Trong cuối tuần này, từ 30/11 đến 11/12, Đại hội Thể thao của các quốc gia Đông Nam Á - SEA Games lần thứ 30 năm 2019 sẽ diễn ra tại Philippines. Cứ mỗi khi Đại hội thể thao lớn của khu vực này diễn ra, người ta lại tự hỏi khi nào thì SEA Games mới thực sự là một sân chơi công bằng?
Trong cuối tuần này, từ 30/11 đến 11/12, Đại hội Thể thao của các quốc gia Đông Nam Á - SEA Games lần thứ 30 năm 2019 sẽ diễn ra tại Philippines. Cứ mỗi khi Đại hội thể thao lớn của khu vực này diễn ra, người ta lại tự hỏi khi nào thì SEA Games mới thực sự là một sân chơi công bằng?
Tiền đạo Hà Đức Chinh vui mừng sau khi ghi bàn thắng thứ 4 vào lưới của U22 Brunei hôm 25/11 |
Những môn thể thao “lạ”
Được tổ chức 2 năm một lần, Đại hội Thể thao các quốc gia Đông Nam Á - SEA Games (tên cũ là SEAP Games) kể từ lúc tổ chức lần đầu năm 1959 tại Thái Lan với chỉ 12 môn đến nay đã được mở rộng dần với rất nhiều môn thể thao nữa được đưa vào chương trình thi đấu.
Như SEA Games 30 tại Philippines lần này tổng cộng đến 56 môn thi đấu - một con số kỷ lục với số môn thi đấu nhiều nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, quốc gia này cũng từng lập một “kỷ lục” tương tự trong lần đăng cai SEA Games lần thứ 23 năm 2005 trước đó, khi đã đưa số môn thi đấu lên con số 40, cao nhất tính đến thời điểm đó. Có 2 quốc gia khác sau đó tiếp tục nâng số môn thi đấu lên, đó là Thái Lan với 43 môn trong lần đăng cai Đại hội năm 2007 và Indonesia 44 môn trong lần đăng cai năm 2011 với 44 môn.
Nhiều môn được thi đấu hơn trong các Đại hội chứng tỏ các quốc gia Đông Nam Á đã từng bước phát triển cơ sở hạ tầng của mình; sửa chữa, nâng cấp xây mới hệ thống sân bãi tập luyện, thi đấu TDTT tốt hơn; công tác tổ chức cũng hoàn thiện hơn khi một lúc có thể tiếp nhận số lượng lớn VĐV và cổ động viên từ nhiều quốc gia đổ về trong những ngày Đại hội diễn ra.
Để khuyến khích các quốc gia trong vùng đăng cai Đại hội, đặc biệt là những nước lâu nay do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nên ít hoặc chưa đăng cai, Ủy ban Olympic Đông Nam Á đã cho phép các chủ nhà khi đăng cai, bên cạnh các môn thể thao trong chương trình thi đấu Olympic, có thể đưa thêm một số môn thể thao của quốc gia mình vào như là một phương cách ưu tiên cho chủ nhà quảng bá hình ảnh đất nước, để các nước trong vùng tiếp cận và phát triển thêm những môn thể thao mới, tăng tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau.
Tuy nhiên, không ít quốc gia đã tận dụng điều này để đưa vào thi đấu những môn thể thao rất “lạ”, rất “trời ơi”, càng lạ càng ít người chơi càng tốt. Cùng đó họ cũng cắt giảm bớt những nội dung thi đấu trong một số môn “khó gặm”, đội nhà thì yếu trong khi các nước khác mạnh hơn đội mình. Tất cả cho mục tiêu giành càng nhiều huy chương càng tốt, nhất là huy chương vàng cho chủ nhà đăng cai.
Trong SEA Games 2019 năm nay chẳng hạn, chủ nhà Philippines đã “mạnh tay” nhấn nút xóa những nội dung của môn nào “gà nhà” mình còn yếu. Như điền kinh chẳng hạn với rất nhiều nội dung, chủ nhà đã ra tay xóa bớt các nội dung mình không hoặc khó giành huy chương (trong khi Việt Nam có rất nhiều VĐV mạnh trong cự ly này chẳng hạn), đồng thời thêm vào những môn thi đấu khá “lạ”, như võ gậy (Arnis - môn võ gậy truyền thống người Philippines), như bóng sàn, thể thao điện tử, bóng gỗ… Đặc biệt như môn khúc côn cầu dưới nước, một môn rất lạ, chỉ có 5 nước cử đội tham gia trong nội dung thi đấu nam và 3 đội tham gia trong nội dung nữ. Với 3 đội nữ đăng ký này, chỉ cần có mặt là có huy chương, ít nhất là màu đồng!
