Không chỉ yêu thích và tập luyện bóng bàn hằng ngày, một bác sỹ nha khoa còn tìm cách vận động tài trợ để tổ chức một giải bóng bàn xã hội hóa với giải thưởng khá lớn trong vài năm gần đây tại Ðà Lạt.
Không chỉ yêu thích và tập luyện bóng bàn hằng ngày, một bác sỹ nha khoa còn tìm cách vận động tài trợ để tổ chức một giải bóng bàn xã hội hóa với giải thưởng khá lớn trong vài năm gần đây tại Ðà Lạt.
|
Bác sỹ Đinh Văn Trại |
Người mà chúng tôi muốn nói đến là bác sỹ nha khoa Đinh Văn Trại, hiện đang sinh sống tại Đà Lạt.
Năm nay 68 tuổi, bác sỹ Trại người quê Bắc Ninh, ông vào Đà Lạt sống hơn 10 năm, từ năm 2009 đến nay. Ông cho biết đang có một phòng khám nha khoa ở quê nhà, hoạt động rất tốt. Khi lớn tuổi ông thường dành một quãng thời gian trong năm để đi du lịch đây đó trong nước, nhất là vào mùa hè. Vào Đà Lạt nhiều lần, ông thích khí hậu ở đây nên quyết định vào hẳn thành phố này mua nhà và chuyển cả gia đình vào sinh sống.
“Trước đó cũng phân vân lắm vì Đà Lạt khá xa, lúc đó tôi cũng đi một vài nơi có khí hậu mát mẻ trong mùa hè ở phía Bắc như Tam Đảo, Sa Pa để thử tìm hiểu, nhưng rồi khi bàn bạc gia đình đã quyết định chọn Đà Lạt. Cho đến bây giờ tôi thấy đây là một quyết định đúng, tôi rất thích Đà Lạt, thích con người hiền hòa, môi trường sạch sẽ, thích không khí dịu mát quanh năm nơi đây rất hợp cho người lớn tuổi”- ông cười.
Ông cho biết phòng khám nha khoa của ông ở quê lâu nay được con ông tiếp quản và vận hành, một người con khác cũng theo nghề y của gia đình dạy tại một trường đại học. Con lớn nên khuyên ông cứ “an tâm” ở Đà Lạt. Tại Đà Lạt nhà ông mua cũng là một nhà nghỉ du lịch, nằm ngay khu trung tâm Đà Lạt nên luôn có một lượng khách ổn định, gần đây ông cho biết đang cho mở rộng thêm số phòng nghỉ cho khách đến lưu trú. Trong năm ông vẫn thường xuyên về quê để làm nghề, chỉ khi mùa hè nóng ông mới vào hẳn nơi đây thời gian dài.
Với bóng bàn, ông yêu thích môn thể thao này từ thời nhỏ, nhưng công việc, học hành bận rộn, mãi đến năm 45 tuổi ông mới quyết tâm dành thời gian cho nó. “Bận thì bận nhưng khi lớn tuổi tôi xác định sức khỏe là quan trọng, dù làm gì thì sức khỏe cũng cần nên có bận bao nhiêu thì tôi cũng sắp xếp 1-2 tiếng đồng hồ mỗi ngày để chơi bóng bàn” - ông cho biết.
Khi vào Đà Lạt lúc đầu ông đã tìm đến nơi có các câu lạc bộ (CLB) bóng bàn sinh hoạt để chơi bóng. Được mọi người giới thiệu đến CLB Nhà Văn hóa Lao động Lâm Đồng với rất nhiều người đồng lứa tuổi mình, ông trở thành một thành viên tích cực ở đây.
Nhưng có điều khi tham gia giải phong trào do CLB Nhà Văn hóa Lao động tổ chức, ông mới thấy giải thưởng ở đây sao ít thế. “Mỗi giải thưởng cho người vô địch chỉ vài trăm nghìn đồng, lúc nhiều lắm cũng chừng dưới 1 triệu đồng, hầu hết mọi người đều bảo tham gia với tinh thần vui là chính nhưng giải thưởng nhỏ quá không thu hút, không khuyến khích được nhiều người tham gia” - ông nhận xét.
Ông cho biết, ông đã nhiều lần cùng mọi người đi vận động tài trợ để tổ chức các giải bóng bàn tại quê, ông cũng từng làm Trưởng ban tổ chức giải bóng bàn xã hội hóa tại thị trấn Chờ tại Bắc Ninh - quê của ông, với tổng mức giải thưởng vào hàng “khủng” - đến 115 triệu đồng, trong đó chỉ riêng riêng tiền thưởng cho tay vợt vô địch đã là 20 triệu đồng.
“Theo kinh nghiệm của tôi, khi nâng lên đến mức thưởng đó, không chỉ các tay vợt trong tỉnh tham dự đông đảo mà còn có không ít các VĐV ở tỉnh ngoài, từ Hà Nội sang đăng ký thi đấu, giải rất đông người tham dự, tính cạnh tranh rất lớn” - ông chia sẻ.
Chính vì vậy, tại Đà Lạt, thông qua sự quen biết ông đã trực tiếp vận động một nhà tài trợ nâng mức hỗ trợ cho Nhà Văn hóa Lao động tỉnh để tổ chức giải bóng bàn hằng năm, đó là Công ty vận tải Thành Bưởi tại Đà Lạt. Trước đây Công ty này đã hỗ trợ cho Nhà Văn hóa tổ chức giải bóng bàn nhưng cũng chỉ ở mức chừng mực, khiêm tốn. Với sự vận động của bác sỹ Trại, Công ty này đã nâng dần mức hỗ trợ từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng và trong năm nay là 30 triệu đồng. Giải bóng bàn này của Nhà Văn hóa Lao động Lâm Đồng đến nay đã thành một giải truyền thống hằng năm ở đây.
Và cũng nhờ tăng mức thưởng cho các VĐV, tiền thưởng cho tay vợt vô địch nam nữ năm 2019 này lên 6 triệu đồng, giải thưởng có giá trị, mang tính chuyên môn cao nên đã thu hút rất nhiều VĐV từ mọi nơi đổ về Đà Lạt tham dự, dù đây chỉ là một giải xã hội hóa. Như trong năm nay, giải khi tổ chức trong tháng 6 vừa qua đã có trên 160 VĐV tham dự trong đó có không ít các tay vợt tên tuổi từ ngoài tỉnh.
Nhưng mức thưởng này theo bác sỹ Trại vẫn cần được nâng lên nữa. “Trong năm đến tôi sẽ vận động để tăng mức thưởng lên, cố gắng giải nhất cũng phải được 10 triệu đồng” - ông Trại hy vọng.
Theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động Lâm Đồng, bác sỹ Trại không chỉ là một người yêu thể thao, một thành viên tích cực của CLB Nhà Văn hóa Lao động mà còn rất tâm huyết với phong trào bóng bàn Đà Lạt. Ông chính là chiếc cầu nối giữa nhà tài trợ và Nhà Văn hóa Lao động để nâng chất lượng, uy tín giải bóng bàn nơi đây.
Với bác sỹ Trại, được đóng góp cho sự phát triển chung của phong trào bóng bàn nơi mình sinh sống trong đó có bóng bàn Đà Lạt chính là niềm vui lớn nhất của ông.
GIA KHÁNH