Những khuôn mặt trẻ triển vọng của quyền thuật Võ cổ truyền

08:05, 23/05/2019

Hầu hết những khuôn mặt trẻ này đều ở Bảo Lộc, có vận động viên (VÐV) chỉ 10 tuổi nhưng luyện võ đã trên 5 năm, tất cả được phát hiện và bồi dưỡng từng bước để dần trở thành những khuôn mặt đầy triển vọng của Võ cổ truyền Lâm Ðồng trong các giải quốc gia và quốc tế. 

Hầu hết những khuôn mặt trẻ này đều ở Bảo Lộc, có vận động viên (VÐV) chỉ 10 tuổi nhưng luyện võ đã trên 5 năm, tất cả được phát hiện và bồi dưỡng từng bước để dần trở thành những khuôn mặt đầy triển vọng của Võ cổ truyền Lâm Ðồng trong các giải quốc gia và quốc tế. 
 
Các VĐV trẻ của Bảo Lộc tại một giải trẻ cấp tỉnh trong tháng 4/2019. Ảnh: V.Trọng
Các VĐV trẻ của Bảo Lộc tại một giải trẻ cấp tỉnh trong tháng 4/2019. Ảnh: V.Trọng
 
Những khuôn mặt triển vọng
 
Nhỏ nhắn, nụ cười tươi và hiền, khuôn mặt còn những nét bẽn lẽn của tuổi mới lớn nhưng trên sàn thi đấu trông Nguyễn Minh Tân khác hẳn. Chững chạc trong bộ đồ võ, Minh Tân sải bước vững chãi, các động tác đầy dứt khoát khi biểu diễn bài quyền Lão Hổ Thượng Sơn và bài binh khí Tứ Linh Đao. 
 
Người Bảo Lộc, năm nay 10 tuổi, cậu bé Nguyễn Minh Tân - Huy chương Vàng nội dung quyền thuật giải Võ cổ truyền trẻ Lâm Đồng 2019 trong nhóm tuổi của mình - đã bắt đầu tập luyện võ thuật từ lúc lên 5 tuổi. 
 
Khi cha của Minh Tân đưa cậu bé đến phòng tập võ với mục tiêu cho khỏe vì nhỏ con, học võ để bạn khỏi ăn hiếp khi đi học, thì chỉ trong vòng vài tháng võ sư Lê Dũng, người phụ trách võ đường đã phát hiện ngay năng khiếu của cậu bé. “Không khó để thấy sự khác biệt của Tân giữa các bạn đồng trang lứa khi em tập luyện tại võ đường của tôi” - võ sư Lê Dũng cho biết.
 
Tập võ trong vòng gần 1 năm, năm lên 6 tuổi Minh Tân đã được chọn đi thi đấu giải trẻ cấp tỉnh lập tức VĐV nhí này đã đoạt huy chương, sau đó được chọn vào đội tuyển năng khiếu võ thuật cổ truyền của tỉnh. Từ đó đến nay, hầu như năm nào Tân cũng giành được huy chương cấp tỉnh trong nội dung quyền thuật.
 
Cùng với Minh Tân, Võ cổ truyền Bảo Lộc còn có rất nhiều những khuôn mặt trẻ xuất sắc khác những năm gần đây, trong số này có thể kể đến như Lê Chúc Quỳnh, Vũ Anh Thư, Lê Thị Phương Uyên…
 
Với Lê Chúc Quỳnh, năm nay mới 13 tuổi nhưng trong vài năm gần đây, bên cạnh thường xuyên giành Huy chương Vàng quyền thuật từ giải tỉnh, năm nào VĐV nhỏ tuổi người Bảo Lộc này cũng giành được Huy chương Vàng của giải trẻ quốc gia. Như trong năm 2018 vừa qua, Chúc Quỳnh đã giành đến 2 Huy chương Vàng tại giải Võ cổ truyền trẻ toàn quốc tại Sóc Trăng. Thế mạnh của Chúc Quỳnh là các bài có binh khí nhưng các bài quyền tay không cũng cực tốt. “Như bài Lão Mai Quyền khi biểu diễn luôn giành điểm tuyệt đối” - võ sư Lê Dũng cho biết.
 
Còn Vũ Anh Thư, 16 tuổi, học sinh lớp 11 của Trường Trung học phổ thông Lộc Phát, cũng bắt đầu tập võ từ năm 6 tuổi và trong nhiều năm nay VĐV này cũng liên tục giành Huy chương Vàng từ các giải trẻ quốc gia, có năm VĐV này giành đến 2 Huy chương Vàng. Riêng Lê Thị Phương Uyên, học sinh lớp 12 của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du - Bảo Lộc có một thành tích đáng nể hơn khi trên 10 năm liền giành Huy chương Vàng từ các giải trẻ toàn quốc. 
 
