World Cup 2018 và những trận đấu của… thủ môn

08:07, 05/07/2018

Bắt đầu từ vòng 1/8 trở đi khi các trận đấu đi dần về phút cuối mà không có những bàn thắng vượt lên thì chuyện thắng thua lại được giải quyết ngay chấm phạt đền. Trong loạt đấu súng cân não đó chính những thủ môn là người quyết định đội mình có được đi tiếp hay không. 

Bắt đầu từ vòng 1/8 trở đi khi các trận đấu đi dần về phút cuối mà không có những bàn thắng vượt lên thì chuyện thắng thua lại được giải quyết ngay chấm phạt đền. Trong loạt đấu súng cân não đó chính những thủ môn là người quyết định đội mình có được đi tiếp hay không. 
 
Akinfeev dùng chân ngăn quả luân lưu do Iago Aspas thực hiện
Akinfeev dùng chân ngăn quả luân lưu do Iago Aspas thực hiện

Thủ môn trong đội bóng  
 
Đã chơi bóng thì lẽ thường ai cũng thích có bóng trong chân để chơi, để có dịp lao lên sút tung lưới đội bạn. Vậy nhưng trong đội có người chơi bóng bằng chân nhưng cũng thích chơi bóng bằng tay, đó là thủ môn.
 
Thủ môn, đơn giản, là người trấn giữ khung thành của đội nhà, nhiệm vụ của anh là không cho bóng lọt qua ranh giới cầu môn của mình, bằng tay, bằng chân, bằng đầu, bằng tất cả các bộ phận trên cơ thể. Nhưng việc chơi bằng tay này sẽ phải chấm dứt khi anh lao ra khỏi vòng cấm địa, lúc đó thủ môn cũng chỉ là một cầu thủ bình thường, chỉ được chơi bóng như mọi cầu thủ trên sân, cho đến khi anh quay về cầu môn trở lại.
 
Có một điều thú vị trong lịch sử bóng đá là trong giai đoạn đầu của mình, ai ai trong đội cũng có thể là thủ môn. Nghĩa là toàn bộ cầu thủ có thể dâng lên tấn công, khi lao về phòng thủ bất kỳ thành viên nào trong đội cũng có thể nhào vào cầu môn dùng tay để làm nhiệm vụ ngăn bóng đối phương. Mãi đến sau này, năm 1870, khi Luật Bóng đá ra đời đã quy định rõ mỗi đội phải có một thủ môn và chỉ có thủ môn mới có quyền dùng tay chơi bóng trong vòng cấm địa. 
 
Năm 1992, FIFA đã có những thay đổi trong Luật Bóng đá, trong đó có vị trí thủ môn, cụ thể với luật chuyền về, cấm thủ môn nhận bóng bằng tay khi nhận đường chuyền về của đồng đội khi người đó thực hiện không phải bằng đầu, vai hoặc ngực. Từ lúc đó, các thủ môn bên cạnh đôi tay cũng phải tập khống chế bóng bằng đôi chân điệu nghệ của mình.
 
Sự phát triển rất nhanh của bóng đá hiện đại hiện nay đã tác động không ít đến vị trí thủ môn. Không chỉ đơn thuần đảm bảo an toàn cho cầu môn của mình, tạo niềm tin cho đồng đội khi dâng cao cũng như khi phòng thủ, các thủ môn còn là một vị trí chiến lược trong phát động tấn công bằng cách ném hoặc đá bóng nhanh lên cho đồng đội của mình phía trên khi cầu thủ đội bạn chưa về kịp.
 
Nhưng khác với các đồng đội của mình trong đội, một thủ môn giỏi cần hội đủ rất nhiều điều kiện và yêu cầu. Chẳng hạn phải đáp ứng được chiều cao (phải đủ cao để tranh bóng với cầu thủ đội bạn, kiểm soát được khu vực cầu môn, không bị uy hiếp bởi những cái đầu cao của cầu thủ đội khách trong vòng cấm địa, nhưng cũng không cao quá dễ trở nên lóng ngóng với các pha bóng tầm thấp); không được quá ốm (dễ bị xô đẩy trong lúc tranh bóng); không được quá mập (kém linh hoạt); cần có sức mạnh để tạo uy thế (không để cầu thủ đối phương thấy nhỏ con uy hiếp mình); nhanh nhẹn, có phản xạ tốt (những cú sút của cầu thủ đối phương nếu có lực thường bóng đi rất nhanh, nếu không phản xạ tốt thì chỉ có nước… vào lưới nhặt bóng, thắng thua thường chỉ trong tích tắc)…
 
Và một điều quan trọng, bên cạnh yếu tố thể lực và kỹ thuật, một thủ môn giỏi phải là người có tâm lý thi đấu vững vàng trong bất kỳ tình huống nào, phải chịu được sức ép lớn, bình tĩnh, dũng cảm, quyết đoán trong những tình huống đối mặt với thử thách, không được phép phạm sai lầm vì bất kỳ sai lầm nào cũng phải trả giá rất đắt. 
 
