Bóng đá châu Âu thiệt hại nặng

06:03, 08/03/2020

Nếu dịch COVID-19 vẫn không thuyên giảm trong thời gian tới, nhiều trận đấu của Serie A có thể sẽ diễn ra trên sân không khán giả. Nếu điều này xảy ra, bóng đá Ý sẽ thiệt hại nặng về tài chính.

Nếu dịch COVID-19 vẫn không thuyên giảm trong thời gian tới, nhiều trận đấu của Serie A có thể sẽ diễn ra trên sân không khán giả. Nếu điều này xảy ra, bóng đá Ý sẽ thiệt hại nặng về tài chính.
 
Cách đây vài ngày, ban lãnh đạo Juventus khẳng định sẽ không hoàn lại tiền vé trận đấu với Inter Milan (Juve thu được đến 3 triệu euro) cho người hâm mộ dù trận đấu bị hoãn.
 
Atalanta (áo sậm) là “cơn ác mộng” của các đội bóng lớn ở châu Âu mùa này
Atalanta (áo sậm) là “cơn ác mộng” của các đội bóng lớn ở châu Âu mùa này
 
Serie A lại u ám
 
Mùa giải 2017-2018 đánh dấu cột mốc đặc biệt của Serie A khi lần đầu tiên sau 17 năm, 20 đội bóng của giải có được lãi ròng về tài chính sau nhiều năm trời chỉ biết lỗ. Và điều này đến một phần nhờ vào việc bán vé.
 
Những năm thập niên 1990 và đầu 2000, Serie A là giải đấu số 1 thế giới. Lúc đó, lượng khán giả trung bình mỗi mùa của Serie A từ 30.000-40.000 người/trận. Đến giữa thập niên 2000, Serie A rơi vào cảnh khủng hoảng khi số khán giả sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn 20.000 - 25.000 người/trận. Đến mùa giải 2016-2017, lượng khán giả trung bình chỉ còn 21.985 người/trận.
 
Nhưng phong độ ấn tượng của Juventus ở Champions League cùng sự khởi sắc của Inter Milan, AS Roma những năm qua giúp Serie A dần khôi phục sự sôi động trên khán đài. Mùa 2017-2018, số khán giả trung bình tăng lên 24.783 và mùa giải hiện tại là 27.173. Việc có đến ba đội bóng đua tranh vô địch quyết liệt mùa này (Juventus, Lazio và Inter Milan) cùng chuyến phiêu lưu thú vị của Atalanta ở cả đấu trường quốc nội lẫn Champions League giúp Serie A sôi động hơn hẳn. Nhưng rồi COVID-19 xuất hiện và làm đảo lộn những hi vọng về năm tài khóa sáng sủa của bóng đá Ý. Nhiều trận đấu của cả chục đội bóng thuộc Serie A đến từ những vùng có dịch như Lombardy và Veneto phải tạm hoãn hoặc diễn ra trong sân đấu không khán giả.
 
Những vòng đấu tới, kể cả khi trận đấu có diễn ra bình thường, chắc chắn lượng CĐV cũng sẽ giảm vì mối nguy dịch bệnh, hoặc khán giả không mua vé để khỏi... mất tiền oan như việc Juventus không chịu hoàn tiền vé mới đây. Juventus là một trong top 10 đội bóng châu Âu có thu nhập từ tiền bán vé cao nhất, với trung bình mỗi trận vào khoảng 1,7 triệu euro. Juventus vẫn còn 7 trận trên sân nhà ở mùa này. Nếu tất cả đều phải đóng cửa với CĐV, họ sẽ thiệt hại khoảng 12 triệu euro. Đó là chưa tính đến các khoản thu nhập liên quan đến việc tổ chức trận đấu như dịch vụ ăn uống...
 
Ý sợ một, Đức sợ hai
 
Không đến mức nghiêm trọng như Ý nhưng Đức hiện cũng là quốc gia đứng thứ 3 châu Âu về số ca nhiễm COVID-19 (sau Ý và Pháp). Trái ngược với Serie A, nhiều năm qua Bundesliga vẫn tự hào họ là giải đấu thu hút CĐV đến sân số 1 thế giới.
 
Ở Giải ngoại hạng Anh những mùa gần đây, lượng vé trung bình mỗi trận bán ra vào khoảng 38.000 - 39.000 vé, còn Bundesliga năm nào cũng vượt qua mốc 40.000. Với Serie A, tiền vé chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu các đội bóng. Còn với Bundesliga, con số này là 14%. Trong bảng xếp hạng 20 CLB có nguồn thu từ bán vé đứng đầu châu Âu, Bundesliga chiếm đến 6 đội (Bayern, Hamburg, Dortmund, Schalke 04, Stuttgart và Frankfurt).
 
Không chỉ các giải đấu quốc nội, nhiều đội bóng lớn còn lo ngại cho hành trình Champions League và Europa League của họ - nơi các trận đấu có giá vé rất cao. Cách đây vài ngày, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo sẽ tiến hành trận Valencia - Atalanta ở lượt về vòng 16 đội Champions League trong sân không có khán giả. Nếu Atalanta (đội bóng thuộc vùng Lombardy, một trong những vùng phát dịch nhiều của Ý) tiến sâu ở đấu trường này, họ thực sự là cơn "ác mộng" với nhiều đại gia vì lệnh đóng cửa có thể sẽ còn kéo dài.
 
(Theo tuoitre.vn)