Kéo dài từ ngày 3/7 đến 16/7, Wimbledon, giải Grand Slam lớn thứ ba trong năm của làng quần vợt thế giới diễn ra tại Anh đang đến hồi hấp dẫn.
Kéo dài từ ngày 3/7 đến 16/7, Wimbledon, giải Grand Slam lớn thứ ba trong năm của làng quần vợt thế giới diễn ra tại Anh đang đến hồi hấp dẫn.
|
Một trận đấu tại Wimbledon |
Tiền thưởng tăng vọt
Sau mùa sân đất nện với tiêu điểm là Roland Garros - giải Pháp mở rộng, quần vợt thế giới lại tiếp tục sôi động với mùa giải trên sân cỏ và đích hướng đến lần này chính là Wimbledon - giải Grand Slam lớn thứ ba trong năm, đang diễn ra đầy hấp dẫn tại nước Anh.
Đây là lần thứ 131 giải được tổ chức tại nước Anh và là lần thứ 50 trong kỷ nguyên mở rộng của giải đấu truyền thống này. Wimbledon hay các giải Grand Slam khác luôn là một phần quan trọng cho các tay vợt trong chuỗi đấu “ATP World Tour” và “WTA Tour” gồm các trận đấu tính điểm trên khắp thế giới do Hiệp hội Quần vợt Nhà nghề (ATP - Association of Tennis Professionals) tổ chức cho nam và Hiệp hội quần vợt nữ (WTA - Women’s Tennis Association) tổ chức cho nữ dưới sự điều hành chung của Hiệp hội Quần vợt Thế giới (ITF- International Tennis Federation). Nhờ việc tham dự cũng như kết quả từ các giải đấu này các tay vợt sẽ được xếp hạng thông qua điểm số mình đạt được và các nhà tổ chức có thể phân loại hạt giống cho các giải đấu mà họ tham dự.
Tuy nhiên, Wimbledon năm nay có điểm khác biệt là xếp hạng hạt giống không căn cứ vào thứ hạng ATP mà dựa vào thành tích trên mặt sân cỏ của các tay vợt trong 2 mùa giải gần đây. Như thông lệ, sẽ có các nội dung gồm đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ phối hợp, ngoài ra còn có giải cho thanh thiếu niên dưới 18 tuổi (U18, cũng có đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ) và giải cho người khuyết tật thi đấu trên xe lăn.
Để tạo thêm sức nóng cho giải, Wimbledon năm nay tiếp tục tăng thêm tiền thưởng cho VĐV. Từ 28,1 triệu bảng tiền tổng giải thưởng của mùa năm ngoái, năm nay tiền thưởng của Wimbledon đã tăng lên đến 31,6 triệu bảng Anh, tính ra tiền Mỹ chừng khoảng… 50 triệu USD.
Trong giải năm nay, các tay vợt đấu đơn, cả đơn nam và đơn nữ chỉ cần có tên và xuất hiện ở vòng đấu loại đầu tiên là có ngay số tiền dự giải trên 4 nghìn bảng Anh (khoảng gần 130 triệu đồng Việt Nam), càng vào sâu tiền dự giải càng nhiều. Vượt qua vòng đấu loại thứ 3 là mỗi tay vợt có 17,5 nghìn bảng, vào vòng 128 được 35 nghìn bảng, vòng 64 được 57 nghìn bảng, đến vòng 32 được 90 nghìn bảng, vòng 16 được 147 nghìn bảng. Khi vào đến tứ kết VĐV được nhận 275 nghìn bảng; bán kết nhận được 550 nghìn bảng. Trận chung kết đơn nam lẫn đơn nữ người thắng trận vô địch ngoài chiếc cúp còn nhận được tấm hóa đơn 2,2 triệu bảng, kẻ thua cũng được “an ủi” với chiếc đĩa bạc cùng tấm hóa đơn chỉ có… 1,1 triệu bảng.
Trong khi đó, các nội dung khác giải thưởng cũng tăng nhưng có thấp hơn so với danh hiệu đơn nam và đơn nữ. Cụ thể, danh hiệu vô địch đôi có giá trị giải thưởng 400 nghìn bảng; riêng vô địch đôi nam nữ phối hợp chỉ có 100 nghìn bảng; còn vô địch đơn người khuyết tật trên xe lăn nhận được 30 nghìn bảng, vô địch đôi xe lăn giảm một nửa, chỉ còn 15 nghìn bảng.
