Từ nông dân thành vận động viên

08:11, 29/11/2018

Vụ nổ đáng tiếc đã cướp đi đôi tay của một nông dân là lao động chính trong nhà. Nhưng bằng sức mạnh tinh thần, anh vẫn đứng vững trong cuộc sống, trở thành vận động viên khuyết tật thi đấu giành huy chương từ giải quốc gia.

Vụ nổ đáng tiếc đã cướp đi đôi tay của một nông dân là lao động chính trong nhà. Nhưng bằng sức mạnh tinh thần, anh vẫn đứng vững trong cuộc sống, trở thành vận động viên khuyết tật thi đấu giành huy chương từ giải quốc gia.
 
Anh Da Gout K’Long
Anh Da Gout K’Long
Nông dân trong buôn làng
 
Đó chính là anh Da Gout K’Long, 39 tuổi (sinh năm 1979), sinh sống tại Tổ 12, Thôn 3, Tà Nung - một xã dân tộc thiểu số vùng ven thành phố Đà Lạt. 
 
Là một nông dân chính hiệu trong buôn làng K’Ho, Da Gout K’Long cho biết anh từ nhỏ đã quen với chuyện làm vườn, với nương rẫy “Thì cũng có chơi thể thao đá bóng, chạy thi với các bạn cùng lứa trong xóm tại sân xã chiều chiều lúc nhỏ, thế thôi chứ chưa bao giờ nghĩ mình thành vận động viên thi đấu giải quốc gia như bây giờ” - anh cười tươi.
 
Tham gia lực lượng dân quân tự vệ của xã Tà Nung từ thời trẻ, K’Long đã có trên 12 năm là thành viên tích cực của xã đội, là Trung đội trưởng cơ động của Xã đội Tà Nung, từng được cử tham dự hội thao lực lượng dân quân tự vệ của thành phố và của tỉnh trong môn chạy vũ trang 100 m.   
 
Nhưng sự cố đến với anh trong năm 2009, khi anh 30 tuổi. Trong một ngày đẹp trời anh lên rẫy cà phê của mình (gia đình anh đang canh tác chừng 6 sào cà phê cách nhà chừng khoảng vài cây số đường) bỗng bắt gặp một đầu đạn từ thời chiến tranh còn sót lại trong rừng. Không hiểu sao anh lại mang nó về với ý định tháo ra, và rồi khi anh đang tháo ngòi nổ quả đạn đã phát nổ trong vườn nhà. Trong nhà anh lúc đó mọi người đi vắng, chỉ có duy nhất cha anh ở nhà, cha bị thương nhẹ, còn anh bị choáng và bất tỉnh vì cú nổ trời giáng này, may mắn mạng sống anh vẫn giữ được.
 
Đến khi tỉnh lại trong bệnh viện, anh thấy mình mất cả đôi tay, một tay mất cả bàn tay, một tay mất gần tới khuỷu tay, thêm một mắt bị mất, con mắt còn lại bị tổn thương nặng. 
 
Nằm ở bệnh viện cả tháng, anh mới bình phục lại để được về nhà. Nhưng với một nông dân hay làm, là lao động chính trong nhà, là trụ cột nuôi sống gia đình như anh, anh đã tự hỏi nếu mất cả đôi tay mình sẽ phải làm gì? 
 
Những ngày đầu đó K’Long cho biết anh như mất phương hướng sống, thường tìm đến rượu và cả ngày không muốn gặp ai nữa. Nhưng dần rồi anh đã tìm được cách thích nghi với cuộc sống không có đôi tay của mình. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, anh lắp một đôi tay giả, rồi tìm cách làm việc nhà, tự chăm sóc mình, tự ăn uống, tự làm bếp giúp vợ, chăm sóc con học.
 
