Ghi nhận qua Ðại hội TDTT cấp huyện, thành 2018

09:05, 31/05/2018

Hầu hết các địa phương đã huy động được nguồn lực từ cơ sở để tổ chức khá bài bản Ðại hội thể dục thể thao từ cấp xã, phường đến cấp huyện, thành.

Hầu hết các địa phương đã huy động được nguồn lực từ cơ sở để tổ chức khá bài bản Ðại hội thể dục thể thao (TDTT) từ cấp xã, phường đến cấp huyện, thành.
 
Đồng diễn xếp hình bản đồ Việt Nam của học sinh Đam Rông
Đồng diễn xếp hình bản đồ Việt Nam của học sinh Đam Rông

8/12 địa phương đã tổ chức đại hội cấp huyện  
 
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 8 huyện, thành phố tổ chức Đại hội TDTT cấp huyện, tất cả đều diễn ra trong tháng 5/2018 vừa qua.
 
Thành phố Đà Lạt là địa phương tổ chức Đại hội TDTT cấp thành phố đầu tiên của tỉnh vào ngày 13/5, tiếp đó là Bảo Lộc ngày 19/5, Bảo Lâm 22/5, Đam Rông 24/5, Đạ Tẻh 25/5, Lạc Dương 25/5, Di Linh 26/5 và trong đầu tháng 6 này sẽ có thêm huyện Đạ Huoai tổ chức Đại hội TDTT cấp huyện (dự kiến trong ngày 1/6).
 
Trước đó, bắt đầu từ tháng 1 đến đầu tháng 5/2018, tất cả các địa phương trên cũng đã hoàn tất việc tổ chức Đại hội TDTT cấp cơ sở xã, phường của mình.
 
Như tại Đà Lạt, thành phố đã chọn Phường 10 làm điểm Đại hội TDTT cấp cơ sở để các xã phường còn lại đến học tập kinh nghiệm. Lần lượt sau đó tất cả 15 phường, xã đều tổ chức Đại hội TDTT cơ sở, mỗi đơn vị tùy theo điều kiện của mình, nhưng hầu hết, theo đánh giá của ngành chức năng thành phố, đều tổ chức rất tốt tại địa phương mình.
 
Tại Đam Rông - một huyện vùng sâu nhiều khó khăn nhưng 8/8 xã ở đây đều tổ chức Đại hội TDTT cấp xã. Đạ Tông là xã đầu tiên tại huyện tổ chức Đại hội TDTT cơ sở trong tháng 1/2018, xã cuối cùng là xã Đạ M’Rông trong tháng 4/2018. Hầu hết các xã đều tổ chức thi đấu từ 5-7 môn như bóng đá, bóng chuyền, việt dã, kéo co, đẩy gậy, cờ tướng… trung bình mỗi xã có trên 300 VĐV tham gia thi đấu các bộ môn, chưa kể số người dân đến tham gia cổ vũ và diễu hành. Tính trung bình kinh phí tổ chức cho mỗi đại hội cấp cơ sở mỗi xã như thế tại Đam Rông từ 35-70 triệu đồng, tuy nhiên dù là vùng sâu nhưng các xã cũng vận động xã hội hóa được khoảng 25% số tiền này.
 
Tại Lạc Dương - địa phương có trên 75% dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên với rất nhiều khó khăn, nhưng huyện trong năm nay cũng tổ chức rất tốt Đại hội TDTT từ cấp cơ sở đến cấp huyện. Bắt đầu từ đại hội điểm của thị trấn Lạc Dương trong ngày 15/4, tất cả 5 xã còn lại của huyện đều tổ chức đại hội trong tháng 4/2018. Bên cạnh 5 môn thể thao phổ biến được chọn thi đấu ở cơ sở gồm bóng đá, bóng chuyền, kéo co, việt dã, đẩy gậy, nhiều xã còn tổ chức thi đấu thêm các môn cờ tướng, cầu lông, bóng bàn… để tạo phong trào cho địa phương.
 
