Ðể tiếp tục là thế mạnh của Thể thao Lâm Ðồng

08:01, 04/01/2018

Trong 5 năm gần đây, chỉ tính riêng bộ môn võ thuật cổ truyền đã mang về cho Thể thao Lâm Ðồng trên 200 huy chương từ các giải đấu khu vực, quốc gia và quốc tế.  

Trong 5 năm gần đây, chỉ tính riêng bộ môn võ thuật cổ truyền đã mang về cho Thể thao Lâm Ðồng trên 200 huy chương từ các giải đấu khu vực, quốc gia và quốc tế.  
 
Các thành viên trong đội tuyển Võ thuật Cổ truyền Lâm Đồng. Ảnh: V.Trọng
Các thành viên trong đội tuyển Võ thuật Cổ truyền Lâm Đồng. Ảnh: V.Trọng

Có mặt 12/12 huyện, thành trong tỉnh 
 
Một ưu thế của Võ cổ truyền (VCT) Lâm Đồng lâu nay mà ít có bộ môn võ thuật nào trong tỉnh có được chính là phát triển rất nhanh và rộng khắp trong tỉnh. Không chỉ là vùng đô thị, các trung tâm huyện lỵ nơi tập trung dân cư đông đúc mà các phòng tập bộ môn này còn có mặt tận các xã nghèo, trong vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
 
Thống kê của Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay có 37 võ đường, phòng tập với tổng cộng trên 3.300 môn sinh tập luyện hằng ngày. Con số này có lên xuống theo các tháng trong năm, đông nhất vẫn là những tháng hè, khi đa số môn sinh là sinh viên, học sinh các khối học đi tập võ; vào năm học số lượng người tập có giảm xuống chút ít.
 
Địa phương có nhiều phòng tập nhất tại các huyện, thành trong tỉnh hiện nay chính là Đà Lạt với 9 võ đường, kế đến là Bảo Lộc và Đức Trọng với 5 võ đường. Bảo Lâm hiện có 4 võ đường, Đơn Dương có 3 võ đường; tất cả các huyện còn lại đều có 1 - 2 võ đường; ngay cả tại Lạc Dương - một vùng thuần cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống cũng có 1 võ đường đang hoạt động. 
 
Để huấn luyện cho lượng môn sinh trên, toàn tỉnh hiện nay có 184 võ sư, huấn luyện viên, trong đó có 1 đại võ sư quốc tế 10 đẳng, 13 võ sư cao cấp 7 đẳng, 22 võ sư 6 đẳng, 13 võ sư chuẩn 5 đẳng, còn lại là các huấn luyện viên từ 1 đến 4 đẳng.
 
Để tạo tính thống nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia do VCT có nhiều môn phái, lâu nay Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam đã có những qui định cụ thể và được Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Lâm Đồng tuân thủ nghiêm ngặt. Việc thi nâng đẳng của võ sư và môn sinh được tổ chức rất chặt chẽ, thi đấu quyền thuật tất cả các môn sinh bên cạnh các bài tự chọn của môn phái mình phải trình diễn những bài võ theo qui định chung; thi đấu đối kháng trên đài được áp dụng theo Luật thi đấu của Tổng cục TDTT.
 
Theo võ sư Trương Văn Bảo, Chủ tịch Liên đoàn VCT Lâm Đồng, Liên đoàn tỉnh trong những năm gần đây đã không ngừng nỗ lực phát huy vai trò của mình nhằm phát triển bộ môn, duy trì sự đoàn kết trong nội bộ các phòng tập, võ đường; phát huy tinh thần trách nhiệm của từng võ sư, huấn luyện viên; vận động môn sinh tích cực tham gia công tác xã hội địa phương.
 
Đến nay, Liên đoàn đã hoàn thiện hệ thống thi đấu hằng năm của bộ môn mình, bên cạnh giải vô địch cấp tỉnh, Liên đoàn còn có thêm nhiều giải trong các dịp lễ, tết; thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn, tập huấn trọng tài, thi thăng đai hằng năm theo quy chế. Thông qua các giải thi đấu, Liên đoàn đã kịp thời phát hiện, bồi dưỡng các khuôn mặt mới vào đội tuyển tỉnh thi đấu các giải khu vực, quốc gia và quốc tế hằng năm. 
 
