Chỉ còn hơn tháng nữa Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 29 (Sea Games 29 năm 2017) sẽ khởi tranh tại Malaysia và chủ nhà dường như đang làm mọi cách để nước mình có được huy chương nhiều nhất!
Chỉ còn hơn tháng nữa Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 29 (Sea Games 29 năm 2017) sẽ khởi tranh tại Malaysia và chủ nhà dường như đang làm mọi cách để nước mình có được huy chương nhiều nhất!
|
Cảnh sát Malaysia đang trấn an công tác an ninh cho mọi người (ảnh www. kualalumpur 2017.com) |
“Vươn lên cùng nhau”
Theo lịch trình, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Sea Games) lần thứ 29 năm 2017 tại Kuala Lumpur - Malaysia sẽ khai mạc vào đêm 19/8 và bế mạc vào 30/8. Đồng thời trong dịp này, Malaysia cũng sẽ tổ chức rất nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Quốc khánh (1957- 2017) trên khắp đất nước mình.
Với khẩu hiệu “Vươn lên cùng nhau” (Rising Together), theo Ban tổ chức, đây là một sự kiện lớn, là cột mốc quan trọng để đánh dấu sự hình thành của cộng đồng chung ASEAN tính từ năm 2015. Thể thao không chỉ giữ một vai trò lớn trong việc đưa mọi người trong khắp vùng Đông Nam Á gắn kết với nhau mà còn là dịp để các quốc gia thể hiện tinh thần đoàn kết cùng hướng đến mục tiêu xây dựng một cộng đồng chung vững mạnh, thịnh vượng. Riêng với Malaysia, Sea Games lần này chính là dịp để quốc gia này đưa hình ảnh thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước mình ra với cộng đồng ASEAN và thế giới.
Cho đến thời điểm này, theo Ban tổ chức Sea Games 29, có tổng cộng 4.888 vận động viên của 11 quốc gia Đông Nam Á đăng ký đến tranh tài trong 38 bộ môn, 404 nội dung. Nhiều nhất trong đó chính là đội chủ nhà với 874 VĐV, kế đến là Thái Lan với 858, Indonesia: 629, Singapore: 582, Philippines: 497, Myanmar: 457 rồi mới đến Việt Nam với 455 VĐV. Sau Việt Nam là đoàn Lào với 201 VĐV, Cambodia: 178, Brunei Darussalam: 109, cử VĐV ít nhất trong các quốc gia Đông Nam Á chính là Đông Timor (Timor Leste) với 48 người.
Đây đã là lần thứ 6 Sea Games được tổ chức tại Malaysia (Malaysia từng đăng cai Sea Games ở các năm 1965, 1971, 1977, 1989 và 2001) nên quốc gia này đủ kinh nghiệm để tổ chức cho một kỳ đại hội thành công. Đến nay, nước này đã chi khá nhiều tiền để sửa sang, nâng cấp và xây mới thêm nhiều công trình phục vụ cho Sea Games 29 với các địa điểm thi đấu không chỉ bó gọn tại thủ đô Kualar Lumpur mà vươn rộng ra các bang kế cận.
Để hỗ trợ cho các hoạt động tại Sea Games 29, Malaysia đã lên kế hoạch chọn khoảng 20 nghìn tình nguyện viên trong khắp cả nước. Các tình nguyện viên được Ban tổ chức chọn lựa kỹ thông qua các vòng tuyển chọn, sau đó được huấn luyện cho các việc cụ thể như ghi điểm, chỉ đường, bán vé, trợ giúp ngôn ngữ, hướng dẫn viên cho các đoàn vận động viên… Đặc biệt, trong đó sẽ có khoảng 2 nghìn tình nguyện viên được chọn riêng để tập luyện cho lễ khai mạc và đêm bế mạc Đại hội.
Bắt đầu từ ngày 4/7, vé vào cửa để xem thi đấu các bộ môn tại Đại hội bắt đầu được Ban tổ chức Sea Games 29 mở bán qua mạng cũng như tại các địa điểm thi đấu. Việc bán vé sẽ kéo dài cho đến khi Đại hội kết thúc hoặc khi vé… bán hết!
