Có không ít những câu lạc bộ (CLB) đào tạo trẻ như vậy tại Đà Lạt, Đức Trọng và thêm một vài nơi. Những CLB này thông qua phương cách xã hội hóa, khuyến khích lớp trẻ đến với thể thao, chọn một môn thể thao để chơi, chọn đời sống vận động, khỏe về thể chất, lành mạnh về tinh thần.
Có không ít những câu lạc bộ (CLB) đào tạo trẻ như vậy tại Đà Lạt, Đức Trọng và thêm một vài nơi. Những CLB này thông qua phương cách xã hội hóa, khuyến khích lớp trẻ đến với thể thao, chọn một môn thể thao để chơi, chọn đời sống vận động, khỏe về thể chất, lành mạnh về tinh thần.
|
CLB Bóng bàn Trường Tiểu học Trương Vương Đà Lạt |
Sự cộng tác của phụ huynh
Khi nói về sự đi lên của CLB bóng bàn trẻ Tiểu học Trưng Vương - Đà Lạt của mình, huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Đức Độ, Chủ nhiệm của CLB này đã tươi cười cho rằng một phần rất lớn nhờ sự cộng tác, hỗ trợ của các bậc phụ huynh.
Là một giáo viên thể dục, năm nay 32 tuổi, HLV Nguyễn Đức Độ hiện đang công tác tại Trường chuyên Thăng Long - Đà Lạt. Là một tay vợt nổi tiếng trong làng bóng bàn Lâm Đồng, 2 lần, trong năm 2010 và 2011 Nguyễn Đức Độ giành được danh hiệu vô địch toàn tỉnh. Tại trường chuyên Lâm Đồng, bóng bàn được coi là một môn tự chọn của học sinh.
Năm 2009, thầy giáo kiêm vận động viên và HLV này đã đứng ra mở CLB đào tạo bóng bàn trẻ tại Trường Tiểu học Trưng Vương - Đà Lạt. Nơi đây, hội trường khá rộng rãi được anh cộng tác với trường đầu tư 6 bàn bóng mới, mua vợt mua bóng, chiêu sinh dạy bóng bàn cho mọi người, chủ yếu là lớp trẻ bậc tiểu học. “CLB ai đến cũng dạy, từ 7 tuổi trở lên là được, nhưng nhiều người 16 - 18 tuổi cũng có thể đến tập” - HLV Độ cho biết.
Cho đến nay, CLB đào tạo bóng bàn trẻ nơi đây đã ngày càng thu hút đông người tập, trung bình mỗi ngày có chừng 45 - 50 học viên, mùa hè đông hơn vì học sinh nghỉ hè. Mỗi ngày CLB mở cửa từ 17 giờ 30 đến 20 giờ 30 Dạy tại đây còn có 3 HLV khác nữa; học phí mỗi tháng 500 nghìn đồng/người
Điều gì đã khiến CLB ngày càng đông học viên? Theo HLV Độ, đó chính là người huấn luyện phải biết cách khích lệ tinh thần yêu thích thể thao của từng học viên. “Phải truyền được niềm yêu thích vận động, tạo được không khí vui tươi ở lớp tập, không ép tập, để các em tiếp nhận từ từ, khuyến khích các em vượt qua những bước nhỏ và khi các em yêu thích sẽ rất hăng say tập luyện” - HLV Độ cho biết.
Cùng đó, theo HLV Độ, sự cộng tác của phụ huynh với CLB rất quan trọng, vì đa số học viên nhí phải cần cha mẹ đưa đón, động viên, tạo điều kiện cho con mình gắn bó với CLB. “Thể thao không chỉ giúp khỏe mạnh về thể chất mà còn làm các em vui, tránh xa được các tệ nạn không mong muốn và chính điều này CLB rất được phụ huynh ủng hộ” - anh Độ cười.
Trong nhiều năm hoạt động CLB này đã góp phần đào tạo nhiều cây vợt cho cấp trường, cấp thành phố và cấp tỉnh trong nhiều năm nay.
Lò đào tạo năng khiếu
Một trong những CLB đào tạo bóng bàn trẻ nổi tiếng hiện nay tại Đà Lạt chính là CLB Bóng bàn Phù Đổng nằm ở đường Phù Đổng Thiên Vương, Phường 8, Đà Lạt.
