Hy vọng 10 năm lịch sử gọi tên đội tuyển Việt Nam

02:11, 08/11/2018

(LĐ online) - Lịch sử bóng đá nước nhà ghi nhận Alfred Riedl là HLV đầu tiên đưa bóng đá Việt Nam vào tới chung kết AFF Cup (1998). Sau đó đúng 10 năm (2008), Henrique Calisto là HLV thứ 2 dẫn dắt đội tuyển Việt Nam lần thứ 2 vào chung kết, rồi lần đầu tiên giành ngôi vô địch. Với HLV Park Hang-seo và AFF Cup 2018, người hâm mộ nước nhà lại tin vào chu kỳ lịch sử 10 năm, hy vọng Việt Nam lại lên ngôi một lần nữa.

(LĐ online) - Lịch sử bóng đá nước nhà ghi nhận Alfred Riedl là HLV đầu tiên đưa bóng đá Việt Nam vào tới chung kết AFF Cup (1998). Sau đó đúng 10 năm (2008), Henrique Calisto là HLV thứ 2 dẫn dắt đội tuyển Việt Nam lần thứ 2 vào chung kết, rồi lần đầu tiên giành ngôi vô địch. Với HLV Park Hang-seo và AFF Cup 2018, người hâm mộ nước nhà lại tin vào chu kỳ lịch sử 10 năm, hy vọng Việt Nam lại lên ngôi một lần nữa.
 
Quang Hải và các đồng đội đã sẵn sàng chinh phục AFF Cup. Nguồn internet
Quang Hải và các đồng đội đã sẵn sàng chinh phục AFF Cup (nguồn internet)

Hành trình của HLV Park Hang-seo và các học trò tại AFF Cup 2018 có nhiều nét gợi nhắc lại hành trình lịch sử của tuyển Việt Nam 10 năm về trước. Năm 2008, với dàn cầu thủ trẻ mới 23 - 24 tuổi gồm: Công Vinh, Tài Em, Minh Phương, Tấn Tài... được dẫn dắt bởi HLV Henrique Calisto, đội tuyển Việt Nam đã chinh phục AFF Cup, lần đầu tiên giành ngôi vô địch. Đúng 10 năm sau thành công ngày ấy, tuyển Việt Nam hôm nay với đội hình còn trẻ hơn ngày ấy chỉ ở độ tuổi U23 gồm: Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải, Tiến Dũng, Xuân Trường, Duy Mạnh... Những chàng trai sao vàng tiến vào AFF Cup 2018 sau 2 thành công rực rỡ ở sân chơi châu lục là giải U23 châu Á 2018 và ASIAD 18.
 
Trong lịch sử 11 lần tổ chức đã qua của giải bóng đá vô địch Đông Nam Á (từ 1996, định kỳ 2 năm/ lần), Thái Lan là đội vô địch nhiều nhất (5 lần: 1996, 2000, 2002, 2014 và 2016), kế đến là Singapore (4 lần: 1998, 2004, 2007 và 2012), 2 lần còn lại lần lượt thuộc về Việt Nam (2008) và Malaysia (2010). Còn AFF Cup 2018, liệu Thái Lan có nối dài chiến tích? Singapore đuổi kịp người Thái? Việt Nam hoặc Malaysia lần thứ 2 đứng đầu? Hay liệu Indonesia, Philippines, Campuchia hay Lào… có thể lần đầu góp tên trong “bảng vàng”?
 
Cuộc đua mới của AFF Cup 2018 bắt đầu từ những đổi thay trên băng ghế huấn luyện. Lào 3 lần thay đổi HLV chỉ trong 1 năm và đặt hy vọng vào ông thầy người Singapore ông Sundramoorthy. Campuchia mời Keisuke Honda – một cựu tuyển thủ nổi tiếng của Nhật Bản. Thái Lan thuê HLV Milovan Rajevac, người từng đưa Ghana vào tứ kết World Cup 2010. Nhưng Philippines mới là đội gây sốc nhất khi có được chữ ký của Sven Goran Eriksson, chiến lược gia lừng danh người Thụy Điển từng dẫn dắt tuyển Anh, Bờ Biển Nga, Mexico...
 