Điều ngạc nhiên là giá vé cho tất cả 19 nội dung thi đấu được công bố trong đợt này đều có giá rất rẻ, chỉ từ 10 - 20 Ringit Malaysia, tức khoảng trên 50 nghìn - trên 100 nghìn đồng Việt, mục tiêu nhằm khuyến khích mọi người dân nhất là lớp trẻ có cơ hội đến xem, vận động mọi người yêu và cùng rèn luyện thể thao.
Theo Ban tổ chức, vé vào cửa sẽ được bán cho các môn đấu chính tại Đại hội lần này như bơi, lặn, bơi nghệ thuật, pôlô dưới nước, cầu lông, thể dục dụng cụ, đua xe đạp lòng chảo, bóng rổ, billard, bóng đá trong nhà, bóng đá trên sân cùng các môn võ như Karate, Taekwondo, Pencat Silat, Sepak Takraw…
Trong khi đó, cũng có đến 16 bộ môn với rất nhiều nội dung thi đấu lại được mở cửa cho mọi người đến xem tự do như bơi, bắn cung, đấu kiếm, golf, nhu đạo (Judo), bóng ném, đua thuyền… Tương tự, tất cả 16 bộ môn với các nội dung thi đấu tại Đại hội Thể thao Khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 9 được tổ chức từ 17 đến 23/9 liền ngay sau Sea Games 29 lần này cũng tại Kualar Lumpur đều mở cửa tự do cho mọi người vào xem.
Cho đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin cụ thể nào về lễ khai mạc và lễ bế mạc của Sea Games 29 ngoài một điều chung chung rằng cả lễ khai mạc và bế mạc đều rất hoành tráng (vì đúng vào dịp 60 năm Quốc khánh). Lễ khai mạc diễn ra tại sân vận động quốc gia Bukit Jalil được tập trung vào các chủ đề chính là lịch sử và văn hóa độc đáo của quốc gia này.
Những quan ngại
Quan ngại lớn nhất là an ninh của Đại hội khi diễn ra trong bối cảnh khu vực có những biến động, tiêu điểm là phong trào Hồi giáo nổi dậy tại Philippines.
Cảnh sát Hoàng gia Malaysia đầu tháng này đã lên tiếng đảm bảo an ninh và an toàn cho Đại hội trong suốt thời gian diễn ra. Tổng cộng cảnh sát sẽ có 6 cuộc diễn tập tại các địa điểm diễn ra thi đấu chính.
Tuy nhiên, còn một mối lo khác mà rất nhiều quốc gia trong vùng đã lên tiếng chính là việc chủ nhà Malaysia dường như đang làm mọi cách để chiếm được ưu thế trong các bộ môn có VĐV chủ nhà thi đấu, chẳng hạn như cách họ đang làm với bóng đá và bóng chuyền. Thậm chí họ có thể cắt bớt hoặc bỏ hẳn những nội dung mà họ cảm thấy yếu thế, đến khi bị phản đối mới đưa thêm vào một số nội dung nhưng có giới hạn. Ngay cả với những bộ môn thi đấu đã được thống nhất thì Malaysia với vai trò chủ nhà của mình cũng … không khó lắm để có những tác động đến kết quả, chẳng hạn “nhường” lịch thi đấu bất thuận lợi cho đối thủ, tác động để trọng tài có điểm thiên vị...
Thật ra, những lo ngại trên, nhất là chuyện kết quả thiên vị chẳng có gì mới nhưng không hiểu vì sao lại cứ lặp đi lặp lại mỗi khi Sea Games diễn ra tại một quốc gia nào đó tại khu vực này. Hành động “phi thể thao” này đã và đang góp phần không nhỏ giết chết thể thao chân chính, đưa nỗ lực của VĐV đến chỗ phí hoài, biến Sea Games thành cái “ao làng” như cách gọi lâu nay của giới thể thao.
GIA KHÁNH