U11 Lộc An - Ðội bóng "tay ngang" tham dự giải Quốc gia

09:04, 19/04/2018

Lần đầu tiên, một đội bóng U11 cấp xã được chọn để tham dự "Giải bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc 2018" do Báo Nhi Ðồng đăng cai tổ chức. 

Lần đầu tiên, một đội bóng U11 cấp xã được chọn để tham dự “Giải bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc 2018” do Báo Nhi Ðồng đăng cai tổ chức. Dù Ðội U11 Lộc An luôn giành các giải cao ở các giải đấu trên địa bàn huyện Bảo Lâm cũng như của tỉnh, nhưng khi bước vào một sân chơi lớn mang tầm cỡ Quốc gia thì vẫn được đánh giá là đội bóng “tay ngang”. Thế nhưng,  thầy và trò đội bóng U11 Lộc An vẫn đang nỗ lực luyện tập và quyết tâm vượt qua vòng loại diễn ra vào cuối tháng 5 tới tại Ðắk Lắk để giành một tấm vé vào vòng chung kết toàn quốc.
 
Huấn luyện viên Nguyễn Văn Lý Hải (bìa phải) cùng các cầu thủ U11 Lộc An tại Giải bóng đá U11 huyện Bảo Lâm năm 2017
Huấn luyện viên Nguyễn Văn Lý Hải (bìa phải) cùng các cầu thủ U11 Lộc An
tại Giải bóng đá U11 huyện Bảo Lâm năm 2017

Cơ duyên làm huấn luyện viên 
 
Anh Nguyễn Văn Lý Hải (32 tuổi) từng có thời gian học và chơi bóng đá tại TP Hồ Chí Minh. Khi trở về sống với ba mẹ tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), Hải tự nhận mình là người lông bông vì không có việc làm ổn định. Cơ duyên đưa anh trở thành huấn luyện viên bóng đá cho các em thiếu nhi trong xã cũng rất tình cờ. Nhà ở sát trường tiểu học, nhà trường tổ chức cho các em đi đá giải bóng đá cấp huyện nhưng lại không có ai huấn luyện nên các thầy cô đã nhờ đến Hải. Sẵn có “máu” bóng đá trong người, Hải nhận lời ngay. Năm đó, năm 2012, đội bóng trường tiểu học do Hải dẫn dắt đã giành được chức vô địch toàn huyện và đại diện cho huyện Bảo Lâm đi thi đấu giải toàn tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Từ đó, Hải bắt tay vào việc huấn luyện bóng đá cho đội tuyển U11 xã Lộc An và liên tục giành được chức vô địch tại giải U11 cấp huyện. 
 
Để huấn luyện cho các em thi đấu thì với niềm đam mê không chưa đủ, Hải còn phải tìm hiểu những kiến thức, những bài rèn luyện về thể lực, chiến thuật trên mạng, các giáo án của nước ngoài. Xác định mình sẽ theo nghiệp huấn luyện bóng đá, đã nhiều lần Hải muốn trở thành một huấn luyện viên chuyên nghiệp nhưng không đủ điều kiện để dự thi. Theo yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, muốn trở thành huấn luyện viên thì hoặc anh phải là cầu thủ chuyên nghiệp, hoặc phải công tác tại phòng, sở văn hóa thể thao nào đó. Trong khi đó, Hải chỉ là một người tay ngang, đến với công tác huấn luyện chỉ bằng niềm đam mê dành cho bóng đá, lòng yêu thương dành cho các em học sinh. Cơ duyên đã đến với Hải một lần nữa và đã mở cánh cửa cho Hải trở thành một huấn luyện viên chuyên nghiệp. “Khi biết mình không đủ điều kiện thi để trở thành huấn luyện viên, một nhà báo chuyên viết về mảng thể thao đã giới thiệu mình với anh Nguyễn Thành Nam - Giám đốc của CLB bóng đá Thăng Long FC thành phố Hồ Chí Minh chuyên đào tạo các cầu thủ trẻ. Anh Nam là một giáo viên tiểu học, anh đến với bóng đá cũng chỉ bằng niềm đam mê. Có lẽ xuất phát từ điểm giống nhau này, anh Nam đã đến Lộc An để khảo sát về công tác huấn luyện tại đây. Sau đó, anh đã xin cho mình vào biên chế thể thao của Quận 5 (TP Hồ Chí Minh). Khi đủ điều kiện thì mình đã thi để trở thành huấn luyện viên bóng đá. Đến tháng 11/2017, mình chính thức được Liên đoàn Bóng đá châu Á cấp bằng B huấn luyện viên bóng đá Việt Nam. Điểm khác biệt sau khi được đào tạo huấn luyện viên bài bản là mình có thể chỉ dạy cho các em những kiến thức có quy củ. Các bài tập về thể lực, các bài kiểm tra sức khỏe được thực hiện bài bản hơn, nhờ đó các em có được một nền tảng thể lực tốt” - Hải chia sẻ.
 
