Gặp các nhà vô địch Siêu Marathon Đà Lạt

08:03, 28/03/2018

(LĐ online) - Tuy mới tổ chức lần thứ 2 nhưng giải Siêu Marathon Quốc tế - Dalat Ultra Trail 2018  đã có một sức hút lớn khi qui tụ trên 2300 người tranh tài, trong đó có gần 300 VĐV người nước ngoài. Và dưới đây chỉ là 3 trong 8 nhà vô địch của các nội dung trên đường chạy xuyên rừng. 

(LĐ online) - Tuy mới tổ chức lần thứ 2 nhưng giải Siêu Marathon Quốc tế - Dalat Ultra Trail 2018  đã có một sức hút lớn khi qui tụ trên 2.300 người tranh tài, trong đó có gần 300 VĐV người nước ngoài. Và dưới đây chỉ là 3 trong 8 nhà vô địch của các nội dung trên đường chạy xuyên rừng. 
 
Một đường chạy rất đẹp
 
Trần Duy Quang
Trần Duy Quang
Với những người chuyên trị những quãng đường dài vào hàng siêu Marathon như Trần Duy Quang, 29 tuổi - vô địch cự ly 70 km nam Ultra Trail lần 2 tại Đà Lạt, đường chạy càng khó, càng có tính thử thách cao thì anh lại càng thích.
 
Đây là lần đầu tiên anh đại diện cho Câu lạc bộ (CLB) Danang Runners, Đà Nẵng vào thi đấu tại Đà Lạt, nhưng trước đây chàng trai người gốc Bình Định này vốn đã từng tham dự rất nhiều đường chạy Marathon trong nước lẫn các nước xung quanh trong khu vực Đông Nam Á.
 
Quang cho biết anh yêu thích môn chạy đường trường này từ nhỏ, thế nên khi ra Đà Nẵng làm việc anh đã tìm đến các CLB chạy tại Đà Nẵng, và dù công việc bận rộn, anh vẫn tích cóp tiền bạc dần để có dịp là tham dự các giải Marathon lớn trong nước lẫn quốc tế.
 
Anh đã 3 lần tham dự giải Marathon leo núi Vietnam Mountain Marathon ở Sapa - một giải đấu thuộc hệ thống những giải chạy địa hình chuyên nghiệp của khu vực châu Á - Asia Trail Master. Trong năm 2017 vừa qua, anh là người về đích đầu tiên trong cự ly 100 km của giải này. 
 
Sau đó, anh cũng là người về nhì tại giải Marathon Ultra Trail Angkor 2017 tại Campuchia trong cự ly 128 km. Anh còn tham dự rất nhiều giải Marathon khác như Siêu Marathon của Malaysia, giải quốc gia của Thái Lan. 
 
Hầu hết các giải này khi đi anh phải tự bỏ tiền túi để trang trải “Trung bình để tham dự những giải quốc tế như thế phải mất chừng 10 triệu đồng, còn nếu giải trong nước như ở Đà Lạt hay Sapa thì chi phí có ít hơn” – anh nói. 
 
Theo anh Quang, so với những đường chạy của các giải anh từng dự tại các quốc gia trên thì đường chạy tại Đà Lạt cũng đẹp và thử thách không kém bất kỳ đường chạy nào trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí còn có độ khó hơn rất nhiều lần: “Như đường chạy tại Campuchia chẳng hạn, dù dài hơn nhiều nhưng đường chạy bằng phẳng hơn, còn Đà Lạt thì đồi dốc, đường thiết kế chạy xuyên rừng với những con dốc dài rất mất sức; nhưng bù lại thời tiết mát mẻ, khí hậu trong lành rất phù hợp cho người chạy”.
 
Nhà vô địch cự ly siêu dài này cho biết anh đang có ý định tìm nhà tài trợ để anh có thể tham dự một giải chạy ở châu Âu, đó là một giải chinh phục núi ở Pháp, và anh định thử sức mình trong cự ly 170 km. Một giải khác anh cũng đang hướng đến là giải Marathon Hồng Kông cho cự ly 100 km cũng trong năm nay.
 