Đặc biệt, trong những năm gần đây, VCT Lâm Đồng luôn duy trì được thành tích của mình trong các giải quốc gia và quốc tế hằng năm. Thực tế, đây là một trong số ít bộ môn có thế mạnh của tỉnh, mang không ít huy chương (HC) về cho Thể thao Lâm Đồng từ các giải quốc gia và quốc tế. 
 
Cụ thể,  từ năm 2013 đến nay, đội tuyển VCT Lâm Đồng đã mang về cho Thể thao tỉnh 192 HC từ các giải khu vực và quốc gia, trong đó có 54 HC Vàng. Như năm 2017 này VCT đã giành được 33 HC, trong đó có 12 Vàng, 13 Bạc, 8 Đồng. Bộ môn này cũng giành được 10 HC từ các giải quốc tế trong đó có 3 Vàng. Đó là chưa kể khi cử VĐV tham dự các giải Kick - boxing quốc gia (một môn gần giống với VCT) cũng giành được 47 HC trong đó có 4 Vàng, 10 Bạc và 33 Đồng.
 
Ðể tiếp tục là thế mạnh của tỉnh 
 
Vẫn còn rất nhiều tồn tại mà Liên đoàn Võ Cổ truyền tỉnh chỉ ra trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua. Đó là rất nhiều võ đường trong tỉnh dù có vị trí thuận lợi trong vùng đô thị, tập trung lượng sinh viên, học sinh đông nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều môn sinh đến với mình. Nhiều võ đường đông nhất cũng chỉ 120 môn sinh, có điểm tập chỉ có vài người. Cùng đó, vẫn còn không ít võ sư, huấn luyện viên bảo thủ, ít chịu khó nghiên cứu, học hỏi để nâng tầm; trình độ chuyên môn thi đấu của các võ sĩ Lâm Đồng nhìn chung chỉ ở mức trung bình khá.
 
Theo võ sư Bảo, tự thân những người huấn luyện cần có nhận thức tích cực hơn trong hoạt động, tham gia các cuộc tập huấn, thi nâng đai hằng năm để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận võ học; tích cực mở rộng phong trào đến những nơi chưa có, đồng thời nên nghiên cứu, biên dịch, biên soạn các tài liệu khoa học võ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào võ thuật cổ truyền trên cơ sở bảo tồn những đặc trưng cơ bản của Võ thuật cổ truyền Việt Nam. 
 
Trước mắt, Liên đoàn yêu cầu các võ sư, huấn luyện viên bộ môn tại các điểm tập tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để thu hút những người yêu thích VCT tham gia tập luyện nhằm tăng số lượng hội viên và võ sinh, thông qua đó giáo dục tinh thần “Đức - Trí - Dũng” cho môn sinh, góp phần giữ gìn an ninh - trật tự địa phương; chú ý đến việc giao lưu học hỏi giữa các đơn vị huyện, thị, thành với nhau; phấn đấu tham gia tất cả các hoạt động phong trào và chuyên môn trong tỉnh, thi đấu quốc gia và quốc tế có thành tích.
 
Liên đoàn VCT Lâm Đồng cũng đề nghị ngành Thể thao Lâm Đồng trong thời gian đến tiếp tục hỗ trợ VCT Lâm Đồng phát triển tuyến 2 cho đội tuyển để có lực lượng kế thừa. Đồng thời Liên đoàn cũng đề nghị tỉnh sớm đưa VCT vào chương trình giáo dục thể chất trong học đường các cấp học phổ thông phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo cũng đã có công văn trong năm 2015 về vấn đề này. Hiện Tổng cục TDTT đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn toàn quốc chương trình võ thuật cổ truyền trong học đường nhưng đến nay Lâm Đồng vẫn chưa tham gia và chưa triển khai.
 
VIẾT TRỌNG