“Giấc mơ” vòng chung kết
 
Khi được giới thiệu về huấn luyện viên của đội U11 Lộc An, tôi nghĩ ngay Hải có thể là một cán bộ Đoàn hoặc là chủ của một sân bóng đá mi ni nào đó. Thế nhưng, khi trao đổi trực tiếp thì mới vỡ lẽ anh chỉ là nhân viên của một công ty lữ hành có chi nhánh tại Bảo Lộc. Gần 7 năm dẫn dắt đội U11 Lộc An, Hải chỉ gói gọn “làm vì đam mê”. Với Hải, kiến thức chuyên môn có thể không cao nhưng cần phải hiểu tâm lý, có niềm đam mê bóng đá và lòng yêu trẻ. Nếu làm bóng đá trẻ mà chỉ hướng đến thành tích hoặc chỉ vì mục đích kiếm tiền cho cá nhân thì không thể duy trì lâu dài. Hiện tại, ngoài đội U11 thì Hải còn nhận đào tạo cho các lứa tuổi U13, U15 để các em có thể thi vào các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. Đây cũng là nguồn thu để anh có thể duy trì cho hoạt động tập luyện, thi đấu của đội U11. Hàng năm, các em học sinh bậc tiểu học của các trường trên địa bàn xã Lộc An có niềm đam mê bóng đá đều được Hải nhận đào tạo miễn phí. Số lượng bình quân mỗi năm là khoảng 50 em đăng ký theo học. Từ đây, Hải có thể lựa chọn các em có năng khiếu để đưa vào đội tuyển, các em còn lại thì Hải vẫn huấn luyện với quan điểm “đá bóng không chỉ để trở thành cầu thủ giỏi mà còn để luyện sức khỏe và rèn kỹ năng”. Với nguồn đào tạo đồi dào, hàng năm, Hải đều tuyển chọn được những cầu thủ có kỹ năng tốt nhất để vào đội tuyển. Trong đó, số cầu thủ là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 buôn B’Đơ và B’Cọ chiếm khoảng 50%.
 
Hiện tại, đội U11 Lộc An đang luyện tập 3 buổi/tuần để tham gia vòng loại diễn ra tại Đắk Lắk vào ngày 26/5 tới. Vòng loại toàn quốc có 32 đội, riêng Bảng 3 tại Đắk Lắk có 12 đội thi đấu để chọn ra 5 đội vào chung kết. Do chưa từng thi đấu tại các giải khu vực và quốc gia nên mức độ cọ xát của các cầu thủ U11 Lộc An không có. Đội U11 Lộc An hiện đang tập luyện với 14 cầu thủ, gồm cả lớp 4 và lớp 5. Hải đang tập luyện cho các em bằng cách sử dụng “quân xanh” là các cầu thủ lớp 6, lớp 7 để đấu với các cầu thủ U11. Qua các buổi tập luyện và thi đấu, Hải đều có đánh giá về tư duy, chiến thuật cũng như kiểm tra về thể lực, sức bền, sức bật. “Tại bảng đấu này, ngoài 3 đối thủ nặng ký là Đắk Lắk, Bình Dương và CLB Thăng Long FC TP Hồ Chí Minh thì nếu chọn đúng “điểm rơi” phong độ cho các em thì U11 Lộc An có thể giành một trong 2 tấm vé còn lại để vào vòng chung kết. Thi đấu tại Đắk Lắk, U11 Lộc An có nhiều lợi thế hơn các đội bạn về mức độ thích nghi với điều kiện thời tiết. Ngoài ra, hiện tại U11 Lộc An đang có trong tay những cầu thủ mạnh hiếm có như đội trưởng Gia Bảo với thể lực tốt, tư duy về chiến thuật nhạy bén, phản xạ nhanh và thông minh; thủ môn Bình Minh với khả năng bắt bóng bẩm sinh và cầu thủ Đức Nguyên được xem là “hàng hiếm” về thể lực, thể trạng… Đây là những cầu thù đã được Hải huấn luyện và gắn bó với đội bóng từ lớp 2, lớp 3. 
 
Cái khó hiện tại mà U11 Lộc An đang phải đối mặt chính là kinh phí để tham gia giải đấu. Theo dự tính, cần phải có nguồn kinh phí 30 - 40 triệu đồng để phục vụ cho việc tập luyện, đi lại, ăn ở và thi đấu tại vòng loại ở Đắk Lắk. Hiện tại, ngoài sự hỗ trợ từ phía phụ huynh của các cầu thủ, từ Đoàn xã Lộc An thì bản thân Hải và Bí thư Đoàn xã Lộc An vẫn đang tích cực đi vận động tài trợ cho đội tuyển. Anh Vũ Quốc Huy, Bí thư Đoàn xã Lộc An chia sẻ: “Sau nhiều năm có sự liên kết, gắn bó và liên tiếp giành chức vộ địch huyện, từ tháng 6/2017, CLB bóng đá U11 Lộc An đã chính thức được thành lập. Đây là cơ sở, là tiền đề để U11 Lộc An bước vào một giải đấu lớn. Khi nhận được giấy mời tham dự Giải bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc, cả mình và Hải đều rất mừng nhưng cũng rất lo, lo nhất vẫn là kinh phí để tham dự giải. Hiện tại, cả hai anh em đang tích cực lo việc này. Việc được tham gia một giải đấu lớn như thế này chính là dịp để U11 Lộc An cọ xát, rút kinh nghiệm để có những luyện tập bài bản hơn, để tự tin bước vào những sân chơi quốc gia và khu vực ngày càng có chất lượng chuyên môn cao”.
 
ÐÔNG ANH