Bước chuyển tích cực của thể thao Việt Nam

08:08, 31/08/2017

Dù chỉ xếp thứ 3 với 167 huy chương (HC) giành được, trong đó có 58 HC Vàng trong khi chỉ còn 1 ngày nữa là Sea Games 29 kết thúc, nhưng Thể thao Việt Nam trong kỳ tham dự Ðại hội Thể thao Ðông Nam Á lần này đã có những bước chuyển đầy tích cực với các tấm HC Vàng từ các môn Olympic. 

Dù chỉ xếp thứ 3 với 167 huy chương (HC) giành được, trong đó có 58 HC Vàng trong khi chỉ còn 1 ngày nữa là Sea Games 29 kết thúc, nhưng Thể thao Việt Nam trong kỳ tham dự Ðại hội Thể thao Ðông Nam Á lần này đã có những bước chuyển đầy tích cực với các tấm HC Vàng từ các môn Olympic. 
 
Điền kinh Việt Nam thành công rực rỡ tại Sea Games 29. Ảnh: Thể thao Văn hóa
Điền kinh Việt Nam thành công rực rỡ tại Sea Games 29. Ảnh: Thể thao Văn hóa

1- Cứ đến Đại hội Thể thao Đông Nam Á - Sea Games thì một cụm từ lại được giới truyền thông nhắc đi nhắc lại nhiều lần với một thái độ dè bỉu: “ao làng”. Sea Games 29 tại Malaysia lần này cũng vậy.
 
Không là “ao làng” sao được vì Đại hội Thể thao này đã nhiều lần có những cách làm “chẳng giống ai”, chẳng giống một đại hội thể thao quốc tế tên tuổi nào,  lâu dần biến thành một tiền lệ chẳng tốt đẹp chút nào. Nghĩa là khi bỏ tiền ra đăng cai, chủ nhà sẽ cố gắng làm mọi cách để bỏ túi càng nhiều HC càng tốt, bất chấp người ta nghĩ sao mặc kệ, từ chuyện loại bớt các môn có thế mạnh có thể tranh chấp HC của các đối thủ trong khu vực, đưa vào các môn gọi là môn “truyền thống”(với danh nghĩa là quảng bá văn hóa, thể thao trong khu vực) mà mình có thể giành ưu thế. Ngay những môn thi đấu nếu không bỏ ra được thì cũng cố loại những nội dung mà mình không có ưu thế.
 
Rồi còn rất nhiều chiêu trò khác được bày ra như sắp xếp lịch thi đấu bất lợi cho đối thủ, sắp xếp quãng đường di chuyển xa hơn cho đối thủ mệt nhoài trước khi vào cuộc. Rồi là cú “bỏ nhỏ” với trọng tài để xử ép đối thủ, làm cho đối thủ hoang mang, mất tinh thần; cho đối thủ điểm thấp hơn dù trên sân đấu VĐV đội nhà bị lép vế hoàn toàn. Đã có trường hợp đầy bi hài trong môn xe đạp năm nay khi đoàn Thái Lan về đích đầu tiên rồi đến Việt Nam và cả 2 hí hửng chuẩn bị lên bục nhận HC Vàng và Bạc thì Ban tổ chức thông báo Malaysia giành HC Vàng vì đã về từ lâu vì “đi đường tắt”. Hay có trường hợp võ sỹ chủ nhà Malaysia bị VĐV Thái Lan đánh tơi tả nhưng đến giờ chót vẫn được trọng tài đẩy tay lên cao nhận thắng cuộc, lên bục nhận HC trong sự ngơ ngác đến bất lực của đối thủ.
 
Cùng với đó, tại Sea Games 29 lần này, Malaysia đã loại bỏ một số môn thi đấu lẫn một số nội dung trong các môn và đưa vào các môn quen thuộc của nước mình để làm sao giành được HC nhiều nhất. Đến thời điểm này, khi còn 1 ngày nữa kết thúc họ đã giành được 315 HC, trong đó có 140 HC Vàng, gấp đôi Thái Lan (70 HC Vàng) - đang đứng thứ hai và Việt Nam (58 HC Vàng) xếp thứ 3. 
 
Vốn là một quốc gia có thế mạnh về thể thao trong khu vực, nay thấy cách biệt quá với chủ nhà, Trưởng đoàn Thể thao của Thái Lan tại Sea Games 29 lần này là Thana Chaiprasit đã lên tiếng than phiền rằng nước chủ nhà cố tình tạo lợi thế cho họ và gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh: “Malaysia đưa các môn thể thao thế mạnh của họ vào nội dung thi đấu của Sea Games 29 trong khi loại bỏ những môn thể thao sở trường của các quốc gia khác”. Cụ thể ở đây là loại môn quyền Anh nữ (vốn Thái Lan rất mạnh) để đưa các môn khác như bóng quần hay trượt băng nghệ thuật “Điều này gây khó khăn cho đoàn Thái Lan”.
 