Còn đội tuyển Việt Nam, với thầy Park Hang-seo, vị HLV trưởng đầu tiên đến từ Hàn Quốc cũng là một người lừng lẫy. Ông là người hùng của Hàn Quốc khi cùng HLV Guus Hiddink đưa đội tuyển quốc gia tiến tới bán kết World Cup 2002. Ông Park Hang-seo người từng bị nghi ngờ khi mới đến với Việt Nam với tuyên bố “sẽ đưa đội tuyển vào tốp 100 thế giới”, nhưng sau đúng 01 năm “bén duyên” với bóng đá Việt Nam, ông đã khiến mọi nghi ngờ ấy tan biến khi liên tiếp thành công tại 2 giải đấu lớn: Á quân U.23 châu Á và tốp 4 Asiad 18.
 
Bởi vậy, không có gì lạ khi sự kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà giờ đây đã trở nên rất lớn lao, đặt lên vai thầy Park cùng lứa tuyển thủ có độ tuổi trung bình trẻ nhất trong lịch sử các lần tham dự các giải quốc tế của đội tuyển Việt Nam. Thử thách với chiến lược gia người Hàn Quốc không hề đơn giản. Trước ông Park, hai người tiền nhiệm là Toshiya Miura và Hữu Thắng đều đã bại trận ở bán kết. Nhưng các diễn biến gần đây của bóng đá Đông Nam Á lại ủng hộ ông. Bởi các đối thủ chính đều đã sa sút đáng kể.
 
Đương kim vô địch 2 kỳ AFF Cup gần nhất Thái Lan sẽ không có trong đội hình 4 danh thủ hàng đầu. Sự vắng mặt của bộ tứ Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan và Kawin Thamsatchanan sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức mạnh người Thái. Quan trọng hơn, bóng đá Thái đã không còn xem AFF Cup là mục tiêu tối thượng. Thái Lan sa thải Kiatisak Senamuang dù ông mang về 4 chức vô địch Đông Nam Á sau 2 năm. Họ bổ nhiệm Milovan Rajevac với tham vọng cực kỳ rõ ràng: Asian Cup. 
 
Sau Thái Lan, đội Á quân 2016 Indonesia cũng chìm trong khủng hoảng. HLV trưởng Luis Milla chia tay đội tuyển quốc gia chưa đầy 20 ngày trước AFF Cup. Liên đoàn bóng đá Indonesia tiếp tục mâu thuẫn với các CLB trong vấn đề gọi cầu thủ. Ngôi sao lớn nhất Stefano Lilipaly nói thẳng anh phải miễn cưỡng có mặt ở đội tuyển. Như cảm thấy mọi thứ chưa đủ nghiêm trọng, tiền vệ trẻ Saddil Ramdani tiếp tục bị đuổi khỏi đội tuyển vì bạo hành bạn gái.
 
Một đối thủ lớn khác của tuyển Việt Nam là Malaysia cũng không có sự chuẩn bị ấn tượng. Đội bóng của ông Tan Cheng Hoe thắng 3 trong 5 trận đấu chuẩn bị. Nhưng 2 cuộc đối đầu quan trọng nhất với Kyrgyzstan và Đài Loan Trung Quốc, Malaysia đều thua. AFF Cup lần gần nhất, Malaysia cũng gục ngã trước Việt Nam và bị loại từ vòng bảng.
 
Những cái tên còn lại của Đông Nam Á hoặc chưa ngang tầm, hoặc đang có những vấn đề riêng. Singapore từ lâu không còn nằm trong nhóm đội mạnh, Myanmar vẫn thất thường; còn Lào, Campuchia hay Timor-Leste dù có những tiến bộ nhưng có thể nói chưa phải là đối thủ xứng tầm của thầy trò Park Hang-seo. Philppines mới có Sven-Goran Eriksson cực kỳ đẳng cấp trên băng ghế chỉ đạo, nhưng vừa ra mắt tuyển quốc gia ngày 5/11. Khi tất cả các đối thủ đều có “vấn đề”, thì tuyển Việt Nam lại đang cho thấy sự ổn định. Chơi cực kỳ thăng hoa ở châu lục, các cầu thủ trẻ tràn đầy tự tin khi được trở lại sân chơi khu vực.
 
Chỉ cần duy trì phong độ hiện tại, cục diện giải đấu giờ nằm trong tầm tay của thầy trò Park Hang-seo. Hy vọng 10 năm lịch sử gọi tên đội tuyển Việt Nam!
 
Tứ Kiên