Đội bóng chuyền nữ phong trào của Lâm Hà

08:08, 23/08/2018

Nhờ phong trào bóng chuyền nữ phát triển mạnh trong huyện, hầu hết các thành viên đội bóng huyện đều được tuyển chọn từ phong trào, 2 năm liền đội bóng chuyền nữ Lâm Hà đã vô địch tỉnh.

Nhờ phong trào bóng chuyền nữ phát triển mạnh trong huyện, hầu hết các thành viên đội bóng huyện đều được tuyển chọn từ phong trào, 2 năm liền đội bóng chuyền nữ Lâm Hà đã vô địch tỉnh.
 
Đội bóng chuyền nữ Lâm Hà - 2 năm liền 2017 và 2018 vô địch tỉnh. Ảnh: Viết Trọng
Đội bóng chuyền nữ Lâm Hà - 2 năm liền 2017 và 2018 vô địch tỉnh. Ảnh: Viết Trọng

Những thành viên
 
20 tuổi, cao 1,64 m, thanh mảnh, nhưng Lê Thị Thắm trong sân bóng nhanh như một con sóc.
 
Chơi ở vị trí chuyền 2, nhiệm vụ của Thắm là thực hiện các cú nâng bóng chính xác để đồng đội phía trên lưới tấn công nhưng VĐV mang băng đội trưởng người xã Đông Thanh - Lâm Hà này còn làm rất tốt việc phòng thủ của đội, khi cần bọc lót cho các cầu công khi lên lưới. 
 
“Em chơi bóng từ năm lớp 6, cả nhà em đều chơi bóng chuyền được, mà cả thôn Tầm Xá em hầu như ai ai cũng chơi được mà, nam cũng như nữ”- Thắm cười tươi.
 
Nằm hơi sâu bên trong dọc theo con đường nối từ Nam Ban lên Đà Lạt qua ngã Tà Nung với những vườn cà phê xanh ngút bạt ngàn, Đông Thanh - nơi VĐV Lê Thị Thắm sinh ra, là một trong những xã có phong trào bóng chuyền rất mạnh của Lâm Hà, cả bóng chuyền nam và bóng chuyền nữ. 
 
“Đông Thanh có 7 thôn nhưng chỉ trừ một thôn có ít người chơi, 6 thôn còn lại đều có đội bóng nam và đội bóng nữ, mỗi đội có 14 - 15 người, lớn có nhỏ có, chiều nào cũng thi đấu rất vui, mỗi thôn đều có 2-3 sân, như thôn Tầm Xá của em chơi tại nhà sinh hoạt thôn” - Thắm cho biết.
 
Đông Thanh hằng năm trong những năm gần đây theo Thắm cho biết đều tổ chức giải vô địch bóng chuyền nam và bóng chuyền nữ cấp xã rất vui, mỗi thôn cử một đội nhưng có thôn có đến 2 - 3 đội cùng tham dự, chia bảng ra đấu. Xã sau giải sẽ tuyển chọn các VĐV xuất sắc vào đội hình để thi đấu cấp huyện.  
 
Thi đấu xông xáo trong đội hình thôn, Thắm được chọn vào đội tuyển bóng chuyền nữ của xã Đông Thanh thi đấu giải huyện và 4 năm liền đội xã Đông Thanh đều giành cúp vô địch huyện. Được chọn vào đội tuyển bóng chuyền nữ huyện tham dự giải tỉnh 4 lần, đội trưởng Lê Thị Thắm đã 2 lần vinh dự cùng đội huyện nâng cúp vô địch tỉnh.
 
“Chắc do chơi bóng từ nhỏ nên em thích thể thao, thích vận động; thể thao làm mình nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, làm đội trưởng nên phải biết cách động viên toàn đội cùng chơi” - Thắm chia sẻ.
 
Một thành viên khác của đội tuyển bóng chuyền nữ huyện, VĐV Nguyễn Thanh Huyền, 32 tuổi, cũng đến từ giải phong trào của xã Gia Lâm - Lâm Hà.
 
Xã Gia Lâm, theo Thanh Huyền, lâu nay có phong trào văn nghệ, TDTT vào hàng đầu cấp xã tại Lâm Hà, đặc biệt là các hoạt động của Hội Người cao tuổi xã rất sôi nổi với dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, bóng cửa... Xã cũng có phong trào bóng chuyền nam rất mạnh trong huyện lâu nay, và dù bóng chuyền nữ gần đây mới phát triển nhưng đã có đến 5 - 6 thôn trong xã có đội bóng chuyền nữ. Những năm gần đây, bên cạnh giải vô địch bóng chuyền nam cấp xã, Gia Lâm còn tổ chức giải bóng chuyền nữ cấp xã.
 