Nhưng thật ra không chỉ Thái Lan mà rất nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam cũng khó khăn không kém. Rất nhiều môn thi đấu và nội dung thi đấu có thế mạnh, tranh chấp HC Vàng khu vực của Việt Nam trong đợt này đã bị loại ra. Một thực tế là trong cuộc chơi của 6 Sea Games gần đây nhất, các đội chủ nhà đều dẫn đầu bảng tổng sắp HC. 
 
Vậy thì chừng nào cách làm “múa gậy vườn hoang” này mới chấm dứt, liệu khi nào các quốc gia trong khu vực mới lên tiếng phản đối cách làm phi thể thao này; mới bỏ được cách “anh được HC rồi đến tôi được HC” này để hướng đến một Sea Games cạnh tranh thực sự công bằng với tiêu chí “nhanh hơn, cao hơn, xa hơn” theo tinh thần Olympic. Tại sao các quốc gia Đông Nam Á không dùng ngay các môn thi đấu của Olympic mà áp dụng cho các môn của Sea Games để sau kỳ đại hội này các VĐV trong khu vực sẽ đặt đích đến là sân chơi châu Á ASIAD và sau đó là Thế Vận hội? 
 
2- Trong tình thế bất lợi của Sea Games 29 này, có thể nói Thể thao Việt Nam đã tìm được những điều thuận lợi cho mình, hay nói cách khác, Thể thao Việt Nam tại Sea Games 29 lần này đã có những bước chuyển đầy tích cực sang các môn thể thao Olympic. 
 
Môn thể thao Olympic, một cách đơn giản, chính là các môn được thi đấu tại Thế vận hội Olympic bao gồm Thế vận hội mùa hè và Thế vận hội mùa đông. Thông thường mỗi bộ môn Olympic này thường có đại diện bởi cơ quan điều hành quốc tế, là thành viên của Liên đoàn quốc tế; mỗi môn có thể thường có nhiều phân môn. Một môn hay một phân môn được đưa vào trong chương trình thi đấu của Thế vận hội nếu Ủy ban Olympic quốc tế xác định nó được tập luyện rộng rãi trên khắp thế giới, có các quốc gia tham gia tranh tài thường xuyên. 
 
Nổi bật trong các bộ môn thể thao Olympic Việt Nam giành HC Vàng tại Sea Games 29 này chính là cử tạ, thể dục dụng cụ, đấu kiếm…, đặc biệt là bơi và điền kinh. 
 
Trong môn bơi, bên cạnh sự xuất sắc của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên - tay bơi số 1 Việt Nam hiện nay (tham dự 15 nội dung bơi, giành 8 HC Vàng, 2 HC Bạc, phá 3 kỷ lục Sea Games), còn có sự góp mặt của 2 VĐV còn rất trẻ nhưng đã giành HC Vàng, đó là Nguyễn Hữu  Kim Sơn 15 tuổi, (HC Vàng 400 m hỗn hợp nam, phá kỷ lục Sea Games) và Nguyễn Huy Hoàng 17 tuổi, (HC Vàng 1.500 m tự do nam, phá kỷ lục Sea Games), đây là những khuôn mặt đầy triển vọng của môn bơi Việt Nam trong thời gian đến.  
 
 Trong điền kinh, Việt Nam lần đầu tiên đã vượt qua Thái Lan để dẫn đầu toàn đoàn về số HC giành được trong bộ môn này với 17 HC Vàng, 11 Bạc, 6 Đồng (hơn 1/3 tổng số 46 bộ HC được trao tại giải) và góp công rất lớn để Thể thao Việt Nam có được vị thứ cao trên bảng tổng sắp lần này. Rất nhiều cái tên được nói đến trong những ngày này: Nguyễn Thị Huyền, Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Ly, Dương Văn Thái, Nguyễn Văn Lai…
 
Từ thành công với các môn Olympic này, Thể thao Việt Nam đã đến lúc nên tự tin ở chính mình, dứt khoát với lối “đi tắt đón đầu” và bệnh thành tích, kiên định đầu tư vào các môn thể thao trọng điểm Olympic và nên coi Sea Games như một cột mốc để kiểm tra lại mình trên cái đích vươn ra xa hơn với Asiad và Olympic.
 
VIẾT TRỌNG