Ðể 40% học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong tỉnh biết bơi

08:09, 28/09/2017

Lâm Ðồng đang đặt ra chỉ tiêu phấn đấu trong hơn 3 năm đến, đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Lâm Ðồng đang đặt ra chỉ tiêu phấn đấu trong hơn 3 năm đến, đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
 
Tại hồ bơi Phương Anh ở thị trấn Đạ Tẻh  Ảnh: V.T
Tại hồ bơi Phương Anh ở thị trấn Đạ Tẻh Ảnh: V.T

17 hồ bơi đang hoạt động trong toàn tỉnh
 
Thống kê của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 17 hồ bơi đang hoạt động. Cụ thể, Đà Lạt có 2 hồ bơi (chỉ tính hồ bơi đang kinh doanh, còn nhiều khách sạn hiện cũng có hồ bơi nhưng chỉ phục vụ nội bộ); Đức Trọng có 2, Lâm Hà 2, Di Linh 2, Đạ Tẻh 2, Đạ Huoai 1, Bảo Lâm 1 và nhiều nhất là tại Bảo Lộc với 5 hồ bơi. 
 
Tất cả các hồ bơi trên đều là hồ bơi “xã hội hóa”, nói một cách chính xác, đó là các hồ bơi do tư nhân bỏ tiền ra xây dựng và kinh doanh. Như nhiều chủ hồ bơi cho biết, chi phí xây dựng cho một hồ bơi như thế khá cao, nhiều hồ đầu tư trên 1 tỷ đồng hoặc cao hơn. Riêng tại Đà Lạt, xây bể bơi còn đắt hơn nhiều vì để kinh doanh cần hệ thống sưởi ấm nước vì trời Đà Lạt vốn lạnh quanh năm.
 
Hầu hết các hồ bơi này đến nay đều có một lượng khách hàng quen thuộc của mình, chủ yếu là thanh niên và học sinh các trường học bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Nhiều phụ huynh mỗi khi có dịp thường đưa con đến đây vừa học bơi vừa giúp thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Đông nhất là vào các dịp hè khi học sinh được nghỉ học, mỗi ngày một hồ bơi như thế có đến vài trăm lượt đến bơi; trong năm có vắng hơn.
 
Đầu tư cao, chi phí duy trì một bể bơi cũng tốn không ít tiền (từ tiền nước, hóa chất lọc nước, đến thuê huấn luyện viên (HLV), thuê nhân công bảo quản bể bơi…) nên giá vé vào cửa cho các bể bơi này thường không rẻ. Để bơi được, theo một HLV bơi, người học phải tham dự một khóa học ít nhất chừng 10 ngày, học phí thường khá đắt. Còn muốn học bơi nâng cao thì phải tốn nhiều tiền hơn. 
 
Điều đáng mừng trong những năm gần đây, cùng với việc xây dựng bể bơi, nhiều trường học trong tỉnh đã kết hợp với các chủ hồ bơi để dạy bơi cho học sinh trong trường với một giá rất mềm. Điển hình tại Đà Lạt, trong năm học 2016 - 2017 vừa qua, Tiểu học Trưng Vương đã kết hợp với hồ bơi Phù Đổng để dạy bơi cho học sinh theo chương trình giáo dục thể chất, phòng chống đuối nước. Tại Đạ Tẻh, nhiều năm nay THPT Đạ Tẻh đã kết hợp với hồ bơi Phương Anh gần trường như một hoạt động tự chọn hoặc ngoại khóa của học sinh trong giáo dục thể chất, tiền học bơi dù khá thấp cũng được nhà trường hỗ trợ hơn nửa. Nhờ chương trình này rất nhiều học sinh của trường đã biết bơi.  
 
Cùng với các trường học, chương trình dạy bơi - phòng chống tai nạn cho trẻ em của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng trong nhiều năm nay cũng giúp cho hằng nghìn trẻ trong tỉnh biết bơi.
 
Theo ông Ngô Quang Xuân, cán bộ Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng, trong 4 năm gần đây, Sở đã hỗ trợ cho nhiều địa phương trong tỉnh mở các lớp dạy bơi cho trẻ em, cụ thể là tại Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Di Linh, Đức Trọng - những nơi có hồ bơi đạt chuẩn. Tại các địa phương này, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện trong dịp hè kết hợp với các chủ hồ bơi mở các lớp dạy bơi cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ dân tộc thiểu số…, mỗi lớp như vậy thường  từ 30 - 50 em, tiền học bơi được hỗ trợ từ nguồn kinh phí nhà nước. Theo ông Xuân, trung bình mỗi năm vừa qua ngân sách tỉnh chi ra khoảng 100 triệu đồng để hỗ trợ cho các lớp học bơi này.
 
Ðể 40% học sinh tiểu học và trung học cơ sở biết bơi
 
Theo chỉ đạo của Trung ương, trong tháng 3/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch triển khai “Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em” giai đoạn 2017- 2020 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của chương trình này trong 3 năm đến, đến năm 2020, Lâm Đồng phấn đấu có 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; đảm bảo tất cả các cơ sở thể thao tổ chức bơi lặn có HLV, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện vệ sinh, an toàn theo quy định; đảm bảo các địa điểm vui chơi giải trí dưới nước có nhân viên cứu hộ được tập huấn cứu đuối do các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và có các trang thiết bị cứu hộ theo qui định.
 
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương trong tỉnh, các đơn vị có liên quan cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước trẻ em; phổ biến kỹ năng phòng chống đuối nước trẻ em cho học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh và trong xã hội; vận động gia đình, trường học thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình trong phòng chống đuối nước, đặc biệt là trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão. 
 
Tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng, cụ thể là ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, HLV, cộng tác viên, hướng dẫn viên TDTT về phòng chống đuối nước trẻ em; đồng thời phối hợp với ngành Giáo dục tăng cường các hoạt động phòng chống đuối nước trong trường học; dạy bơi, tổ chức các giải bơi hằng năm, tổ chức thi tuyên truyền viên, thi tìm hiểu những kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh nhằm khuyến khích phong trào luyện bơi phát triển trong nhà trường.
 
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương huyện, thành trong tỉnh tham mưu quỹ đất và vận động xã hội hóa để đầu tư xây dựng bể bơi, ưu tiên tại các khu vực gần trường học, khu vực đông dân cư; vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi; vận động các nhà đầu tư có chế độ miễn giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, cho học sinh phổ thông và tạo điều kiện cho các trường học thực hiện chương trình dạy bơi cho học sinh. 
 
Thực hiện kế hoạch này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng vừa qua đã tổ chức 2 lớp tập huấn, 1 lớp tại Bảo Lộc cho các huyện, thành phía nam và 1 lớp tại Đức Trọng cho các huyện, thành phía bắc tỉnh với trên 120 học viên tham dự, gồm giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức các Trung tâm Văn hóa Thể thao, cán bộ, HLV, hướng dẫn viên, cộng tác viên làm công tác TDTT ở các xã, phường. 
 
Trong thời gian đến, theo ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn tương tự, lên kế hoạch tổ chức giải bơi cấp tỉnh trong hè trở lại, đồng thời đầu tư một bể bơi di động để phối hợp với ngành Giáo dục tỉnh dạy bơi trong các trường học.
 
GIA KHÁNH