Không Thủ Đạo từ núi Phú Sỹ đến thành phố hoa

09:02, 21/02/2018

Karate - Do hay còn gọi là Không Thủ Ðạo, là môn võ hình thành và phát triển ở Nhật Bản. Từ quê hương núi Phú Sỹ của xứ Phù Tang, cố võ sư Suzuki Choji, cùng đội quân Nhật hoàng sang tham chiến tại Việt Nam, sau đó ông tình nguyện ở lại tham gia Mặt trận Việt Minh và truyền dạy môn võ này cho các võ sinh Việt. 

Karate - Do hay còn gọi là Không Thủ Ðạo, là môn võ hình thành và phát triển ở Nhật Bản. Từ quê hương núi Phú Sỹ của xứ Phù Tang, cố võ sư Suzuki Choji, cùng đội quân Nhật hoàng sang tham chiến tại Việt Nam, sau đó ông tình nguyện ở lại tham gia Mặt trận Việt Minh và truyền dạy môn võ này cho các võ sinh Việt. Nơi đầu tiên mà võ sư Suzuki Choji mở võ đường dạy võ là thành phố Huế. Sau đó, các đệ tử của môn phái đã đem tinh hoa của môn võ này lên ươm mầm tại Ðà Lạt vào thập niên 80 của thế kỷ trước. 
 
Các võ sinh tập luyện Karate - Do trên thành phố hoa. Ảnh: D.Danh
Các võ sinh tập luyện Karate - Do trên thành phố hoa. Ảnh: D.Danh

Ðưa Karate - Do vào Việt Nam
 
Karate - Do là nghệ thuật chiến đấu có nhiều đường quyền đòn cước đẹp mắt và chủ yếu sử dụng đòn tay, đòn chân thay cho vũ khí. Nhiều người tập luyện Karate - Do sau này truyền nhau rằng, môn võ này được hình thành và phát triển tại đảo Okinawa, Nhật Bản vào khoảng cuối thế kỷ 17. Vì lúc đó nhà cầm quyền sợ bị tạo phản nên đã cấm sản xuất vũ khí và luyện tập võ nghệ. Vì vậy, Karate - Do lúc đầu được tập luyện bí mật và sử dụng tay không là chủ yếu. Đến đầu thế kỷ 20 môn võ này mới được công nhận và đưa vào tập luyện công khai. Và người đầu tiên gieo hạt giống Karate - Do vào Việt Nam đó là võ sư Suzuki Choji.
 
Võ sư Suzuki Choji (sinh năm 1919) tại thành phố Tagajo, tỉnh Miyagi, thuộc miền Bắc Nhật Bản. Từ nhỏ ông đã tập Nhu đạo ở trường, và tập Karate-Do với một thiền sư sống ẩn giật ở ngôi chùa cổ trong vùng. Năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc ông tình nguyện ở lại Việt Nam và tham gia Mặt trận Việt Minh với cấp bậc đại úy. Sau đó, võ sư Suzuki Choji nhập quốc tịch Việt Nam và lấy tên là Phan Văn Phúc. Ông lấy vợ Việt Nam và tham gia kháng chiến chống Pháp ở Liên khu IV rồi Liên khu V. Sau Hiệp định Geneve 1954, võ sư Suzuki Choji cùng gia đình về định cư ở Huế và đến năm 1960 mở võ đường dạy Nhu đạo và Karate - Do tại nhà -  đây chính là cái nôi đầu tiên của làng Karate - Do Việt Nam. 
 
