Thêm một giải bóng đá mới ở châu Âu

08:09, 13/09/2018

Từ ngày 6 đến 11/9, các trận đấu trong khuôn khổ 2 loạt trận đầu tiên của Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu - UEFA Nations League đã đồng loạt diễn ra trên khắp các sân cỏ châu Âu. Lại thêm một giải bóng đá hấp dẫn nữa của châu lục này ra đời để tín đồ mê bóng đá khắp nơi trên thế giới thưởng thức.

Từ ngày 6 đến 11/9, các trận đấu trong khuôn khổ 2 loạt trận đầu tiên của Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu - UEFA Nations League đã đồng loạt diễn ra trên khắp các sân cỏ châu Âu. Lại thêm một giải bóng đá hấp dẫn nữa của châu lục này ra đời để tín đồ mê bóng đá khắp nơi trên thế giới thưởng thức.
 
Bàn thắng muộn của Zichenko giúp Ukraine giành chiến thắng nghẹt thở 2-1 trước CH Séc. Ảnh: Internet
Bàn thắng muộn của Zichenko giúp Ukraine giành chiến thắng nghẹt thở 2-1 trước CH Séc. Ảnh: Internet

Giải đấu mới
 
Chính thức khai mạc vào 6/9 vừa qua, Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu ra đời như là một giải pháp đầy hữu hiệu của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (tiếng Anh: Union of European Football Associations - UEFA) nhằm thay thế cho các trận đấu giao hữu quốc tế của các đội tuyển quốc gia trước đây.
 
Như thông lệ lâu nay, bên cạnh các giải vô địch quốc gia trong nước và giải vô địch câu lạc bộ cấp châu lục, các quốc gia trên thế giới để tham gia vòng loại cấp châu lục hay vòng loại giải thế giới thường sẽ phải đi tìm “đối tác” mời đá giao hữu với đội tuyển quốc gia của mình.
 
Để mời được những đội bóng xứng tầm với mình (không mạnh quá để đội tuyển phải nhận những trận thua mất mặt, cũng không yếu quá để thắng dễ rồi sinh chủ quan), Liên đoàn bóng đá quốc gia của các đội tuyển quốc gia này phải lên lịch rất lâu, nhưng việc mời được hay không cũng còn tùy thuộc vào khách mời có đồng ý hay lỡ có bận rộn gì không. Nhiều trường hợp không mời được những đội bóng có trình độ ngang mình, nhiều đội tuyển quốc gia các nước phải chấp nhận đá những trận giao hữu với những đội bóng yếu hơn mình nhiều, kết quả chẳng thu  được gì nhiều về góc độ chuyên môn ngoài việc đá cho có.
 
Để tránh việc chạy đi chạy lại tìm kiếm đối tác cho những trận đấu giao hữu quốc tế vô bổ như thế, Liên đoàn Bóng đá châu Âu ngay từ năm 2013 đã đưa ra một kế hoạch cho giải đấu với tất cả các đội tuyển quốc gia là thành viên của mình. Kế hoạch này sau đó được phê chuẩn tại cuộc họp Đại hội đồng của UEFA trong tháng 3/2014 và phải 4 năm sau, tức là đến năm nay, UEFA mới hiện thực hóa giải đấu này bắt đầu từ mùa giải 2018 - 2019.
 
Theo qui định, tất cả các đội tuyển quốc gia châu Âu sẽ được chia thành các hạng (League) khác nhau tùy theo thành tích đạt được gần đây, các đội sẽ thi đấu trong hạng của mình, dựa vào kết quả này để quyết định có lên hay xuống hạng hay không.
 
Với 55 thành viên, UEFA Nations League có 4 hạng đấu A, B, C, D theo thứ tự từ cao đến thấp nhất; hạng A gồm 12 đội, đây là những đội tuyển quốc gia hàng đầu của châu Âu; hạng B thấp hơn chút cũng gồm 12 đội; hạng C có 15 đội và thấp nhất là hạng D với 16 đội. 
 
Theo qui định, chỉ có các đội thuộc hạng A mới có thể giành chức vô địch UEFA Nations League, còn các đội đầu bảng của các hạng B, C và D sẽ được thăng hạng và những đội bết bát xếp cuối bảng trong cả 4 hạng đấu này sẽ bị rớt hạng ở giải đấu tiếp theo. Về hình thức có thể nói UEFA Nations League tương đối giống với cách vận hành của các giải vô địch quốc gia hiện nay.
 
