Xem bóng đá ở xứ sở "sa mạc"

08:01, 10/01/2019

Ðây là lần thứ 2 các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (United Arab Emirates - UAE) đăng cai Vòng chung kết Cúp Bóng đá châu Á - ASEAN Cup 2019, giải diễn ra từ ngày 5/1 đến 1/2 với 24 đội tham dự, trong đó có Việt Nam. 

Ðây là lần thứ 2 các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (United Arab Emirates - UAE) đăng cai Vòng chung kết Cúp Bóng đá châu Á - ASEAN Cup 2019, giải diễn ra từ ngày 5/1 đến 1/2 với 24 đội tham dự, trong đó có Việt Nam. 
 
Sân Hazza bin Zayed tại thành phố Al Ain với sức chứa 25 nghìn chỗ ngồi là địa điểm thi đấu của Việt Nam trong trận cuối vòng bảng gặp Yemen. Ảnh: Internet
Sân Hazza bin Zayed tại thành phố Al Ain với sức chứa 25 nghìn chỗ ngồi là địa điểm thi đấu của Việt Nam trong trận cuối vòng bảng gặp Yemen. Ảnh: Internet

Ốc đảo ở sa mạc 
 
Có chút gì kỳ lạ như ở xứ sở thần tiên khi đứng trước những tòa lâu đài nguy nga, những cao ốc vươn ngút trời xanh cùng những sân bóng được thiết kế cầu kỳ bắt mắt và cực kỳ hiện đại ở các thành phố của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất này. Nhưng chỉ cần lên cao một chút đủ để vươn tầm mắt ra xa khỏi thành phố sẽ thấy một màu vàng nhạt mênh mông của cát, cát và cát đến tận chân trời, đó là sa mạc.
 
Một cách hình tượng nhưng cũng chính xác rằng những thành phố này chính là các ốc đảo (Oasis) trong lòng sa mạc trải dài ngút ngàn ở xứ Tây Á này. Nhưng giờ đây những cư dân du mục lang thang ngồi tránh nắng dưới gốc chà là với bầy dê, cừu, ngựa, lạc đà… bên máng nước múc từ giếng đào trong ốc đảo lên như các bức vẽ xưa đã không còn nữa. Giờ họ đã có những thành phố cực kỳ tráng lệ, cuộc sống văn minh, hiện đại và sự giàu có thịnh vượng này được đưa từ dưới lòng đất lên, không phải là các giếng nước mát trong lành cho con người, gia súc và cây cỏ nữa, mà đó chính là các giếng dầu. 
 
Chính cái chất lỏng sền sệt màu đen và cả khí gaz bơm lên từ lòng đất của sa mạc, nơi khô cằn chỉ toàn cát và cát một thời tưởng chừng như bỏ đi vì không canh tác được này đang biến các ốc đảo hoang vu của quốc gia này thành những thành phố trong mơ như chỉ có trong truyện cổ tích.
 
Với 7 tiểu vương quốc hợp nhất lại như kiểu một liên bang (gồm Abu Dhabi, Ajman, Fujairah, Sharjah, Dubai, Ras al-Khaimah và Umm al-Qaiwain), đất nước cai trị bằng vương quyền này giàu lên một cách thần tốc chính nhờ dầu mỏ. Nếu tính từ năm 1971, khi các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất giành độc lập, kinh tế quốc gia này với sự trợ lực thần kỳ của các giếng dầu, đến gần đây đã tăng trên 230 lần, một con số tăng trưởng gần như là… không tưởng. Hay nói một cách khác, chỉ trong vòng chưa đầy một đời người, những người du mục vất vả bên bầy gia súc ở các tiểu quốc sa mạc này đã trở nên giàu có, tiền bạc rủng rỉnh đầy túi. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay tại UAE đã lên trên 41,4 nghìn USD, đứng thứ 19 thế giới.
 
Dù gần đây quốc gia này đã nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của mình thông qua hiện đại hóa đất nước, phát triển du lịch, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp… nhưng dầu mỏ vẫn chiếm đến 85% tỷ trọng kinh tế và vẫn là động lực chính cho quốc gia này. UAE hiện nay là đất nước phát triển đứng thứ nhì trong thế giới Ả Rập, chỉ sau Arab Saudi. Cùng với việc xây sân bay siêu lớn ở Dubai làm cầu trung chuyển cho những chuyến bay xuyên lục địa quốc tế, quốc gia này gần đây đã đưa ra kế hoạch cực lớn xây dựng hạ tầng như làm tuyến xe lửa dài khoảng 1.200 km để kết nối với các thành phố lớn trong nước và các hải cảng của mình.
 
