Ngoại hạng Anh mùa bóng 2018 - 2019 bắt đầu

10:08, 09/08/2018

Sau một mùa hè với World Cup đầy sôi động, các giải bóng đá quốc gia châu Âu lại rục rịch bắt đầu mùa giải mới, trong đó quả bóng của English Premier League - Ngoại hạng Anh - giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh hiện nay sẽ lăn vào cuối tuần này.

Sau một mùa hè với World Cup đầy sôi động, các giải bóng đá quốc gia châu Âu lại rục rịch bắt đầu mùa giải mới, trong đó quả bóng của English Premier League - Ngoại hạng Anh - giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh hiện nay sẽ lăn vào cuối tuần này.
 
Các cầu thủ Fulham vui mừng khi đội nhà giành quyền vào chơi trận chung kết play-off tranh vé lên Premier League mùa giải 2018 - 2019
Các cầu thủ Fulham vui mừng khi đội nhà giành quyền vào chơi trận chung kết play-off
tranh vé lên Premier League mùa giải 2018 - 2019

Mua sắm ào ạt
 
Mặc dù cuối tuần này Ngoại hạng Anh mới chính thức khai mạc trên sân cỏ nước Anh nhưng ngay giữa tháng 6/2018, lịch thi đấu của giải cho mùa giải mới 2018- 2019 đã sớm được công bố như là một chiêu PR đầy hữu hiệu cho giải đấu này. Bắt đầu từ chủ nhật 11/9, giải sẽ kéo dài đến 12/5/2019. 
 
Bóng chưa lăn nhưng hệ thống truyền thông ở xứ sở sương mù, như cách làm quen thuộc lâu nay, vẫn theo dõi sát những bước đi của các đội bóng trong mùa hè, đặc biệt là chuyện mua sắm cầu thủ của từng đội. Một lần nữa, các đội bóng Ngoại hạng Anh lại tiếp tục thiết lập nên những mốc mới về chuyện chi tiêu. 
 
Một ước tính, Ngoại hạng Anh mùa 2018-2019 đến thời điểm này đã đổ trên 1 tỷ bảng vào thị trường chuyển nhượng cầu thủ. Để “tạo điều kiện” cho các đội móc hầu bao ra, kỳ chuyển nhượng hè của Ngoại hạng Anh đã mở cửa từ tháng 6, sớm hơn mọi năm, đóng cửa vào 17 giờ thứ năm ngày 9/8 - chỉ một ngày trước khi mùa giải mới bắt đầu. Tuy nhiên, các đội vẫn có quyền bán bớt cầu thủ của mình cho đến khi các thị trường chuyển nhượng khác tại châu Âu đóng cửa.
 
Om sòm nhất trong những ngày này chính là vụ chuyển nhượng thủ môn vào hàng kỷ lục của Chelsea khi đội này mua Kepa Arrizabalaga, 23 tuổi, từ Athletic Bilbao của Tây Ban Nha với giá 72 triệu bảng. Với số tiền này, đây sẽ là thủ môn đắt giá nhất thế giới hiện nay, vượt qua kỷ lục 66,9 triệu bảng của một đội bóng Ngoại hạng Anh khác là Liverpool lập nên khi mua thủ môn Alisson Becker trước đó.
 
Một thương vụ khác cũng khá ầm ĩ trong hè chính là việc Manchester City mua Riyad Mahrez từ Leicester với giá 60 triệu bảng. “Man xanh” với ông chủ dầu mỏ từ Trung Đông lâu nay luôn là kẻ chịu chơi và chịu chi, nhưng một đội khác - Liverpool 2 mùa vừa rồi cũng không kém. Thất bại đầy cay đắng tại trận chung kết Champions League vừa rồi, Liverpool đang chi ra như nước để tăng cường lực lượng với tổng cộng gần 170 triệu bảng trong mùa hè này. 
 
Theo chân các đội trên, những “ông lớn” trong tốp đầu Ngoại hạng như Arsenal, Manchester United cũng đâu chịu ngồi yên, hàng loạt tên tuổi qua các cuộc mua sắm đã có mặt trong đội hình chờ ra quân ngày khai mạc. Ngay các đội thấp hơn cũng đâu chịu kém cạnh. Chẳng hạng như West Ham trong hè này chi mua cầu thủ gần 90 triệu bảng, Brighton trên 56 triệu bảng, Southamton gần 55 triệu bảng. Gần đây nhất có Bournemouth bỏ ra 25 triệu bảng - mức phí chuyển nhượng kỷ lục của đội này để đưa về tiền vệ Jefferson Lerma - người Colombia, 23 tuổi, từ đội Levante - Tây Ban Nha với mức phí chuyển nhượng lên đến 25 triệu bảng.
 
