Ðược gì sau 4 năm thực hiện chiến lược phát triển bóng đá?

09:03, 15/03/2018

Dù "Chiến lược phát triển bóng đá Lâm Ðồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã được ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Ðồng triển khai trên địa bàn từ năm 2014 đến nay, nhưng vẫn còn rất nhiều điều trong đó còn chưa làm được. 

Dù “Chiến lược phát triển bóng đá Lâm Ðồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Ðồng triển khai trên địa bàn từ năm 2014 đến nay, nhưng vẫn còn rất nhiều điều trong đó còn chưa làm được. 
 
Một giải bóng đá phong trào do tỉnh tổ chức trong năm 2017. Ảnh: V.Trọng
Một giải bóng đá phong trào do tỉnh tổ chức trong năm 2017. Ảnh: V.Trọng

Bóng đá phong trào có bước phát triển 
 
Cái được trước nhất trong 4 năm thực hiện chiến lược phát triển bóng đá đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt này chính là bóng đá phong trào trong tỉnh ngày càng phát triển.
 
Một thống kê của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, trong tỉnh trung bình mỗi năm những năm gần đây có khoảng 300 giải bóng đá lớn nhỏ, từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã, phường được tổ chức, thu hút hằng nghìn lượt VĐV tham dự.
 
Nhiều nhất trong số này là các giải bóng đá mini sân cỏ nhân tạo do các câu lạc bộ (CLB) trong tỉnh tự đứng ra tổ chức trong năm. Hệ thống sân cỏ nhân tạo này do tư nhân đầu tư ngày càng xuất hiện nhiều trong tỉnh, không chỉ các trung tâm huyện, thành mà các xã, phường nay cũng có. Ước tính toàn tỉnh hiện nay có khoảng 100 sân cỏ nhân tạo như thế đang hoạt động, mỗi sân đều có các CLB hoạt động.
 
Bên cạnh đó, các cấp xã, phường đến huyện, thành cũng đều tổ chức giải bóng đá cho các lứa tuổi, nhiều nhất là các giải trong mùa hè cho học sinh phổ thông; trong các hội thao cán bộ công chức, viên chức, người lao động, công an, lực lượng vũ trang, bóng đá mini cũng luôn là một nội dung thi đấu chính. Hầu hết các huyện, thành đều có các giải bóng đá trong năm, trong đó nhiều địa phương tổ chức cả giải 11 người sân lớn, chất lượng giải cũng được cải thiện qua từng năm. 
 
Một cái được khác nữa chính là hệ thống sân bãi cho các hoạt động bóng đá ngày càng được xây dựng nhiều hơn. Toàn tỉnh hiện có 15 sân bóng đá 11 người, chủ yếu là các sân vận động chính ở các huyện, thành (trong đó có 2 sân cỏ nhân tạo 11 người gồm một sân ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh tại Đà Lạt và một sân khác tại Trung tâm Văn hóa Thể thao Di Linh). Ở cấp tỉnh, công trình sân vận động 20 nghìn chỗ ngồi đạt chuẩn quốc gia trong Khu Liên hợp Thể thao tại Phường 7 -  Đà Lạt cũng đang từng bước tiến hành xây các hạng mục tại đây.
 
Công tác phát triển nguồn lực quản lý, điều hành bóng đá địa phương cũng được tỉnh quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 10 cán bộ quản lý chuyên ngành bóng đá cùng huấn luyện viên bóng đá; trên 100 hướng dẫn viên bóng đá; gần 50 trọng tài trong đó có 4 trọng tài tham gia điều hành các giải quốc gia, 20 trọng tài điều hành các giải cấp tỉnh. 
 
Đến nay, tỉnh hằng năm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho lực lượng trọng tài, huấn luyện viên, cộng tác viên bóng đá trên toàn địa bàn, đồng thời cử học viên tham gia các lớp tập huấn nâng cao do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức trong nước.
 
Trên nền bóng đá phong trào phát triển trên, đặc biệt là bóng đá trong các vùng có cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên trong năm 2015, Lâm Đồng đã giành được Huy chương Vàng Giải Bóng đá thanh niên các dân tộc thiểu số toàn quốc; năm 2017 vừa qua tỉnh cũng giành được Huy chương Đồng tại giải đấu cấp quốc gia này. 
 
Bóng đá Lâm Ðồng sẽ lên lại hạng nhất trong 3 năm đến? 
 
Có không ít điều mà chiến lược đặt ra đến nay vẫn chỉ nằm im trên giấy.
 
Chẳng hạn như việc phát triển bóng đá nữ. Bên cạnh giải bóng đá nam toàn tỉnh, Lâm Đồng đã đặt ra chỉ tiêu hoàn thiện hệ thống thi đấu cho giải vô địch bóng đá nữ toàn tỉnh trong giai đoạn 2014- 2020, tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có địa phương nào trong tỉnh tổ chức giải bóng đá nữ cấp huyện thành, tỉnh cũng chưa có giải bóng đá nữ cấp tỉnh trong hệ thống thi đấu hằng năm.
 
Một mục tiêu khác là việc xây dựng Liên đoàn Bóng đá Lâm Đồng trở thành một tổ chức mạnh, có khả năng đảm nhận quản lý, tổ chức hầu hết các hoạt động bóng đá ở tỉnh Lâm Đồng như chiến lược đặt ra, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.Trong vài năm gần đây, khi Công ty Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng - nhà Mạnh thường quân lớn cho các hoạt động thể thao của tỉnh khép lại hầu bao, nhiều liên đoàn trong đó có Liên đoàn Bóng đá tỉnh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn cho các hoạt động của mình trong khi vẫn chưa tìm ra các nguồn tài trợ khác thay thế.
 
Với bóng đá nâng cao, chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020 sẽ đưa đội bóng đá nam của tỉnh vào hàng 15 đội mạnh trong nước, đưa Lâm Đồng thành một trong những trung tâm bóng đá mạnh của cả nước. Tuy nhiên, đội tuyển bóng đá nam Lâm Đồng đến nay vẫn đang lặn ngụp với giải hạng nhì, liệu mục tiêu này có đạt được hay không trong vòng 3 năm đến vẫn là một câu hỏi? 
 
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, chủ trương chung của ngành trong thời gian đến vẫn ưu tiên phát triển bóng đá phong trào theo hướng toàn diện, bền vững. Tỉnh sẽ chú trọng tuyển chọn và đào tạo tài năng bóng đá; chú ý đẩy mạnh xã hội hóa thể thao trong đó có môn bóng đá nhằm phát huy nội lực, huy động rộng rãi các nguồn lực và sự tham gia của xã hội cho phát triển bộ môn này, kết hợp với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của nhà nước. Tỉnh sẽ thúc đẩy đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động bóng đá tại Khu Liên hợp Thể thao tỉnh, đồng thời chuẩn hóa trình độ huấn luyện viên bóng đá các cấp; coi việc nâng cao thành tích bóng đá vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bộ môn này.
 
Trước mắt, ngành thể thao tỉnh đang đặt ra chỉ tiêu phấn đấu trong 3 năm đến, đến năm 2020 đội tuyển bóng đá nam của tỉnh sẽ lên lại hạng nhất, đến năm 2025 phấn đấu đứng trong tốp 8 hạng V-Leguage.
 
VIẾT TRỌNG