Nghề của đam mê và niềm vui

08:02, 28/02/2019

Không như vẻ ngoài với áo quần tươm tất đẹp đẽ, với ánh đèn sân khấu chớp sáng muôn màu, với những bước chân điệu nghệ trong tiếng nhạc vui nhộn…, vũ sư là một nghề không chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn mà chỉ ai thực sự đam mê mới theo được!
 

Không như vẻ ngoài với áo quần tươm tất đẹp đẽ, với ánh đèn sân khấu chớp sáng muôn màu, với những bước chân điệu nghệ trong tiếng nhạc vui nhộn…, vũ sư là một nghề không chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn mà chỉ ai thực sự đam mê mới theo được!
 
2 HLV Nguyễn Thành Long (áo trắng, thứ hai bên phải) và Văn Chí Thành (áo đen, thứ nhất bên phải) tại CLB Khiêu vũ Thế Long - Đà Lạt
2 HLV Nguyễn Thành Long (áo trắng, thứ hai bên phải) và Văn Chí Thành (áo đen, thứ nhất bên phải)
tại CLB Khiêu vũ Thế Long - Đà Lạt

Ðam mê
 
Khi nói chuyện với nhiều người đi dạy khiêu vũ, hầu hết ai cũng bảo rằng nghề này vốn chỉ dành cho người thực sự đam mê cho môn vừa thể thao vừa mang tính nghệ thuật này. Chỉ có niềm vui và sự đam mê đủ lớn mới có thể theo nghề này được lâu; đơn giản vì thu nhập rất phập phù, giỏi lắm đủ sống là cùng, chuyện làm giàu đừng mơ. Đã có không ít người phải xoay xở kiếm sống bằng những nghề khác trong khi đeo đuổi niềm đam mê khiêu vũ này của mình tại Đà Lạt.
 
Như anh Văn Chí Thành, 52 tuổi, huấn luyện viên (HLV) ở CLB Khiêu vũ Thế Long - Nhà Văn hóa Lao động Lâm Đồng tại thành phố Đà Lạt chẳng hạn. Trước đây gia đình anh làm nghề buôn bán nông sản rau quả Đà Lạt, bận rộn nên cũng ít có thời gian đến với thể thao. Năm 2014, anh theo bạn đến CLB Khiêu vũ Long Thế thử tập những bước đi đầu tiên, để rồi từ đó gắn bó luôn cho đến nay. 
 
Thích nên dành nhiều thời gian cho nó, anh học rất nhanh, rồi trở thành HLV phụ giúp tại CLB Long Thế nơi học. Khiêu vũ, như anh nói, đã là một phần cuộc sống của mình, mỗi ngày anh đều đặn đến CLB phụ giúp việc dạy, buổi sáng dạy lớp căn bản cho người lớn, chiều tối dạy lớp thiếu nhi, tối dạy lớp nâng cao cho người lớn. 
 
“Tại mình tìm thấy niềm vui trong việc dạy này, vui vì gặp gỡ giao lưu với mọi người, còn thu nhập thì không ăn thua gì đâu, đủ tiền xăng xe, sinh hoạt là được rồi, vui là chính” - anh cười vui. Là HLV khiêu vũ nhưng hằng ngày cho đến nay anh vẫn còn buôn bán nông sản khi cần như trước.
 
Với 2 HLV Nguyễn Thành Long (55 tuổi) và Nguyễn Thị Thế (56 tuổi) của  CLB Long Thế cũng vậy, 2 người đến với khiêu vũ cũng rất tình cờ và chính niềm đam mê đó đã giữ họ lại với nghề này. 
 
Chị Thế kể cách đây gần 13 năm khi đến với lớp học khiêu vũ giao tiếp căn bản chị đã thấy rất thích môn thể thao này. Thế nên năm 2007 chị học tiếp lớp khiêu vũ thể thao (Dance Sport) rồi trở thành HLV. Dù là một HLV chuyên nghiệp nhưng theo chị thu nhập từ nghề cũng chỉ đủ sống, theo đuổi vì niềm vui,  nhưng rồi chính cái nghề này đã giúp chị vượt qua được bệnh thoát vị đĩa đệm và gai cột sống. Đã có lúc tay chân chị bị teo nhỏ, chỉ nhờ kiên trì vận động rất lâu chị mới bình thường trở lại. 
 
