"Măng và tre" trong bóng bàn Lâm Ðồng

08:09, 20/09/2018

Là 2 địa phương mạnh về phong trào bóng bàn của Lâm Ðồng trong nhiều năm nay, nhưng trong khi Ðà Lạt hiện đã có một thế hệ trẻ thay thế thì Bảo Lộc lại chỉ trông mong vào các tay vợt lớn tuổi để tranh huy chương trong các giải tỉnh.

Là 2 địa phương mạnh về phong trào bóng bàn của Lâm Ðồng trong nhiều năm nay, nhưng trong khi Ðà Lạt hiện đã có một thế hệ trẻ thay thế thì Bảo Lộc lại chỉ trông mong vào các tay vợt lớn tuổi để tranh huy chương trong các giải tỉnh.
 
Đội tuyển bóng bàn Bảo Lộc tại giải Bóng bàn Đại hội TDTT tỉnh. Ảnh: V.Trọng
Đội tuyển bóng bàn Bảo Lộc tại giải Bóng bàn Đại hội TDTT tỉnh. Ảnh: V.Trọng

Sự phân cực
 
Có thể thấy rất rõ sự chênh lệch trình độ giữa các huyện với 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tại giải Bóng bàn Đại hội TDTT tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII - năm 2018 vừa được tỉnh tổ chức trong giữa tháng 9 vừa qua tại Đà Lạt. 
 
Với trên 110 VĐV của 8 đơn vị trong tỉnh tham gia, gồm 6 huyện, thành Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Bảo Lâm, Cát Tiên, Đơn Dương và 2 ngành gồm Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, đây được coi là một giải vô địch cấp tỉnh vẫn được tổ chức hằng năm. Các VĐV tranh tài 12 nội dung trong 2 nhóm tuổi (nhóm 40 tuổi trở xuống và nhóm 41 tuổi trở lên, mỗi nhóm có 5 nội dung gồm đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ), thêm 2 nội dung đồng đội gồm đồng đội nam và đồng đội nữ.
 
Như một cán bộ làm công tác thể thao của một trung tâm văn hóa thể thao huyện có đoàn đi thi đấu nhận xét vui trước khi vào giải rằng, huy chương của giải đấu này chỉ dành cho các VĐV của Đà Lạt và Bảo Lộc tranh nhau, còn các huyện như huyện anh chỉ tham dự cho có phong trào, cho biết địa phương mình ở đâu để học hỏi mà thôi. “Khoảng cách lớn lắm, làm sao tranh được huy chương đây”- anh cười. 
 
Và đúng như nhận định trên, trong danh sách trao huy chương khi kết thúc giải, số VĐV các huyện và ngành giành được các vị trí dẫn đầu rất ít dù mỗi nội dung đều có giải nhất, giải nhì và 2 giải ba đồng hạng. Dù nỗ lực nhiều nhưng Đơn Dương chỉ giành được 2 tấm Huy chương Đồng (do VĐV Đỗ Mai Huyền nội dung đơn nữ và VĐV này đánh đôi với Trần Thị Thu Trang nội dung đôi nữ nhóm dưới 40 tuổi), Đức Trọng giành được 1 tấm Huy chương Đồng (cặp đôi nữ Nguyễn Phương Lan - Tô Thị Minh, nhóm trên 41 tuổi), Công an tỉnh cũng được 1 Huy chương Đồng (cặp đôi Nguyễn Bá Quân - Phan Văn Quế, đôi nam trên 41 tuổi). Trong nội dung đồng đội có Bảo Lâm giành Huy chương Đồng đồng đội nam, Công an tỉnh giành Huy chương Đồng đồng đội nữ. Toàn bộ số huy chương còn lại đều về tay các VĐV của Đà Lạt và của Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng (cũng là học sinh Đà Lạt đang đi học tại các trường học phổ thông trên địa bàn) và của Bảo Lộc.
 
Nhưng điều thú vị là ngay cả 2 địa phương mạnh về phong trào bóng bàn là Đà Lạt và Bảo Lộc cũng có một sự phân cực rất rõ. Trong khi các VĐV Đà Lạt (gồm đội Đà Lạt và đội Sở Giáo dục Đào tạo Lâm Đồng) chủ yếu là các VĐV trẻ, năng khiếu trong lứa tuổi học sinh phổ thông, thâu tóm hết số huy chương trong các nội dung nhóm 40 tuổi trở xuống thì trong nhóm 41 tuổi trở lên, 4 trong 5 Huy chương Vàng của nhóm tuổi này thuộc về các tay vợt Bảo Lộc. Nói một cách khác, sàn đấu trẻ trong bóng bàn của tỉnh hiện nay là của các tay vợt trẻ Đà Lạt, nhưng đến nhóm tuổi lớn hơn, Bảo Lộc vẫn đang làm chủ cuộc chơi.
 
Măng và tre
 
Có thể thấy sự lên ngôi của bóng bàn trẻ Đà Lạt hiện nay là kết quả của sự phát triển đúng hướng mà Liên đoàn Bóng bàn Lâm Đồng nỗ lực duy trì lâu nay trong phong trào bóng bàn của tỉnh.
 
