Liệu vẫn là "người cũ" lên ngôi ở Roland Garros?

07:06, 06/06/2019

Cuối tuần này, Roland Garros - Giải Quần vợt Pháp mở rộng 2019 sẽ khép lại sau 2 tuần thi đấu. Liệu các tay vợt trẻ có cơ hội nào không hay vẫn là những khuôn mặt cũ từng đăng quang lại lên ngôi vô địch?

Cuối tuần này, Roland Garros - Giải Quần vợt Pháp mở rộng 2019 sẽ khép lại sau 2 tuần thi đấu. Liệu các tay vợt trẻ có cơ hội nào không hay vẫn là những khuôn mặt cũ từng đăng quang lại lên ngôi vô địch?
 
Federer - Nadal, cặp đấu đầy duyên nợ
Federer - Nadal, cặp đấu đầy duyên nợ
 
Tăng 8% tiền thưởng
 
Bắt đầu từ ngày 26/5, đến cuối tuần này, vào tối chủ nhật 9/6, Roland Garros - Grand Slam thứ hai của làng quần vợt thế giới trong năm 2019 sẽ khép lại với trận tranh vô địch đơn nam, và trước đó một ngày là chung kết đơn nữ. 
 
Tất nhiên là một giải đấu lớn, Roland Garros vẫn luôn có nhiều nội dung khác bước vào chung kết trong dịp cuối tuần này đáng xem, như các trận chung kết đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đơn nam trẻ, đơn nữ trẻ, giải cho các tay vợt tên tuổi đã giải nghệ… Tuy nhiên, với người yêu quần vợt, đơn nam và đơn nữ vẫn là 2 nội dung đáng chờ đợi nhất. 
 
Trước khi bước vào tranh giải Pháp mở rộng này, các tay vợt tên tuổi đã lần lượt tranh tài tại nhiều giải đất nện khác nhỏ hơn trên khắp châu Âu. Mùa giải sân đất nện thường kết thúc với Roland Garros và sau giải này các tay vợt lại tiếp tục vô mùa thi đấu sân cỏ để hướng đến Wimbledon - Grand Slam thứ ba trong năm tại nước Anh. 
 
Để thu hút các tay vợt tên tuổi trên thế giới đến với Pháp, Roland Garros năm nay cũng theo thông lệ tăng thêm mức tiền thưởng. Tổng mức thưởng của Roland Garros 2019 năm nay như công bố, trên 42,6 triệu Euro, tăng 8% so với giải này năm ngoái. Chỉ cần xuất hiện ở vòng 1 thôi, mỗi tay vợt cả nam lẫn nữ đánh đơn nhận được 7 nghìn Euro, vào đến vòng 3 các tay vợt đánh đơn nhận được 24 nghìn Euro; vào vòng 128 nhận 46 nghìn Euro, vào đến tứ kết nhận được 415 nghìn Euro, thua trong trận chung kết nhận được 1,18 triệu Euro, còn riêng tay vợt bước lên bục nhận cúp vô địch đơn nam nữ sẽ bỏ túi cho mình một tấm ngân phiếu trị giá 2,3 triệu Euro, tăng hơn năm trước 100 nghìn Euro. 
 
Tất nhiên, giải thưởng cao nhất chỉ dành cho các nhà vô địch đánh đơn nam nữ, còn vô địch đánh đôi gồm đôi nam và đôi nữ chỉ nhận được 580 nghìn Euro; vô địch đôi nam nữ còn thấp hơn nhiều, chỉ 122 nghìn Euro.
 
Giải lớn, tiền thưởng hấp dẫn, Roland Garros năm nay chỉ trừ một số tay vợt bị chấn thương rút lui vào giờ chót (chẳng hạn Kenvin Anderson - Nam Phi, hạng 8 thế giới; John Isner - Mỹ - hạng 10 thế giới…) còn lại hầu hết đều có mặt với những trận đấu vô cùng kịch tính, hấp dẫn. 
 
Người cũ sẽ lên ngôi?
 
Quần vợt, suy cho cùng, cũng như bóng đá, luôn có sự ổn định đáng ngạc nhiên, nhất là quần vợt nam. Trong khi quần vợt nữ thỉnh thoảng lại có những cánh chim lạ xuất hiện tại Grand Slam, mang lại những điều mới mẻ cho người xem, thì quần vợt nam hầu hết chỉ những tay vợt có tên tuổi, đã khẳng định được mình qua nhiều năm, có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng thế giới, mới có thể và có khả năng tiến sâu vào trong giải.
 