Những ghi nhận
 
Ghi nhận trước nhất chính là việc tổ chức Đại hội TDTT các cấp nhất là cấp huyện, thành của các đơn vị trong tỉnh trong năm nay đều rất bài bản. Bài bản từ công tác chuẩn bị, qui mô tổ chức, có phân công cán bộ phụ trách, có sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và chính quyền các cấp đến việc vận động đông đảo cán bộ công chức, viên chức và cộng đồng dân cư cùng tham gia vào các hoạt động tại đại hội.
 
Như tại Đạ Tẻh, huyện đã tổ chức rất tốt Đại hội TDTT cấp huyện. Lễ khai mạc Đại hội TDTT cấp huyện của huyện diễn ra rất “hoành tráng”, huy động gần 2.000 người từ cán bộ, công chức, viên chức, người dân ở các xã, thị trấn và đông đảo học sinh các cấp tham gia diễu hành biểu dương lực lượng cùng đồng diễn thể dục ngay tại Quảng trường của huyện, với sự có mặt đầy đủ của các lãnh đạo huyện. Đặc biệt, bài đồng diễn thể dục nơi đây rất ấn tượng, để thực hiện được tiết mục này chắc chắn học sinh đã phải chuẩn bị rất kỹ và rất mất thời gian. 
 
Tương tự, tại Di Linh, điểm nhấn trong lễ khai mạc Đại hội TDTT cấp huyện chính là màn đồng diễn dưỡng sinh độc đáo của trên 300 thành viên người cao tuổi nơi đây. Dưỡng sinh lâu nay là thế mạnh của TDTT Di Linh, các CLB dưỡng sinh nơi đây nhiều năm nay đã liên tục chinh phục các sân chơi cấp quốc gia. Nhưng để có màn đồng diễn đẹp mắt này, các CLB phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới có được. 
 
Ngay cả huyện vùng sâu Đam Rông cũng có sự chuẩn bị và đầu tư rất công phu với màn đồng diễn múa quạt và xếp hình bản đồ tổ quốc của các học sinh trong huyện đầy ấn tượng trong lễ khai mạc Đại hội cấp huyện.
 
Một ghi nhận khác chính là công tác tuyên truyền về Đại hội TDTT của hầu hết các huyện, thành trong tỉnh lần này cũng tốt hơn nhiều so với những lần trước đó. Không chỉ tuyên truyền trực quan, nhiều địa phương còn có các hình thức tuyên truyền khác như xe loa, thông qua các cuộc hội họp dân cư. Chính vì vậy số lượng người tham gia cổ vũ cũng như số VĐV tham gia thi đấu ngày càng nhiều hơn.
 
“Nhìn chung các huyện, thành đã có sự chuẩn bị rất tốt, tổ chức bài bản hơn nhiều, số lượng người tham dự cũng đông hơn những năm trước, qui mô tổ chức lớn hơn, nội dung chặt chẽ, có sự đầu tư và phối hợp với các cấp chính quyền rất tốt” - ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng nhận xét.
 
Vẫn còn một số huyện, do điều kiện cơ sở vật chất hạn hẹp nên lễ khai mạc tổ chức chưa được như ý muốn, chưa biểu dương được lực lượng hùng hậu ở địa phương; một số huyện vẫn chưa chú ý đúng mức đến trang phục mang bản sắc dân tộc trong lễ khai mạc đại hội.
 
Nhưng trong tổng thể, theo ông Hải, thông qua việc tổ chức Đại hội TDTT cấp cơ sở đến cấp huyện, thành lần này đã góp phần không nhỏ tạo ra chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn thể người dân của các địa phương trong tỉnh về vai trò và lợi ích của TDTT trong nâng cao sức khỏe và thể lực, góp phần phát triển con người toàn diện. Việc các huyện, thành tổ chức tốt đại hội các cấp cũng góp phần nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong cộng đồng, địa phương.
 
Theo kế hoạch, trong tháng 6 sắp đến sẽ có thêm huyện Đơn Dương và Cát Tiên tổ chức đại hội, huyện Lâm Hà sẽ tổ chức trong tháng 7 và địa phương cuối cùng là huyện Đức Trọng sẽ tổ chức trong tháng 8 năm nay.
 
GIA KHÁNH