Với chị Huyền, dù mới chơi bóng trong vài năm nay và khá bận rộn với công việc và gia đình nhưng chiều nào cũng thu xếp để chơi bóng cùng các thành viên trong đội Thôn 3 của chị. “Mỗi người đều có công việc của mình, đa số làm nông, cả ngày ngoài vườn, có người lớn tuổi đã trên dưới 60, nhưng đến chiều tập hợp nhau lại để chơi bóng, mưa nắng gì cũng chơi”- chị cười. Đây là lần đầu tiên chị được “triệu tập” lên chơi cho đội tuyển bóng chuyền nữ huyện. 
 
Bên cạnh các thành viên đến từ xã, đội tuyển bóng chuyền nữ huyện cũng có Ngô Thị Mai Linh - VĐV đến từ Công an huyện - một đơn vị có phong trào bóng chuyền nữ mạnh hiện nay của Lâm Hà.
 
Năm nay 32 tuổi, người xã Đạ Đờn, Mai Linh chỉ mới chơi bóng chuyền 4 năm nay, từ khi Công an huyện phát động phong trào bóng chuyền nữ trong đơn vị. “Đội nhiều người mới chơi nhưng rất siêng năng và kiên trì, chiều chiều cứ sau ngày làm việc lại ra sân sinh hoạt rất vui, đến nay hầu hết thành viên trong đội đều chơi được nhiều vị trí trên sân”. - Linh cho biết. Hằng năm, Mai Linh cùng các thành viên của đội đơn vị mình thường xuyên tham gia giải bóng chuyền nữ toàn huyện cũng như giải ngành của Công an tỉnh.
 
Truyền thống bóng chuyền nữ
 
Bóng chuyền nữ trong nhiều năm nay đã phát triển rất mạnh tại các xã trên địa bàn huyện Lâm Hà. 
 
“Huyện cũng có bóng chuyền của nam nhưng bóng chuyền nam phát triển không mạnh bằng bóng chuyền nữ hiện nay. Hầu như tất cả các xã, thị trấn trong huyện đến nay đều có đội bóng chuyền nữ của mình, nhiều xã hằng chục năm nay đều tổ chức giải bóng chuyền nữ cấp xã” - bà Chế Phương Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Lâm Hà cho biết.
 
Mạnh nhất hiện nay tại huyện theo bà Nam, chính là 2 xã Đông Thanh và Đạ Đờn. Mỗi thôn tại 2 xã này ít nhất đều có một đội bóng chuyền nữ, nhiều thôn có đến 2 - 3 đội. Đặc biệt, xã Đạ Đờn có các đội bóng chuyền nữ với các thành viên là người dân tộc thiểu số trong các thôn, sinh hoạt rất đều hằng ngày không thua kém gì các đội bóng chuyền nam.
 
Cùng với bóng chuyền nữ, Lâm Hà gần đây còn phát triển rất mạnh môn bóng đá nữ 5 người trong nhà. 
 
Với bóng chuyền nữ, hằng năm, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện định kỳ tổ chức từ 1 đến 2 giải bóng chuyền nữ cấp huyện trong dịp 8/3 hay 20/10. Huyện cũng tổ chức giải bóng đá nữ 5 người trong nhà vô địch huyện, đến nay hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều cử đội tham dự cả bóng chuyền nữ và bóng đá nữ. 
 
“Chúng tôi luôn khuyến khích các xã tổ chức giải cấp cơ sở hằng năm, hỗ trợ xã bóng lưới, tập huấn, cử trọng tài điều hành giải; khuyến khích các xã vận động xã hội hóa thêm nguồn lực để tổ chức nhiều hơn các môn thể thao đông người chơi trên địa bàn, trong đó có bóng chuyền nữ. Huyện trên nền phong trào này sẽ chọn các VĐV từ các xã để thành lập đội tuyển huyện tham gia giải tỉnh. Có thể nói 2 chức vô địch bóng chuyền nữ toàn tỉnh của đội Lâm Hà trong 2 năm gần đây có được là nhờ phong trào quần chúng địa phương phát triển” - bà Nam khẳng định.
 
VIẾT TRỌNG