Chẳng hạn như giải năm nay, trong nội dung đơn nữ, đã có 2 tay vợt không nằm trong danh sách 32 tay vợt hạt giống của giải vượt qua được vòng tứ kết, đó là Marketa Vondrousova - người Czech, xếp hạng 38 thế giới và Amanda Anisimova - người Mỹ, xếp hạng 51 thế giới. Các tay vợt còn lại trong vòng tứ kết đều là hạt giống của giải, như Simona Halep - người Romania, hạt giống số 3, đương kim vô địch đơn nữ Roland Garros 2018; Johana Konta - người Anh, hạt giống số 26; Madison Keys - người Mỹ, hạt giống số 14 và Ashleigh Barty - người Úc, hạt giống số 8. 
 
Điều đáng tiếc nhất của nội dung nữ đánh đơn này chính là việc các tay vợt tên tuổi bị loại nhanh chóng ra từ các vòng đấu trước, chẳng hạn như Serena Williams - người Mỹ hạt giống số 10; như Angelique Kerber - người Đức, hạt giống số 5 và đặc biệt là hạt giống số 1 Naomi Osaka - người Nhật. Serena Williams từ khi sinh con đến nay có vẻ tuổi tác và sức khỏe đã mang lại những tác động không ít, tay vợt này không còn những cú phát bóng và trả bóng sấm sét như xưa; còn Naomi Osaka - vô địch Mỹ mở rộng 2018, vô địch Úc mở rộng 2019 lại có phong độ không ổn định gần đây. Roland Garros năm nay vẫn đang chờ thêm một khuôn mặt nữ mới để mang thêm sức sống mới cho giải hay liệu chức vô địch rồi vẫn lọt vào tay của Simona Halep một lần nữa? 
 
Trong khi đó, tại nội dung đơn nam, lọt đến vòng tứ kết không có tay vợt nào ngoài danh sách 32 hạt giống. Ngoại trừ tay vợt Nhật Kei Nishikori - hạt giống số 7 và Stan Wawrinka - người Thụy Sỹ, hạt giống số 24 đã bị loại, trong 6 tay vợt còn lại chỉ có 1 người nằm ngoài nhóm dẫn đầu là Karen Khachanov - người Nga, hạt giống số 10; còn lại 5 tay vợt đều xếp hạt giống từ 1 đến 5, gồm Novak Djokovic - người Serbia, Rafael Nadal - người Tây Ban Nha; Roger Federer - người Thụy Sỹ; Dominic Thiem - người Áo; Alexande Zverev - người Đức. 
 
Trong 6 tay vợt nam này, có 3 tay vợt trẻ hoặc “tương đối” trẻ, đó là Alexande Zverev - 22 tuổi, Karen Khachanov - 23 tuổi và Dominic Thiem - 25 tuổi. Cả ba có một lối đánh nhanh, kỹ thuật tốt, công thủ khá toàn diện; 2 trong 3 tay vợt này là Dominic Thiem phải gặp Karen Khachanov để có một người đi tiếp, còn Alexande Zverev cũng phải vượt qua được tượng đài Novak Djokovic mới có cơ hội vào chung kết. 
 
Và điều đáng nói nhất chính là việc bộ ba đại thụ làng quần vợt nam thế giới gồm Roger Federer, Novak Djokovic và Rafael Nadal đều càng chơi càng hay. Đặc biệt Rafael Nadal – người từng giành đến 11 danh hiệu vô địch tại Roland Garros và cũng là đương kim vô địch 2018 này có vẻ không dễ dàng chia sẻ ngôi vương của mình cho bất cứ đối thủ nào. Tay vợt 33 tuổi này trên sân vẫn có những bước chạy bền bỉ, có các cú phát bóng và trả bóng đầy uy lực đủ để lấy điểm khi cần. Với Nadal, có cảm giác rằng chỉ cần vượt qua được Roger Federer - vốn năm nay đã 37 tuổi, trong trận bán kết để có mặt trong trận chung kết thì khả năng giành thêm một chiếc cúp vô địch cho ông vua sân đất nện này hầu như trong tầm tay.
 
VIẾT TRỌNG