Có một câu lạc bộ bóng bàn trong vùng sâu Ðam Rông

08:09, 26/09/2019

Tận trong vùng sâu Ðạ Tông - Ðam Rông vẫn có những người yêu thể thao, tự đứng ra vận động mọi người cùng chung nhau mua bàn bóng bàn, thành lập một Câu lạc bộ để cùng chơi với nhau trong những buổi chiều.

Tận trong vùng sâu Ðạ Tông - Ðam Rông vẫn có những người yêu thể thao, tự đứng ra vận động mọi người cùng chung nhau mua bàn bóng bàn, thành lập một Câu lạc bộ để cùng chơi với nhau trong những buổi chiều.
 
Các thành viên của CLB bóng bàn Đạ Tông tham dự giải Trung cao tuổi toàn tỉnh năm 2019
Các thành viên của CLB bóng bàn Đạ Tông tham dự giải Trung cao tuổi toàn tỉnh năm 2019
 
Đó là Câu lạc bộ (CLB) Bóng bàn tại thôn Liên Trang 2, xã Đạ Tông trong vùng sâu huyện Đam Rông. Người đứng ra thành lập CLB này là anh Vũ Huy Phúc, một người yêu bóng bàn nơi đây. 
 
Năm nay 35 tuổi (sinh 1984), anh Phúc là bộ đội phục viên, xuất ngũ về quê mở một xưởng cơ khí chuyên về xây dựng, làm cửa sắt, cửa nhôm, làm mái nhà sắt các loại. Làm việc ở xưởng nơi đây cùng anh còn có thêm vài người phụ việc nữa.
 
Là người yêu thể thao, thích bóng bàn, nhưng vùng sâu nơi đây làm gì có chỗ nào chơi bóng bàn. “Vậy thì tại sao mình không thành lập một CLB, qui tụ mọi người cùng tới để chơi với nhau” - anh nghĩ như vậy. Rồi anh tìm người để vận động cùng thành lập CLB. 
 
Cách đây 3 năm anh Phúc đã thành lập được một CLB bóng bàn tại xã mình khi đã vận động được 5-6 người trong vùng. Mọi người sau đó đã tự đóng góp tiền để mua bàn bóng, CLB lúc đầu chỉ có 1 bàn nay đã lên 2 bàn, đặt ngay tại nhà xưởng cũng là nhà anh Phúc đang ở hiện nay. Nhà xưởng rộng, có mái che, cứ chiều chiều khi công việc xong là anh Phúc cho dọn dẹp và bày 2 bàn bóng ra để mọi người cùng đến chơi. 
 
“Chúng tôi là một CLB bóng bàn “tự phát”, cái gì cũng tự mình làm, tự đóng góp tiền bạc mua bàn, tự mua vợt mua bóng để chơi, ai có tiền nhiều thì sắm vợt xịn, không thì vợt thường cũng được. Chơi bóng bàn cho vui, khỏe người, anh em gặp nhau để giao lưu trò chuyện chứ trong vùng sâu này ban đêm hơi buồn vì vắng lặng lắm” - anh Phúc tươi cười.
 
CLB Bóng bàn Đạ Tông ban đầu chỉ 5-6 người đến nay đã lên gần 20 người, chủ yếu là những người sinh sống chung quanh, có người là chủ doanh nghiệp như anh Trương Đình Đồng; có người là cán bộ công chức như ông Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư xã Đạ Tông; có người là giáo viên như ông Cao Xuân Thái - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đạ Tông. Tất cả đều thích chơi bóng bàn, dù bận rộn công việc nhưng hằng ngày vẫn sắp xếp thời gian để đến đây làm vài hiệp đấu. 
 
Theo thầy giáo Cao Xuân Thái, Trung học phổ thông Đạ Tông nơi anh công tác năm học này có khoảng 700 học sinh, mấy năm trước trường cũng có bàn bóng bàn nhưng sau đó bị hỏng và chưa mua lại được. “Do 90% học sinh của trường là học sinh dân tộc thiểu số, hầu hết thích các môn thể thao hoạt động ngoài trời như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… Tại trường CLB các môn thể thao ngoài trời này sinh hoạt rất sôi nổi nhưng môn bóng bàn trong nhà còn rất ít học sinh chơi”.
 