Võ sư Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Phân đường Nghĩa Dũng Karate - Do, môn đồ của Chưởng môn Suzuki Choji chia sẻ về người thầy của mình: Khi còn sống thầy thường căn dặn đệ tử sống phải có lễ nghĩa, biết trên dưới, trước sau, không được lừa thầy phản bạn. Ông thường nói “Học võ để giúp người cô thế, để tự vệ bản thân chứ không phải ỷ võ để gây rối đánh nhau. Nắm đấm chỉ đưa ra khi bất đắc dĩ, không còn con đường lựa chọn nào khác”. Theo ông, mục đích tối thượng của việc tập luyện Karate - Do là làm cho cuộc sống của con người hoàn thiện và hoàn mỹ hơn. Trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng phải hướng đến làm sao để “Thân dẻo dai cường kiện, trí sáng ngời nhật nguyệt, tâm tĩnh lặng vô ưu”. Và muốn chiến thắng đối thủ trước hết phải chiến thắng chính mình. 
 
Cuối năm 1978, võ sư Suzuki Choji cùng gia đình trở về Nhật Bản sinh sống. Tuy ở xa, nhưng ông vẫn hằng quan tâm phong trào Karate - Do Việt Nam. Qua thư, ông thường dặn dò các môn đồ: “Hãy sống cho tốt, hãy cần cù tập luyện, phải tích cực góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp”… 
 
Ươm mầm võ đạo trên thành phố hoa
 
Theo thống kê của Liên đoàn Karate - Do Lâm Đồng, hiện nay toàn tỉnh có 26 câu lạc bộ Karate - Do với gần 2 ngàn võ sinh tham gia tập luyện. Đội ngũ huấn luyện viên và hướng dẫn viên Karate - Do toàn tỉnh hiện có hơn 40 người, trong đó có hơn 20 huấn luyện viên từ 3 đẳng trở lên. Karate - Do Lâm Đồng hiện có một kiện tướng quốc gia đó là vận động viên Nguyễn Thị Kim Lan đã giành Huy chương Vàng vô địch tuyệt đối ở Cúp các câu lạc bộ mạnh toàn quốc năm 2001. Hiện nay, Liên đoàn Karate - Do Lâm Đồng đã được thành lập để đưa phong trào Karate - Do ngày càng phát triển.
 
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Nguyên đánh giá: “Hơn 30 năm hình thành và phát triển, Karate - Do Lâm Đồng đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Phong trào tập luyện Karate - Do không ngừng phát triển, qua đó đã đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của ngành thể thao địa phương”.
Từ cái nôi đầu tiên ở Đạo đường số  8 Võ Tánh - Huế của gần 60 năm trước, nay Karate - Do đã có mặt hầu hết ở các vùng miền của đất nước, góp phần làm cho nền võ thuật nước nhà thêm phần phong phú và đa dạng. Và người đầu tiên ươm mầm võ đạo Karate - Do trên thành phố hoa Đà Lạt đó là võ sư Nguyễn Quốc Túy.
 
Là môn đồ của Nghĩa Dũng Karate - Do, võ sư Nguyễn Quốc Túy đã được võ sư Nguyễn Văn Dũng truyền dạy cho những tinh hoa võ thuật của tông môn Suzucho Karate - Do mà tổ sư Suzuki Choji đã dày công gầy dựng. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Huế, võ sư Nguyễn Quốc Túy lên Đà Lạt thực hiện sự nghiệp “trồng người”. Và ông cũng mang theo “truyền mệnh” của thầy mình là “phải ươm mầm và phát triển phong trào Karatedo trên thành phố sương mù”. Thực hiện lời dặn của thầy, võ sư Nguyễn Quốc Túy vừa dạy học vừa mở lớp dạy võ cho các học sinh của mình. 
 
Lớp võ đầu tiên của huấn luyện viên Nguyễn Quốc Túy được mở tại Xuân Trường, một xã vùng ven của thành phố Đà Lạt với 10 võ sinh chủ yếu là những học sinh phổ thông trên địa bàn. Và từ đó, ngoài những giờ lên lớp trên bục giảng, thầy giáo Nguyễn Quốc Túy lại đóng võ phục và lên sân tập để dạy cho học sinh những đòn thế cơ bản, những bài quyền và cả những triết lý nhân sinh thông qua võ đạo. Những võ sinh của lứa đầu tiên ấy sau này nhiều người đã trở thành những vận động viên xuất sắc và những huấn luyện viên kỳ cựu của làng võ Karate - Do trong và ngoài tỉnh.
 