Anh có 4 con, 2 trai, 2 gái, con gái đầu đang học phổ thông tại Trường Dân tộc Nội trú tỉnh, 3 đứa còn lại còn nhỏ, đang học tại các trường học trong vùng. Vợ anh, chị Ka Mun, từ khi chồng bị tai nạn, đã trở thành lao động chính trong gia đình, chị thay anh làm các công việc chính trên rẫy cà phê của mình, trồng rau, chăn nuôi quanh nhà.
 
Và rồi người nông dân khuyết tật này với sự trợ giúp của vợ đã dần tự mình làm lại được các việc trong vườn cà phê của mình như cắt cỏ, xịt thuốc. 
 
Vận động viên tích cực
 
Mọi sự đã khác đi khi một người bạn đến nhà vận động anh tham gia vào Hội Người khuyết tật của xã, lúc đầu anh cũng ngần ngừ vì từ khi bị tai nạn mang mặc cảm anh ít muốn gặp ai, người bạn thuyết phục mãi anh mới nhận lời.
 
“Tôi thay đổi hoàn toàn khi gia nhập hội”- anh kể lại. Vì đơn giản khi gia nhập hội, anh thấy dù mình mất cả hai tay, mù một con mắt nhưng vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khuyết tật khác cùng hoàn cảnh như mình. 
 
“Rất nhiều người cũng khuyết tật nhưng họ khó khăn hơn mình rất nhiều, có người mù cả hai mắt nhưng vẫn cố gắng tự đi lại được, còn mình vẫn còn một mắt nhìn được mà. Có người hai chân bị liệt, phải đi nạn, phải đi xe lăn nhưng vẫn nỗ lực đi lại, còn mình hai chân còn khỏe mà, mình còn làm việc nhờ đôi chân này được mà sao lại không đi làm” - anh chia sẻ.
 
Thay đổi trước nhất là anh bỏ rượu, đến nay không còn thói quen uống rượu giải sầu nữa. Anh tích cực ra ngoài, gặp gỡ mọi người, không còn mặc cảm của một người khuyết tật thiếu đôi tay nữa; ở nhà anh tích cực làm việc nhà, việc vườn việc gì làm được trong khả năng anh đều làm để giúp vợ. Anh tích cực tham gia các hoạt động của Hội Người khuyết tật của xã, đăng ký tham gia thi đấu tại Hội thao Người khuyết tật thành phố.
 
Năm 2017 vừa qua, trong Hội thao Người khuyết tật toàn tỉnh Lâm Đồng, đại diện cho đoàn Đà Lạt thi đấu, anh đã giành đến 3 huy chương vàng trong nội dung chạy 100 m, 200 m và 400 m. Với thành tích này, ngành thể thao tỉnh khi chọn anh vào đội tuyển VĐV khuyết tật của tỉnh tham gia Hội thao Người khuyết tật toàn quốc tại Đà Nẵng trong năm 2017, anh đã giành được 3 huy chương cũng trong các nội dung chạy từ 100 - 400 m, trong đó có 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
 
Tại Hội thao Người khuyết tật toàn tỉnh 2018 năm nay, Da Gout cũng tiếp tục giành đến 3 huy chương vàng trong 3 nội dung chạy 100 m, 200 m và 400 m. 
 
“Cũng không nghĩ lại là VĐV đi thi đấu cho tỉnh nên khi được chọn đi tôi rất vui khi giành được huy chương cho đoàn. Chỉ đáng tiếc là không giành được huy chương vàng cho tỉnh trong năm 2017 nên phải đến năm 2019 mới có giải thể thao người khuyết tật toàn quốc và tôi sẽ cố gắng hơn” - K’Long tự tin.
 
Với vợ anh, chị Ka Mun, chị chỉ mong anh cứ làm gì anh thích và vui là được. “Sau khi bị tai nạn có lúc anh buồn lắm, gia đình sợ anh suy sụp nhưng nay đã khác rồi. Gia đình, mọi người chung quanh khuyến khích anh cứ tham gia hoạt động xã hội đi, đi ra ngoài, đi thi đấu để giữ gìn sức khỏe là được” - chị nói.
 
VIẾT TRỌNG