Thể thao Lâm Ðồng đứng thứ 47/65 tỉnh, thành, ngành

08:12, 13/12/2018

Kéo dài trong gần 1 tháng (từ 15/11- 9/12), Ðại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII - 2018 đã chính thức khép lại với bảng xếp hạng toàn đoàn, trong đó Thể thao Lâm Ðồng từ vị trí 43 trong kỳ đại hội trước nay đã tụt xuống vị trí 47/65 tỉnh, thành, ngành trong nước. 

Kéo dài trong gần 1 tháng (từ 15/11- 9/12), Ðại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII - 2018 đã chính thức khép lại với bảng xếp hạng toàn đoàn, trong đó Thể thao Lâm Ðồng từ vị trí 43 trong kỳ đại hội trước nay đã tụt xuống vị trí 47/65 tỉnh, thành, ngành trong nước. 
 
VĐV Lương Thị Tuyết Vân - võ cổ truyền Lâm Đồng giành HC vàng tại Đại hội. Ảnh: V.Trọng
VĐV Lương Thị Tuyết Vân - võ cổ truyền Lâm Đồng giành HC vàng tại Đại hội. Ảnh: V.Trọng

Sự chênh lệch
 
Với trên 7.000 vận động viên của 65 tỉnh, thành, ngành trong nước tham dự, trong đó có 63 tỉnh, thành và 3 ngành Công an, Quân đội và Giáo dục, tranh tài trong 36 bộ môn với 743 nội dung thi đấu, có thể coi Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII - 2018 năm nay là một cuộc tổng duyệt đầy qui mô của toàn bộ ngành TDTT trong nước cho chu kỳ 4 năm 1 lần. 
 
Trước khi đại hội cấp toàn quốc diễn ra, trong cả nước đã tiến hành đại hội các cấp, từ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn đến cấp huyện thành, cấp tỉnh và sau đó các đơn vị cử đoàn VĐV thi đấu cấp quốc gia. Ngoại trừ bóng chuyền bãi biển diễn ra ở Khánh Hòa và phân môn đua xe đạp địa hình diễn ra tại Hòa Bình, toàn bộ các môn thi đấu tại đại hội năm nay đều diễn ra tại Hà Nội. 
 
Như đánh giá của Ban tổ chức trong lễ bế mạc tối ngày 10/12,  các nội dung thi đấu tại đại hội cấp quốc gia năm nay đã được tổ chức đúng luật, bảo đảm công bằng, khách quan, phản ánh chính xác thành tích đạt được của từng VĐV cũng như thể hiện đúng chất lượng phát triển của sự nghiệp TDTT của từng địa phương, từng ngành trong giai đoạn vừa qua.
 
Nhưng lại một lần nữa khi nhìn vào bảng tổng sắp huy chương và thứ hạng của Đại hội lần thứ VIII- 2018 vừa được công bố, có thể thấy sự chênh lệch quá lớn giữa thể thao các tỉnh, thành và giữa các vùng miền với nhau. 
 
Trong khi 2 trung tâm kinh tế chính trị của cả nước là Hà Nội và TP HCM cùng một số tỉnh và ngành có thế mạnh và tiềm lực như Quân đội, Thanh Hóa, Đà Nẵng hầu như áp đảo về số huy chương giành được thì các tỉnh còn lại, đặc biệt là những tỉnh miền núi, tỉnh nghèo lại quá khó khăn để kiếm được một tấm huy chương (HC) tại đại hội, dù là ở bất kỳ màu nào chứ chưa nói đến giành HC vàng.
 
Dẫn đầu bảng tổng sắp HC tại đại hội lần này chính là Hà Nội với 464 HC, trong đó có đến 176 vàng, 149 bạc, 139 đồng; kế tiếp là TP HCM với 322 HC, trong đó có 118 vàng, 101 bạc và 103 đồng. Xếp vị trí thứ 3 là đoàn Quân đội với 206 HC, trong đó có 59 vàng, 61 bạc và 86 đồng. 
 
Cần biết rằng cả 3 vị trí dẫn đầu này đều không đổi so với kỳ đại hội 4 năm trước đây. Cũng dễ hiểu vì Hà Nội và TP HCM tập trung gần như hầu hết VĐV các đội tuyển quốc gia hiện nay, họ được trả về thi đấu cho địa phương, và bản thân 2 thành phố này cũng đầu tư rất lớn cho đội ngũ VĐV các đội tuyển của mình nên việc 2 đơn vị này thâu tóm HC gần như là một điều hiển nhiên. Riêng đoàn Quân đội có những môn thế mạnh truyền thống lâu nay mà các tỉnh thành cũng rất khó cạnh tranh.   
 
