Bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch - thể thao

09:09, 21/09/2017

Việc tăng trưởng nhanh của Du lịch Lâm Ðồng - Ðà Lạt cùng những hoạt động du lịch - thể thao dựa vào thiên nhiên đã đặt ra những yêu cầu bức thiết cho ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Ðồng trong công tác bảo vệ gìn giữ môi trường.

Việc tăng trưởng nhanh của Du lịch Lâm Ðồng - Ðà Lạt cùng những hoạt động du lịch - thể thao dựa vào thiên nhiên đã đặt ra những yêu cầu bức thiết cho ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Ðồng trong công tác bảo vệ gìn giữ môi trường.
 
Đua xe đạp quốc tế tại Thung lũng Tình Yêu - Đà Lạt   Ảnh: V.T
Đua xe đạp quốc tế tại Thung lũng Tình Yêu - Đà Lạt Ảnh: V.T

Khi thể thao góp sức cùng du lịch 
 
Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH TT DL) Lâm Đồng, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng trong năm 2016 vừa qua đạt trên 5,4 triệu lượt người, trong đó có gần 300 nghìn lượt khách nước ngoài, tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn ước đạt 9.770 tỷ đồng.
 
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017 lượng du khách đến tỉnh cũng đạt gần 3 triệu lượt người, trong đó du khách nước ngoài trên 200 nghìn lượt người. Dự kiến trong cuối năm nay lượng du khách sẽ đổ về đây đông hơn trong dịp Festival Hoa diễn ra.
 
 Cùng với lượng du khách tăng lên, hệ thống nhà hàng, khách sạn những năm gần đây cũng mọc lên rất nhanh tại Đà Lạt, Bảo Lộc. Tính đến giữa năm 2017, toàn tỉnh có 1.155 cơ sở lưu trú du lịch, trên 17.700 phòng, trong đó có 354 khách sạn từ 1- 5 sao với trên 9.300 phòng.
 
Toàn tỉnh hiện có 35 khu, điểm du lịch, 3 sân golf 18 lỗ đang hoạt động cùng hơn 60 điểm tham quan miễn phí. Hiện có 56 doanh nghiệp lữ hành hoạt động, trong đó có 36 trong thị trường nội địa, 20 quốc tế. Các doanh nghiệp lữ hành này chủ yếu đưa khách tham quan danh lam thắng cảnh, kiến trúc văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, tổ chức các chuyến dã ngoại như cắm trại, leo núi, vượt thác, các hoạt động du lịch mạo hiểm khám phá các vùng đất của người bản địa, đi xe đạp xuyên rừng…  
 
Bên cạnh các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo; du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt gần đây đã phát triển thêm các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch nông nghiệp (đưa khách đi tham quan các trang trại rau hoa công nghệ cao, giới thiệu các sản phẩm đặc thù của vùng đất Lâm Đồng như trà, cà phê, bò sữa, cây ăn quả…), du lịch văn hóa lịch sử (đi thăm hệ thống di tích kiến trúc Pháp, di tích khảo cổ Cát Tiên, Dinh Bảo Đại, Bảo tàng Lâm Đồng…), du lịch làng nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, làm rượu cần, làng dân tộc thiểu số…), đặc biệt là du lịch gắn với các hoạt động thể thao như thể thao mạo hiểm (chèo thuyền vượt thác, đu dây…), du lịch sinh thái (lội rừng ngắm động thực vật Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, thăm Vườn Quốc gia Cát Tiên, tham quan Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang).
 
Cùng đó, các hoạt động thể thao với việc đăng cai các giải thể thao quốc gia của tỉnh cũng góp phần không nhỏ đưa du khách đến đây, chẳng hạn như giải xe đạp địa hình quốc tế lần thứ 3 “Dalat Victory Challenge 2017” (Đà Lạt Chiến thắng Thử thách 2017) trong tháng 3/2017 với đông đảo các tay đua nước ngoài tham gia. Hay như giải vô địch cờ vua trẻ toàn quốc 2017 trong tháng 7 tại Đà Lạt đã thu hút hàng nghìn VĐV cùng người nhà đi theo hộ tống các kỳ thủ trong suốt những ngày thi đấu. Chỉ một điều đáng tiếc Đà Lạt với ưu thế khí hậu của mình nhưng đến nay vẫn chưa có một nhà thi đấu tầm cỡ quốc gia để đăng cai các giải đấu thể thao trong năm, đặc biệt là trong mùa hè.
 