Điểm mạnh của CLB này chính là việc hầu hết 5 HLV nơi đây đều tham gia và có kinh nghiệm trong đào tạo năng khiếu trẻ môn bóng bàn cho tỉnh. Cơ sở rộng rãi, có 10 bàn bóng và các trang thiết bị cần thiết để đào tạo bóng bàn.
CLB này hiện có khoảng 60 - 70 học viên đến tập luyện hằng ngày, hè có đông hơn. Không chỉ lớp trẻ mà nhiều học viên lớn tuổi vẫn thích đến đây tập, tuy nhiên nhiều nhất vẫn là học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở. Không như các CLB khác mở cửa có giờ, học viên nơi đây dù học phí đắt hơn chỗ khác một chút với 600 nghìn đồng/tháng, nhưng bù lại có thể đến tập bất kỳ thời gian nào trong ngày, từ 7 giờ 30 đến 19 giờ 30.
Và cũng do kết hợp CLB đào tạo phong trào và cả cho năng khiếu nên theo HLV Lê Bảo Trung, rất nhiều học viên học chơi ở đây đều là thành viên nòng cốt phong trào bóng bàn của CLB các trường học trên địa bàn, không ít vận động viên (VĐV) giành huy chương tại các giải thành phố, giải cấp tỉnh. Nhiều VĐV tập nơi đây khi hội đủ điều kiện sẽ được chọn vào đội tuyển năng khiếu bóng bàn tỉnh.
Trong rất nhiều khuôn mặt VĐV bóng bàn trẻ của tỉnh hiện nay như Đỗ Nguyễn Uyên Nhi (từng đoạt Huy chương Bạc Đông Nam Á 2016, 2017), Nguyễn Khánh Hạ, Chế Nguyên, Đinh Lê Tuấn Khôi… đều xuất thân từ CLB này.
Nỗ lực của một CLB huyện
Có thể nói, Đức Trọng là huyện duy nhất của tỉnh Lâm Đồng (cùng với Đà Lạt) có đào tạo bóng bàn trẻ một cách bài bản theo mô hình xã hội hóa hiện nay. Đó chính là CLB duy nhất dạy bóng bàn và được đặt tại Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện.
Thành lập từ năm 2010, CLB này đã duy trì đến nay và có 8 bàn bóng, mỗi năm đều có số lượng học viên tăng lên với khoảng trên 60 học viên, từ lớp mẫu giáo 4-5 tuổi đến 17 tuổi, ngày thường thì đến sinh hoạt chừng 30 - 40 học viên, hè thì rất đông. CLB thường mở cửa cả ngày nhưng chủ yếu các em do là học sinh phải đến lớp nên thường tập trung đông vào buổi chiều tối và những ngày cuối tuần, học phí nơi đây chỉ 400 nghìn đồng/ tháng cho mỗi học viên.
Duy trì một CLB như vậy có thể nói là một nỗ lực rất lớn của Đức Trọng, và hơn thế nữa, số học viên ngày càng đông hơn. Theo HLV Nguyễn Bảo Toàn, học trò đến đông cũng nhờ vào lòng nhiệt tình của các HLV nơi đây. Cũng như CLB Tiểu học Trưng Vương ở Đà Lạt, nơi đây theo ông Toàn, CLB đã từng bước truyền được niềm yêu thích thể thao, yêu bóng bàn để các em nối bước. Sự cộng tác của phụ huynh cũng không kém quan trọng khi chính họ là người kiên nhẫn đưa đón con em mình đến lớp tập duy trì hằng ngày.
Để khuyến khích phong trào bóng bàn trong lớp trẻ, trong nhiều năm nay theo ông Toàn, CLB đã vận động phụ huynh đóng góp để tổ chức giải bóng bàn trẻ thiếu niên nhi đồng cấp huyện trong hè. Gần đây, CLB này đã mở thêm 1 chi nhánh “mới” tại Nhà Văn hóa xã Hiệp Thạnh ngay cạnh Ngã ba Phi Nôm với 6 bàn bóng, trên 16 em đến tập trong ngày.
Tại Giải Bóng bàn Trẻ thiếu niên nhi đồng toàn tỉnh 2019 vừa qua, các VĐV của CLB Đức Trọng này đã giành được đến 13 huy chương, trong đó có 1 vàng, 4 bạc, còn lại là đồng.
GIA KHÁNH