Những giải pháp phát triển TDTT Lâm Đồng trong thời gian đến

10:10, 19/10/2017

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lâm Đồng vừa triền khai đến cán bộ cơ sở các cấp trong tỉnh một số giải pháp để phát triển TDTT trong thời gian đến.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lâm Đồng vừa triền khai đến cán bộ cơ sở các cấp trong tỉnh một số giải pháp để phát triển TDTT trong thời gian đến.
 
Người dân thi đấu bóng chuyền hơi trên sân đất những buổi chiều tại Đạ Tẻh - địa phương có phong trào bóng chuyền hơi rất mạnh hiện nay tại Lâm Đồng. Ảnh: V.T
Người dân thi đấu bóng chuyền hơi trên sân đất những buổi chiều tại Đạ Tẻh - địa phương có phong trào bóng chuyền hơi rất mạnh hiện nay tại Lâm Đồng. Ảnh: V.T
Trên 800 Câu lạc bộ TDTT đang hoạt động trong tỉnh 
 
Điểm nổi bật nhất của TDTT Lâm Đồng trong những năm gần đây chính là TDTT phong trào ngày càng phát triển rộng khắp. Không chỉ ở các khu vực trung tâm huyện thành mà nay các hoạt động TDTT đã lan đến tận nhiều xã trong vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tất cả 12 huyện, thành trong tỉnh.  
 
Một trong những nguyên nhân làm nhu cầu sinh hoạt TDTT của người dân tăng cao chính là kinh tế - đời sống dần được cải thiện. Hoạt động TDTT không chỉ mang lại sức khỏe mà đó còn là niềm vui sống, mang lại những giá trị tinh thần. Không chỉ ngày càng nhiều hơn các lứa tuổi, các đối tượng tham gia hoạt động TDTT, từ học sinh trong trường học ở các cấp học, thanh niên, trung niên, người cao tuổi, phụ nữ, ngày càng có nhiều hơn các môn thể thao để người chơi lựa chọn. Bên cạnh các môn quen thuộc lâu nay như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, thể hình, cờ vua, các môn võ…, gần đây nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển rất mạnh những bộ môn được coi là mới tại Lâm Đồng như thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi (Di Linh, Đà Lạt, Bảo Lộc), Aerobic (trong học đường phổ thông), bóng chuyền hơi cho người cao tuổi (Đạ Tẻh, Cát Tiên…), đặc biệt là bóng chuyền nữ đang phát triển rất mạnh  ở tất cả các huyện, thành trong tỉnh hiện nay, trong đó có vai trò rất lớn của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. Nếu như toàn tỉnh năm 2009 tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT chỉ có 19,5% thì đến nay theo Sở VHTTDL Lâm Đồng đã tăng lên trên 25%.   
 
Cùng đó, song song với tiến trình xây dựng nông thôn mới đang tiến hành mạnh mẽ hiện nay trong tỉnh, việc xây dựng cơ sở vật chất - thiết chế văn hóa thể thao cũng được quan tâm đặc biệt. Đến nay, 11/12 huyện, thành đã có quy hoạch sân vận động, nhiều địa phương đã đầu tư các trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện khang trang; từ xã đến thôn có sân vận động, có nhà sinh hoạt trong đó có sân bãi cho thi đấu thể thao cho cộng đồng.
 
Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các liên đoàn, hội, câu lạc bộ TDTT phát triển từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Toàn tỉnh đến nay có 10 liên đoàn, 6 hội thể thao cấp tỉnh, 40 hội, chi hội thể thao cấp huyện và 815 câu lạc bộ TDTT đang hoạt động ở cơ sở. TDTT cũng phát triển mạnh trong lực lượng vũ trang, trong học đường, trong khối cán bộ công chức, viên chức với các hội thao cấp tỉnh, cấp huyện hằng năm. Công tác xã hội hóa TDTT cũng được thúc đẩy với sự ra đời của nhiều trung tâm TDTT, khu liên hợp thể thao, các câu lạc bộ do tư nhân đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh hiện nay có 16 bể bơi, trên 80 sân cỏ nhân tạo, hầu hết những công trình này đều được tư nhân bỏ hằng tỷ đồng để xây dựng. 
 
Trong thể thao thành tích cao, hiện Lâm Đồng đang đào tạo khoảng 200 VĐV cho 12 bộ môn, số lượng các môn đào tạo từ năng khiếu đến cấp đội tuyển cũng như số lượng VĐV ngày càng tăng, số huy chương từ các giải khu vực và quốc gia cũng tăng lên hằng năm. Lâm Đồng đã xác định một số môn mũi nhọn để tập trung đầu tư như cờ vua, thể hình, bóng bàn, các môn võ và bóng đá. 
 
Tuy nhiên, như Sở VHTTDL Lâm Đồng đánh giá, bên cạnh những điều đạt được trên vẫn còn rất nhiều khó khăn mà TDTT Lâm Đồng đang đối mặt: cơ sở vật chất trang thiết bị cho các hoạt động TDTT vẫn còn rất thiếu từ cấp tỉnh đến cơ sở, TDTT phong trào phát triển nhưng không đồng đều trong tỉnh; trong thể thao thành tích cao số lượng huy chương nhiều nhưng chất lượng huy chương chưa cao.
 
Những giải pháp 
 
Theo ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng, trong quản lý nhà nước về TDTT thời gian đến, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành để triển khai chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 trên địa bàn đã được tỉnh phê duyệt; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TDTT theo chỉ đạo của Trung ương; triển khai tốt các nhiệm vụ khác như chiến lược phát triển bóng đá tỉnh, chương trình bơi an toàn phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017- 2021. Cùng đó, Sở tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia tổ chức các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TDTT, đặc biệt là trong thể thao mạo hiểm.
 
Trong TDTT quần chúng, ngành đề nghị cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương tăng cường quan tâm công tác TDTT ở cơ sở, gắn nhiệm vụ phát triển TDTT với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trước mắt là đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện TDTT theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn TDTT với các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ tại địa phương.
 
Trong xây dựng cơ sở vật chất, ngành cho biết sẽ tăng cường tham mưu ban hành văn bản về cơ chế chính sách và hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp phát triển TDTT, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể cơ sở vật chất  từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm nâng cao khả năng thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động TDTT. Trước mắt, Sở đề nghị tỉnh thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Liên hợp Thể thao tỉnh tại Đà Lạt, ưu tiên cho việc xây dựng Nhà thi đấu hiện đại đạt chuẩn quốc gia và sân vận động 20 nghìn chỗ ngồi tại đây. 
 
Trong xã hội hóa TDTT, ngành sẽ tiếp tục đa dạng hóa các loại hình hoạt động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập câu lạc bộ TDTT và tham gia tổ chức các giải đấu nhiều hơn. 
 
Trong thể thao thành tích cao, theo ông Hải, ngành sẽ tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ HLV; hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo năng khiếu thể thao; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện chuyên môn cho các đội tuyển tỉnh, đồng thời ưu tiên phát triển những môn thể thao có thế mạnh của Lâm Đồng, nhất là những môn nằm trong chương trình Đại hội TDTT toàn quốc và thi đấu Olympic, từng bước xây dựng và phát triển thể thao thành tích cao ổn định, phù hợp với đặc điểm thể chất con người và điều kiện kinh tế - xã hội địa phương.
 
GIA KHÁNH