Cần nói rằng cho đến trước khi thị trường chuyển nhượng mùa hè chính thức đóng cửa, các đội bóng Ngoại hạng Anh có thể còn nhiều kỷ lục nữa để lập, đơn giản vì để đến giờ chót việc chốt giá mới có vẻ thuận lợi hơn. Năm ngoái, cũng vào hè như thế này, Premier League đã từng đổ vào mua sắm với một con số vào hàng kỷ lục: 1,4 tỷ bảng.
 
Một trong những yếu tố giúp các đội bóng tại Ngoại hạng Anh có thể mạnh tay như thế chính là từ việc bán các “khoảng đất trống” trên áo đấu của mình. Chỉ cần một thương hiệu nào đó muốn có tên lên áo, họ phải chi đậm và ngày càng đậm hơn cho Ngoại hạng Anh. Chẳng hạn số tiền này mùa giải năm nay đã đạt mức 360 triệu bảng, hơn 50 triệu bảng so với năm trước.
 
Một trong những đội bán áo đấu vào hàng “nặng ký” nhất chính là Manchester United, 47 triệu bảng cho mùa giải năm nay với hãng xe Chevrolet. Manchester City dù có nhẹ hơn chút nhưng Etihad Airways phải trả 45 triệu bảng cho mùa giải năm nay, tăng 10 triệu bảng so với năm ngoái. 3 đội xếp sau 2 đội trên gồm Arsenal, Chelsea và Liverpool cũng thu về 40 triệu bảng /mùa. Tuy nhiên, miếng bánh áo đấu này chia không đều, càng đứng thấp càng ít tiền tài trợ; như Brighton (với American Express ) và Huddersfield (với Ope Sports) chỉ thu được vỏn vẹn 1, 5 triệu bảng, không bằng con số lẻ của các đội lớn.
 
 Cũng nói thêm một chút về chiếc áo đấu này. Trong 20 thương hiệu trên áo của các đội đã có 17 cái tên đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới, chứng tỏ sức hút của thương hiệu Ngoại hạng Anh trên toàn cầu rất mạnh. Trong 20 thương hiệu đó, có 9 thương hiệu đến từ các hãng cá cược. Mùa giải này các đội bóng lớn còn thu được tiền từ việc bán tài trợ trên tay áo nữa. 
 
Những khuôn mặt mới
 
Vẫn sẽ là sự tranh tài của những khuôn mặt các đội quen thuộc từ mùa giải năm ngoái, ngoại trừ 3 đội đã rớt hạng, thay thế bằng 3 đội mới lên hạng.
 
3 đội mới thăng hạng này gồm Wolverhampton, Cardiff City và Fulham; thay thế cho 3 đội rớt hạng mùa giải vừa rồi là West Bromwich, Stoke City và Swansea City.
 
Wolverhampton - tên đầy đủ là Wolverhampton Wanderers, là một đội bóng đá có lịch sử lâu đời, thành lập năm 1877 tại thành phố Wolverhampton vùng Trung Tây nước Anh. “Bầy sói”- biệt danh của đội bóng này, đã từng vài lần lên rồi rớt khỏi giải Ngoại hạng trong khoảng 2 thập niên gần đây, mùa giải năm nay họ đã thi đấu rất ấn tượng, giành chức vô địch giải hạng nhất Anh để đường hoàng trở lại Premier League. 
 
Cardiff City cũng là một đội bóng có lịch sử lâu đời (thành lập năm 1899)  tại thành phố Cardiff, xứ Wales. Đội bóng này mùa giải 2012 - 2013 đã lên Ngoại hạng nhưng trụ lại chỉ đúng một mùa giải, năm nay, với vị trí á quân hạng nhất, Cardiff City đã vinh dự quay trở lại.
 
Riêng Fulham  - một trong những đội bóng chuyên nghiệp vào hàng lâu đời nhất ở Anh tại London, từng rất nhiều năm chinh chiến trong giải Ngoại hạng này. Mùa giải 2013- 2014 thi đấu bết bát nên rớt xuống hạng nhất; 4 năm sau họ đã có mặt trở lại.
 
Trong 3 tân binh trên, có vẻ Fulham là đội có nhiều kinh nghiệm nhất với Ngoại hạng, tuy nhiên cuộc chơi là không dễ dàng gì cho các tân binh này. Cuộc đua vô địch lâu nay tại Ngoại hạng Anh dường như chỉ dành cho những gã nhà giàu tốp đầu như Man xanh, Man đỏ, Liverpool, Tottenham hay Arsenal, trừ khi xảy ra những đột biến gì lớn (như kiểu Leicester đã làm trong hai mùa giải trước). Nhiệm vụ của những đội mới lên hạng này trước mắt hay lâu dài đều phải chiến đấu cật lực để trụ hạng. Trên con đường trụ hạng này, họ sẽ phải tự động viên rằng Brighton, Newcastle và Huddershield - những đội lên hạng mùa trước đã trụ hạng được thì mình sao lại không làm được trong năm nay?
 
VIẾT TRỌNG