Võ thuật nơi học đường vùng sâu

08:04, 26/04/2019

Ðúng 16h30 các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu, các học sinh Trường Tiểu học Ðan Phượng 2 lại nhanh chóng khoác lên mình bộ võ phục Karatedo để rồi háo hức bước vào luyện võ.  

Ðúng 16h30 các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu, các học sinh Trường Tiểu học Ðan Phượng 2 lại nhanh chóng khoác lên mình bộ võ phục Karatedo để rồi háo hức bước vào luyện võ.  
 
Điều kiện học của các em còn nhiều thiếu thốn.
Điều kiện học của các em còn nhiều thiếu thốn.
 
Nhiều em trước đó còn chẳng biết võ thuật là gì. Từng gương mặt non nớt tập trung đến mức căng thẳng để nghe theo từng câu hiệu lệnh của huấn luận viên. Những bước di chuyển còn chậm chạp, liên tục mắc lỗi. Nhưng ở đó, chúng tôi nhận thấy sự hào hứng cũng như quyết tâm của những cô cậu học trò ở trường vùng sâu này.
 
Câu lạc bộ (CLB) Võ thuật  Trường Tiểu học Đan Phượng 2 do anh Võ Ngọc Minh Tâm và thầy Nguyễn Văn Thịnh mở ra từ đầu năm 2019. Mục đích chính của CLB là tạo ra một sân chơi cho các em nhỏ trong độ tuổi từ 5 - 15. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Thịnh, đối với trẻ em ở vùng nông thôn, nếu không có sân chơi lành mạnh thì các em dễ lâm vào tình trạng nghiện game, sâu xa hơn có thể dẫn đến các tệ nạn xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai.
 
Cậu bé K’Biển (học sinh lớp 2B) vẫn đều đặn được bố chở đến lớp, chẳng thiếu buổi nào. K’Biển khá nhỏ con và có phần rụt rè hơn các bạn còn lại. Em bảo: “Mấy hôm đầu khó lắm, có hôm đứng không vững em bị ngã cũng đau. Nhưng mà vừa học vừa được chơi với các bạn rất vui. Em sẽ cố gắng học thật giỏi như chị Y Vân”. 
 
Y Vân mà K’Biển vừa nhắc là cô bé lớp trưởng - Nguyễn Hoàng Y Vân (học sinh lớp 5B). Biết các thầy mở lớp, Y Vân về nhà xin mẹ cho đi học. Mẹ Y Vân cũng chẳng ngần ngại đồng ý bởi muốn con gái có thêm nhiều kỹ năng để phòng vệ cho bản thân. Bên cạnh ước mơ làm giáo viên, Y Vân còn một ước mơ nữa, đó là trở thành vận động viên Karatedo - như chính người dì của mình. “Dì con giỏi lắm, mẹ bảo dì là vận động viên quốc gia. Mấy lần xem dì thi đấu trên ti vi, con cũng mong sau này mình được như thế”, Y Vân tâm sự.
 
Do đặc thù địa phương nên Trường Tiểu học Đan Phượng 2 có 2 cơ sở. Tại điểm trường ở thôn Tân Lập, nơi học võ chính là khoảnh sân trường có mái che. Theo thầy Thịnh, cơ sở vật chất chỉ mới được trang bị cơ bản, vẫn còn nhiều thiếu thốn. Mùa nắng thì còn tạm được chứ mùa mưa có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của các thầy trò. Thế nhưng những điều ấy dường như chẳng ngăn được lòng ham học của các em học sinh. “Con học được gần 4 tháng rồi. Nhiều hôm bố bận việc thì con tự đi bộ. Con không biết đường có xa không nhưng con đi hết 18 phút. Học võ con thấy khỏe hơn, con cũng ăn được nhiều cơm hơn nữa”, Phạm Văn Nhật, học sinh lớp 4B thật thà chia sẻ.
 
Trong từng buổi học, tỉ mẩn và nghiêm khắc, cả anh Võ Ngọc Minh Tâm và thầy Nguyễn Văn Thịnh luôn yêu cầu sinh viên thực hiện đúng các tư thế võ. Những lỗi sai dù nhỏ cũng được điều chỉnh ngay tức khắc. Thành lập CLB từ chính đam mê của mình, cả 2 người đều mong muốn góp chút công sức khơi dậy niềm đam mê, ý thức bảo vệ sức khỏe cũng như tìm kiếm, phát triển năng khiếu của các em học sinh. Biết nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các thầy cũng dạy miễn phí, hoặc giảm phần nào học phí cho các em.
 
“Ban đầu nhiều phụ huynh lo lắng việc có võ sẽ có thể dẫn đến tình trạng xô xát giữa các em học sinh, nhất là giai đoạn bạo lực học đường cũng đang là vấn đề nhức nhối. Thế nhưng với bất kỳ bộ môn võ thuật nào cũng là vừa học võ vừa học đạo. Bên cạnh kỹ năng, các em học sinh sẽ rèn luyện được đức tính nhường nhịn, sự kiên trì. Trong mỗi buổi tập hay lúc thi đấu, chúng tôi dạy các em phải tự ý thức trong từng đòn đánh, biết đâu là điểm dừng. Riêng với các bạn nữ, các em sẽ học được cách tự bảo vệ bản thân trong những tình huống nguy hiểm”, thầy Thịnh chia sẻ thêm.
 
HỒNG THẮM