Còn với anh Long, dù là một HLV khiêu vũ chuyên nghiệp nổi tiếng của Đà Lạt, trong 15 năm hoạt động từng dạy rất nhiều học viên, cặp đôi Long -Thế từng giành rất nhiều huy chương vàng từ các giải khiêu vũ thể thao trong nước nhưng theo anh, để làm ăn, kinh doanh bằng cái nghề này thì “cực khó”.
 
“Đã có không biết bao nhiêu người mở lớp dạy khiêu vũ tại Đà Lạt nhưng coi đi coi lại có ai tồn tại được lâu đâu. Cứ phải có một nghề mưu sinh chính và lấy việc dạy khiêu vũ như niềm vui thì mới có thể ở lại với nghề này được”- anh cười.
 
Kiên nhẫn
 
Khiêu vũ, loại trừ những yếu tố mang tính tiêu cực vốn có của nó lâu nay, hiện đang được không ít người lựa chọn như là một bộ môn thể thao mang tính vận động tại những thành phố lớn, trong đó có Đà Lạt. 
 
Đặc biệt môn này thích hợp cho những phụ nữ lứa tuổi trung niên trở lên, giúp người tập vận động cơ thể, nâng cao sức khỏe, giữ vóc dáng, có dịp giao lưu cùng bạn bè, người quen trong một môi trường mang tính văn hóa. 
 
Chính vì vậy, những năm gần đây, tại Đà Lạt, có không ít các lớp khiêu vũ được mở, tại các CLB, tại cơ quan đơn vị khối đoàn thể, nhưng có một điểm chung của những lớp học này, sau những ngày đầu hăng hái, số học viên các lớp này cứ dần rơi rụng, vì sao?
 
Theo HLV Nguyễn Thành Long, giữa chuyện thích khiêu vũ và học được khiêu vũ là một khoảng cách khá lớn, đòi hỏi người học phải thật sự mê. Học được cơ bản thì dễ nhưng để có được những bước đi đẹp, điệu nghệ thì phải kiên nhẫn, chịu khó, “phải khổ luyện”, không có một con đường tắt nào khác!
 
“Tùy khả năng của từng người, học cho biết thì không khó lắm nhưng ít nhất người học cũng phải biết chút ít về nhạc và một chút năng khiếu về khiêu vũ thì mới nhanh được. Nhưng dù có nhanh thì cũng phải mất thời gian rèn luyện lâu lâu một chút chứ nhanh quá sao được” - ông Long tươi cười.
 
Với HLV Văn Chí Thành, kiên nhẫn là một yêu cầu rất cơ bản cho cả người học lẫn người dạy khiêu vũ. “Có người học chậm, có người tiếp thu nhanh, có người học xong thì nhớ rất tốt nhưng cũng có người học xong chỉ vài ngày khi ôn lại đã quên sạch. Nhiệm vụ của mình là phải kiên nhẫn cho từng người, tránh đừng dạy quá nhanh” - anh chia sẻ.
 
Còn với HLV Nguyễn Thị Thế, người dạy khiêu vũ không chỉ dạy mà cũng cần phải động viên, khuyến khích tinh thần người học. “Thể thao cần sức khỏe và sự dẻo dai thì khiêu vũ cũng thế, cũng cần sức khỏe và sự dẻo dai đó. Với nữ giới, những người làm việc ở các văn phòng ngồi lâu, ít vận động thì đây là một môn thể thao trong nhà rất phù hợp, nắng mưa tập cũng được, giúp nâng cao sức khỏe, chống lão hóa rất tốt. Phụ nữ nếu muốn học khiêu vũ tốt nhất ở lứa tuổi khoảng 40, tuy nhiên lớn tuổi hơn vẫn không sao dù có chậm đôi chút”. 
 
Bên cạnh CLB Thế Long đang hoạt động rất tốt với khoảng 100 học viên cho tất cả các lớp hiện nay, tại Đà Lạt theo HLV Long còn có khoảng 10 điểm, CLB khác đang hoạt động với các lớp dạy khiêu vũ, nhiều lớp trong số này này có lượng học viên khá đông, chủ yếu là phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Đà Lạt hiện cũng có 4 điểm tổ chức sinh hoạt khiêu vũ hằng tuần, thường là vào dịp cuối tuần. Cùng đó, nhiều huyện thành trong tỉnh nay cũng đã có các lớp và các điểm sinh hoạt khiêu vũ mở ra, phần lớn là tư nhân. “Chúng tôi đang mong ngành thể thao tỉnh nếu được nên tổ chức giải khiêu vũ cấp tỉnh hằng năm nhằm phát triển phong trào trong tỉnh” - ông Long mong muốn.  
 
GIA KHÁNH