Ðó là đội văn nghệ của Thôn 7 - Tân Châu, Di Linh. Trong nhiều năm nay đội văn nghệ thôn này đã kết hợp với đội dưỡng sinh cùng thôn đi biểu diễn ở xã, huyện và tỉnh, tham gia tranh tài tại các giải dưỡng sinh khu vực và quốc gia, mang về không ít huy chương cho Lâm Ðồng!
Ðó là đội văn nghệ của Thôn 7 - Tân Châu, Di Linh. Trong nhiều năm nay đội văn nghệ thôn này đã kết hợp với đội dưỡng sinh cùng thôn đi biểu diễn ở xã, huyện và tỉnh, tham gia tranh tài tại các giải dưỡng sinh khu vực và quốc gia, mang về không ít huy chương cho Lâm Ðồng!
Đội văn nghệ Thôn 7 - Tân Châu, Di Linh |
Niềm vui múa hát
Với Triệu Ngọc Nguyên Hân, 40 tuổi, người Thôn 7, xã Tân Châu - Di Linh, những buổi tối tập văn nghệ với các chị em phụ nữ trong thôn là một niềm vui sau ngày dài làm việc cực nhọc mà chị đã duy trì trong suốt nhiều năm nay.
Thôn 7, xã Tân Châu, cách trung tâm thị trấn Di Linh không xa, chừng hơn 5 km, nằm dọc theo Quốc lộ 28 đường từ Di Linh qua Đắk Nông, thanh bình với những ngôi nhà ẩn sâu trong vườn, bao quanh là cà phê xanh ngắt đang cho trái.
Từng được mệnh danh là xã giàu có nhất nhì Lâm Đồng, Tân Châu có không ít triệu phú, tỷ phú nông dân, tất cả là nhờ làm vườn, nhờ canh tác cà phê. Hiện nay dù giá cà phê không còn ngất ngưởng cao như trước, nhưng nơi đây vẫn là một vùng nông thôn trù phú, nhà nhà trồng cà phê, người người làm cà phê, nhiều thì dưới chục ha, ít nhất thì cũng vài sào. Thu nhập từ cà phê là chính, nhưng nay xã này còn có thêm cây ăn trái trồng xen trong vườn cà phê.
Không chỉ là nông dân cần mẫn, người Tân Châu còn có tinh thần yêu văn nghệ, yêu thể thao rất lớn. Xã có nhiều thôn, hầu hết các thôn đều có đội văn nghệ, có đội bóng đá, bóng chuyền của mình. Tiêu biểu nhất trong những thôn này chính là Thôn 7 với đội thể dục dưỡng sinh và đội văn nghệ thôn.
Với dưỡng sinh, người Thôn 7 đã bắt đầu tập luyện rất sớm từ khi dưỡng sinh người cao tuổi từ thị trấn Di Linh lan vào đây. Cũng chỉ rèn luyện nâng cao sức khỏe, rồi đội thôn tổ chức đi thi, giành giải ở xã, đại diện xã tham gia giải huyện rồi giành giải huyện, đại diện huyện thi đấu giải tỉnh rồi giành luôn huy chương cấp tỉnh. Khi đi thi đấu giải khu vực và quốc gia, đội đến nay cũng liên tục giành huy chương về cho tỉnh.
Còn đội văn nghệ thôn cũng vậy, ban đầu như chị Hân cho biết, cũng chỉ tập hợp mọi người lại để tập múa hát những buổi tối tại hội trường thôn nhằm biểu diễn trong các dịp thôn cần. “hội Phụ nữ thôn đi vận động các chị em ai có năng khiếu văn nghệ thì đi tập để có tiết mục biểu diễn. Có lần đến xem đội tập, tôi được các chị vận động nên vào thử, thấy vui nên từ đó đến nay tham gia luôn” - chị Hân tươi cười.
Trong đội văn nghệ này có người là nông dân chính hiệu cả ngày quanh quẩn với vườn tược, việc nhà; có người buôn bán như chị Trần Thị Bích Hồng; có người là kế toán trường học như chị Trần Thị Thanh Loan…, người ít thì tham gia đội cũng vài năm, có người gắn bó với đội từ ngày thành lập đến nay.
Như chị Trần Thị Liễu, 44 tuổi cho biết, tình cờ trong đội có chị vắng mặt không tham dự được nên đội mời chị vào tập thế chỗ để cùng biểu diễn cho một dịp gì đó ở xã. Cân nhắc mãi vì không biết khả năng mình ra sao, chị Liễu thử nhận lời rồi từ đó đến nay hơn 2 năm chị là một thành viên tích cực của đội. “Thông thường cứ tối từ 7-9 giờ các chị em gặp nhau để tập khi chuẩn bị một sự kiện nào đó, gặp nhau nói chuyện, tập luyện cùng nhau rất vui nên lâu không gặp là nhớ”- chị Liễu vui cười.
