Cuộc hội ngộ của những VÐV khuyết tật

08:11, 16/11/2017

Trong 3 năm nay, cứ đến dịp đầu tháng 11 những VÐV khuyết tật từ khắp nơi trong tỉnh Lâm Ðồng lại có dịp tái ngộ với nhau tại Ðà Lạt cho một sân chơi đậm tình người. 

Trong 3 năm nay, cứ đến dịp đầu tháng 11 những VÐV khuyết tật từ khắp nơi trong tỉnh Lâm Ðồng lại có dịp tái ngộ với nhau tại Ðà Lạt cho một sân chơi đậm tình người. 
 
Những cuộc đời trên xe lăn
 
Trên 130 VĐV góp mặt tại Hội thao Người Khuyết tật toàn tỉnh Lâm Đồng lần thứ III - 2017 được  tổ chức tại Đà Lạt trong đầu tháng 11 vừa qua là bấy nhiêu số phận, hoàn cảnh và cuộc đời riêng mà chúng tôi gặp.
 
Có người trong đó bị bệnh dẫn đến tàn tật từ nhỏ, có người lớn lên mới bị tàn tật, có những người đã có gia đình, có con cái, ấm êm bỗng chốc tan vỡ vì tai nạn giao thông, vì tai nạn lao động từ một chút chốc bất cẩn trong làm việc để rồi phải trả giá bằng cả cuộc đời dài phía sau. 
 
VĐV Lê Văn Trung - Bảo Lộc
VĐV Lê Văn Trung - Bảo Lộc
Như VĐV Lê Văn Trung, 26 tuổi, người Lộc Sơn - Bảo Lộc cho biết, anh bị sốt bại liệt từ nhỏ, từ lúc 11 tháng tuổi và di chứng nặng nề của nó đã làm anh từ nhỏ bị teo cả 2 chân, liệt gần nửa người. Nhưng anh và gia đình anh không đầu hàng căn bệnh quái ác này, anh đến tuổi vẫn đến lớp học đều đặn hằng ngày. Sát cánh bên anh là người cha với tình thương vô hạn, hơn 8 năm trời, từ lớp 1 đến lớp 8 ông đều đặn cõng anh hằng ngày đến trường, tan học trưa chiều đến lớp cõng về. 
 
Gia đình tập cho anh tự đi bằng xe lăn và nạng gỗ, đến hết lớp 8 anh đã tự mình đến lớp được. Tốt nghiệp 12 anh xuống TP HCM học trung cấp dược, nhưng khi học xong về lại Bảo Lộc anh không thể tìm được việc, các chủ hiệu thuốc tây từ chối với lý do rằng anh không thể leo lên ghế để lấy thuốc từ các kệ trên cao. Tìm việc mãi, cũng có một chỗ thương tình nhận anh, đó là một cơ sở chế biến Đông trùng hạ thảo tại Bảo Lộc. Ước mơ của chàng trai khuyết tật này là mở được một hiệu thuốc do chính anh làm chủ để tự lực mưu sinh.
 
VĐV Lưu Anh Vũ - Đơn Dương
VĐV Lưu Anh Vũ - Đơn Dương
Còn với VĐV Lưu Anh Vũ, 30 tuổi, người Tu Tra - Đơn Dương, anh bảo từ nhỏ đã là một cậu bé khỏe mạnh, chạy nhảy suốt ngày, hằng ngày tự đi đến trường tự làm mọi việc được. Rồi một cơn bạo bệnh xảy đến, để khi bớt bệnh sau đó anh bỗng thấy mình nằm liệt trên giường với một chân và 1 tay dần teo lại.
 
Không chịu đầu hàng số phận, Vũ đã tập vận động trở lại và đi học nghề, anh học rất nhiều nghề, học nghề điện cơ, sửa chữa điện dân dụng, rồi học thiết kế quảng cáo trên máy tính. “Rất khó tìm được việc làm, mọi người thấy mình như thế chẳng ai muốn nhận”. Anh ở nhà phụ việc làm nông với gia đình, ngày ngày đi kéo ống nước tưới vườn, có lần được nhận vào làm bảo vệ gần 1 năm ở một công ty gần nhà nhưng rồi phải nghỉ vì người ta không muốn thuê nữa. “Chắc khi có vốn sẽ cố mở một tiệm điện cơ, sửa chữa máy móc nông cụ, sửa đồ diện dân dụng để khỏi phụ thuộc ai” - Vũ mong ước.
 
VĐV Huỳnh Vy Hạ Phương - Đà Lạt
VĐV Huỳnh Vy Hạ Phương - Đà Lạt
Với VĐV Huỳnh Vy Hạ Phương, 35 tuổi, người Phường 9 - Đà Lạt, lại bị tàn tật từ một cú ngã trên cao.
 
Đó là năm chị 32 tuổi, cách đây 3 năm, khi về phụ giúp gia đình cha mẹ ở Đức Trọng hái cà phê, sơ ý, chị bị tai nạn lao động, ngã từ trên cao xuống khoảng 5m, gãy cột sống, liệt cả 2 chân từ thắt lưng trở xuống, phải nằm bệnh viện dài ngày. Gần 1 năm trời ròng rã ở bệnh viện, tiền bạc tích lũy được trong suốt bao năm trời đi làm tại một Công ty lớn ở Đà Lạt lần lượt đội nón ra đi để rồi khi về nhà chị phải đi trên chiếc xe lăn. 
 
