Bóng đá châu Á có làm nên bất ngờ?

10:06, 14/06/2018

Với 5 đại diện châu Á đến với Vòng chung kết Giải Bóng đá thế giới FIFA World Cup 2018 lần này tại Nga, liệu các đội bóng này có cơ hội nào để làm nên điều bất ngờ?  

Với 5 đại diện châu Á đến với Vòng chung kết Giải Bóng đá thế giới FIFA World Cup 2018 lần này tại Nga, liệu các đội bóng này có cơ hội nào để làm nên điều bất ngờ?  
 
Tuyển Nhật Bản hứa hẹn tạo một sự đột phá tại World Cup 2018. Theo: Thethao24h
Tuyển Nhật Bản hứa hẹn tạo một sự đột phá tại World Cup 2018. Theo: Thethao24h

Ở hai đầu châu lục   
 
Đây là lần thứ hai châu Á có 5 đại diện tại FIFA World Cup gồm các đội tuyển quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Iran và Arab Saudi. Lần đầu tiên một Vòng chung kết Bóng đá thế giới mà châu Á có 5 đại diện đó là vào năm 2006 tại Đức. 
 
Khi mà quả bóng World Cup lăn tròn trong sự hào hứng của cả thế giới những ngày này, một câu hỏi vẫn thường đặt ra cho nhiều khán giả châu Á rằng liệu các đội bóng của châu lục mình có làm nên “cơm cháo” gì không ở nước Nga?
 
Đặt ra câu hỏi này là vì lần gần đây nhất, tại World Cup 2014 ở Brazil, cả 4 đại diện của châu Á chẳng đội nào vượt qua được vòng bảng.  
 
Tuy nhiên, trước đó, tại World Cup 2010 ở Nam Phi, thành tích của châu Á có tốt hơn khi cả 2 đội tuyển Nhật Bản và Hàn Quốc đều vượt qua vòng bảng, Hàn Quốc sau đó bị chặn lại bởi Uruguay, Uruguay đã vào đến bán kết; còn Nhật Bản cũng ngừng bước trước một đội Nam Mỹ khác là Paraguay trong loạt sút luân lưu 11m.
 
Trên bình diện châu lục, Hàn Quốc và Nhật Bản tính cho đến nay cũng là 2 đội tuyển có thành tích tốt nhất tại các kỳ World Cup. Năm 2002, khi World Cup đồng diễn ra trên 2 quốc gia này, cả 2 chủ nhà đều đứng đầu bảng đấu của mình khi kết thúc vòng bảng. Hàn Quốc sau đó còn tiến sâu vào giải, vượt qua cả Italia và Bồ Đào Nha để giành vị trí thứ tư thế giới.
 
Nhưng ngoại trừ Hàn Quốc và Nhật Bản với thành tích “đột xuất” như trên, các đội châu Á còn lại khi vào Vòng chung kết World Cup cho đến nay hầu như đều rất khó vượt qua vòng bảng, chưa nói đến việc tiến sâu tại giải đủ để gây nên bất ngờ. 
 
Như  Iran chẳng hạn, đội tuyển quốc gia này trong lịch sử từng 3 lần giành vô địch châu lục, 4 lần giành Huy chương Vàng Á Vận hội, 4 lần giành vô địch Tây Á và đã 4 lần vượt qua vòng loại để tham dự World Cup, gần đây nhất là năm 2014 nhưng cả 4 lần này đều không vượt qua vòng bảng. 
 
Arab Saudi cũng là một đội tuyển mạnh ở châu Á khi đến 3 lần vô địch châu lục, nhiều lần vô địch khu vực Tây Á và cũng đã có đến 4 lần tham dự Vòng chung kết World Cup, ngay lần đầu tiên năm 1994 họ vào đến vòng 2, còn 3 lần sau đó vào các năm 1998, 2002, 2006 đều không vượt qua vòng bảng. 
 
Còn với đội Australia - Úc, đó là một đội bóng với hầu hết cầu thủ người châu Âu nhưng họ lại đang chơi bóng trong một quốc gia với đại đa số dân thích bóng bầu dục kiểu Úc hơn là bóng đá, hệ quả là bóng đá quốc gia này không đủ mạnh như ở châu Âu.
 
 Và cũng vì nằm trong khu vực châu Đại Dương kém phát triển về bóng đá nên chỉ có nửa tấm vé vào World Cup, dù luôn dẫn đầu châu lục này nhưng Úc phải tìm nửa tấm vé còn lại bằng cách thi đấu với những đội rất mạnh ở Nam Mỹ, nên trong lịch sử của mình họ chỉ mới được tham dự World Cup lần đầu vào năm 1974 và không vượt qua vòng bảng. Từ 1978 đến 2002, họ chẳng tìm được nửa tấm vé này nên đến 2006, Úc đã có một bước đi rất khéo khi xin gia nhập Liên đoàn Bóng đá châu Á để họ chỉ gặp những đối thủ “dễ chịu” hơn trong việc tranh vé dự World Cup. Từ đó đến nay, tấm vé World Cup luôn nằm trong tay họ, trong đó World Cup 2006 họ vào đến vòng 2, nhưng 2 kỳ chung kết 2010 và 2014 cũng chỉ dừng bước ở vòng bảng.
 
