Nếu còn có ngày mai…

10:02, 18/02/2018

Hẳn nhiên rồi, bởi ngày mai đâu phải là ngày tận thế. Chỉ cần mỗi khi bình minh thức giấc, hãy cứ sống cho ngày hôm nay hiện hữu bằng tất cả niềm đam mê cùng tận, bằng tất cả khát khao của nhịp tim thôi thúc, bằng cả sự tuệ minh mà lý trí mách bảo, chỉ cần thế thôi, ngày mai đã là một ngày rất khác.

Hẳn nhiên rồi, bởi ngày mai đâu phải là ngày tận thế. Chỉ cần mỗi khi bình minh thức giấc, hãy cứ sống cho ngày hôm nay hiện hữu bằng tất cả niềm đam mê cùng tận, bằng tất cả khát khao của nhịp tim thôi thúc, bằng cả sự tuệ minh mà lý trí mách bảo, chỉ cần thế thôi, ngày mai đã là một ngày rất khác.
 
Người hâm mộ bóng đá cổ vũ trận chung kết. Ảnh: V.Báu
Người hâm mộ bóng đá cổ vũ trận chung kết. Ảnh: V.Báu

Hãy đừng dối lòng mình, nếu nói nỗi buồn nặng trĩu không phủ tràn từng ngóc ngách tâm hồn người Việt trong buổi chiều ngày 27/1/2018 ở Thường Châu (Giang Tô - Trung Quốc) tuyết rơi lạnh giá. 
 
Trong buổi chiều âm dưới 4oc ấy, chứa đầy nước mắt. Nước mắt của người bước lên đỉnh vinh quang, của người hâm mộ và với những người thua cuộc, nước mắt chính là thứ “trang điểm” tử tế nhất, xúc cảm nhất cho vẻ đẹp của sự bi hùng.
 
Dường như không có sự thua cuộc, chỉ có nỗi niềm và sự luyến tiếc. Khi những chàng trai U23 Việt Nam đã chiến đấu đến tận hơi thở cuối cùng, trong mọi sự cố gắng có thể. Họ đã gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường, ở phút thứ 119, như quy luật nghiệt ngã nhất mà trò chơi bóng đá sắp đặt. 
 
Không có sự vụn vỡ trong vô vọng, những chàng trai ấy vẫn bước đi trong lạnh giá, đạp lên đống tuyết dày phủ kín trên đường piste để nói lời xin lỗi, hay đúng hơn là lời cảm ơn với người hâm mộ sau những ngày mệt nhoài vì cảm xúc luôn bị thay đổi ở cấp độ cao nhất.
 
Niềm tin từ một thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Tuấn Linh
Niềm tin từ một thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Tuấn Linh

“Đội tuyển không có ngôi sao nào cả, chỉ có một ngôi sao duy nhất, đó là ngôi sao gắn phía bên ngực trái”, Đội trưởng U23 Việt Nam - Lương Xuân Trường tự đáy lòng đã nói lên điều đó. Câu trả lời ấy là gì nhỉ? Là sự chín chắn, là sự trưởng thành, bởi họ biết, phía sau họ là sự dõi theo của cả một dân tộc, một dân tộc yêu cái đẹp, biết bao dung và thứ tha kể cả sau những thất bại.
 
Làm sao không yêu được những chàng trai ấy, khi họ cúi xuống, cùng chung tay cào đống tuyết bám dính trên mặt sân để Quang Hải mang về niềm hy vọng. Cú sút phạt siêu đẳng của Quang Hải chỉ là phản ứng tức thời của cảm xúc con người trong trạng thái bị dồn nén, “phông nền” cho tình huống ấy, thực ra đã được hun đúc bằng sự quyết tâm, bản lĩnh và trách nhiệm.
 
Nếu ai đó để ý, khi các cầu thủ U23 Việt Nam ăn mừng bàn thắng gỡ hòa, hình ảnh ấy rất giống một ngôi sao. Họ chụm lên nhau, màu áo đỏ giữa nền tuyết trắng, lãng mạn và kiêu hùng. Bỏ qua yếu tố thời tiết và sức khỏe, chỉ nhìn ở khía cạnh thẩm mỹ, khuôn hình ấy xứng đáng đi vào thi ca. 
 