Bảo vệ môi trường trong du lịch - thể thao 
 
Lượng khách đến ngày càng tăng đã tạo sức ép không nhỏ cho Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt trong bảo vệ môi trường. Theo ông Hoàng Ngọc Huy, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VHTT DL Lâm Đồng, áp lực về khai thác và sử dụng tài nguyên không hợp lý, ô nhiễm và suy thoái môi trường trong lĩnh vực VH TT DL đã đặt công tác quản lý, bảo vệ môi trường trước nhiều khó khăn và thách thức. Yêu cầu đặt ra với ngành là phải bảo vệ gìn giữ môi trường đi đôi với phát triển bền vững.   
 
Chính vì vậy, công tác bảo vệ môi trường cảnh quan lâu nay đã được ngành VH TT DL Lâm Đồng triển khai rộng rãi đến các đơn vị hoạt động du lịch - thể thao trên địa bàn. Ngành vận động các đơn vị kinh doanh du lịch - dịch vụ, nhất là tại Đà Lạt tham gia Chương trình “Nhãn hiệu Xanh” do UBND thành phố Đà Lạt chủ trì, đến nay đã công nhận trên 400 lượt cơ sở đạt danh hiệu này. 
 
Ngành hàng năm cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch - thể thao như ra quân bảo vệ môi trường; tổ chức các tour du lịch trồng cây lưu dấu; vận động các khu, điểm du lịch trồng rừng, trồng thêm cây và hoa dọc theo các tuyến đường, sườn đồi để tạo cảnh quan; vận động các doanh nghiệp sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, sử dụng bình nước nóng dùng năng lượng mặt trời…
 
Đặc biệt, ngành yêu cầu các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Đến nay, trong tổng số 35 khu, điểm du lịch trên địa bàn đã có khoảng 170 phòng vệ sinh công cộng dành cho khách du lịch, trong đó khoảng 70% đạt chuẩn nhà vệ sinh do Tổng cục Du lịch ban hành. 
 
Tại Đà Lạt, hệ thống nhà vệ sinh công cộng quanh hồ Xuân Hương cũng được đầu tư và đưa vào sử dụng lâu nay. Thành phố cũng bố trí thùng rác công cộng một số khu vực quanh hồ, đồng thời lắp đặt thêm các nhà vệ sinh di động khi có các hoạt động lễ hội đông người diễn ra.
 
Trong thể thao, ngành yêu cầu các địa phương khi xây dựng sân bãi cho tập luyện thi đấu thể thao phải thông thoáng, đủ độ sáng; với các hồ bơi trên địa bàn ngành chức năng địa phương cần thường xuyên kiểm tra đảm bảo nguồn nước được xử lý đạt chuẩn vệ sinh. Ngành nghiêm cấm việc sử dụng chất kích thích trong các hoạt động TDTT và yêu cầu các đơn vị khám sức khỏe định kỳ cho VĐV để ngăn ngừa và phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Các đơn vị chủ quản cũng cần thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh sân tập, kiểm tra sửa chữa các phương tiện, dụng cụ tập trước khi tiến hành các hoạt động TDTT; cho trồng thêm cây xanh, xây dựng hệ thống thoát nước, đảm bảo điều kiện về môi trường cho các cơ sở sân bãi TDTT trên địa bàn. 
 
Trong thời gian đến, theo ông Huy, ngành VH TT DL Lâm Đồng sẽ nỗ lực xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường; nâng cao ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường trong toàn cộng đồng. Ngành phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai các chương trình, hoạt động về môi trường, phát động phong trào xanh sạch đẹp môi trường tại các khu di tích, điểm tham quan du lịch; phát hành Quy tắc ứng xử do Bộ VH TT DL ban hành dành cho khách du lịch và các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có lồng ghép một số nội dung về bảo vệ môi trường như việc vận động không vứt rác thải bừa bãi ra môi trường.
 
GIA KHÁNH