Nhưng trừ Úc từ châu Đại Dương sang, sức nặng của bóng đá châu Á lâu nay vẫn như đang đổ dồn về 2 đầu châu lục, đó là khu vực Đông Bắc Á và Tây Á, cả 4 đại diện dự World Cup lần này đều được chia đều cho 2 bên đầu này, còn các khu vực khác như Nam Á hay Đông Nam Á đúng là vùng trũng. Trung Quốc, quốc gia có hàng tỷ người nhưng đội tuyển quốc gia này mới chỉ 1 lần vào World Cup; còn Ấn Độ, quốc gia đông dân không kém cũng chỉ mê môn bóng gậy (cricket),  bóng đá hầu như ít ngó ngàng.
 
Rõ ràng để bóng đá châu Á vượt lên, theo nhiều nhà chuyên môn, Giải vô địch châu Á- AFC Cup hiện nay cần phải được cải thiện, cùng đó các quốc gia trong châu lục này phải tìm cách nâng cao chuyên môn và tính cạnh tranh của giải vô địch quốc gia và phát triển hệ thống đào tạo trẻ của nước mình. 
 
Hy vọng nào cho châu Á 
 
Trong 5 đội dự World Cup lần này, hy vọng lớn nhất cho châu Á chính là đội tuyển Hàn Quốc. Họ thi đấu kỷ luật và đang có những ngôi sao đang chơi tại Ngoại hạng Anh như Ki Sung - yeung với Swansea, Lee Chung- yong với Crytal Palace, đặc biệt là Son Heung Min với Tottenham, cầu thủ đã ghi được 30 bàn sau 95 trận khoác áo đội này, một con số không phải bất cứ cầu thủ châu Á nào cũng có thể làm được.
 
Tuy nhiên, Hàn Quốc lại nằm trong một bảng rất mạnh là bảng F với Đức - đương kim vô địch thế giới cùng Mexico và Thụy Điển. Rõ ràng về thực lực, Hàn Quốc chưa phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Đức nên để lọt vào vòng trong họ cần phải vượt qua được 2 đội còn lại trong bảng, nhưng nhiệm vụ này quả thật  không dễ chút nào vì Mexico cũng rất mạnh còn Thụy Điển luôn đáng gờm ở mọi bảng đấu.
 
So với Hàn Quốc thì đội tuyển Nhật không có nhiều ngôi sao nổi bật hơn nhưng họ lại nằm trong bảng H với Ba Lan, Senegal và Columbia - một bảng tương đối dễ thở. Trong bảng đấu này nếu Nhật với các cầu thủ có kinh nghiệm thi đấu nước ngoài như Shinji Kagawa, Maya Yoshida, Makoto Hasebe, Shinji Okazaki  phối hợp tốt với các cầu thủ trong nước thì họ vẫn có cơ hội vượt qua vòng bảng để lọt vào vòng trong.
 
Với 2 đội ở Tây Á, Arab Saudi nằm ở bảng A với chủ nhà Nga, Ai Cập và Uruguay, một bảng đấu không có các đối thủ quá mạnh nhưng vấn đề là đội bóng này với thực lực khiêm tốn của mình có đủ để vượt qua được đối thủ hay không? Đội còn lại, Iran, lại nằm ở bảng B với Marocco và 2 “ông kẹ” thực sự của bóng đá thế giới là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, liệu có cửa nào cho họ vào vòng trong chăng với 2 đội cực mạnh này?
 
Và cuối cùng với Úc, họ đang nằm tại bảng C với Pháp, Peru và Đan Mạch. Cứ coi như Pháp với đẳng cấp của mình, đương nhiên chiếm ngôi đầu bảng đi, tấm vé còn lại dành cho cả 3 đội, Úc muốn chiếm vị trí nhì bảng phải vượt qua được Đan Mạch và thắng Peru. Nhiệm vụ này trong thời kỳ huy hoàng của mình Úc có thể làm được, nhưng hiện nay, do thiếu vắng các chân sút có thể xoay chuyển tình thế họ đã phải đưa một cầu thủ từng là ngôi sao của đội là Tim Cahill nay đã 38 tuổi vào đội hình của mình thì quả thật, phải rất nỗ lực thì họ mới vào đến vòng trong được.
 
VIẾT TRỌNG