Nhà Văn hóa Lao động Lâm Ðồng với những giải thể thao xã hội hóa

09:03, 28/03/2019

Từ khi đưa vào hoạt động từ năm 2016 đến nay, Nhà Văn hóa Lao động (VHLÐ) Lâm Ðồng tại Ðà Lạt hằng năm đã tổ chức nhiều giải thể thao lớn trong nhiều bộ môn, tất cả đều tự xoay xở kinh phí theo phương thức xã hội hóa hoàn toàn.

Từ khi đưa vào hoạt động từ năm 2016 đến nay, Nhà Văn hóa Lao động (VHLÐ) Lâm Ðồng tại Ðà Lạt hằng năm đã tổ chức nhiều giải thể thao lớn trong nhiều bộ môn, tất cả đều tự xoay xở kinh phí theo phương thức xã hội hóa hoàn toàn.
 
Một tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Thể dục Dưỡng sinh truyền thống mở rộng Nhà Văn hóa Lao động Lâm Đồng lần thứ 2 trong tháng 3/2019
Một tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Thể dục Dưỡng sinh truyền thống mở rộng Nhà Văn hóa Lao động Lâm Đồng lần thứ 2 trong tháng 3/2019
 
Mang niềm vui cho người cao tuổi 
 
Với nụ cười tươi trên khuôn mặt, bà Nguyễn Thị Đó, 78 tuổi, người Tây Ninh ngồi chăm chú theo từng động tác của đội Thể dục Dưỡng sinh (TDDS) tỉnh mình đang biểu diễn trên sân khấu Nhà VHLĐ Lâm Đồng, thỉnh thoảng lại vỗ tay cổ vũ. 
 
Nguyên là Chủ tịch Hội TDDS tỉnh Tây Ninh, đây là lần thứ 2 bà Đó theo đội tuyển TDDS thành phố Tây Ninh tham gia Liên hoan TDDS truyền thống mở rộng của Nhà VHLĐ tỉnh Lâm Đồng. “Người cao tuổi hiện rất ít sân chơi trong nước, phải đợi cả năm mới có một vài giải tỉnh, giải toàn quốc, vậy là hết, chúng tôi phải tự tìm sân chơi cho mình. Trong 2 năm nay rất mừng khi Nhà VHLĐ Lâm Đồng tổ chức được một liên hoan như thế này”- bà Đó tươi cười. 
 
“Năm ngoái Nhà VHLĐ Lâm Đồng tổ chức giải lần đầu tiên, chúng tôi khi được mời cũng chẳng biết ra sao nên chỉ đi chừng vài mươi thành viên, nhưng năm nay, chúng tôi cử liền luôn 2 đội, đội thành phố Tây Ninh và đội huyện Tân Bửu - Tây Ninh, thi đấu chỉ trên 30 người nhưng hơn 70 người cùng đi, dù biết tốn kém, chi phí mọi thứ mọi người phải đóng góp nhưng lên Đà Lạt thành phố du lịch thì ai ai cũng muốn đi. Nói thật, cả nước này chỉ có Nhà VHLĐ Lâm Đồng mới làm được như thế, mới tạo thêm được sân chơi cho người cao tuổi nên thật rất đáng quý” - bà Đó chia sẻ. 
 
Đồng ý nghĩ với bà Đó, Chủ tịch Hội TDDS Bình Dương Hoàng Thị Yến, 65 tuổi, cũng cho biết đây đã là năm thứ 2 đội tuyển TDDS Bình Dương lên Đà Lạt dự liên hoan này. Dù năm nay đội tuyển thi đấu chỉ khoảng 18 người nhưng toàn đội đã thuê một xe lớn cho nhiều người thân cùng đi, “Thi đấu, biểu diễn thì chỉ có 1 ngày nhưng lên thành phố du lịch Đà Lạt thì phải đi dài hơn một chút nên dù chi phí có nhiều một chút thì mọi người cũng rất vui vẻ đóng góp” - bà Yến cho biết.
 
Theo bà Nguyễn Thị Minh Chính, Chủ nhiệm CLB TDDS thành phố Đà Lạt, thành viên của Ban tổ chức Liên hoan, lãnh đạo Nhà VHLĐ Lâm Đồng trong 2 năm nay đã tạo điều kiện rất tốt để tổ chức thành công Liên hoan, từ đón tiếp, phương cách tổ chức, sử dụng cơ sở vật chất ở đây không phải trả chi phí mà Nhà VHLĐ còn đứng ra hỗ trợ một phần giải thưởng. 
 