Và rồi người chồng cũng ra đi, chị Phương lâu nay một mình nuôi 2 con nhỏ, cô con gái mới học lớp 8, cậu con trai học lớp 2, chị ở nhà kéo len, đan thêu, có gì làm nấy: “ Nhiều lúc nghĩ dại đã muốn buông xuôi, buông tất cả nhưng rồi nghĩ đến con, con còn nhỏ lắm nên phải cố sống” - chị trầm tư.
 
Niềm vui ngày gặp mặt
 
Được Hội Người khuyết tật Lâm Đồng phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức với 2 nội dung thi đấu chính là cờ tướng và điền kinh, Hội thao không phải là một cuộc thi đấu thể thao tranh đua căng thẳng giữa các VĐV với nhau mà thực chất đây là một cuộc hội ngộ đầy niềm vui của những người khuyết tật với cuộc sống đang đối mặt nhiều khó khăn trắc trở. Với những người bình thường nếu không tìm hiểu thì chẳng bao giờ biết được khó khăn đó là gì? 
 
“Hội như đã cho tôi một cuộc đời khác, một cuộc sống khác” - anh Vũ khẳng định. Đó là sự tự tin thay dần cho mặc cảm, mặc cảm người thừa trong xã hội khi đi đâu cũng bị mọi người nhìn ngó. “Có những ngày ngủ dậy tự nhiên tôi chẳng dám đi đâu, chẳng muốn bước ra đường vì ra đường thấy mình lạc lõng lắm” - Vũ nói. Nhưng khi đến với Hội thấy nhiều người cũng cùng hoàn cảnh như mình, nên anh bảo chẳng còn thấy cô đơn nữa. Hội thao này theo anh Vũ, đã giúp anh biết thêm nhiều người, nhiều hoàn cảnh, giúp anh có thêm nghị lực sống, biết phải cần cố gắng hơn, biết phải thường xuyên rèn luyện sức khỏe. Anh chìa cho tôi xem 2 chiếc Huy chương (HC) Vàng điền kinh trong giải năm nay và khoe rằng hội thao năm ngoái anh cũng từng được 2 HC, trong đó có HC Vàng.
 
Riêng Lê Văn Trung trên chiếc xe lăn anh đã tham dự cả 3 hội thao từ năm 2015 đến nay, giành tổng cộng 6 HC trong các nội dung của xe lăn, xe lắc, trong đó có 2 HC Vàng của hội thao năm nay. “Mình khuyết tật nên đâu dễ đi lại đây đó, chỉ cơ hội này mới gặp được nhiều anh chị em ở các huyện, thành trong tỉnh nên rất vui, gặp nhau mọi người chia sẻ nói chuyện với nhau, động viên cùng nhau tập luyện thể dục thể thao”. 
 
Tương tự, với chị Huỳnh Vy Hạ Phương, những cuộc gặp, giao lưu thi đấu thể thao với những người khuyết tật đồng hoàn cảnh như thế này chính là một “liều thuốc bổ”. Chị bảo trước đây chỉ biết luẩn quẩn ở nhà, từ khi vô Hội biết được nhiều người đồng cảnh ngộ chị như được tiếp thêm sức sống. Chính vì vậy, chị dù bệnh tật nhưng vẫn luôn là một thành viên tích cực của hội thao cấp thành phố và cấp tỉnh trong 2 năm gần đây. Lên nhận HC Vàng trong nội dung xe lắc, mắt rướm lệ nhưng chị lại cười tươi như những ngày vẫn còn đôi chân đi lại. Nhẹ nhàng sửa lại 2 chiếc HC trên cổ áo, chị bảo tôi “Sang năm còn khỏe sẽ đi thi đấu tiếp”.

Tại Lâm Đồng, ước tính có khoảng 84 nghìn người khuyết tật trong toàn tỉnh. 
 
Nhiều người thường không để ý tới số lượng lớn người khuyết tật hiện có và những khó khăn mà họ phải đối mặt trong cuộc sống thường ngày.
 
Cùng với Hội Khuyết tật cấp tỉnh, đến nay đã có 8 địa phương trong tỉnh Lâm Đồng thành lập Hội Người khuyết tật cấp huyện thành. 
 
Nhiều hoạt động thiết thực đã được các cấp hội triển khai nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật trong tỉnh tìm việc làm, nâng chất lượng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
 
Hội thao được Lâm Đồng tổ chức  hằng năm trong 3 năm gần đây nhằm tạo ra một sân chơi, động viên người khuyết tật trong tỉnh tập luyện, thi đấu thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.
 
 Hội thao cũng là nỗ lực của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề người khuyết tật, huy động cộng đồng hỗ trợ cho phẩm giá, quyền và hạnh phúc của người khuyết tật;  thu hút người khuyết tật tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội.
 
VIẾT TRỌNG