Trong khi đó, có đến 11 tỉnh đứng cuối bảng chẳng giành nổi một tấm HC vàng nào (xếp hạng từ thứ 54 đến 65 gồm Kon Tum, Tuyên Quang, Kiên Giang, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Phú Yên, Bắc Kạn, Điện Biên, Gia Lai, Lai Châu), trong đó có 3 tỉnh chỉ giành được 1 tấm HC đồng duy nhất là Bắc Kạn, Điện Biên và Gia Lai, còn tỉnh Lai Châu không kiếm nổi lấy một tấm HC nào. 
 
Nếu tính HC của toàn bộ 19 tỉnh miền núi (trong đó có Lâm Đồng) với 187 HC giành được gồm 37 vàng, 47 bạc, 103 đồng thì toàn bộ số HC này không bằng tổng số HC của đoàn Quân đội giành được, và nếu chỉ tính số HC vàng thôi thì toàn bộ 19 tỉnh miền núi này cũng chỉ hơn đúng 1 HC vàng so với số 36 HC vàng của tỉnh Thanh Hóa (xếp thứ 4) đạt được. 
 
Cần nói rằng sự chênh lệch này chẳng gì mới, hầu như cứ lặp đi lặp lại trong rất nhiều kỳ đại hội những năm gần đây và có vẻ khoảng cách này ngày càng đào sâu hơn nếu TDTT các tỉnh xếp cuối bảng không nỗ lực vượt lên.  
 
Lâm Ðồng tụt hạng 
 
So với kỳ đại hội cách đây 4 năm, xếp hạng của Thể thao Lâm Đồng tại kỳ đại hội này đã tụt 4 bậc. Còn trong bảng xếp hạng 19 tỉnh miền núi trong đó có Lâm Đồng, Thể thao Lâm Đồng cũng tụt 2 bậc.
 
Cụ thể, trong Đại hội TDTT lần thứ VII năm 2014, Thể thao Lâm Đồng giành được 7 HC, trong đó có 2 vàng và 5 đồng, xếp thứ 43 trong 65 tỉnh, thành, ngành và xếp thứ 6 trong 19 tỉnh miền núi. 
 
Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII - 2018 năm nay, Thể thao Lâm Đồng chỉ giành được 4 HC trong đó có 2 vàng và 2 đồng, xếp thứ 47 trong 65 tỉnh, thành và xếp thứ 8 trong 19 tỉnh miền núi.
 
2 HC vàng 4 năm trước thuộc về môn cờ vua (với HLV kiêm VĐV Cao Sang) và môn võ cổ truyền (VĐV Phạm Thị Thảo Nguyên); còn năm nay 2 HC vàng đều thuộc về võ cổ truyền (VĐV Lương Thị Tuyết Vân - đối kháng 70 kg nữ và VĐV Đặng Văn Hợp thi quyền).
 
Riêng 2 tấm HC đồng năm nay gồm võ cổ truyền (VĐV Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - đối kháng 48 kg nữ) và của cờ vua (HLV kiêm VĐV Cao Sang). 
 
Với 2 HC vàng giành được trên, Thể thao Lâm Đồng coi như đã đạt chỉ tiêu đặt ra cho kỳ tham dự đại hội lần này (từ 1- 2 HC vàng). Cùng đó, vì nằm trên miền núi nên Thể thao Lâm Đồng cũng nhận được bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cho các tỉnh miền núi có thành tích tốt tại đại hội. 
 
“Với điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, suất đầu tư của chúng ta cho VĐV còn thấp nên rất khó cạnh tranh với những địa phương khác, nhất là các đơn vị có đầu tư mạnh trong nước” - ông Nguyễn Văn Tuyển, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Lâm Đồng, Trưởng đoàn HLV và VĐV thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII - 2018 nhận xét.
 
Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất theo ông Tuyển là tỉnh trong kỳ này vẫn chưa mời được các VĐV người Lâm Đồng có thành tích cao trong thể thao về thi đấu cho đội nhà. Cụ thể, trong kỳ đại hội TDTT này có đến 5 VĐV người Lâm Đồng thi đấu cho các tỉnh khác giành HC vàng, trong đó có 3 VĐV thể hình, 1 võ thuật và 1 ở môn đẩy tạ. “Vì mức lương các tỉnh khác trả cho VĐV rất cao” - ông Tuyển cho biết.
 
Vẫn còn khá sớm để nói đến việc cải thiện thứ hạng cho Thể thao Lâm Đồng cho kỳ đại hội TDTT 4 năm đến, nhưng theo ông Tuyển, Thể thao Lâm Đồng sau đại hội này vẫn sẽ tiếp tục đầu tư cho võ cổ truyền - môn thế mạnh của Lâm Đồng cùng thêm một số môn võ thuật khác và đầu tư mạnh vào một số môn Olympic như điền kinh, cầu lông, bóng bàn, cử tạ, thể hình.., nếu được sẽ thêm môn xe đạp địa hình.
 
VIẾT TRỌNG