Niềm vui của nhiều thế hệ khi chứng kiến thành tích lịch sử của U23Việt Nam. Ảnh: T.Linh
Niềm vui của nhiều thế hệ khi chứng kiến thành tích lịch sử của U23 Việt Nam. Ảnh: T.Linh

Một giải đấu, có thể cứu rỗi niềm tin cho người hâm mộ vào sự chuyên nghiệp nửa vời hiện tại của bóng đá Việt Nam hay không. Tất nhiên sẽ chỉ là phép thắng lợi tinh thần cho bất cứ ai đánh cược niềm tin vào điều đó. Nhưng chắc chắn một điều, những ngày tươi đẹp trên đất Thường Châu sẽ là cánh cửa, là niềm tin, là hy vọng để chúng ta có thể tạo dựng, cho những sự bắt đầu.
 
Thua một trận đấu, không có nghĩa chúng ta thất bại trong một cuộc chiến. Với bóng đá Việt Nam đó sẽ là một cuộc chiến dài. Hãy đừng để tuyết trắng Thường Châu lóa mờ thực tại, khi chúng ta vẫn ở vùng trũng của bóng đá thế giới, vẫn còn quanh quẩn ở “ao làng”, một nền bóng đá không thiếu tiềm năng nhưng trong quá trình xây dựng vẫn đang bị cản trở bằng những khuất tất, tranh luận quẩn quanh giữa những người có trách nhiệm. Tỉnh giấc đi, ngày mai sẽ là một ngày khác, vẫn còn nhiều đích đến mà chúng ta phải chinh phục, khó khăn sẽ nhiều hơn, thách thức cũng nhiều hơn và “nếu còn có ngày mai” khi đó niềm vui chắc chắn sẽ trọn vẹn hơn.
 
Hãy thử làm một phép so sánh, có thất bại nào của bóng đá thế giới lại được chào đón và được chấp nhận như ở Việt Nam hay chưa? Chắc sẽ không nhiều! Bởi ở đất nước này họ chỉ cần sự thật, hãy cống hiến, hãy tận tâm, với họ như thế đã đủ rồi.
 
Người dân Đà Lạt và du khách phủ kín Quảng trường Lâm Viên trong chiều 27/1. Ảnh: V.Báu
Người dân Đà Lạt và du khách phủ kín Quảng trường Lâm Viên trong chiều 27/1. Ảnh: V.Báu

Bóng đá, dẫu có là môn thể thao “vua”, nhưng không phải là thứ duy nhất để chúng ta có niềm tin vào một dân tộc, vào một đất nước. Nhưng chỉ cần hòa vào sắc đỏ Việt Nam trong những ngày U23 Việt Nam tham dự Giải vô địch châu Á, không ngại ngần hòa chung trong những giai điệu Tổ quốc “… Tiến lên, cùng tiến lên”, “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” …; bạn sẽ thấy yêu quê hương mình hơn trong mỗi sáng mai thức giấc. 
 
Có một câu chuyện khác mà tôi muốn kể, câu chuyện được bắt đầu từ một điều ước của một cô bé học lớp 9A5 - Trường THCS Phan Chu Trinh, Đà Lạt.
 
Chiều 27/1/2018, chiều mà Đội tuyển U23 Việt Nam bước ra sân trong trận chung kết lịch sử trước Uzbekistan, Nguyễn Phương Nguyên xin mẹ nghỉ một buổi học thêm để có thể cùng bạn bè đồng hành cùng đội tuyển, nhưng lý do ấy không được mẹ của cô bé chấp nhận, bởi em đã là học sinh cuối cấp. Nguyên nghe lời nhưng vẫn vớt vát bằng một cuộc “ngã giá” không ai có thể nghĩ ra. Em nói với mẹ “thôi, con chấp nhận, nhưng mẹ hãy để cho con ước được không?”.
 
Điều ước trong trẻo và tinh khôi ấy khiến chúng ta có niềm tin không nhỉ? Niềm tin vào một nền bóng đá, vào một lớp trẻ được lớn lên trong yên bình, được nuôi dưỡng bằng những giá trị cốt lõi thấm nhuần giá trị đạo đức Việt, chắc không phải riêng tôi, mà còn rất nhiều người đều đã có cho mình câu trả lời.
 
TUẤN LINH