Bước phát triển mới của Vovinam Lâm Ðồng

08:11, 30/11/2017

Trong vài năm gần đây, Vovinam (Võ Việt Nam) đang phát triển rất nhanh tại Lâm Ðồng. Toàn tỉnh hiện có 27 CLB ở nhiều huyện, thành, đặc biệt là trong khối trường học với khoảng trên 2.500 môn sinh tập luyện hằng ngày. 

Trong vài năm gần đây, Vovinam (Võ Việt Nam) đang phát triển rất nhanh tại Lâm Ðồng. Toàn tỉnh hiện có 27 CLB ở nhiều huyện, thành, đặc biệt là trong khối trường học với khoảng trên 2.500 môn sinh tập luyện hằng ngày. 
 
Võ sinh Vovinam tại một CLB ở Đà Lạt
Võ sinh Vovinam tại một CLB ở Đà Lạt

Phát triển mạnh trong trường học 
 
Với gần 170 võ sinh tham dự, Liên hoan Võ thuật Vovinam - Việt võ đạo thành phố Đà Lạt năm 2017 do Liên đoàn Vovinam Lâm Đồng phối hợp với Thành Đoàn Đà Lạt tổ chức tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên Lâm Đồng giữa tháng 11/ 2017 vừa qua giống như là một ngày hội để những người yêu Vovinam gặp nhau hơn là một cuộc thi đấu võ thuật căng thẳng như vẫn thường thấy tại các giải đấu thể thao.
 
Đây đã là lần thứ III Liên đoàn Vovinam Lâm Đồng phối hợp với Thành Đoàn Đà Lạt tổ chức liên hoan này. Như Ban tổ chức cho biết, liên hoan được tổ chức hằng năm trong 3 năm gần đây nhằm thúc đẩy phát triển phong trào Vovinam trên địa bàn Đà Lạt; khuyến khích thanh thiếu niên Đà Lạt tìm hiểu, gắn bó với Vovinam - một môn võ truyền thống của dân tộc. Đây cũng là dịp để những người yêu Vovinam trong thành phố giao lưu, học hỏi lẫn nhau; để Liên đoàn phát hiện, tuyển chọn các VĐV xuất sắc chuẩn bị cho các giải khu vực và quốc gia hằng năm.
 
Vẫn có nội dung thi đấu đối kháng trong lứa tuổi từ 16 - 35 trong 6 hạng cân từ 42 đến trên 57 kg, tuy nhiên, phần lớn thời gian trong 2 ngày liên hoan diễn ra là phần biểu diễn quyền rất đẹp mắt trong các nội dung song luyện, biểu diễn đồng đội 3 người (với các bài Khởi quyền, Long hổ quyền ), đơn luyện tay không (bài Tứ trụ quyền) hay đơn luyện binh khí (bài Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp) và các bài tự vệ nam nữ. 
 
Điều đáng nói nhất tại liên hoan này chính là sự có mặt của hầu hết các phường, xã trên địa bàn Đà Lạt. Trong 16 phường, xã của Đà Lạt, đã có 15 phường, xã cử VĐV đại diện cho đơn vị mình tham gia, điều này chứng tỏ Vovinam đang phát triển rất rộng tại thành phố này. Cùng đó, rất nhiều VĐV có mặt tại liên hoan còn trong lứa tuổi tiểu học; không ít môn sinh nhỏ tuổi này có màn biểu diễn đầy ấn tượng, đòn thế đều tăm tắp: “Chúng cháu tập hơn 3 năm rồi”, nhiều VĐV cho biết.
 
“Nhờ kết hợp với Thành Đoàn nên phong trào Vovinam trong 3 năm gần đây đang phát triển rất mạnh tại Đà Lạt” - Võ sư Đức Hoàng Trên, Liên đoàn Vovinam Lâm Đồng, thành viên của Ban tổ chức Liên hoan cho biết. Toàn thành phố theo võ sư Trên, hiện có 16 câu lạc bộ (CLB) với hằng nghìn môn sinh đang tập luyện, chủ yếu là học sinh trong các trường học.  
 
Còn theo Bí thư Thành Đoàn Đà Lạt Nguyễn Thanh Tuấn, Thành Đoàn trong 3 năm nay đã huy động các tổ chức đoàn hội trong các phường, xã cùng phối hợp với Liên đoàn tỉnh để phát triển ngày càng rộng hơn phong trào Vovinam trên địa bàn. “Liên hoan được tổ chức hằng năm thực sự là sân chơi bổ ích, góp phần đẩy mạnh phong trào TDTT và công tác Đoàn - Hội trên địa bàn”.
 