Cần lưu ý rằng giá vé vào cửa xem trực tiếp các trận đấu Wimbledon chẳng hề rẻ chút nào. Muốn xem các trận đơn nam vòng 1 cũng phải bỏ ra gần 600 bảng Anh (khoảng 18 triệu đồng Việt Nam) cho một chỗ ngồi; các trận đơn nữ thấp hơn đôi chút; càng vào sâu giá vé càng tăng. Để xem được trận chung kết đơn nam giá vé cho mỗi ghế từ trên 1.600 bảng đến trên 3.000 bảng (48 đến trên 90 triệu đồng Việt Nam) tùy theo vị trí chỗ ngồi.
Nhưng nếu người xem trực tiếp đến đây nếu thấy vé đắt quá thì có thể ngồi thư giãn ở các bãi cỏ quanh sân đấu (khu vực dành cho khán giả) và thưởng thức trận đấu qua màn hình lớn.
Chờ đợi điều bất ngờ
Roland Garros 2017 Pháp vừa qua là một giải đấu chứa đựng nhiều bất ngờ. Trong khi “Vua sân đất nện” Rafael Nadal dễ dàng bỏ túi danh hiệu vô địch nam lần thứ 10 tại giải đấu này thì sự bất ngờ lại đến từ danh hiệu vô địch đơn nữ của cô gái 20 tuổi người Latvia: Jelena Ostapenko. Với Wimbledon lần này, liệu có sự bất ngờ thú vị như vậy xảy ra?
Trong nội dung đơn nam, đương kim vô địch giải đấu Andy Muray, hạt giống số 1 của giải được dự đoán sẽ phải rất vất vả để bảo vệ danh hiệu của mình trong mùa giải năm nay. Từ đầu năm đến nay, tay vợt này thi đấu khá thất thường, mới chỉ giành được duy nhất 1 danh hiệu tại Dubai trong tháng 1. Trong khi đó, ngay phía sau của tay vợt này là 3 thành viên của nhóm “bộ tứ” (Big Four), gồm Novak Djokovic ( hạt giống số 2), Roger Federer (hạt giống số 3), Rafael Nadal (hạt giống số 4) luôn lăm le lật đổ ngôi vị của Muray. Chỉ một điều đáng tiếc là tay vợt Stan Wawrinka hạt giống số 5 với cú trái tay cực hay lại bị loại ngay từ vòng đầu.
Trong nội dung đơn nữ, trong khi đương kim vô địch Serena Williams mang bầu chờ sinh con thì danh hiệu vô địch năm nay dự đoán nhiều khả năng sẽ vào tay của 3 tay vợt mạnh đang xếp đầu giải gồm Angelique Kerber (hạt giống số 1), Simona Halep (hạt giống số 2) và Karolina Pliskova (hạt giống số 3). Quần vợt đỉnh cao cho đến nay thường mang tính ổn định rất cao, các tay vợt càng mạnh càng tiến sâu vào giải, trừ trường hợp phải cực kỳ xuất sắc để đánh bại các tay vợt xếp hạng trên mình nhiều lần. Tuy nhiên, đông đảo người xem vẫn mong có sự bất ngờ thú vị tại giải, xuất hiện một khuôn mặt mới như kiểu tay vợt 20 tuổi Jelena Ostapenko người Latvia đã làm được tại Roland Garros vừa qua.
Cần biết rằng thi đấu trên sân cỏ hoàn toàn khác với thi đấu trên sân cứng hoặc sân đất nện. Bóng trên sân cỏ thường nhanh, nảy không đều, chơi trên mặt sân này cần có những kỹ thuật riêng của nó. Thông thường, các tay vợt ở đẳng cấp quốc tế thường chơi được tất cả các mặt sân, nhưng có những người rất mạnh về một loại mặt sân nào đó, kiểu như Nadal với sân đất nện chẳng hạn. Kiểu mặt sân cỏ này khá phù hợp với những tay vợt di chuyển nhanh, có lối đánh kỹ thuật, mạnh, chìm, biến hóa kiểu như “tàu tốc hành” Roger Federer đã làm. Đã từng vô địch tại đây 7 lần, liệu Federer có thêm lần đăng quang trong năm nay khi đã 36 tuổi?
GIA KHÁNH