe sẽ xác lập ngay lập tức 2 kỷ lục: cầu thủ dưới 20 đắt giá nhất thế giới (vượt Anthony Martial - người Pháp - hiện đang chơi tại Manchester United - MU) và là cầu thủ đắt giá nhất lịch sử bóng đá thế giới (vượt qua Paul Pogba - cũng của MU).
Tại Đức, Hùm xám Bayern Munich như thói quen của mình vẫn là kẻ chịu chi nhiều nhất trong các kỳ chuyển nhượng mùa hè với hơn 80 triệu Euro. Các cầu thủ đến đây lần này không phải là tiền đạo tên tuổi mà là hậu vệ Niklas Suele từ đội 1899 Hoffenheim với giá 20 triệu Euro; tiền vệ Corentin Tolisso - đội Lyon của Pháp với giá 21,5 triệu Euro và tiền vệ Kingsley Coman từ Juventus với giá 21 triệu Euro.
Tại Ý, AC Milan đã mạnh tay chi đến 70 triệu Euro để đưa về 2 hậu vệ và 1 tiền đạo (Andre Silva - từ Porto, giá 38 triệu bảng), còn Juventus móc ra 37 triệu cho 1 hậu vệ (Medhi Benatia - 17 triệu Euro) và 1 tiền vệ (Juan Cuadrado, từ Chelsea - 20 triệu Euro). Đội bóng Monaco ở Pháp cũng không tiếc tiền khi chi 25 triệu Euro để đưa tiền vệ Youri Tielemans từ Anderlecht về với giá 25 triệu Euro.
Nhưng rộn rịp nhất trong mùa chuyển nhượng này chính là Ngoại hạng Anh. Đình đám nhất trong các vụ mua bán tại xứ sở sương mù vừa rồi chính là thương vụ đưa Romelo Lukaku từ Everton sang MU với giá 75 triệu bảng. Để hoàn tất hợp đồng này MU ước tính phải mất chừng 150 triệu bảng gồm lương - thưởng cho cầu thủ này. Theo nhiều người đây cũng là một cái giá “trên trời” vì dù là một chân làm bàn cực kỳ hiệu quả ở Ngoại hạng Anh nhưng liệu giá trị của cầu thủ này có xứng số tiền đã bỏ ra cao đến như thế hay không?
Nhưng không chỉ MU, nhiều đội bóng khác tại Anh mùa này cũng rất chịu chi. Như Arsenal chi 46,5 triệu bảng Anh để đưa chân sút Alexandre Lacazette từ Lyon về, Manchester City chi 78 triệu bảng để mua tiền vệ Bernardo Silva từ Monaco (43 triệu bảng) và Ederson từ Benfica (35 triệu bảng); Liverpool cũng đưa Mohamed Salah từ Roma về với giá 34 triệu bảng; Chelsea mua Antonio Rudiger từ Roma với giá 31 triệu bảng. Everton - đội bóng nhỏ với số tiền bán được Lukaku cũng ào ào lao vào thị trường mua sắm.
Tại sao cầu thủ ngày càng cao giá như vậy? Có thể bởi vì ông chủ các đội bóng này vốn nhiều tiền, chịu chơi và chịu chi; nhưng cũng có thể là bản quyền truyền hình như Ngoại hạng Anh chẳng hạn, ngày càng lên cao vút, tiền vé vào cửa của nhiều đội cũng tăng theo, nghĩa là tiền từ khán giả cũng đang đổ vào bóng đá ngày càng nhiều hơn.
GIA KHÁNH