Một trong những thử thách cực lớn với thủ môn đó chính là các cú đá 11 m. 
 
Những trận đấu trên chấm 11 m
 
Cho đến thời điểm này khi World Cup 2018 đi đến vòng tứ kết, đã có rất nhiều trận đấu tại đây phải giải quyết thắng thua bằng các loạt đá trên chấm phạt đền. 
 
Chính trong loạt đấu súng cân não đó, đã có những cầu thủ bị nêu danh như những “tội đồ” vì sút hỏng đá phạt, nhưng cũng xuất hiện những thủ môn vụt chói sáng thành  “cứu tinh” cho cả nền bóng đá đất nước mình. 
 
Jordan Pickford của đội tuyển Anh là một cầu thủ như vậy. Sau trận đấu khi Anh hòa 1- 1 với Colombia và vượt qua đội tuyển quốc gia này bằng loạt đá 11 m để góp mặt vào tứ kết, báo chí xứ sương mù đã tràn ngập hình ảnh về thủ môn trẻ 24 tuổi này.
 
Cao 1,85 m, Pickford mới nổi lên trong làng bóng đá Anh gần đây và hiện đang là thủ môn của đội Everton trong giải Ngoại hạng Anh. Điểm mạnh của cầu thủ này chính là tính cách mạnh mẽ và khả năng kiểm soát tình huống rất tốt trong khung thành. Tại Everton, Pickford đã có những màn cứu thua ngoạn mục, đặt biệt là các tình huống đối mặt với cầu thủ đội khách trong các pha đá 11 m. Chính nhờ khả năng này, Pickford đã được HLV Gareth Southgate chọn vào vị trí khung gỗ để thay thế cho các bậc đàn anh cựu trào và chính anh đã trở thành người hùng của đội Anh khi cản phá thành công cú sút của Carlos Bacca - Colombia. Đây là lần đầu tiên tại các kỳ World Cup Bóng đá Anh với đôi tay tài năng của Pickford đã góp phần không nhỏ để họ vượt qua được các cuộc đấu 11 m đi tiếp.
 
Một thủ môn khác cũng rất đáng vinh danh, đó là thủ môn Igor Akinfeev của đội tuyển chủ nhà Nga khi cầu thủ này trong loạt sút luân lưu cân não với Tây Ban Nha cuối trận đã đẩy được 2 quả penalty để đưa đội tuyển nước mình vào đến vòng tứ kết. 
 
Thật ra với rất nhiều người am hiểu về bóng đá Nga, thủ môn Akinfeev không phải là một cái tên xa lạ. Sinh năm 1986, cao 1,86 m, Igor Akinfeev vốn đang chơi cho CSKA Moscow nhiều lần bước lên bục vinh quang cùng đội bóng này và anh cũng từng có 104 lần khoác áo đội tuyển Nga. Trong những thời khắc quan trọng của mình, bóng đá Nga thường có những thủ môn cực kỳ xuất sắc như Lev Yashin, Rinat Dassaev và hiện nay biết đâu đó có thể là Igor Akinfeev.
 
Nhưng cũng cần nói đến 2 thủ môn nữa trong bài viết này, đó là những người đã cứu được đến 3 quả penalty trong một trận đấu: Kasper Schmeichel của đội Đan Mạch và Danijel Subasic của tuyển Croatia. Trong trận 2 đội tuyển này gặp nhau và phải giải quyết thắng thua bằng 11 m, cả 2 đã trổ tài một cách ngoạn mục, mỗi người đẩy được đến 3 cú. Chỉ có điều đáng tiếc là Kasper Schmeichel (con trai của thủ thành vào hàng huyền thoại Peter Schmeichel, hổ phụ sinh hổ tử), cầu thủ đang chơi tại Leicester của Ngoại hạng Anh đã phải lên đường về nước còn thủ thành Danijel Subasic – đang chơi cho Monaco cùng đội tuyển quốc gia Croatia của mình vẫn tiếp tục hành trình. 
 
World Cup đang đến hồi cực kỳ hấp dẫn phía trước với các trận đấu phải giải quyết bằng loạt đá 11 m, hãy chờ xem các thủ môn trổ tài ra sao?
 
VIẾT TRỌNG