Theo võ sư Lê Dũng - người trực tiếp huấn luyện cho Phương Uyên, VĐV này bên cạnh những bài quyền tay không biểu diễn rất đẹp còn có thể đánh được rất nhiều loại binh khí, từ côn, kiếm đến nhị khúc. VĐV này với thành tích trên dù chưa đủ tuổi nhưng đã được đặc cách vào đội tuyển Võ cổ truyền Lâm Đồng có mặt ở các giải quốc gia.
 
Hướng đến sân chơi lớn
 
Có một điểm thú vị cần nói hiện nay trong làng Võ cổ truyền Lâm Đồng, đó là sự “phân chia” huy chương trong các giải Võ cổ truyền cấp tỉnh hiện nay. Trong khi phía bắc Lâm Đồng với các VĐV ở các võ đường Đơn Dương, Lâm Hà, nhất là Đà Lạt thường rất mạnh về đối kháng, thi đấu rất tốt trên sàn đài thì ở phía nam của tỉnh, đặc biệt là Bảo Lộc lại rất mạnh về quyền thuật. Hầu hết các huy chương cao nhất của nội dung quyền thuật hằng năm từ giải trẻ đến giải vô địch tỉnh hầu như đều lọt vào tay Bảo Lộc. 
 
Chẳng hạn như giải Võ cổ truyền trẻ Lâm Đồng 2019 vừa tổ chức trong tháng 4 năm nay, Bảo Lộc dẫn đầu toàn đoàn với 8 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Đồng, hầu hết số huy chương này đến từ quyền thuật.
 
Và không chỉ tại giải tỉnh, trong đội hình đội tuyển Võ cổ truyền Lâm Đồng hiện nay, các VĐV người Bảo Lộc cũng liên tục mang huy chương từ các giải khu vực và quốc gia về cho thể thao Lâm Đồng. Điển hình là 1 trong 2 tấm Huy chương Vàng cực kỳ quí giá tại kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần VIII - 2018 gần đây thuộc về Đặng Văn Hợp - VĐV người Bảo Lộc trong nội dung quyền thuật.
 
Võ sư Lê Dũng - người phụ trách Võ đường Nhân Trí Dũng tại Bảo Lộc, cũng là huấn luyện viên đội tuyển Võ cổ truyền Lâm Đồng chính là người phát hiện, trực tiếp huấn luyện cho toàn bộ các VĐV trên. 
 
“Cũng như VĐV đối kháng, khi bước lên sàn đấu cần bản lĩnh, lì lợm, có chiến thuật hợp lý tùy đối thủ, có bài ruột của mình để tung đòn khi cần thiết thì trong quyền thuật, để thành công các VĐV cũng cần có chút năng khiếu bẩm sinh, phải kiên trì và biết cách vượt qua được sức ép tâm lý, phải biểu diễn quyền có sức mạnh, có tốc độ và nhất là phải có thần thái mới được” - võ sư Lê Dũng nhận xét. 
 
Để có những lứa VĐV quyền thuật tài năng nối tiếp nhau như vậy, võ sư Lê Dũng cho biết khi phát hiện được cần có kế hoạch bồi dưỡng cho từng VĐV một. “Tôi may mắn bên cạnh công việc huấn luyện của đội tuyển tỉnh còn là người đi dạy võ phong trào, chính nhờ đi dạy như thế nên khi phát hiện các em có tố chất tôi rất quí, động viên gia đình và khuyến khích các em đi theo nghiệp võ. Khi các em đi theo, mình phải tìm cách để phát huy khả năng sở trường của từng em”- ông cho biết. 
 
Chính với cách huấn luyện bài bản này cho từng VĐV ngay từ nhỏ, hoàn thiện cho từng em từng kỹ thuật căn bản rồi nâng cao trình độ dần dần, Võ đường Nhân Trí Dũng của võ sư Lê Dũng đã lần lượt cho “ra lò” các thế hệ môn sinh tài năng, những khuôn mặt triển vọng của Võ cổ truyền Lâm Đồng. Không chỉ thi đấu giành huy chương ở giải tỉnh, ông luôn hướng các môn sinh đến với các sân chơi lớn hơn trong nước lẫn quốc tế. 
 
Cũng từ Võ đường Nhân Trí Dũng, đã có 4 môn sinh ở đây giành được Huy chương Vàng giải Võ thuật cổ truyền quốc tế, đó là Lê Thị Thủy Tiên (2 lần, năm 2008 và 2010); Phạm Thị Thảo Nguyên (cũng 2 lần, năm 2012 và 2014); Lê Phạm Bảo Thy (năm 2018) và Đặng Văn Hợp (cùng năm 2018). “Chúng tôi hiện đang có một số khuôn mặt trẻ rất triển vọng, hy vọng các em sẽ nối bước được các anh chị đi trước” - võ sư Lê Dũng mong muốn.
 
VIẾT TRỌNG