Cũng cần nói thêm một chút về dân số quốc gia này. UAE hiện có tổng dân số khoảng 9,5 triệu người nhưng trong số này người có quyền công dân chỉ khoảng 13%, còn lại hầu hết là người nhập cư đến từ nhiều quốc gia trong vùng, từ các nước Nam Á, từ châu Âu, Úc; rất nhiều người Anh sinh sống rất lâu tại đây. Để trở thành công dân quốc gia này cực khó, chẳng hạn phải sống ở đây 20 năm, nói được tiếng Ả Rập, nhưng cánh cửa mở ra cũng rất hạn hẹp. 
 
Trong thể thao, bên cạnh môn bóng đá khá phổ biến, các môn truyền thông của đất nước này là đua ngựa, đua lạc đà trên cát, huấn luyện chim săn; gần đây có thêm các môn hiện đại như đua xe, quần vợt, golf... Đặc biệt đua xe Công thức 1 rất ưa chuộng nơi đây vì quốc gia này có đường đua F1. Với tiền của bao la của mình, các dân chơi ô tô nơi đây thường đặt mua các mẫu ô tô hàng hiếm cực đắt của châu Âu và hằng năm thường làm các cuộc “caravan - tuần hành” ô tô sang qua châu Âu làm choáng mắt nhiều người. 
 
Những sân bóng đẹp 
 
Đây đã là lần thứ 2 các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đăng cai Vòng chung kết giải bóng đá lớn nhất châu Á với chu kỳ 4 năm 1 lần. Lần đầu tiên UAE đăng cai vào năm 1996, nhưng với lần đăng cai 2019 này, đây là Vòng chung kết châu Á lần đầu tiên có số đội từ 16 tăng lên 24 đội.
 
23 đội vượt qua vòng loại để cùng chủ nhà UAE vào vòng chung kết tại Asian Cup 2019 năm nay được chia làm 6 bảng, mỗi bảng 4 đội; bảng A gồm chủ nhà UAE, Thái Lan, Ấn Độ và Bahrain; bảng B gồm Úc (đương kim vô địch), Syria, Palestine và Jordan; bảng C gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Kyrgyzstan và Philippines; bảng D gồm Iran, Iraq, Việt Nam và Yemen; bảng E gồm Arab Saudi, Qatar, Lebanon và Triều Tiên; bảng F gồm Nhật Bản, Uzbekistan, Oman và Turkmenistan. 
 
Theo thể thức thi đấu được công bố, trong vòng bảng các đội thi đấu vòng tròn một lượt, chọn 2 đội đứng đầu mỗi bảng cùng 4 đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất vào vòng 16 đội để đấu loại trực tiếp. Lần lượt các trận sau này chỉ có các đội thắng mới được quyền đi tiếp vào tứ kết, bán kết và chung kết, không có trận tranh hạng ba.
 
Với tiềm lực kinh tế của mình, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất khi đăng cai giải đã làm mọi điều để giải đấu thành công tại đất nước mình, trong đó có việc đổ tiền để sửa chữa, làm mới lại những sân vận động rất đẹp.
 
Tổng cộng có 8 sân vận động ở các thành phố được sử dụng để thi đấu tại ASEAN Cup 2019 năm nay, đó là 3 sân vận động ở thủ đô Abu Dhabi, gồm sân Zayed Sports City, sân Mohammed bin Zayed và sân Al Nahyan; tại thành phố Al Ain có sân Hazza bin Zayed và sân Khalifa bin Zayed; tại thành phố Dubai có sân Al-Maktoum và sân Maktoum bin Rashid Al Maktoum; thêm sân Sharjah ở thành phố Sharjah. 
 
Trong số sân vận động trên, sân Zayed Sports City tại Abu Dhabi với sức chứa 44 nghìn chỗ ngồi là một tổ hợp thể thao rất đẹp, vừa hiện đại vừa mang dấu ấn kiến trúc đặc trưng của Trung Đông, mặt sân rất đẹp không kém gì các sân ở Ngoại hạng Anh. Nơi này từng nhiều lần tổ chức các trận chung kết FIFA Club World Cup và cũng chính là nơi đội tuyển bóng đá Việt Nam ra quân trận đầu tiên tại giải trong vòng bảng khi gặp Iraq (tuyển Việt Nam thua 2-3 trong những phút cuối). 
 
Lớn thứ nhì tại UAE chính là Sân vận động Mohammed bin Zayed, rất hiện đại, có 42 nghìn chỗ ngồi với nhiều khu vực được trang bị điều hòa chống cái nóng đổ lửa của mùa hè nơi đây, sân này cũng đưa vào phục vụ các trận đấu của Asian Cup 2019 năm nay. 
 
Với đội tuyển Việt Nam, trong trận đấu thứ 2 của mình ngày 12/1, tuyển Việt Nam sẽ gặp Iran tại sân Al Nahyan nằm tại thủ đô Abu Dhabi; còn trong trận cuối cùng ngày 16/1 trong vòng bảng, đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu tại sân Hazza bin Zayed của thành phố Al Ain khi gặp Yemen, sân này chỉ 25 nghìn chỗ ngồi nhưng cũng là một sân vận động có kiến trúc rất đẹp.
 
VIẾT TRỌNG