Sau võ sư Nguyễn Quốc Túy, làng Karate - Do của thành phố ngàn thông Đà Lạt được đón nhận thêm hai huấn luyện viên xuất sắc nữa đó là võ sư Lê Vĩnh Đắc và Lê Thanh Phong. Họ đều là những môn sinh xuất thân từ Võ đường Nghĩa Dũng ở Huế. Sau một lần cùng các đồng môn từ Huế vào tham gia biểu diễn ra mắt môn phái tại thành phố Đà Lạt, trong đó có võ sư Lê Vĩnh Đắc (nay là giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân Đà Lạt) với các đòn thế hoa mỹ, đẹp mắt đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ các nam thanh, nữ tú trên thành phố hoa. Từ đó võ sư Lê Vĩnh Đắc đã tình nguyện ở lại với thành phố sương mù để làm nghề dạy học và phát triển Không Thủ Đạo nơi xứ hoa đào này.  
 
Phần thi quyền trong kỳ thi huyền đai nâng đẳng quốc gia của các võ sinh Đà Lạt. Ảnh: D.Danh
Phần thi quyền trong kỳ thi huyền đai nâng đẳng quốc gia của các võ sinh Đà Lạt. Ảnh: D.Danh

Cũng giống như võ sư Lê Vĩnh Đắc, lần đầu đặt chân đến và say đắm với nét duyên dáng và mộng mơ của Đà Lạt, chàng lãng tử Lê Thanh Phong đã tìm cách đến với thành phố sương mù để vừa học đại học, vừa “gieo võ”. Thế rồi cứ ban ngày cùng bạn bè đồng môn cắp sách lên giảng đường, tối đến chàng sinh viên văn khoa Lê Thanh Phong lại khoác Kimono trắng lên sân tập truyền bá tinh hoa võ học Không Thủ Đạo cho các giảng viên dạy mình và đồng môn văn khoa. Sau khi đã lĩnh hội được những kiến thức văn chương dưới mái trường đại học, Lê Thanh Phong lại tiếp tục “xuống núi” lập nghiệp, tiếp tục truyền bá võ thuật Không thủ đạo tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Văn võ song toàn, ngoài những bài quyền, đòn cước đẹp mắt thì Lê Thanh Phong là một nhà báo giỏi, một cây bút phóng sự và chính luận nổi tiếng không chỉ riêng ở tờ báo Lao Động. Cũng chính nhờ những đòn thế tinh hoa của Karate mà anh đã dám dấn thân với nghề báo và tránh được sự hành hung của kẻ xấu trong những lần tác nghiệp nơi hiểm nguy.
 
Từ 10 võ sinh ban đầu do võ sư Nguyễn Quốc Túy tuyển chọn đào tạo tại xã Xuân Trường - Đà Lạt, đến nay, Karate đã phát triển và lan truyền mạnh mẽ đến các địa phương khác trong tỉnh. Trải qua hơn 30 năm ươm mầm và phát triển, Karate ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung đã có những bước đi vững chãi và gặt hái nhiều thành công.
 
Để củng cố cho sự phát triển bền vững của Karate trên thành phố ngàn hoa Đà Lạt, năm 1990, Hiệp hội Karate Lâm Đồng ra đời và chỉ một năm sau Karate Lâm Đồng thêm một lần nữa được khẳng định khi vận động viên Trần Anh Minh - một trong những võ sinh Karate thế hệ đầu tiên của Đà Lạt tham gia giải Vô địch quốc gia lần thứ I năm 1991 tại Hà Nội và mang về chiếc Huy chương Vàng cho đoàn Lâm Đồng. Sau đó, hàng năm, các vận động viên Karate - Do Lâm Đồng đã tham gia đều đặn các giải đấu khu vực và toàn quốc và luôn giành được huy chương.
 
DUY DANH