Theo chị Phan Băng Kim Lệ, 50 tuổi, đội trưởng, đội văn nghệ Thôn 7 đã duy trì hoạt động từ năm 2010 đến nay. “Thành lập đội là để tham gia phong trào của thôn xã, coi như văn nghệ “cây nhà lá vườn”, múa hát cho nhau xem là chính, các tiết mục thì tự biên tự diễn, mở mạng thấy bài nào hay hay thì học chút rồi chị em tự tập với nhau” - chị Lệ cho biết.
Cùng với 11 thành viên “nòng cốt”, đội văn nghệ thôn này còn có thêm một số thành viên “dự bị” khác nữa trong thôn, lỡ khi có ai vắng mặt do bận rộn việc nhà thì người khác điền vào chỗ trống. Nhưng dù “chính thức” hay “dự bị” gì thì mọi người trong đội vẫn tập luyện đều tay với nhau, khi ai vắng thì người khác thu xếp đi biểu diễn và cả đội luôn coi đây là niềm vui của mình.
“Song kiếm hợp bích”
Nhưng nếu không có đội dưỡng sinh thôn thì đội văn nghệ thôn này vẫn chỉ loanh quanh trong xã Tân Châu, trong huyện Di Linh chứ không thể vươn xa tầm cả nước như hiện nay.
Bởi lẽ các giải dưỡng sinh người cao tuổi cấp khu vực và quốc gia hiện nay bên cạnh các bài biểu diễn dưỡng sinh, các đội còn phải tham dự các tiết mục múa hát, như là hình thức của một “Gala”.
Khi đội dưỡng sinh Thôn 7, Tân Châu đại diện cho Lâm Đồng tham dự các Gala dưỡng sinh khu vực quốc gia, đội cần thêm một đội văn nghệ nữa cho các tiết mục múa hát này, và đội văn nghệ cùng thôn của mình như là một chọn lựa hợp lý nếu không nói là quá hoàn hảo cho một đội dự giải quốc gia.
Đơn giản vì cả 2 đội cùng thôn, các chị em phụ nữ cùng nhau sinh hoạt trong thôn, đội dưỡng sinh trong thôn rất xuất sắc thì các tiết mục của đội văn nghệ thôn cũng xuất sắc không kém dù chỉ là tự biên tự diễn.
Nhưng cũng cần nói đến vai trò của một người trong việc đưa đội dưỡng sinh và đội văn nghệ Thôn 7, Tân Châu bay cao và xa như hiện nay, đó chính là ông Lê Đình Mật. Năm nay 72 tuổi, ông Mật là một doanh nhân và cũng là một người cực kỳ yêu thể dục dưỡng sinh tại huyện Di Linh. Ông đã bỏ tiền túi ra thuê HLV về dạy cho đội dưỡng sinh Thôn 7 và nhờ người đến “biên tập” lại các bài múa của đội văn nghệ Thôn 7 trước khi dự giải. Và cũng chính ông bỏ tiền riêng của mình để tài trợ cho đội dưỡng sinh và đội văn nghệ Thôn 7 này tham dự các Gala dưỡng sinh trong nước.
Nhờ nguồn tài trợ này, Dưỡng sinh Di Linh - gồm đội dưỡng sinh và đội văn nghệ Thôn 7 - Tân Châu những năm gần đây hầu như năm nào cũng đại diện cho Dưỡng sinh Lâm Đồng đi dự giải khắp nơi trong nước; tại Đà Lạt, tại TP HCM, ra Hà Nội, đi Sóc Trăng…, gần đây nhất trong tháng 8 vừa qua đội đã dự Gala Dưỡng sinh toàn quốc tại Kiên Giang. Đi đâu đội cũng giành cúp và huy chương về cho Dưỡng sinh Lâm Đồng.
Với các thành viên đội múa, như lời chị Hân, “nếu không tham dự đội văn nghệ thì chắc bây giờ cũng chỉ biết nhà biết vườn, loanh quanh đâu đó trong xã, trong huyện, lên Đà Lạt thăm bà con chứ đâu có dịp đi xa thế”. Còn chị Lệ: “Mình đi thi thì phải lo lắng chuẩn bị tập luyện mọi thứ cho sự thành công của đội, nhưng cũng rất vui vì biết được nhiều nơi trong nước, gặp gỡ quen biết được nhiều người, đi xa cũng học được nhiều thứ lắm”.
VIẾT TRỌNG