Nhưng cũng một phần nữa, theo ông Thái, trường vùng sâu nên còn nhiều thiếu thốn, thiếu phòng học theo qui định, chưa có nhà hiệu bộ nên Ban giám hiệu phải sử dụng một phòng học làm nơi làm việc, nhà tập luyện thể dục thể thao cũng chưa có nên chưa thể mua bàn bóng bàn cho học sinh chơi vì nếu có mua cũng chưa có chỗ đặt. “Nếu sắp đến được đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất trường chúng tôi cũng có kế hoạch trang bị bàn bóng bàn để khuyến khích môn thể thao này phát triển trong học đường” - ông Thái cho biết.
 
Theo ông Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư xã Đạ Tông, ở xã này tìm chỗ chơi bóng bàn hơi khó vì đây là một môn thể thao rất mới với người dân tộc thiểu số; Đạ Tông hiện nay lại có đến 98% dân số là người dân tộc thiểu số. Cũng như học sinh trong các trường học, thanh niên trong xã cũng chủ yếu chơi bóng đá, bóng chuyền tại các sân bãi trong thôn. Tuy nhiên điều bất lợi là các sân đất trong làng xã lại không chơi được trong mùa mưa nên xã đang có hướng phát triển thêm một vài môn thể thao trong nhà để sinh hoạt trong mùa mưa kéo dài, trong đó có môn bóng bàn. 
 
“Cả 9 thôn trong xã Đạ Tông nay đều đã có nhà văn hóa - sinh hoạt cộng đồng thôn, chúng tôi tìm nguồn kinh phí hay nếu được là xin tài trợ để trang bị cho mỗi thôn như thế một bàn bóng bàn để người dân đến chơi” - ông Huy mong muốn.
 
Cho đến nay, CLB tại nhà anh Phúc này vẫn chính là nơi duy nhất ở xã Đạ Tông có bóng bàn, được duy trì sinh hoạt đều đặn mỗi ngày trong chiều tối. 
 
Cuối tháng 6 vừa qua, CLB khi nhận được công văn của huyện đã vận động mọi người trong CLB tự bỏ tiền túi cùng nhau ra Đà Lạt tranh tài tại giải Bóng bàn Trung cao tuổi toàn tỉnh 2019.
 
“Chúng tôi dự giải bóng bàn cấp huyện nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên ra Đà Lạt dự một giải cấp tỉnh. Biết là anh em chủ yếu chơi phong trào, trình độ có hạn nhưng vẫn cố gắng tham dự giải tỉnh cho biết để về phát triển phong trào tại địa phương” - anh Phúc cho biết. Tại giải một thành viên trong CLB này đã giành được tấm huy chương đồng trong nhóm tuổi của mình.
 
Theo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, phong trào bóng bàn tỉnh lâu nay vẫn chỉ quanh quẩn trong các vùng đô thị như Đà Lạt, Bảo Lộc, tại các trung tâm huyện như thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng hay thị trấn Di Linh - Di Linh… Giải năm nay cũng vậy, bên cạnh các trung tâm mạnh về bóng bàn phong trào của tỉnh đã có thêm những VĐV trong vùng sâu Đam Rông ra tranh tài như thế là một điều rất đáng khuyến khích và trân trọng.
 
Còn với các thành viên trong CLB Bóng bàn Đạ Tông, việc tranh tài tại giải Trung cao tuổi toàn tỉnh trong tháng 6 vừa qua là một trải nghiệm rất đáng giá. Theo ông Phúc, ra đây CLB được làm quen, giao lưu với các VĐV cùng lứa tuổi trong khắp cả tỉnh, học hỏi được rất nhiều thứ. “CLB chúng tôi cũng đang tập bóng bàn cho các trẻ em trong vùng, có dịp các cháu sẽ ra Đà Lạt học thêm bóng bàn trong các mùa hè để nay mai nếu có dịp thì các cháu cũng ra đây tranh tài trong các giải tỉnh” - ông Phúc nói.
 
GIA KHÁNH