 “Ngay từ lần đầu tiên tổ chức, Liên hoan đã không chỉ thu hút các đội TDDS mạnh trong tỉnh mà còn mời được tỉnh ngoài tham dự, đến lần thứ 2 này bên cạnh 6 đội mạnh của các địa phương trong tỉnh, Liên hoan có đến 6 đội của 4 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang”- bà Chính cho biết. 
 
“TDDS Lâm Đồng mời được các tỉnh ngoài về đây tham dự một liên hoan cấp tỉnh chứng tỏ trình độ chuyên môn của các đội trong tỉnh chúng ta hiện nay cũng ngang hàng với các tỉnh, thành trong nước. Nhưng một phần nữa chính là việc Nhà VHLĐ tỉnh khi tổ chức giải cho người cao tuổi đã làm rất tốt mọi thứ nên đã gây thiện cảm rất lớn cho khách khi đến đây”- bà Chính nhận xét. 
 
Nhiều giải thể thao xã hội hóa trong năm
 
Chính thức đưa vào sử dụng từ đầu năm 2016, Nhà VHLĐ Lâm Đồng đã nhanh chóng trở thành một địa chỉ thu hút rất nhiều các hoạt động văn hóa - thể thao tại thành phố Đà Lạt và của cả tỉnh hiện nay. 
 
Tại đây, theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Nhà VHLĐ Lâm Đồng, đã có 27 CLB đang hoạt động. Trong văn hóa có các CLB thơ, dân ca, nhạc cổ truyền, nhiếp ảnh. ngoại ngữ, khiêu vũ…; trong thể thao có các CLB bóng bàn, cầu lông, các môn võ Karatédo, Taekwondo, võ cổ truyền, Yoga, TDDS, Zumba, xe đạp, đá cầu…; thêm các lớp năng khiếu trẻ em cho rất nhiều bộ môn. Mỗi ngày nơi đây ước tính có hằng nghìn người đến sinh hoạt.
 
Không chỉ thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, Nhà VHLĐ còn tổ chức nhiều giải thể thao hằng năm trong nhiều môn thể thao như bóng bàn, TDDS, cầu lông, võ thuật... Tất cả các giải này, theo ông Hải, nguồn kinh phí tổ chức đều được vận động tài trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các địa phương tham dự giải, từ các VĐV cùng đóng góp theo phương thức xã hội hóa. 
 
Như trong năm 2019 này, theo ông Hải, từ đầu năm đến nay Nhà VHLĐ tỉnh đã tổ chức được 3 giải, đó là giải vô địch bóng bàn các CLB trong tỉnh tranh Cúp Vietin Bank với trên 120 VĐV, (nhà tài trợ chính là Vietin Bank); giải bóng bàn “Mừng Đảng mừng Xuân” sau Tết Nguyên đán với 150 VĐV tham dự; Liên hoan TDDS truyền thống mở rộng Nhà VHLD Lâm Đồng trong tháng 3 với trên 300 VĐV tham dự (gọi là truyền thống vì theo ông Hải, Nhà VHLĐ tỉnh sẽ tổ chức thường xuyên giải này hằng năm trong dịp tháng 3 sau tết).
 
Từ nay đến cuối năm Nhà VHLĐ Lâm Đồng cho biết sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều giải thể thao khác như giải bóng bàn thanh thiếu nhi, giải bóng bàn tranh Cúp Thành Bưởi (một doanh nghiệp vận tải của Đà Lạt đứng ra tài trợ chính), thêm các giải cầu lông và võ thuật (Karatédo). 
 
Một điều thuận lợi, theo ông Hải, nhờ làm tốt công tác tổ chức với giải thưởng tương đối có giá trị từ nhiều nguồn tài trợ nên các giải thể thao nơi đây đã thu hút khá đông VĐV tranh tài. Giải đông VĐV, có sức ảnh hưởng nên cũng giúp Nhà VHLĐ dễ dàng hơn trong vận động tài trợ. 
 
Bên cạnh đó, theo ông Hải, các hoạt động văn hóa thể thao nơi đây thường được tổ chức trong các ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, ngày tết… nên đã tạo điều kiện tốt hơn để mọi người đều có cơ hội tham dự. “Chúng tôi trong khả năng của mình sẽ nỗ lực tổ chức thêm các giải thể thao trong nhiều bộ môn hơn những năm đến” - ông Hải cho biết.
 
VIẾT TRỌNG