Đà Lạt làm tôi nhớ châu Âu 
 
Dekkers Marieke
Dekkers Marieke
Với nụ cười thân thiện, Dekkers Marieke, 38 tuổi, người Hà Lan - vô địch đường chạy 70 km nữ, bảo chúng tôi rằng chị rất vui khi lần đầu tiên giành được một danh hiệu vô địch sau 2 năm tham gia chạy tại Việt Nam.
 
Cùng chồng và 2 con sang làm việc và sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh hơn 2 năm nay, để vận động, Dekkers Marieke đã tham gia một CLB chạy đường dài tại thành phố này. Chị cùng các thành viên trong CLB thường xuyên chạy tại các công viên trong những dịp cuối tuần. Năm ngoái 2017, chị lần đầu tiên đăng ký tranh tài tại giải Marathon 2017 ở Sa Pa trong cự ly 100 km. Lần đó chị chỉ về đến đích. 
 
“Tôi yêu thể thao, chỉ thích chạy, ngày sang Việt Nam làm việc tôi rất vui khi tìm được các bạn Việt Nam cùng chạy với mình. Gần đây Việt Nam đã bắt đầu tổ chức các giải có tầm qui mô quốc tế như giải này chẳng hạn và tôi nghĩ các bạn nên duy trì thành một giải đấu thường xuyên hằng năm để phát triển phong trào, tạo cơ hội cho những người yêu thể thao có dịp gặp nhau” – chị nói.
 
Riêng với đường chạy tại thành phố Đà Lạt, chị bảo khi chạy trên các cánh rừng nơi đây đã làm chị nhớ đến châu Âu, nhớ đất nước Hà Lan của chị, cũng không khí mát lạnh này, cũng các cánh rừng thông với những con đường mòn xuyên rừng tuyệt đẹp. “Chắc tôi sẽ nhiều dịp cùng cả gia đình lên đây, để đi nghỉ ngơi, du lịch thành phố này và để chạy khi có thời gian. Nhất định sang năm khi tổ chức giải ở đây tôi sẽ lên có mặt thi đấu” – chị bảo.    
 
Ngạc nhiên khi thấy mình về đầu
 
Torres Marion
Torres Marion
Với Torres Marion, 30 tuổi, người Pháp - vô địch cự ly 42 km nữ, chị bảo rằng thấy ngạc nhiên vì mình lại về nhất. 
 
“Hồi trước giờ tôi chưa bao giờ thắng một giải nào. Khi tham gia giải tôi nghĩ chỉ cho vui thôi, thử thách mình là chính, không ngờ thắng cuộc”- chị nói nhanh.
 
“Tôi cứ chạy, chung quanh tôi mọi người cũng đang lao đi nhanh, cứ theo dấu hiệu đường mà chạy thôi, không biết rằng mình đã về đích đầu tiên” – chị cười thật tươi.
 
 Vốn là một người yêu thể thao từ nhỏ, Marion cho biết chị trong thời gian đi học cũng như đi làm cũng thỉnh thoảng tham gia các cuộc thi nho nhỏ cho vui. 5 năm trước đây chị có tham dự một giải lớn ở châu Âu, cũng theo lời mời của bạn bè, nhưng cũng chỉ nằm trong số VĐV về đến đích.
 
7 tháng trước, chị cùng chồng qua Việt Nam làm quản lý cho một Cty quốc tế tại TP HCM, chị đã tìm và xin gia nhập vào một CLB chạy tại thành phố này với mục tiêu là kết bạn và học tiếng Việt. Khi các bạn người Việt trong CLB mời chị tham gia giải Siêu Marathon Đà Lạt, chị bảo cùng chồng cứ tham gia cho vui, không ngờ mình thắng cuộc.
 
 Dù mới sống ở Việt Nam trong khoảng thời gian ngắn nhưng Torres Marion đã cùng chồng làm một vòng “phượt” trên xe máy, đi nhiều tỉnh tại Việt Nam, và đặc biệt chị rất thích Đà Lạt.
 
“Thành phố này có phong cảnh rất giống châu Âu, nhà cửa đẹp, sạch sẽ, người dân thân thiện, thức ăn rất ngon. Có dịp chúng tôi sẽ lên đây lại nhiều lần để thăm và chạy bộ ” – chị bảo.
 
Viết Trọng