Vì sao ai cũng rõ chuyện bất hợp lý này nhưng các thành viên trong Hội đồng Olympic các nước Đông Nam Á này không lên tiếng phản đối? Câu trả lời ở đây có thể là các thành viên nể mặt nhau, “lần này anh, lần sau đến lượt chúng tôi”. Hoặc cũng có thể muốn ưu tiên cho những chủ nhà không mạnh về thể thao trong khu vực khi bỏ tiền tốn kém ra đăng cai, ít ra cũng có tấm huy chương để “bằng chị bằng em với mọi người”. Dù gì đi nữa thì phương cách này đến nay đã đến thời điểm cần một cách làm khác hơn.
Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 2019 năm nay có 856 thành viên, tranh tài 43 môn, thế mạnh của đoàn là điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, đua thuyền, bơi, cờ vua, cử tạ...
Chỉ tiêu của đoàn phấn đấu giành từ 65 đến 70 huy chương vàng, xếp ít nhất ở vị trí thứ 3 toàn đoàn.
|
Những chiêu “độc”
Còn rất nhiều chiêu “độc” nữa mà chủ nhà có thể ra tay khi muốn có thêm huy chương để tô điểm cho báo cáo thành tích của mình.
Trong SEA Games 2017 vừa qua, để giành huy chương cho mục tiêu nhất toàn đoàn của chủ nhà, đã có trường hợp VĐV Malaysia giành huy chương vàng nội dung đi bộ 10 km nữ nhờ… chạy bộ về đích với sự ngó lơ của trọng tài, trong khi VĐV Việt Nam đi bộ về đích đúng luật liền sau đó chỉ nhận được huy chương bạc.
Tương tự, trong nội dung xe đạp đồng đội nam tính giờ tại Đại hội này, trong khi Thái Lan cạnh tranh quyết liệt với đội đua Việt Nam và họ chính là đội về đích đầu tiên thì bất ngờ trọng tài lại công bố chủ nhà Malaysia giành giải nhất trong sự ngơ ngác của đội đua Thái. Đơn giản là vì các tay đua Thái Lan và Việt Nam chạy bám theo xe dẫn đường còn đội đua Malaysia lại theo… đường tắt để cán đích trước. Quá bức xúc đội Thái Lan đã khiếu nại đòi xem lại đoạn băng ghi hình về đích của đội Malaysia và đội mình, nhưng nước chủ nhà đã từ chối cung cấp.
Có không ít những chiêu nữa được chủ nhà áp dụng như xếp cho đội nhà vào bảng đấu thuận lợi trong khi đưa các đội có khả năng cạnh tranh huy chương với mình vào bảng đấu bất lợi; can thiệp kết quả trọng tài; bắt ép đội khách; bố trí lịch tập bất thuận lợi; nhờ cổ động viên nhà gây sức ép…
Như một thông lệ, các nước chủ nhà khi đăng cai trừ vài những trường hợp đặc biệt, thường giành giải nhất toàn đoàn cùng số huy chương vàng đạt được. Như Malaysia chẳng hạn, họ đã giành đến 323 huy chương tại SEA Games 29 khi đăng cai trên đất nước mình trong đó có đến 145 huy chương vàng, trong khi đội về nhì Thái Lan chỉ được 246 huy chương, trong đó có 72 huy chương vàng; Việt Nam xếp thứ ba với 168 huy chương, trong đó có 58 vàng. SEA Games 2011 tại Indonesia chủ nhà cũng nhất toàn đoàn với 182 vàng, trong khi Thái Lan đứng nhì chỉ có 107 vàng.
Cũng có những trường hợp chủ nhà không giành nhất toàn đoàn, như trường hợp của Myanmar năm 2013 khi Thái Lan dẫn đầu với 282 huy chương, trong đó có 107 vàng; chủ nhà Myanmar về nhì với 233 huy chương, trong đó có 86 vàng. Đặc biệt, Singapore khi đăng cai SEA Games 2015 gần đây, dù với thế mạnh thể thao của mình họ cũng không dẫn đầu toàn đoàn mà đứng nhất trong bảng xếp hạng là đội Thái Lan với 95 huy chương vàng.
Cho đến nay, chính SEA Games 2015 do Singapore đăng cai đã được đánh giá là một Đại hội mang tính công bằng rất cao. Dù chủ nhà năm đó chỉ đưa 36 môn vào thi đấu nhưng đây chủ yếu là các môn Olympic và nước này còn áp dụng những công nghệ tốt nhất để đảm bảo tính công bằng cho các trận đấu, đây là điểm sáng hiếm hoi rất đáng ghi nhận để học tập khi Việt Nam sắp đến sẽ đăng cai SEA Games 2021.
GIA KHÁNH