Hoàn thiện hệ thống thi đấu cấp tỉnh
 
Theo Võ sư Nguyễn Công Hóa - Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Lâm Đồng, không chỉ Đà Lạt, Vovinam còn đang phát triển rất mạnh tại nhiều địa phương khác trong tỉnh như Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Tẻh… Toàn tỉnh hiện có 27 CLB với số lượng môn sinh đông đảo, từ 2.700 - 3.000 người tập luyện hằng ngày, chủ yếu là học sinh phổ thông. 
 
Để có được phong trào như thế, theo võ sư Hóa, nhờ rất nhiều trường học trong tỉnh đưa Vovinam vào như là một hoạt động ngoại khóa trong giáo dục thể chất theo tinh thần chung của Bộ Giáo dục chủ trương lâu nay. Ngành Giáo dục Lâm Đồng cũng tạo điều kiện không nhỏ để Vovinam phát triển trong học đường, đến nay đã có 4 trường dân tộc nội trú trong tỉnh, gồm Trường Liên huyện phía nam tại Đạ Tẻh; Dân tộc nội trú Bảo Lâm, Dân tộc nội trú Di Linh, Dân tộc nội trú Lạc Dương có dạy và có các CLB Vovinam hoạt động rất tốt trong trường học. Tại Đà Lạt, 2 trường đại học gồm Đại học Đà Lạt và Đại học Yersin cùng Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đều có CLB Vovinam.
 
Trường học theo võ sư Hóa, có một ưu thế lớn trong phát triển phong trào võ thuật trong đó có Vovinam, vì có cơ sở sân bãi rộng rãi, có học sinh, và đặc biệt là có nhiều thầy giáo đang dạy trong trường lại là huấn luyện viên của bộ môn này. Nhờ nhiều năm phát triển CLB Vovinam tại Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nên nhiều sinh viên tập ở đây khi tốt nghiệp về các địa phương trong tỉnh công tác đã mở các CLB ngay trong trường mình. Đến nay, toàn tỉnh có 1 võ sư 7 đẳng, 4 võ sư 5 đẳng, 18 võ sư 4 đẳng cùng gần 40 HLV trong bộ môn Vovinam, rất nhiều người trong số này hiện đang công tác trong ngành giáo dục.
 
Trên nền phong trào này, trong 3 năm nay Liên đoàn Vovinam Lâm Đồng đã từng bước hoàn thiện hệ thống thi đấu từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Hầu hết các huyện, thành đến nay đều tổ chức giải cấp huyện hằng năm. Dựa vào kết quả ở cơ sở, các huyện thành sẽ chọn VĐV tham dự giải vô địch tỉnh do Liên đoàn phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức hằng năm. 
 
Một giải khác mà Liên đoàn cũng thường xuyên phối hợp với Ngành Giáo dục Lâm Đồng tổ chức, đó là Hội khỏe Phù Đổng học sinh các cấp. Trong các hội khỏe này Vovinam có tiết mục đồng diễn và cũng có nội dung thi đấu Vovinam. Tại Hội khỏe Phù Đổng cấp toàn quốc vừa qua, đoàn Giáo dục Lâm Đồng đã có thành viên là học sinh Trường Dân tộc Nội trú Lâm Đồng đoạt Huy chương Vàng đối kháng trong môn Vovinam. 
 
Một giải đấu nữa vừa được Liên đoàn Vovinam tổ chức trong năm nay và sẽ định kỳ tổ chức hằng năm trong những năm đến là giải các CLB mở rộng toàn tỉnh. 
 
Cùng với nỗ lực phát triển phong trào tại các huyện chưa có phong trào hoặc phong trào còn yếu, Liên đoàn như Võ sư Nguyễn Công Hóa cho biết cũng đang xúc tiến thành lập lại đội tuyển Vovinam nhằm bồi dưỡng, tập huấn thi đấu các giải quốc gia. Võ sư Hóa đề nghị nếu được Thể thao tỉnh hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho các thành viên đội tuyển Vovinam có thời gian tập huấn nâng cao trình độ thì mới có cơ hội, có hy vọng giành được huy chương ở các giải khu vực và quốc gia vốn rất cạnh tranh và được các tỉnh đầu tư rất mạnh hiện nay.
 
GIA KHÁNH