Bắt đầu từ lớp năng khiếu bóng bàn của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh tổ chức nhiều năm trước đây, rất nhiều CLB bóng bàn trẻ lần lượt ra đời sau đó trên địa bàn Đà Lạt theo mô hình xã hội hóa. Các phụ huynh muốn gửi con đến tập luyện tại các CLB bóng bàn này chỉ đơn giản để con em mình tiếp xúc với một môn thể thao, có thời gian vận động sau những giờ học tập căng thẳng tại trường học. Tại các CLB này, các em được học bóng bàn một cách bài bản từ những HLV có kinh nghiệm, được đào tạo trường lớp ra, nhiều người là thầy cô giáo dạy giáo dục thể chất trong trường học, có kinh nghiệm thi đấu. Đà Lạt hiện nay có không dưới 10 CLB như thế. Trên nền phong trào này, Liên đoàn Bóng bàn Lâm Đồng hằng năm đã tổ chức giải bóng bàn trẻ, thiếu niên, nhi đồng để khuyến khích các tay vợt trẻ, chủ yếu là các tay vợt tại Đà Lạt tham gia. Các CLB cũng đứng ra tổ chức giải cho mình, trong đó có giải trẻ hằng năm, tiêu biểu như CLB Bóng bàn Nguyễn Công Trứ. Nhiều tay vợt trẻ được phát hiện từ các giải đấu này được tập trung bồi dưỡng, tập luyện và đã thành công tại các giải trẻ trong nước, chẳng hạn như Đỗ Nguyễn Uyên Nhi, Nguyễn Khánh Hạ, Trần Trâm Anh, Đinh Lê Tuấn Khôi…Đây sẽ là những VĐV tiêu biểu, là sự thay thế hoàn hảo cho một thế hệ bóng bàn lớn tuổi trước đây của Đà Lạt và là khuôn mặt của Bóng bàn Lâm Đồng những năm sắp đến.
 
Điều đáng tiếc là hiện nay trong tỉnh mới chỉ có Đà Lạt làm được việc đào tạo trẻ này, trước đây cũng từng có Di Linh nhưng bỏ cuộc, hiện nay đã có thêm Đức Trọng. Còn các huyện khác hầu như không có, bóng bàn chỉ dừng lại ở việc chơi phong trào cho vui trong trường học hay trong khối cơ quan, ban, ngành.
 
Ngay cả ở Bảo Lộc, thành phố này vốn trước đây rất mạnh về phong trào bóng bàn, các VĐV Bảo Lộc từng tranh tài ngang ngửa với các tay vợt Đà Lạt trong các giải vô địch tỉnh hằng năm, cũng chưa có một hệ thống đào tạo trẻ giống như Đà Lạt hiện nay. 
 
Như ông Phạm Chấn Thọ, cán bộ Trung tâm Văn hóa Thể thao Bảo Lộc cho biết, các CLB bóng bàn trong thành phố dù sinh hoạt rất mạnh nhưng đa phần là thành viên lớn tuổi, rất ít lớp trẻ đến đây tập luyện. “Không nhiều gia đình cho các em đi tập bóng bàn vì nhiều nguyên nhân, các cháu bận rộn chuyện học tập ở trường; các CLB giờ cao điểm lại đông người chơi, ít ai tập cho các em; nhiều em có đi học lớp năng khiếu trong hè nhưng cũng chỉ được một vài tháng rồi nghỉ, không đến đâu. Chúng tôi chưa có trung tâm đào tạo bóng bàn trẻ cho lớp trẻ” - ông cho biết.
 
Rất nhiều cây vợt lớn tuổi hiện nay tại Bảo Lộc vẫn thi đấu tốt, vẫn tiếp tục là nòng cốt liên tục mang về huy chương cho bóng bàn Bảo Lộc tại các giải tỉnh hiện nay như VĐV Quách Ngọc Thu, 57 tuổi; VĐV Nguyễn Thị Thiên Hương, 55 tuổi; VĐV Nguyễn Minh Châu, 50 tuổi. Cá biệt như VĐV Phan Thị Bạch Hoa, 60 tuổi, vẫn giành được đến 2 tấm Huy chương Đồng tại giải này, nhưng vấn đề đặt ra là những VĐV này còn duy trì phong độ thi đấu của mình được nhiều năm nữa hay không? 
 
Là một trung tâm kinh tế đô thị ở phía nam Lâm Đồng, bên cạnh việc đề xuất thành lập và duy trì một lớp năng khiếu bóng bàn cấp tỉnh tại đây như một lời đề nghị của một thành viên đội Bảo Lộc, chúng tôi cho rằng Bảo Lộc nên tìm cách phát triển các mô hình CLB năng khiếu cho lớp trẻ tại đây theo hình thức xã hội hóa như cách Đà Lạt đã làm. Vấn đề là thành phố này có chịu làm hay không mà thôi?
 
VIẾT TRỌNG