Như trong mùa giải 2018/2019 năm nay, 12 đội hạng A chia làm 4 bảng, bảng 1 gồm Đức, Pháp và Hà Lan; bảng 2 có Bỉ, Thụy Sĩ và Iceland; bảng 3 gồm Italia, Bồ Đào Nha và Ba Lan; bảng 4 gồm Tây Ban Nha, Anh và Croatia. 
 
Tương tự trong hạng B cũng có 4 bảng: bảng 1 gồm Slovakia, Ukraina và Cộng hòa Séc; bảng 2 gồm Nga, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ; bảng 3 gồm Áo, Bosnia và Bắc Ireland; bảng 4 gồm Xứ Wales, Ireland và Đan Mạch. 
 
Trong hạng C cũng có 4 bảng, bảng 1 có Scotland, Albania và Israel; bảng 2 có Hungary, Hy Lạp, Phần Lan và Estonia; bảng 3 có Slovenia, Na Uy, Bulgaria và đảo Síp; bảng 4 gồm Romania, Serbia, Montenegro và Lithuania.
 
Cuối cùng 4 bảng trong hạng D gồm bảng 1 có Georgia, Latvia, Kazakhstan và Andorra; bảng 2 có Belarus, Luxembourg, Moldova và  San Marino; bảng 3 gồm Azerbaijan, đảo Faroe, Malta và Kosovo; bảng 4 gồm Macedonia, Armenia, Liechtenstein và Gibraltar.
 
Các trận vòng bảng UEFA Nations League sẽ diễn ra vào từ tháng 9 đến tháng 11/2018 theo thể thức đá vòng tròn 2 lượt trên sân nhà và sân khách; 4 đội dẫn đầu các bảng thuộc League A sẽ vào vòng bán kết và chung kết trong tháng 6/2019 để xác định nhà vô địch.
 
Những quyền lợi
 
Dù vẫn còn những điều cần hoàn thiện nhưng có thể nói, tất cả các đội tuyển quốc gia của châu Âu đều được hưởng lợi từ giải đấu mới này. 
 
Trước nhất, mọi thành viên của UEFA đều sẽ có cơ hội ra sân trong giải đấu này theo thứ hạng mình được xếp trong mỗi bảng đấu với các đối thủ ngang tầm với mình. Còn nếu muốn thi đấu giao hữu thêm với các đội trình độ trên mình hay với các đội châu lục khác thì có thể mời, UEFA không cấm, miễn là các đội tuyển sắp xếp thời gian được. Cũng nói thêm rằng giải đấu mới này được UEFA xếp lịch trong khoảng thời gian dành cho các đội tuyển quốc gia thi đấu các trận giao hữu quốc tế trước đây nên sẽ không ảnh hưởng gì đến các giải đấu đã có trước đó.
 
Và không chỉ các đội tuyển quốc gia trong tốp đầu được thi đấu trong một giải đấu đầy cạnh tranh về tính chuyên môn, ngay cả các đội nhỏ cũng được hưởng lợi không ít từ nguồn tiền bán vé và bán bản quyền truyền hình tập trung của UEFA.
 
Cùng đó, để khuyến khích các đội tuyển quốc gia thi đấu tại giải đấu mới này, UEFA cũng tạo cơ hội cho các đội tuyển quốc gia dù ít tên tuổi và không vượt qua được vòng loại EURO 2020 nhưng cũng có thể có mặt tại vòng chung kết EURO này thông qua cánh cửa của UEFA Nations League.
 
Cụ thể, trong năm 2019 đến, vòng loại EURO 2020 - vốn độc lập với UEFA Nations League, sẽ diễn ra với 10 bảng, các đội nhất và nhì mỗi bảng sẽ giành vé dự vòng chung kết EURO 2020, 4 suất còn lại sẽ được quyết định vào tháng 3/2020, thông qua vòng đấu vớt (play-off)của UEFA Nations League.
 
Tại UEFA Nations League, mỗi hạng đấu sẽ có 1 đội giành vé vớt cho EURO. Các đội đứng đầu mỗi bảng trong từng hạng đấu nếu chưa có vé tham dự EURO 2020 sẽ thi đấu để giành vé vớt, còn nếu đã có thì nhường cho đội đứng kế tiếp ở bảng đó. Cả 4 đội có vị trí cao nhất ở 4 bảng trong 4 hạng đấu này sẽ chia cặp đá với nhau, 2 đội thắng vào đá chung kết, đội nào thắng sẽ giành được vé dự EURO 2020.
 
GIA KHÁNH